Tiền tiểu đường: 7 điều cần thực hiện ngay

Thế nào là tiền tiểu đường?

Tiền tiểu đường là một tình trạng sức khỏe đáng lo ngại với lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để được chẩn đoán là bệnh tiểu đường tuýp 2. Tại Hoa kỳ, khoảng hơn 1/3 người trưởng thành mắc tiền tiểu đường nhưng có đến hơn 80% trong số đó không biết mình mắc tình trạng này. Tiền tiểu đường khiến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim và đột quỵ tăng lên.

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng tiền tiểu đường?

Insulin là một loại hormone được tạo ra bởi tuyến tụy, hoạt động giống như một chiếc ‘chìa khóa’ để đưa đường trong máu đi vào các tế bào và tại đó, đường được sử dụng để tạo năng lượng. Nếu một người bị tiền tiểu đường, các tế bào trong cơ thể người đó sẽ không đáp ứng với insulin như bình thường. Vì thế, tuyến tụy tạo ra nhiều insulin hơn trong nỗ lực làm cho các tế bào tăng đáp ứng. Cuối cùng, tuyến tụy không thể tiếp tục với khối lượng công việc quá tải, từ đó lượng đường trong máu tăng lên, tạo tiền đề cho tình trạng tiền tiểu đường và có thể là sự xuất hiện của bệnh tiểu đường tuýp 2 trong tương lai.

Các dấu hiệu và triệu chứng

Bạn có thể bị tình trạng tiền tiểu đường trong nhiều năm nhưng không có triệu chứng rõ ràng, thế nên tình trạng này thường không được phát hiện cho đến khi các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng – như bệnh tiểu đường tuýp 2 – xuất hiện. Một điều vô cùng quan trọng là bạn cần đi thăm khám và tham khảo ý kiến bác sĩ về việc kiểm tra chỉ số đường huyết nếu bạn có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào của tiền tiểu đường, bao gồm:

  • Thừa cân
  • Từ 45 tuổi trở lên
  • Có cha mẹ hoặc anh chị em ruột mắc bệnh tiểu đường loại 2
  • Hoạt động thể chất ít hơn 3 lần một tuần
  • Từng bị tiểu đường thai kỳ (tiểu đường trong quá trình mang thai) hoặc sinh con nặng hơn 4kg
  • Bị hội chứng buồng trứng đa nang.

Điều cần làm để ngăn tình trạng tiền tiểu đường trở thành bệnh tiểu đường

Được chẩn đoán mắc tiền tiểu đường là một cảnh báo nghiêm túc dành cho bạn. Tuy nhiên, mắc tiền tiểu đường không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ tiến triển thành bệnh nhân tiểu đường trong tương lai. Tin tốt dành cho bạn là vẫn còn thời gian để bạn kịp xoay chuyển tình thế.

Bác sĩ Gregg Gerety – Trưởng khoa nội tiết tại Bệnh viện St. Peter’s (Albany, N.Y.) – cho biết: “Bạn có cơ hội để bắt đầu thay đổi lối sống hoặc phương pháp điều trị, cũng như có khả năng làm chậm sự tiến triển của bệnh tiểu đường hoặc thậm chí ngăn ngừa bệnh tiểu đường”.

Việc thực hiện 7 thay đổi trong thói quen hàng ngày của bạn – như được trình bày dưới đây – sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi ích trong việc kiểm soát tình trạng tiền tiểu đường.

1. Vận động nhiều hơn

Trở nên năng động hơn là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Theo Chuyên gia dinh dưỡng Patti Geil – tác giả của cuốn sách ‘What Do I Eat Now?‘, nếu đã lâu bạn chưa tập thể dục, hãy bắt đầu từ việc tạo ra nhiều hoạt động hơn trong thói quen của bạn – bằng cách đi cầu thang bộ hoặc tranh thủ thực hiện các động tác kéo giãn cơ thể trong lúc TV đang phát các quảng cáo.

Geil cho biết: “Hoạt động thể chất là phần thiết yếu của kế hoạch điều trị tình trạng tiền tiểu đường vì vận động giúp giảm đường huyết cũng như giảm mỡ cơ thể“.

Tốt nhất, bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về kế hoạch tập thể dục mà bạn dự định thực hiện và hỏi xem bạn có gặp phải bất kỳ hạn chế nào cho việc luyện tập không.

2. Giảm cân

Nếu bạn hiện đang thừa cân, để tạo ra sự khác biệt trong chỉ số đường huyết nói riêng và sức khỏe nói chung, có thể bạn không cần phải giảm cân nhiều như mức bạn nghĩ.

Trong một nghiên cứu, những người mắc tiền tiểu đường khi giảm 5 – 7% trọng lượng cơ thể là đã có thể giảm 58% khả năng mắc bệnh tiểu đường.

3. Đi thăm khám thường xuyên hơn

Bác sĩ Gerety khuyên bạn nên đi thăm khám mỗi 3 – 6 tháng.

Nếu bạn đang kiểm soát tốt tình hình, bạn sẽ nhận được những động viên và củng cố tích cực từ bác sĩ. Nếu tình trạng của bạn có những tiến triển không tốt, bác sĩ có thể đưa ra những giải pháp để giúp bạn trở lại đúng hướng.

Bác sĩ Gerety cho biết: “Bệnh nhân thường thích có được bằng chứng rõ ràng về sự thành công hay thất bại trong việc kiểm soát tình trạng sức khỏe của họ”.

4. Cải thiện việc ăn uống

  • Hãy tiêu thụ nhiều rau củ quả, đặc biệt là những loại chứa ít tinh bột như rau bina và các loại rau lá xanh khác, bông cải xanh, cà rốt và đậu xanh. Hãy đặt mục tiêu ăn ít nhất 3 phần (serving) rau củ quả mỗi ngày.
  • Bổ sung thêm nhiều thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn trong ngày.
  • Tiêu thụ trái cây ở mức độ vừa phải, từ 1 – 3 phần (serving) mỗi ngày.
  • Chọn ngũ cốc nguyên hạt thay vì ngũ cốc đã qua chế biến, chẳng hạn chọn gạo nguyên cám thay cho gạo trắng.

Ngoài ra, hãy thay thể những thức ăn có hàm lượng calo cao bằng các loại ít calo hơn. Geil nói: “Hãy uống sữa tách béo thay vì sữa nguyên chất, nước ngọt ăn kiêng thay vì nước ngọt thông thường. Với pho-mai, sữa chua và nước xốt salad, hãy chọn những loại ít béo hơn.”

Theo Geil, thay vì ăn vặt với khoai tây chiên và các món tráng miệng nhiều chất béo và chứa lượng lớn calo, hãy chọn trái cây tươi hoặc các loại bánh làm từ lúa mì nguyên cám ăn cùng bơ đậu phộng hoặc phô-mai ít béo.

5. Ưu tiên giấc ngủ

Theo Theresa Garnero – tác giả cuốn sách ‘Your First Year With Diabetes‘, tình trạng không ngủ đủ giấc thường xuyên sẽ khiến việc giảm cân trở nên khó khăn hơn.

Tình trạng thiếu ngủ cũng khiến cơ thể bạn khó sử dụng insulin một cách hiệu quả và có thể làm cho bệnh tiểu đường tuýp 2 dễ xuất hiện hơn.

Hãy thiết lập thói quen ngủ tốt:

  • Đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày
  • Thư giãn trước khi đi ngủ
  • Không xem TV, sử dụng máy tính hoặc điện thoại vào giờ đi ngủ
  • Tránh dùng cafein từ sau bữa ăn trưa nếu bạn khó ngủ.

6. Nhận sự hỗ trợ từ mọi người

Theo Bác sĩ Ronald T. Ackermann – Phó giáo sư y khoa tại Trường Đại học Y Indiana (Hoa Kỳ), việc giảm cân, áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu bạn có được ai đó giúp đỡ, giữ cho bạn luôn có trách nhiệm với việc bạn đang thực hiện và cổ vũ bạn.

Hãy cân nhắc việc tham gia vào một đội nhóm nào đó – nơi bạn có thể theo đuổi một lối sống giúp mình khỏe mạnh hơn cùng với sự đồng hành của những người có cùng mục tiêu với bạn.

Bác sĩ hoặc những chuyên gia có kiến thức về bệnh tiểu đường có thể giúp bạn tìm hiểu thêm về những điều bạn cần làm để ngăn chặn tình trạng tiền tiểu đường tiến triển thành bệnh tiểu đường.

7. Chọn lựa và cam kết

Có tư duy và suy nghĩ đúng đắn là điều mang lại lợi ích đáng kể cho bạn.

Cần ý thức rằng bạn sẽ không thể làm mọi việc một cách hoàn hảo mỗi ngày nhưng hãy cam kết sẽ làm chúng tốt nhất có thể.

Garnero nói: “Hãy để tâm lựa chọn các hoạt động hàng ngày phù hợp và nhất quán vì lợi ích tốt nhất của sức khỏe. Hãy nói với chính mình, ‘Tôi sẽ cố gắng hết sức. Tôi sẽ đạt được những thay đổi nhỏ theo thời gian”.

Những thay đổi ấy sẽ hợp lại tạo nên lợi ích đáng kể mà bạn nhận được.

Nguồn: Centers for Disease Control and Prevention (The U.S. CDC), Web MD

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu