Suy tim – 5 dấu hiệu cảnh báo

Có một sự thật không may là cơ thể bạn thường chậm lại vào tuổi lục tuần hoặc thất tuần. Việc leo cầu thang mà bạn đã từng có thể thực hiện hai vòng một lúc bây giờ lại khiến bạn cảm thấy khó khăn như thể leo lên đỉnh Everest vậy. Mặc dù việc mất đi phần nào sinh lực và sức khỏe có thể là do tiến trình lão hóa tự nhiên, nhưng tình trạng mệt mỏi và khó thở cũng có thể là những dấu hiệu cho thấy tim của bạn không hoạt động tốt như bình thường. Bác sĩ Mandeep R. Mehra – Giám đốc y khoa tại Trung tâm Tim mạch tại Bệnh viện Brigham and Women’s Hospital (trực thuộc Harvard) – cho biết: “Có một khuynh hướng chung là mọi người thường bỏ qua các triệu chứng suy tim và cho rằng chúng chỉ là những dấu hiệu của tuổi già. Vì vậy, điều vô cùng quan trọng đối với chúng tôi là tạo ra một cách dễ dàng để xác định các triệu chứng đó”.

Tổng quan

Suy tim – đôi khi được gọi là suy tim sung huyết (congestive heart failure) – xảy ra khi cơ tim không thể bơm máu tốt như bình thường. Khi tình trạng này xảy ra, máu thường chảy ngược lại và dịch lỏng có thể tích tụ trong phổi, gây ra tình trạng khó thở.

Một số tình trạng/lệnh lý tim mạch nhất định – chẳng hạn như hẹp mạch vành, huyết áp cao lâu ngày hoặc nhồi máu cơ tim – dần dần có thể khiến tim trở nên quá yếu hoặc quá cứng để có thể chứa máu và bơm máu đúng cách. Bên cạnh đó, van tim gặp phải trục trặc hoặc bệnh lý di truyền cũng có thể là nguyên nhân. Bất kể nguyên nhân là gì, tim bị suy sẽ không còn có thể thực hiện chức năng bơm đủ tốt để đáp ứng nhu cầu của cơ thể đối với máu mang oxy.

Suy tim có thể là trình trạng tiếp diễn (mạn tính) hoặc khởi phát đột ngột (cấp tính).

Việc điều trị phù hợp có thể cải thiện các dấu hiệu và triệu chứng của suy tim và giúp người bệnh sống lâu hơn. Thay đổi lối sống – chẳng hạn như giảm cân, tập thể dục, cắt giảm muối (natri) trong chế độ ăn và kiểm soát căng thẳng – phần nào cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tuy nhiên, tình trạng suy tim có thể đe dọa tính mạng. Những người bị suy tim có khả năng có các triệu chứng nghiêm trọng và một số cần phải ghép tim hoặc nhờ đến thiết bị hỗ trợ tâm thất (VAD).

Một cách để ngăn ngừa suy tim là ngăn ngừa và kiểm soát các tình trạng/bệnh lý có thể dẫn đến suy tim, chẳng hạn như bệnh mạch vành, huyết áp cao, tiểu đường và béo phì.

Triệu chứng

Để giúp cả bác sĩ và bệnh nhân nhanh chóng phát hiện ra sự kết hợp có thể có của các triệu chứng suy tim, Hiệp hội Suy tim Hoa Kỳ đã phát triển một nhóm tiêu chí tiện lợi về triệu chứng có tên gọi viết tắt là FACES.

  • F = Fatigue: Mệt mỏi. Khi tim không thể bơm đủ lượng máu mang oxy để đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể, cảm giác mệt mỏi thường xuất hiện.
  • A = Activity limitation: Các hoạt động bị giới hạn. Những người bị suy tim thường không thể thực hiện được các hoạt động bình thường vì cơ thể họ dễ trở nên mệt mỏi và khó thở.
  • C = Congestion: Sự tắc nghẽn. Chất lỏng tích tụ trong phổi có thể dẫn đến ho, thở khò khè và khó thở.
  • E = Edema or ankle swelling: Phù hoặc sưng mắt cá chân. Khi lực bơm máu của tim không đủ để khiến máu từ chân quay trở lại tim, chất lỏng có thể tích tụ ở mắt cá chân, cẳng chân, đùi và cả ở bụng. Chất lỏng dư thừa tích tụ cũng có thể gây tăng cân nhanh chóng.
  • S = Shortness of breath: Khó thở. Chất lỏng tích tụ trong phổi khiến cho khí cacbonic trong máu – sau khi đã đến nuôi các cơ quan, bộ phận – khó thực hiện việc trao đổi để có được oxy, từ đó dẫn đến tình trạng khó thở. Bạn cũng có thể khó thở hơn khi nằm xuống vì lúc này lượng dịch tích tụ trong phổi sẽ tăng lên.

Theo Bác sĩ Mehra, 5 dấu hiệu cảnh báo này không khẳng định chẩn đoán suy tim, nhưng chúng báo hiệu cho bạn biết về những nguy cơ bạn có thể gặp phải và từ đó đi thăm khám sớm để nhận được lời khuyên của chuyên gia y tế.

Các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều
  • Buồn nôn và chán ăn
  • Khó tập trung hoặc giảm tỉnh táo
  • Đau ngực nếu suy tim do nhồi máu cơ tim gây ra.

Kiểm tra chẩn đoán

Bên cạnh khám sức khỏe, bác sĩ dựa trên hai công cụ quan trọng để phát hiện sự hiện diện của tình trạng suy tim. Đầu tiên là siêu âm tim (echocardiogram), đây là một kiểm tra đơn giản, không xâm lấn, sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh của tim khi tim đập. Nếu kết quả siêu âm cho thấy tỷ lệ máu rời khỏi tim – khi tâm thất trái co bóp – thấp hơn bình thường, rất có thể cơ tim bị tổn thương. Các phát hiện khác chỉ ra tình trạng suy tim bao gồm thành tim dày và phồng bất thường, cũng như van tim bị trục trặc.

Bước tiếp theo để xác định tình trạng suy tim khởi phát sớm là kiểm tra sự hiện diện của các chỉ dấu sinh học trong máu – chẳng hạn như peptide lợi niệu natri tuýp B – được giải phóng khi tim phải chịu áp lực. Bác sĩ Mehra nói: “Tôi gọi những hợp chất này là ‘nước mắt từ trái tim’ vì chúng cho thấy tim đang ‘kêu cứu’.” Sau khi chẩn đoán ban đầu được xác nhận, có thể cần thêm các xét nghiệm và kiểm tra khác để tìm ra nguyên nhân gây ra rối loạn chức năng tim và xác định phương pháp điều trị tốt nhất.

Khi nào nên đi thăm khám

Hãy đi thăm khám nếu bạn nghĩ rằng có khả năng mình đang có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của suy tim. Gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn gặp phải bất kỳ trường hợp nào sau đây:

  • Đau ngực dữ dội
  • Ngất xỉu hoặc suy nhược nghiêm trọng
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều kèm theo khó thở, đau ngực hoặc ngất xỉu
  • Khó thở dữ dội, đột ngột và ho ra chất nhầy có bọt màu trắng hoặc hồng.

Những dấu hiệu và triệu chứng này có thể là do suy tim nhưng cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác, bao gồm các tình trạng tim và phổi đe dọa tính mạng. Đừng cố gắng tự chẩn đoán.

Các bác sĩ cấp cứu sẽ cố gắng ổn định tình trạng của bạn và xác định xem các triệu chứng mà bạn gặp phải là do suy tim hay do bệnh lý nào khác.

Nếu bạn được chẩn đoán mắc suy tim và nếu bất kỳ triệu chứng nào đột nhiên trở nên nghiêm trọng hơn hoặc bạn gặp phải một dấu hiệu hoặc triệu chứng mới, điều đó có khả năng tình trạng suy tim đang tiến triển xấu đi hoặc không đáp ứng với điều trị. Điều đó cũng có thể đúng nếu bạn tăng từ 2.3 kg trở lên trong vòng chỉ vài ngày. Hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.

Những loại thuốc cần tránh khi bạn bị suy tim

Những người bị suy tim thường sử dụng nhiều loại thuốc. Tuy nhiên, một số loại thường được sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và sản phẩm bổ sung, có thể có tương tác nguy hiểm, làm tăng nặng các triệu chứng suy tim. Để an toàn, hãy đảm bảo bác sĩ biết đầy đủ về tất cả các loại thuốc bạn hiện sử dụng. Các thuốc cụ thể cần chú ý bao gồm:

  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Nhóm thuốc giảm đau được sử dụng rộng rãi này, chẳng hạn như ibuprofen, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng suy tim do chúng khiến cơ thể tăng giữ natri và chất lỏng.
  • Thuốc điều trị chứng ợ nóng và cảm lạnh. Những thuốc không kê đơn để hỗ trợ trong những trường hợp này thường chứa một lượng natri cao, từ đó có thể gây ra tình trạng quá tải chất lỏng.
  • Các liệu pháp thảo dược. Nhiều sản phẩm bổ sung nguồn gốc tự nhiên có chứa các thành phần thảo dược như ma hoàng, ban âu (St. John’s wort), nhân sâm, táo gai, mao lương (black cohosh) và trà xanh. Tất cả các thảo dược này có thể có những tương tác có hại với một số loại thuốc điều trị bệnh tim thường dùng.

Nguồn: Harvard Health Publishing (Harvard Medical School). Mayo Clinic

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu