Hội chứng chân không yên

Hội chứng chân không yên là gì?

Hội chứng chân không yên, còn gọi là hội chứng chân bồn chồn (restless legs syndrome – RLS) là một chứng rối loạn hệ thần kinh, gây ra sự thôi thúc mạnh mẽ phải cử động, di chuyển chân. Tình trạng này còn được gọi là bệnh Willis-Ekbom.

Các bác sĩ xem đây là một chứng rối loạn giấc ngủ vì nó thường xảy ra hoặc trở nên tệ hơn khi bạn đang trong trạng thái nghỉ ngơi. Bạn có thể khó ngủ hoặc khó ngồi lâu một chỗ. Tình trạng này có thể trở nên xấu đi nếu không được điều trị. Theo thời gian, tình trạng thiếu ngủ có thể gây ra nhiều vấn đề bất cập trong công việc và cuộc sống.

Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải hội chứng này, nhưng nó phổ biến hơn ở phụ nữ và những người ở độ tuổi trung niên có nhiều khả năng hơn gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng.

Đôi khi, các bác sĩ không phát hiện ra RLS, đặc biệt khi các triệu chứng nhẹ hoặc không xảy ra thường xuyên. Nhưng một khi đã được chẩn đoán, việc điều trị thường có thể ngăn chặn tình trạng này.

Triệu chứng

Những người mắc hội chứng chân không yên có cảm giác bất thường ở chân (như ngứa, cảm giác như kiến bò, co kéo, nhức, đau nhói hoặc châm chích) và có thôi thúc mạnh mẽ phải cử động, di chuyển chân để khiến cho các cảm giác ấy biến mất. Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở các vùng khác như cánh tay, ngực hoặc đầu. Thường thì những cảm giác sẽ xảy ra ở cả hai bên của cơ thể. Chúng cũng có thể chỉ xảy ra ở một bên, hoặc có thể bắt đầu ở một bên và sau đó chuyển sang bên kia.

Mức độ của các triệu chứng RLS thay đổi từ nhẹ đến không thể chịu đựng được. Các triệu chứng có thể đến và đi, và và cường độ có thể khác nhau giữa các đợt. Các triệu chứng thường tệ hơn vào buổi tối và ban đêm. Đối với một số người, các triệu chứng có thể gây gián đoạn giấc ngủ hàng đêm một cách nghiêm trọng và có thể làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của họ.

Các triệu chứng hầu như luôn biến mất vào sáng sớm, vì vậy những người mắc RLS thường có thể ngủ ngon sau đó.

Nguyên nhân

Các bác sĩ không thực sự biết điều gì gây ra hầu hết các trường hợp của hội chứng chân không yên, nhưng gen có thể đóng một vai trò nào đó. Gần một nửa số người bị RLS cũng có thành viên trong gia đình mắc hội chứng này.

RLS cũng có thể liên quan đến:

  • Các bệnh lý mãn tính. Một số tình trạng bệnh lý kéo dài có triệu chứng RLS, chẳng hạn như thiếu sắt, bệnh Parkinson, suy thận hoặc bệnh lý thận, tiểu đường và bệnh thần kinh ngoại vi.
  • Thuốc. Một số loại thuốc có thể làm cho các triệu chứng tệ hơn, bao gồm thuốc chống buồn nôn, thuốc chống loạn thần, một số loại thuốc chống trầm cảm, thuốc cảm lạnh và dị ứng có chứa thành phần kháng histamine.
  • Mang thai. Một số phụ nữ bị RLS khi mang thai, đặc biệt là trong ba tháng cuối. Các triệu chứng thường biến mất trong vòng một tháng sau khi sinh.
  • Lối sống. Tình trạng thiếu ngủ hoặc một chứng rối loạn giấc ngủ khác như ngưng thở khi ngủ có thể gây ra các triệu chứng RLS hoặc khiến chúng trở nên tệ hơn. Tương tự, việc sử dụng rượu, thuốc lá và cafein cũng có thể khiến các triệu chứng này xuất hiện.

Chẩn đoán

Không có xét nghiệm y tế nào cho RLS. Bác sĩ có thể cần nói chuyện với vợ/chồng (hoặc một người nào đó ngủ chung với bạn) về những gì họ đã nhận thấy.

Tiêu chí cơ bản để chẩn đoán RLS:

  • Sự thôi thúc mạnh mẽ phải cử động, di chuyển chân, đặc biệt kèm theo cảm giác khó chịu hoặc bất thường
  • Sự thôi thúc này bắt đầu hoặc trở nên tệ hơn khi bạn đang ở trạng thái nghỉ ngơi
  • Sự thôi thúc này biến mất – một phần hoặc toàn bộ – khi bạn di chuyển
  • Sự thôi thúc này bắt đầu hoặc trở nên tệ hơn vào buổi tối.

Bác sĩ có thể dựa trên các xét nghiệm để loại trừ các tình trạng bệnh lý khác. Thăm khám thần kinh có thể kiểm tra xem có tổn thương thần kinh hoặc các vấn đề về mạch máu hay khộng. Một kiểm tra về giấc ngủ được gọi là polysomnography có thể giúp bác sĩ biết nếu bạn mắc các chứng rối loạn giấc ngủ khác có thể gây ra RLS.

Điều trị

Bản thân hội chứng chân không yên không có cách chữa khỏi, nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát hội chứng này và từ đó giúp bạn có thể ngủ ngon vào ban đêm.

Nếu một tình trạng nào khác khiến chân bạn không yên, như thiếu sắt chẳng hạn, bác sĩ sẽ điều trị tình trạng đó.

Bản thân việc điều trị RLS nhắm vào các triệu chứng. Nếu tình trạng RLS ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, một số thay đổi nhỏ trong cuộc sống hàng ngày có thể hữu ích, chẳng hạn như tập thể dục thường xuyên, tuân theo lịch trình ngủ hợp lý (đi ngủ theo một giờ nhất định), tránh cafein, rượu và thuốc lá.

Các cách khác để điều trị RLS mà không cần dùng thuốc bao gồm:

  • Mát-xa chân
  • Tắm/ ngâm chân bằng nước nóng
  • Đặt miếng chườm nóng hoặc túi chườm đá lên chân
  • Dùng đệm rung (Relaxis)

Với một số trường hợp, việc dùng thuốc có thể đem lại hiệu quả. Nhưng cần lưu ý là một loại thuốc làm dịu các triệu chứng ở một người có thể làm cho các triệu chứng trở nên tệ hơn ở người khác, hoặc một loại thuốc có tác dụng trong một thời gian có thể không còn hiệu quả nữa.

Thuốc điều trị RLS bao gồm:

  • Thuốc dopaminergic, hoạt động trên chất dẫn truyền thần kinh dopamine trong não. FDA đã phê duyệt pramipexole (Mirapex), ropinirole (Requip) và rotigotine (Neupro) cho RLS mức độ trung bình đến nặng.
  • Benzodiazepine – loại thuốc an thần, có thể giúp ngủ ngon, nhưng có thể gây buồn ngủ vào ban ngày.
  • Thuốc giảm đau gây nghiện (chú thích: như tramadol)
  • Thuốc chống co giật hoặc chống động kinh, chẳng hạn như carbamazepine (Tegretol), gabapentin (Neurontin), gabapentinosystemcarbil (Horizant) và pregabalin (Lyrica).

Tiên lượng

Hội chứng chân không yên là một tình trạng kéo dài suốt đời và có thể trở nên xấu đi theo tuổi tác. Nhưng một số người thuyên giảm và không có triệu chứng trong nhiều ngày đến nhiều năm.

Hãy thăm khám định kỳ. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy tình trạng của mình trở nên tệ hơn, bác sĩ có thể đề nghị thay đổi lối sống hoặc dùng các thuốc khác.

Nguồn: WEB MD

Giới thiệu về STELLA

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức (WHO), và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu