Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu thấp, vì thế họ phải tìm cách để tăng lượng tiểu cầu của cơ thể.

Việc tiêu thụ một số thực phẩm nhất định có thể giúp tăng số lượng tiểu cầu trong cơ thể một cách tự nhiên.

Những thực phẩm nên ăn để tăng số lượng tiểu cầu bao gồm:

  • thực phẩm giàu folate
  • thực phẩm giàu các loại vitamin B12, C, D và K
  • thực phẩm giàu sắt.

Các chế phẩm bổ sung các chất dinh dưỡng kể trên khá phổ biến trên thị trường và có thể giúp tăng lượng tiểu cầu của cơ thể.

Việc tránh tiêu thụ một số thứ cụ thể – chẳng hạn như rượu và chất làm ngọt nhân tạo aspartame – cũng có thể giúp tăng số lượng tiểu cầu.

Những thực phẩm nên tiêu thụ

Một số vitamin và khoáng chất có thể giúp tăng lượng tiểu cầu, bao gồm:

– Thực phẩm giàu folate

Folate là một loại vitamin B cần thiết để có được các tế bào máu khỏe mạnh. Axit folic là dạng tổng hợp của folate.

Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH) Hoa Kỳ, người trưởng thành cần ít nhất 400 mcg folate mỗi ngày và với phụ nữ mang thai, nhu cầu này là 600 mcg.

Thực phẩm có chứa folate hoặc axit folic bao gồm:

  • rau lá xanh đậm, chẳng hạn như rau bina (rau chân vịt) và bắp cải Brussels
  • gan bò
  • đậu mắt đen
  • các sản phẩm từ sữa và ngũ cốc ăn sáng được tăng cường folate
  • cơm
  • men nở (yeast).

Bạn nên chú ý không tiêu thụ quá nhiều axit folic từ những sản phẩm bổ sung hoặc thực phẩm được tăng cường dưỡng chất này, lý do là vì hàm lượng cao axit folic có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vitamin B12. Tuy nhiên, việc ăn nhiều thực phẩm tự nhiên giàu folate không gây ra bất cập nào.

– Thực phẩm giàu vitamin B12

Vitamin B12 cần thiết cho sự hình thành các tế bào hồng cầu.

Nồng độ B12 trong cơ thể thấp cũng có thể góp phần khiến lượng tiểu cầu thấp.

Theo NIH, người từ 14 tuổi trở lên cần 2.4 mcg vitamin B12 mỗi ngày. Phụ nữ mang thai và cho con bú cần 2.8 mcg vitamin này.

Vitamin B12 có trong các thực phẩm nguồn gốc động vật, bao gồm:

  • thịt bò và gan bò
  • trứng
  • cá – như cá hồi, cá ngừ – và nghêu.

Các sản phẩm từ sữa cũng có chứa vitamin B12, nhưng một số nghiên cứu cho thấy rằng sữa bò có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất tiểu cầu.

Những người ăn chay và thuần chay có thể bổ sung vitamin B12 cho cơ thể từ:

  • ngũ cốc được tăng cường B12
  • các sản phẩm từ sữa thay thế được tăng cường B12, chẳng hạn như sữa hạnh nhân hoặc sữa đậu nành
  • các chế phẩm bổ sung.

– Thực phẩm giàu vitamin C

Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch. Vitamin C cũng giúp tiểu cầu hoạt động hiệu quả và tăng cường khả năng của cơ thể trong việc hấp thu sắt – một thành phần dinh dưỡng thiết yếu cho tiểu cầu khác.

Nhiều loại trái cây và rau củ quả có chứa vitamin C, bao gồm:

  • bông cải xanh
  • bắp cải Brussels
  • trái cây họ cam quýt (như cam, bưởi)
  • quả kiwi
  • ớt chuông đỏ và xanh
  • dâu tây.

Lưu ý rằng nhiệt độ có thể phá hủy vitamin C, vì vậy nếu có thể, tốt nhất bạn hãy ăn sống đối với thực phẩm giàu vitamin C.

– Thực phẩm giàu vitamin D

Vitamin D đóng góp vào hoạt động bình thường của xương, cơ, dây thần kinh và hệ miễn dịch.

Theo Hiệp hội Hỗ trợ Rối loạn Tiểu cầu (PDSA) Hoa Kỳ, vitamin D cũng đóng vai trò thiết yếu trong chức năng của các tế bào tủy xương, đây là những tế bào có vai trò sản xuất ra tiểu cầu và các tế bào máu khác.

Cơ thể có thể sản xuất vitamin D từ việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tuy nhiên, không phải ai cũng nhận được đủ lượng ánh sáng mặt trời mỗi ngày, đặc biệt là nếu họ sống ở những vùng có khí hậu lạnh hoặc các vùng phía bắc địa cầu. Người từ 19 – 70 tuổi cần 15 mcg vitamin D mỗi ngày.

Nguồn thực phẩm cung cấp vitamin D bao gồm:

  • lòng đỏ trứng
  • cá béo, chẳng hạn như cá hồi, cá ngừ và cá thu
  • dầu gan cá
  • sữa và sữa chua được tăng cường vitamin D

Những người ăn chay nghiêm ngặt và ăn thuần chay có thể nhận được vitamin D từ:

  • ngũ cốc ăn sáng được tăng cường vitamin D
  • nước cam được tăng cường vitamin D
  • các sản phẩm thay thế sữa động vật, chẳng hạn như sữa đậu nành và sữa chua đậu nành được tăng cường vitamin D
  • các chế phẩm bổ sung
  • nấm được nuôi trồng trong điều kiện tiếp xúc với tia UV (chú thích: giống như cơ thể người, nấm cũng có khả năng tổng hợp Vitamin D từ ảnh sáng mặt trời).

– Thực phẩm giàu vitamin K

Vitamin K cần thiết cho quá trình đông máu cũng như sự chắc khỏe của xương.

Theo một cuộc khảo sát không chính thức của PDSA, 26.98% những người tiêu thụ vitamin K đã báo cáo sự cải thiện về số lượng tiểu cầu và các triệu chứng chảy máu mà họ từng gặp phải.

Lượng tiêu thu cần thiết cho vitamin K đối với người từ 19 tuổi trở lên là 120 mcg cho nam giới và 90 mcg cho phụ nữ.

Thực phẩm giàu vitamin K bao gồm:

  • natto – một món đậu nành lên men
  • rau xanh, chẳng hạn như cải rổ (collard), cải turnip, rau bina và cải xoăn
  • bông cải xanh
  • đậu nành và dầu đậu nành
  • bí ngô.

– Thực phẩm giàu sắt

Sắt là thành phần dinh dưỡng cần thiết cho các tế bào hồng cầu và tiểu cầu khỏe mạnh. Nghiên cứu được thực hiện trên trẻ mới biết đi và thanh thiếu niên bị thiếu máu do thiếu sắt cho thấy rằng sắt có thể làm tăng số lượng tiểu cầu ở những người mắc tình trạng này.

Theo NIH, nam giới trên 18 tuổi và nữ giới trên 50 tuổi cần 8 mg sắt mỗi ngày, trong khi phụ nữ từ 19 – 50 tuổi cần 18 mg. Phụ nữ mang thai cần 27 mg mỗi ngày.

Thực phẩm giàu chất sắt bao gồm:

  • hàu
  • gan bò
  • ngũ cốc ăn sáng được tăng cường sắt
  • đậu trắng và đậu thận
  • sô-cô-la đen
  • đậu lăng
  • đậu phụ.

Hãy ăn các thực phẩm nguồn gốc thực vật có cung cấp sắt – chẳng hạn như các loại đậu hạt, đậu lăng và đậu phụ – cùng với những thực phẩm cung cấp vitamin C để tăng tỷ lệ hấp thu sắt. Tránh tiêu thụ thực phẩm giàu canxi và sử dụng sản phẩm bổ sung canxi cùng thời điểm với việc bổ sung sắt.

Các thực phẩm cần tránh

Một số loại thực phẩm và đồ uống nhất định có thể làm giảm số lượng tiểu cầu, bao gồm:

  • rượu
  • chất làm ngọt nhân tạo aspartame
  • nước ép nam việt quất (cranberry)
  • quinine, một thành phần trong nước tonic và soda chanh bitter lemon.

Sản phẩm bổ sung

Một số nghiên cứu báo cáo rằng một số chế phẩm bổ sung nhất định có thể làm tăng số lượng tiểu cầu, bao gồm, bao gồm:

– Chất diệp lục (chlorophyll)

Diệp lục là sắc tố xanh có trong thực vật. Sử dụng chất diệp lục có thể làm giảm bớt một số triệu chứng của tình trạng giảm tiểu cầu, tuy nhiên, nghiên cứu về hiệu quả của thành phần này còn hạn chế.

Các sản phẩm bổ sung từ tảo, chẳng hạn như tảo chlorella, rất giàu diệp lục tố. PDSA đề cập đến tảo chlorella như một sản phẩm bổ sung tiềm năng cho những người có lượng tiểu cầu thấp.

19% số người được khảo sát báo cáo số lượng tiểu cầu tăng lên và 33% báo cáo sự cải thiện các triệu chứng chảy máu sau khi sử dụng tảo chlorella.

– Chiết xuất lá đu đủ

Trong nghiên cứu trên chuột, chiết xuất lá đu đủ làm tăng đáng kể số lượng tiểu cầu và hồng cầu. Tuy nhiên, những nghiên cứu bổ sung thêm liên quan đến thành phần này là cần thiết, đặc biệt là trên đối tượng nghiên cứu là người.

– Melatonin

Melatonin là một loại hormone được cơ thể sản xuất, giúp điều hòa đồng hồ sinh học bên trong cơ thể.

Một số nghiên cứu trên động vật báo cáo mối liên hệ giữa melatonin và mức tăng tiểu cầu. Tuy nhiên, cần phải có thêm các nghiên để xác định mức độ hữu ích của hormone này đối với những người có lượng tiểu cầu thấp.

Trên thị trường, melatonin có ở dạng lỏng, viên nén hoặc dạng bào chế sử dùng tại chỗ.

Làm thế nào để biết được lượng tiểu cầu của cơ thể quá thấp

Các triệu chứng của tình trạng giảm tiểu cầu chỉ xảy ra khi mức tiểu cầu đặc biệt thấp. Mức độ giảm nhẹ thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

Khi các triệu chứng xuất hiện, chúng thường bao gồm:

  • các đốm đỏ sẫm trên da (đốm xuất huyết)
  • đau đầu sau khi bị thương nhẹ
  • dễ bầm tím
  • chảy máu tự phát hoặc quá mức
  • chảy máu miệng hoặc mũi sau khi đánh răng.

Những người gặp phải các triệu chứng như trên nên đi thăm khám ngay lập tức. Lượng tiểu cầu thấp có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị.

Tóm lại

Những người có lượng tiểu cầu thấp có thể cải thiện tình trạng của mình bằng cách tiêu thụ một số loại thực phẩm nhất định cũng như sử dụng các chế phẩm bổ sung. Việc tránh uống rượu, tránh sử dụng aspartame và một số thực phẩm khác có khả năng làm giảm lượng tiểu cầu cũng đem lại hiệu quả trên các đối tượng kể trên.

Tuy nhiên, hãy luôn nhớ tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước, bởi vì chỉ riêng việc thay đổi trong chế độ ăn uống có thể sẽ không đủ để khôi phục số lượng tiểu cầu bình thường.

Nguồn: Medical News Todays

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

27 10/2022

Thực phẩm có thể được xem như thuốc? Ưu và nhược điểm của cách tiếp cận này

“Thực phẩm như thuốc” (Food as medicine) có thể là một khái niệm mới nổi tại các nước phương Tây nhưng thực ra đã tồn tại trong nhiều thế kỷ với vai trò là nền tảng sức khỏe của nhiều nền văn hóa trên toàn cầu. Tuy nhiên, người ta đã đặt câu hỏi về