Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường thai kỳ (gestational diabetes) là tình trạng lượng đường trong máu tăng cao trong giai đoạn mang thai. Tình trạng này ảnh hưởng đến 10% phụ nữ mang thai ở Hoa Kỳ mỗi năm. Nó ảnh hưởng đến những phụ nữ mang thai chưa từng được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường.

Có 2 loại tiểu đường thai kỳ: nhóm A1 – có thể kiểm soát tình trạng này thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục; nhóm A2 – cần phải dùng insulin hoặc các loại thuốc khác.

Tình trạng tiểu đường thai kỳ sẽ mất đi sau khi người phụ nữ sinh con. Nhưng nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa trẻ và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sau này ở người mẹ.

Các triệu chứng của tiểu đường thai kỳ

Những người mắc tiểu đường thai kỳ thường không có triệu chứng hoặc có thể quy những dấu hiệu nhận thấy cho quá trình mang thai. Hầu hết họ phát hiện ra mình bị tiểu đường thai kỳ thông qua việc kiểm tra định kỳ.

Một người có thể nhận thấy rằng mình:

  • khát hơn bình thường
  • đói hơn và ăn nhiều hơn bình thường
  • đi tiểu nhiều hơn bình thường.

Nguyên nhân gây ra tiểu đường thai kỳ

Khi chúng ta ăn, tuyến tụy sẽ tiết ra insulin – một loại hormone giúp vận chuyển đường (glucose) từ máu đến các tế bào, các tế bào sẽ sử dụng đường đó để tạo năng lượng.

Trong quá trình mang thai, nhau thai sẽ tạo ra các hormone gây tích tụ glucose trong máu. Thông thường, tuyến tụy có thể tiết ra đủ insulin để xử lý vấn đề này. Nhưng nếu vì lý do nào đó cơ thể không thể tạo đủ insulin hoặc không sử dụng insulin như bình thường, lượng đường trong máu sẽ tăng lên và một người sẽ gặp tình trạng tiểu đường thai kỳ.

Các yếu tố nguy cơ của tiểu đường thai kỳ

Một người sẽ có nhiều khả năng mắc tiểu đường thai kỳ nếu:

  • có tình trạng thừa cân trước khi mang thai
  • là người Mỹ gốc Phi, người gốc Á, gốc Tây Ban Nha, thổ dân Alaska, người đảo Thái Bình Dương, hoặc người Mỹ bản địa
  • có lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường nhưng không đủ cao để trở thành bệnh tiểu đường (được gọi là tiền tiểu đường – prediabetes)
  • có thành viên trong gia đình mắc bệnh tiểu đường
  • đã từng bị tiểu đường thai kỳ trước đây
  • mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc một tình trạng sức khỏe khác liên quan đến các vấn đề về insulin
  • bị cao huyết áp cao, cao cholesterol, bệnh tim hoặc các biến chứng khác
  • từng sinh con lớn (nặng hơn 4 kg)
  • từng bị sẩy thai
  • từng bị thai chết lưu hoặc sinh con có một số dị tật bẩm sinh
  • trên 25 tuổi.

Các xét nghiệm và việc chẩn đoán tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ thường xảy ra vào nửa sau của thai kỳ. Bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng này từ tuần 24 – 28, hoặc sớm hơn nếu một người có nguy cơ cao.

Bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose: một người sẽ uống 50g glucose, điều này sẽ làm tăng lượng đường huyết. Một giờ sau, người đó sẽ thực hiện xét nghiệm đường huyết để xem cơ thể họ xử lý tất cả lượng đường đó như thế nào. Nếu kết quả cho thấy lượng đường trong máu cao hơn một mức nhất định, người đó sẽ cần làm xét nghiệm dung nạp đường sau 3 giờ, nghĩa là họ sẽ được kiểm tra đường huyết 3 giờ sau khi uống 100g đường. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra bằng cách cho một người nhịn ăn trong 12 giờ, sau đó cho họ uống 75g glucose và xét nghiệm đường huyết sau 2 giờ.

Nếu một người có nguy cơ cao nhưng xét nghiệm cho kết quả bình thường, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra lại một lần nữa trong thai kỳ để đảm bảo rằng người đó không mắc tình trạng tiểu đường thai kỳ.

Điều trị tiểu đường thai kỳ

Nếu một người bị tiểu đường thai kỳ, người đó sẽ cần được điều trị càng sớm càng tốt để giữ cho bản thân và thai nhi khỏe mạnh trong suốt quá trình mang thai và sinh nở. Bác sĩ sẽ yêu cầu họ:

  • kiểm tra đường huyết 4 lần/ ngày hoặc nhiều hơn
  • kiểm tra nước tiểu để tìm ketone – thành phần hóa học cho thấy bệnh tiểu đường không được kiểm soát
  • áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh
  • hình thành thói quen tập thể dục

Bác sĩ sẽ theo dõi cân nặng của thai phụ và sự phát triển của thai nhi. Họ có thể chỉ định insulin hoặc một loại thuốc khác để kiểm soát lượng đường trong máu của thai phụ.

Mức đường huyết mục tiêu cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến nghị những mức đường huyết mục tiêu sau đây cho phụ nữ mang thai:

  • Trước bữa ăn: ≤ 95 mg/dL
  • 1 giờ sau khi ăn: ≤ 140 mg/dL.
  • 2 giờ sau khi ăn: ≤ 120 mg/dL.

Chế độ ăn uống và luyện tập cho tình trạng tiểu đường thai kỳ

Hãy thực hiện các cách đơn giản sau để luôn khỏe mạnh:

1. Áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh, ít đường. Hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo rằng bạn đang cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Thực hiện theo chế độ ăn dành cho người bệnh tiểu đường:

  • Thay những đồ ăn nhẹ có đường như bánh quy, kẹo và kem bằng đường tự nhiên như trái cây, cà rốt và nho khô. Thêm rau củ và ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời chú ý đến khẩu phần ăn của bạn.
  • Mỗi ngày ăn 3 bữa nhỏ cùng với 2 hoặc 3 bữa ăn nhẹ vào cùng một khoảng thời gian.
  • Nhận 40% lượng calo hàng ngày từ carb và 20% từ protein. 50% carb phải là carb phức tạp, nhiều chất xơ, với chất béo từ 25 – 30%.
  • Đảm bảo cung cấp đủ 20 – 35g chất xơ mỗi ngày. Thực phẩm như bánh mì, ngũ cốc và mì ống nguyên hạt, gạo lứt hoặc gạo hoang, yến mạch, rau củ và trái cây sẽ giúp đạt được điều đó.
  • Hạn chế tổng lượng chất béo xuống dưới 40% lượng calo hàng ngày. Chất béo bão hòa nên ít hơn 10% tổng số chất béo tiêu thụ.
  • Ăn đa dạng các loại thực phẩm để đảm bảo cung cấp đủ vitamin và khoáng chất. Bạn có thể cần uống thêm sản phẩm bổ sung để đảm bảo nhu cầu cần thiết, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung này.

2. Tập thể dục trong suốt thai kỳ. Bạn có thể tập thể dục khi bị tình trạng tiểu đường thai kỳ, miễn là bác sĩ cho phép. Vận động là một cách tốt để giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Giữ vóc dáng cân đối, gọn gàng khi mang thai cũng tốt cho tư thế của bạn và có thể hạn chế một số vấn đề thông thường như đau lưng và mệt mỏi.

  • Hãy vận động càng sớm càng tốt. Đảm bảo 30 phút vận động vừa phải hầu hết các ngày trong tuần. Chạy bộ nhẹ nhàng, đi bộ, bơi lội và đi xe đạp là những lựa chọn tốt.
  • Bạn đã từng tập luyện trước khi biết mình có thai? Bạn có một hoạt động vận động mà mình yêu thích? Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để xem liệu bạn có thể duy trì hoạt động ấy hay nên thực hiện một số thay đổi hoặc nếu tốt hơn nên chuyển sang một hoạt động luyện tập khác hay không.
  • Tập thể dục có thể làm giảm lượng đường trong máu. Vì vậy, khi bạn tập thể dục, hãy luôn mang theo bên mình những loại đường hấp thu nhanh, chẳng hạn như viên đường hoặc kẹo cứng.

Được chăm sóc thai kỳ đúng cách: Bác sĩ không chỉ sàng lọc tình trạng tiểu đường thai kỳ, họ còn có thể đưa ra lời khuyên về thực phẩm, các hoạt động vận động và về việc giảm cân. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể hướng dẫn bạn đến gặp các chuyên gia sức khỏe khác, chẳng hạn như chuyên gia dinh dưỡng, để có thể hỗ trợ bạn tốt nhất.

Nếu bạn bị ốm nghén, hãy ăn những món ăn nhẹ. Nhấm nháp bánh quy hoặc ngũ cốc trước khi ra khỏi giường. Trong ngày, hãy thường xuyên ăn thành nhiều bữa nhỏ và tránh đồ ăn béo, chiên xào và nhiều dầu mỡ.

Nếu bạn đang dùng insulin, hãy đảm bảo rằng bạn có thể sẵn sàng phó với trường hợp lượng đường huyết thấp. Việc nôn mửa có thể làm cho mức đường huyết của bạn giảm xuống. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn không chắc chắn về những gì cần làm.

Phòng tránh tiểu đường thai kỳ

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ trước khi bạn mang thai bằng cách:

  • Áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh
  • Duy trì việc vận động
  • Giảm cân nặng dư thừa.

Tiểu đường thai kỳ có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Em bé có thể sẽ khỏe mạnh, nếu bạn và bác sĩ kiểm soát được lượng đường huyết khi bạn bị tiểu đường thai kỳ.

Ngay sau khi bạn sinh con, bác sĩ sẽ kiểm tra lượng đường trong máu của em bé. Nếu đường huyết ở mức thấp, đứa trẻ có thể cần phải nhận được glucose qua đường tiêm tĩnh mạch cho đến khi chỉ số này trở lại bình thường.

Tiểu đường thai kỳ làm tăng khả năng bạn sinh con lớn hơn bình thường. Nó cũng liên quan đến tình trạng vàng da. Tình trạng vàng da này thường mất đi nhanh chóng khi điều trị.

Mặc dù sau này con của bạn sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 hơn so với những đứa trẻ khác, một lối sống lành mạnh (bao gồm chế độ ăn uống tốt kết hợp với nhiều hoạt động thể chất) có thể giảm nguy cơ này.

Tôi có mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 không?

Bởi vì bạn bị tiểu đường thai kỳ, bạn có nhiều khả năng mắc tiểu đường tuýp 2 hơn. Nhưng không nhất định là điều đó luôn xảy ra, đồng thời bạn có thể hành động để ngăn chặn nó.

Lượng đường huyết của bạn có thể sẽ trở lại bình thường khoảng 6 tuần sau khi sinh con. Sau đó, bạn nên làm các xét nghiệm theo dõi 3 năm một lần.

Để giảm nguy cơ, bạn cần:

  • cố gắng giữ cân nặng ở mức phù hợp
  • áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và protein nạc.
  • hình thành thói quen tập thể dục.

Nếu bạn có kế hoạch sinh thêm con, hãy nhớ rằng bạn có nhiều khả năng bị tiểu đường thai kỳ một lần nữa. Hỏi ý kiến bác sĩ liệu có bất kỳ thay đổi lối sống nào có thể giúp bạn tránh điều đó.

Nguồn: Web MD

Giới thiệu về STELLA

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức (WHO), và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu