Một số tác nhân dẫn đến trầm cảm khi bạn già đi và giải pháp cho những vấn đề này

CÁC TÁC NHÂN DẪN ĐẾN TRẦM CẢM

Tuổi trung niên có thể khiến bạn gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe. Bạn có cảm giác như tuổi trung niên đang bủa vây và chực chờ để ‘tấn công’ bạn? Bạn không phải là người duy nhất có cảm giác như thế. Một nghiên cứu năm 2008 với dữ liệu thu thập từ 2 triệu người cho thấy chứng trầm cảm tuổi trung niên đã và đang lan rộng trên toàn cầu. Bệnh trầm cảm rất nghiêm trọng và nếu không được điều trị, nó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tác nhân: Sự quá tải

Bạn đang cảm thấy sức ép bủa vây từ nhu cầu của con cái, cha mẹ già, hôn nhân và cả từ công việc? Bạn thấy buồn, cảm giác như bản thân mình không có giá trị và cảm thấy có lỗi? Ở độ tuổi mà áp lực đến từ cả 2 phía – cha mẹ già và con thơ, phụ nữ sẽ là những người có xu hướng gánh vác nhiều hơn và kết quả là có đến một nửa trong số họ trở nên trầm cảm.

Giải pháp: Hãy chắc chắn rằng bạn cũng đang chăm sóc cho chính bản thân mình. Hãy tập thể dục, nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống lành mạnh, gặp gỡ bạn bè và nhận sự giúp đỡ – đối với các nhu cầu chăm sóc và chứng trầm cảm – nếu bạn cần.

Tác nhân: Vitamin B12 thấp

Nếu bạn cảm thấy thiếu năng lượng hoặc chán nản, cơ thể có quá ít vitamin B12 có thể là nguyên nhân của tình trạng này. Càng về già, bạn càng có nhiều nguy cơ thiếu vitamin B12 vì có thể cơ thể bạn không có đủ lượng axit dạ dày để giúp giải phóng vitamin B12 từ thức ăn.

Giải pháp: Bạn có thể đi thăm khám để được kiểm tra nồng độ vitamin B12 trong máu. Nếu chỉ số này thấp, hãy tham khảo bác sĩ để biết được chế độ ăn uống, sản phẩm bổ sung đường uống hoặc tiêm nào có thể phù hợp với bạn.

Tác nhân: Thay đổi trong ham muốn tình dục

Khi nam giới già đi, cơ thể họ sản xuất ít hơn testosterone – một hormone sinh dục quan trọng. Mức testosterone thấp có thể gây ra trầm cảm, cũng như rối loạn cương dương (erectile dysfunction – ED) – tình trạng khiến nam giới khó đạt được hoặc duy trì sự cương cứng, đồng thời cũng giảm hứng thú tình dục.

Giải pháp: Đi thăm khám để được kiểm tra nồng độ testosterone trong máu. Nếu nồng độ này thấp, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về liệu pháp thay thế hormone cũng như các giái pháp điều trị khác.

Tác nhân: Rối loạn tuyến giáp

Trầm cảm có thể là một trong những triệu chứng của tuyến giáp kém hoạt động hoặc đôi khi là hoạt động quá mức. Và khi bạn già đi, đó có thể là triệu chứng duy nhất. Hoặc nó có thể xuất hiện với triệu chứng không rõ ràng. Trong trường hợp tuyến giáp hoạt động quá mức, nó có thể đi kèm với tim đập nhanh và loạn nhịp, run hoặc mệt mỏi. Tuyến giáp hoạt động kém có thể gây táo bón hoặc mệt mỏi. Đó là lý do tại sao vấn đề có thể điều trị này thường bị nhầm lẫn với rối loạn đường ruột hoặc hệ thần kinh ở người lớn tuổi.

Giải pháp: Hãy đi thăm khám, đặc biệt nếu bạn có người thân mắc bệnh tuyến giáp.

Tác nhân: Khớp đau nhức

Sống chung với bệnh lý gây ra tình trạng đau mạn tính – chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp hoặc viêm khớp thoái hóa khớp – làm tăng khả năng bị trầm cảm. Trên thực tế, những người bị đau mạn tính có nguy cơ bị trầm cảm hoặc rối loạn lo âu cao gấp 3 lần. Và trầm cảm có thể làm cho cơn đau tồi tệ hơn.

Giải pháp: Hãy tập thể dục, thiền hoặc nghe nhạc. Một giờ nghe nhạc cổ điển mỗi ngày đã được chứng minh là giúp giảm trầm cảm và tình trạng đau do viêm khớp. Nếu chứng trầm cảm hoặc cơn đau không thuyên giảm, hãy đi thăm khám nhé.

Tác nhân: Tiền mãn kinh và mãn kinh

Sự thay đổi hormone, tình trạng bốc hỏa và những thay đổi trong cuộc sống liên quan đến tiền mãn kinh và mãn kinh có thể khiến tâm trạng của bạn giảm sút nghiêm trọng. Nếu bạn bị khó ngủ, có tiền sử trầm cảm hoặc có hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), sự thay đổi trong tâm trạng hoặc chứng trầm cảm có thể trở nên trầm trọng hơn trong giai đoạn chuyển giao này.

Giải pháp: Đối với chứng trầm cảm nhẹ, hãy thử các kỹ năng tự làm dịu bản thân như yoga hoặc hít thở sâu. Hãy làm những điều khiến tâm trạng tốt hơn, chẳng hạn như tập thể dục, giao lưu cùng bạn bè hoặc tìm một hoạt động nào đó giúp bạn tập trung và thể hiện được năng lượng, cảm xúc và suy nghĩ sáng tạo của mình. Đối với các triệu chứng trầm cảm kéo dài và nghiêm trọng hơn, thuốc kê đơn hoặc liệu pháp trò chuyện có thể hữu ích.

Tác nhân: Nhà cửa trống trải

Khi con cái quyết định ra riêng, nhà cửa trống trải có thể khiến tâm trạng của bạn trở nên trống vắng theo. Nếu bạn cũng trải qua thời kỳ mãn kinh hoặc nghỉ hưu vào cùng khoảng thời gian này, tình hình sẽ càng trở nên khó khăn hơn cho bạn.

Giải pháp: Hãy cố gắng xem điều đó như một cơ hội thông qua việc dành thời gian và tăng cường kết nối với vợ/chồng, các thành viên khác trong gia đình và bạn bè của bạn. Ngoài ra, hãy theo đuổi những sở thích và đam mê mà trước đây bạn không có thời gian để thực hiện. Hãy thật chậm rãi và cho bản thân thời gian để điều chỉnh với cuộc sống mới. Nếu tâm trạng của bạn không cải thiện sau vài tháng, hãy nói chuyện với bác sĩ nhé.

Tác nhân: Bệnh tiểu đường tuýp 2

Bạn cảm thấy chán chường với việc phải kiểm tra đường huyết thường xuyên? Mức đường huyết lên xuống thất thường khiến bạn cảm thấy mất kiểm soát? Trầm cảm là một biến chứng phổ biến và nguy hiểm của nhiều bệnh lý mạn tính, bao gồm cả bệnh tiểu đường. Trầm cảm cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn không chăm sóc tốt bản thân và kiểm soát tốt bệnh lý của mình.

Giải pháp: Hãy đi thăm khám nếu bạn bị trầm cảm hơn 2 tuần. Liệu pháp trò chuyện, thuốc và kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn có thể giúp bạn kiểm soát cả hai tình trạng này.

Tác nhân: Uống rượu

Cứ 4 người lớn tuổi nghiện rượu thì có khoảng 1 người bị trầm cảm nặng. Một số người lớn tuổi bắt đầu uống rượu nhiều hơn do các tình huống/sự kiện gây buồn bã, căng thẳng hay lo lắng, chẳng hạn như nghỉ hưu hoặc vợ/chồng qua đời. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến rượu thường bị nhầm lẫn với các vấn đề khác liên quan đến tuổi tác.

Giải pháp: Sự kết hợp của các loại thuốc có thể điều trị cả chứng nghiện rượu và trầm cảm. Liệu pháp tâm lý cá nhân hoặc liệu pháp tâm lý nhóm cũng có thể giúp giải quyết các vấn đề khiến một người tìm đến rượu để giải tỏa.

Tác nhân: Ngủ kém

Chứng mất ngủ và những sự gián đoạn giấc ngủ khác – tình trạng thường gặp khi chúng ta già đi – có liên quan mật thiết đến chứng trầm cảm. Mất ngủ có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn đang bị trầm cảm, và nếu bạn bị mất ngủ nhưng không bị trầm cảm, bạn có nguy cơ cao gặp phải những thay đổi trong tâm trạng. Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và hội chứng chân không yên cũng có liên quan đến chứng trầm cảm.

Giải pháp: Hãy nói với bác sĩ về những lý do có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ và từ đó được bác sĩ tư vấn về các giải pháp khắc phục. Hình thành thói quen ngủ tốt, chẳng hạn như duy trì giờ đi ngủ cố định vào mỗi ngày. Tập thể dục thường xuyên và xa giờ đi ngủ buổi tối, cũng như tránh những chất gây cản trở giấc ngủ như cafein, rượu hoặc nicotine. Các thuốc kê đơn cũng có thể hữu ích cho bạn.

Tác nhân: Nghỉ hưu

Nếu bạn buộc phải nghỉ hưu – vì sức khỏe kém hoặc các lý do khác – bạn rất có thể bị trầm cảm. Các yếu tố như sự bất an về tài chính hoặc thiếu hỗ trợ xã hội cũng có thể khiến việc nghỉ hưu trở thành một tác nhân gây ra trầm cảm.

Giải pháp: Những người về hưu bận rộn với các hoạt động hằng ngày có xu hướng hạnh phúc hơn. Hãy học các kỹ năng mới, tham gia các lớp học, hoặc tăng cường việc tập thể dục. Hãy trở nên linh hoạt, chẳng hạn, nếu sức khỏe của bạn khiến các hoạt động như đi du lịch trở nên khó khăn, hãy mở mang kiến thức về thế giới thông qua việc đến tham quan các viện bảo tàng và xem những bộ phim nước ngoài.

Tác nhân: Các vấn đề về tim

Là bình thường nếu một người cảm thấy chán nản sau khi được chẩn đoán mắc bệnh tim, hoặc bị nhồi máu cơ tim hay phải phẫu thuật tim. Nhưng nhiều người bị bệnh tim tiếp tục chứng trầm cảm nặng và kéo dài. Và điều đó lại có thể làm trầm trọng hơn sức khỏe tim mạch.

Giải pháp: Một chế độ ăn uống và ngủ nghỉ lành mạnh, tập thể dục nhẹ nhàng, các kỹ thuật thư giãn và tham gia một nhóm hỗ trợ có thể giúp bạn vượt qua giai đoạn buồn chán. Nếu tình trạng trầm cảm kéo dài, thuốc chống trầm cảm hoặc liệu pháp trò chuyện có thể hữu ích cho bạn.

Tác nhân: Thuốc huyết áp

Các loại thuốc bạn đang sử dụng để điều trị bệnh tăng huyết áp hoặc các vấn đề sức khỏe khác cũng có thể khiến bạn gặp phải tình trạng chán nản. Một số loại thuốc huyết áp, cũng như một số loại kháng sinh, thuốc chống loạn nhịp tim, sản phẩm điều trị mụn và steroid, cùng với những loại thuốc khác, có thể liên quan đến chứng trầm cảm hoặc những thay đổi khác trong tâm trạng.

Giải pháp: Hãy hỏi bác sĩ về bất kỳ loại thuốc mới nào bạn sử dụng có thể liên quan đến những thay đổi trong tâm trạng. Nếu đúng như vậy, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc chuyển sang loại thuốc khác.

Tác nhân: Sự cô đơn

Sự cô đơn có thể ‘kích hoạt’ trầm cảm hoặc khiến tình trạng này trở nên trầm trọng hơn. Hỗ trợ xã hội có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm bớt tình trạng trầm cảm. Một số loại hỗ trợ xã hội có thể tốt hơn những loại khác. Một nghiên cứu về những người trong cộng đồng hưu trí cho thấy những người giữ mối quan hệ với bạn bè sống ở nơi khác ít bị trầm cảm hơn. Hỗ trợ từ bên trong cộng đồng không ảnh hưởng đến tâm trạng.

Giải pháp: Duy trì kết nối với bạn bè thân thiết và các thành viên trong gia đình. Sử dụng tiến bộ công nghệ internet có thể mang đến cho bạn cơ hội gặp gỡ và trò chuyện trực tuyến với những người bạn ở xa.

Tác nhân: Rào cản sức khỏe

Bất kỳ tình trạng/bệnh lý mạn tính hoặc nghiêm trọng nào – chẳng hạn như bệnh Parkinson hoặc đột quỵ – đều có thể dẫn đến chứng trầm cảm. Đột quỵ cũng có thể ảnh hưởng đến các vùng não kiểm soát tâm trạng.

Giải pháp: Hãy thực tế nhưng luôn giữ tâm thế tích cực. Học cách đối phó với những tác động của bệnh tật, đừng để chúng cản trở việc bạn chăm sóc bản thân và luôn lạc quan, vui vẻ. Nếu bạn có các triệu chứng của tình trạng trầm cảm, đừng trì hoãn mà hãy tìm sự trợ giúp ngay nhé.

Tác nhân: Trình trạng đãng trí, nhầm lẫn

Bạn cảm thấy mình hay bị đãng trí và đầu óc thường hay mụ mị? Đó có thể là chứng trầm cảm hoặc sa sút trí tuệ – tình trạng được đánh dấu bởi suy giảm trí nhớ. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể tương tự nhau. Hoặc có thể bạn mắc cả hai tình trạng này, trầm cảm phổ biến ở những người lớn tuổi bị sa sút trí tuệ, đặc biệt là bệnh Alzheimer.

Giải pháp: Nếu bạn không biết nguyên nhân gây ra các triệu chứng mà bản thân gặp phải, hãy đi thăm khám để có thể nhận được phương pháp điều trị thích hợp trong trường hợp cần thiết.

Tác nhân: Đau buồn

Khi chúng ta già đi, việc mất đi người thân là việc phải xảy đến. Đau buồn khi mất vợ/chồng hoặc một người thân yêu khác là điều có thể hiểu được. Nhưng cảm xúc đau buồn này có thể phát triển thành bệnh trầm cảm. Các vấn đề về trí nhớ, lú lẫn và thu mình lại với xã hội có thể là những triệu chứng của bệnh trầm cảm ở người lớn tuổi. Cả tình trạng đau buồn và trầm cảm đều làm tăng nguy cơ tử vong liên quan đến tim.

Giải pháp: Hãy để bản thân bạn có cơ hội bày tỏ cảm xúc của mình với bạn bè, với nhóm hỗ trợ hoặc với chuyên gia tâm lý. Đối với bệnh trầm cảm, thuốc và liệu pháp trò chuyện có thể hữu ích.

CÁC YẾU TỐ GIÚP NÂNG CAO TÂM TRẠNG CHO MỌI LỨA TUỔI

Vật nuôi

Để giữ cho tâm trạng của bạn luôn phấn chấn, nhận được sự hỗ trợ tốt về mặt tinh thần và xã hội sẽ giúp ích cho bạn. Nhưng không phải chỉ có con người với nhau mới có thể đem đến những sự hỗ trợ tinh thần hữu ích. Các nghiên cứu cho thấy vật nuôi cũng có thể giúp con người ta bớt trầm cảm và cô đơn, cũng như tin tưởng vào giá trị của bản thân nhiều hơn và cảm thấy hạnh phúc hơn. Thú cưng cũng được xem như những người bạn và đem lại cho chúng ta những lợi ích khác. Chẳng hạn, dắt chó đi dạo là một bài tập thể dục tốt và cũng là một cách tuyệt vời để ta gặp gỡ mọi người xung quanh.

Tiếng cười

Ông bà ta thường nói: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Cười có thể làm giãn cơ, giảm căng thẳng và giảm đau. Và nghiên cứu cho thấy rằng óc hài hước có thể giúp giảm đáng kể chứng trầm cảm. Để có được những tiếng cười vui nhộn, bạn hãy tạo cho mình một ‘thư viện tiếng cười’ với những cuốn sách hoặc những bộ phim hài hước. Hoặc bạn cũng có thể tập yoga cười – bộ môn sử dụng các hoạt động vui tươi và các bài tập hít thở để mang đến tiếng cười cho bạn.

Hoạt động tình nguyện

Giúp đỡ người khác có thể giúp bạn quên đi những vấn đề của chính mình. Tham gia các hoạt động tình nguyện ở mọi lứa tuổi đều mang lại kết quả tốt, nhưng nó có thể mang lại những lợi ích đặc biệt cho người lớn tuổi. Chẳng hạn, nếu việc nghỉ hưu khiến bạn có cảm giác chơi vơi, hoạt động tình nguyện có thể mang lại cho cuộc sống của bạn một cảm giác mới, ý nghĩa mới về mục đích sống và sự hài lòng. Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng nó thậm chí còn có thể ngăn ngừa tình trạng suy nhược ở người lớn tuổi. Tìm một hoạt động nào đó theo bạn là thực sự có ý nghĩa cho xã hội, cho cộng đồng và hãy tham gia, bạn nhé!

Source: WEB MD

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu