Omega-3: Những điều thành phần này có thể và không thể làm cho sức khỏe

Các axit béo omega-3 được ca ngợi vì nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau, bao gồm giảm viêm, tốt cho tim mạch và hỗ trợ sức khỏe não bộ. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số tranh cãi về hiệu quả và lợi ích của chúng đối với sức khỏe con người. Trong bài viết này, các tác giả giải thích thế nào là axit béo omega-3 và khám phá các bằng chứng khoa học mới nhất để làm rõ những gì thành phần này có thể và không thể mang lại cho sức khỏe.

Axit béo omega-3 là một loại chất béo không bão hòa đa (polyunsaturated fat) – còn được gọi là ‘chất béo lành mạnh’ – được ca ngợi vì cung cấp vai trò bảo vệ tiềm năng trong một số bệnh lý mạn tính, chẳng hạn như bệnh tim mạch và chứng sa sút trí tuệ.

Nó là một trong những thành phần quan trọng tạo nên màng tế bào và là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng khoa học.

Nhóm các axit béo omega-3 bao gồm:

  • axit alpha-linolenic (ALA)
  • axit stearidonic (SDA)
  • axit eicosapentaenoic (EPA)
  • axit docosapentaenoic (DPA)
  • axit docosahexaenoic (DHA).

DHA và EPA là các chất béo không bão hòa đa chính trong màng tế bào não và đã được phổ biến hóa cũng như tiếp thị thành công dưới dạng thực phẩm chức năng.

Axit béo omega-3 rất cần thiết cho cơ thể, cơ thể chúng ta không có khả năng tự tạo ra chúng – các axit béo hoặc tiền chất của chúng phải được cung cấp thông qua chế độ ăn.

Chẳng hạn, ALA từ các loại hạt có nguồn gốc thực vật có thể được biến đổi trong cơ thể thành tất cả các loại chất béo omega-3 khác: EPA, SDA, DHA, DPA.

Tuy nhiên, quá trình biến đổi này thường kém hiệu quả, với tỷ lệ dưới 3% ALA được biến đổi thành DHA hoặc EPA ở nam và dưới 10% ở nữ – do đó cần đảm bảo lượng DHA và EPA đầy đủ thông qua chế độ ăn uống.

OMEGA-3 TRONG CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG

Các axit béo omega-3 DHA, EPA và DPA được tổng hợp bởi các sinh vật biển như tảo và thực vật phù du.

Khi các sinh vật biển kể trên được tiêu thụ bởi cá, động vật có vú sống dưới nước và động vật giáp xác, các axit béo đi vào chuỗi thức ăn và được lưu trữ trong mỡ, gan và ruột già của các loài động vật biển này. Sau đó chúng được con người tiêu thụ.

Nguồn thực phẩm cung cấp DHA, EPA và DPA bao gồm:

  • các loại cá béo, chẳng hạn như cá hồi, cá mòi, cá thu, cá mòi dầu, hoặc cá trích
  • gan của các loại cá trắng, nạc, chẳng hạn như cá bơn hoặc cá tuyết
  • lớp mỡ dày dưới da từ các loại như hải cẩu hoặc cá voi
  • dầu cá từ thịt cá tuyết, cá ngừ, cá tuyết chấm đen, cá bơn, hoặc dầu nhuyễn thể, giáp xác (krill oil).

Trong khi đó, ALA tập trung ở các nguồn thực phẩm thực vật và là axit béo omega-3 thường xuyên nhất được cơ thể sử dụng để tạo ra tất cả các loại axit béo omega-3 khác.

Các nguồn cung cấp ALA bao gồm các loại hạt và quả hạch (như hạt lanh, hạt chia và quả óc chó), cũng như các loại dầu, chẳng hạn như dầu hạt echium, dầu hạt cải và dầu đậu nành.

Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH) Hoa Kỳ, hầu hết người trưởng thành ở Hoa Kỳ tiêu thụ lượng omega-3 được khuyến nghị là 1.1 g đối với phụ nữ và 1.6 g đối với nam giới – dưới dạng ALA.

Tuy nhiên, do quá trình chuyển đổi ALA thành DHA và EPA kém, chế độ ăn uống kết hợp nhiều thực phẩm giàu ALA, EPA và DHA được khuyến nghị.

Hơn nữa, vô số các sản phẩm bổ sung omega-3 DHA và EPA có sẵn trên thị trường và đóng góp đáng kể vào lượng omega-3 tiêu thụ hàng ngày. Dầu cá là sản phẩm bổ sung omega-3 phổ biến nhất được sử dụng bởi cả người lớn và trẻ em.

CHẤT BÉO OMEGA-3: NHỮNG GÌ MÀ THÀNH PHẦN NÀY CÓ THỂ LÀM CHO SỨC KHỎE

Nhiều thập kỷ nghiên cứu về tác động của axit béo omega-3 đến sức khỏe đã cung cấp những phát hiện gây tranh cãi. Dưới đây là một số lợi ích đã được chứng minh của việc tiêu thụ axit béo omega-3.

Đặc tính kháng viêm

Tình trạng viêm mạn tính – còn được gọi là viêm cấp độ thấp – có liên quan đến việc mắc bệnh béo phì, bệnh tim mạch và ung thư.

Trong cơ thể con người, axit béo omega-3 đã được chứng minh là có tác dụng kháng viêm và có thể hỗ trợ trong việc làm giảm các chỉ dấu của tình trạng viêm, chẳng hạn như protein phản ứng C và interleukin-6.

Trên thực tế, axit béo omega-3 được xem là một trong những chất béo có khả năng làm giảm tình trạng stress oxy hóa và viêm tốt nhất. Nó cũng có khả năng bảo vệ cơ thể tránh các bệnh lý mạn tính.

Giảm cholesterol

Trong một nghiên cứu kéo dài 6 tuần, việc bổ sung hàng ngày với ít nhất 1.2 g DHA làm giảm đáng kể chất béo trung tính (triglyceride) và làm tăng cholesterol ‘tốt’ – HDL (hoặc lipoprotein tỷ trọng cao).

Ngoài ra, axit béo omega-3 cũng làm giảm cholesterol ‘xấu’ – LDL (hoặc lipoprotein tỷ trọng thấp), khi chất béo bão hòa trong chế độ ăn được thay thế bằng các axit béo không bão hòa đa và không bão hòa đơn có trong thực phẩm nguồn gốc thực vật như quả bơ và các loại quả hạch.

Chất béo trung tính và cholesterol LDL tăng cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa và bệnh tim mạch.

Tuy nhiên, một bản tóm tắt thực hành dựa trên bằng chứng gần đây cho thấy không có tác động đến một loạt các kết quả của bệnh lý tim mạch (cardiovascular disease – CVD) từ việc sử dụng các sản phẩm bổ sung axit béo omega-3 ở bệnh nhân đã có sẵn CVD hoặc có các yếu tố nguy cơ cao đối với CVD.

Hạ huyết áp

Axit béo omega-3 đã được chứng minh trong việc cải thiện sức khỏe mạch máu bằng cách làm tăng sinh khả dụng của oxit nitric.

Trong một nghiên cứu khoa học giai đoạn 2, oxit nitric gây ra sự giãn nở của các mạch máu và dẫn đến giảm huyết áp đáng kể.

Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Bằng cách giảm các chỉ dấu liên quan đến gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch – như chất béo trung tính và cholesterol cao, huyết áp cao – theo một đánh giá phân tích các nghiên cứu hiện có, axit béo omega-3 có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Đánh giá này cũng kết luận rằng việc bổ sung liều cao hàng ngày với 4 g EPA tinh khiết ở những người có lượng chất béo trung tính cao đã làm giảm 25% các biến cố tim mạch.

Cải thiện khả năng dung nạp trong điều trị ung thư

Axit béo omega-3 có thể cải thiện hiệu quả và khả năng dung nạp của phương pháp hóa trị và là một lựa chọn điều trị hỗ trợ tiềm năng cho những bệnh nhân đang điều trị ung thư.

Cụ thể hơn, việc bổ sung EPA và DHA hàng ngày đã giúp bệnh nhân ung thư đầu cổ và ung thư vú duy trì trọng lượng cơ thể và giảm tình trạng mất cơ liên quan đến ung thư.

Cải thiện chứng trầm cảm

Một nghiên cứu đánh giá năm 2019 trên hơn 2,000 người tham gia cho thấy tác động có lợi của axit béo omega-3 EPA đối với chứng trầm cảm, trong khi DHA chỉ cho thấy ít lợi ích.

Phát hiện này được củng cố bởi các nghiên cứu khác, bao gồm bài đánh giá năm 2018 của Fereidoon Shahidi – Giáo sư hóa sinh tại Đại học Memorial (Canada) và Priyatharini Ambigaipalan – Giáo sư tại Trường Khoa học và Công nghệ Kỹ thuật thuộc Đại học Durham (Canada), chỉ ra rằng việc bổ sung dầu cá giúp bảo vệ chống lại chứng rối loạn trầm cảm nghiêm trọng ở những người trong độ tuổi từ 15–25.

Hơn nữa, lượng tiêu thụ điều độ đối với cá béo và hải sản có liên quan đến tỷ lệ mắc trầm cảm thấp hơn.

CHẤT BÉO OMEGA-3: NHỮNG GÌ THÀNH PHẦN NÀY KHÔNG THỂ MANG LẠI CHO SỨC KHỎE

Axit béo omega-3 đã được tiếp thị thành công là thành phần dưỡng chất có lợi cho tim mạch và được báo cáo trong việc làm giảm nguy cơ gặp phải các kết quả bất lợi liên quan đến bệnh tim mạch.

Tuy nhiên, vai trò và lợi ích sức khỏe của thành phần này đối với một số tình trạng sức khỏe đã bị đặt dấu chấm hỏi và phủ nhận. Đánh giá báo cáo của Cochrane không tìm thấy bằng chứng về lợi ích của sản phẩm bổ sung omega-3 đối với bệnh tim, đột quỵ hoặc tử vong.

Dưới đây là một số tình trạng mà axit béo omega-3 có thể không ngăn ngừa hoặc cải thiện được, dựa trên các bằng chứng khoa học mới nhất.

Giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim

Giáo sư Shahidi và Giáo sư Ambigaipalan phát hiện ra rằng việc tiêu thụ axit béo omega-3 không làm giảm nguy cơ gặp phải các biến cố bất lợi liên quan đến bệnh tim, chẳng hạn như đột tử do tim, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, ngay cả ở những người không có tiền sử bệnh.

Mặc dù chất béo omega-3 làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim bằng cách giảm chất béo trung tính, cholesterol xấu’ – LDL và huyết áp, một phân tích tổng hợp trên 80,000 người cho thấy rằng việc bổ sung thành phần này không ngăn ngừa tử vong do mọi nguyên nhân cũng như do bệnh tim.

Ngăn ngừa cục máu đông

Tác dụng chống đông máu của axit béo omega-3 đã được đề xuất thông qua tác động giảm kết tập tiểu cầu. Tuy nhiên, phát hiện nói trên đã gây tranh cãi và bằng chứng về điều này chưa đủ mạnh mẽ – liều lượng điển hình của chất béo omega-3 từ thực phẩm và các sản phẩm bổ sung chỉ mang lại tác động nhẹ.

Ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh tiểu đường

Bằng chứng cho thấy việc tăng lượng omega-3 tiêu thụ không ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh tiểu đường.

Việc này không ảnh hưởng đến đường huyết lúc đói, tình trạng kháng insulin hoặc hemoglobin glycosyl hóa (gắn đường) ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và hội chứng chuyển hóa.

Ngăn ngừa ung thư

Axit béo omega-3 đã được báo cáo là làm giảm các biến chứng ở một số bệnh nhân ung thư và những phát hiện ban đầu có vẻ đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, không có bằng chứng về bất kỳ tác động nào của omega-3 trong việc ngăn ngừa mắc phải bệnh ung thư.

Trong một phân tích tổng hợp trên hơn một triệu người, lượng tiêu thụ chất béo omega-3 đặc biệt cao – 5–15 g mỗi ngày – không làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư phổi và trong một số trường hợp, còn làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư phổi.

Do đó, lượng omega-3 tiêu thụ quá thấp hoặc quá cao đều có thể có hại.

TÓM LẠI

Axit béo không bão hòa đa omega-3 là những hợp chất thiết yếu, là thành phần quan trọng cấu tạo nên màng tế bào, đặc biệt là ở não.

Trong nhiều thập kỷ, thành phần này là chủ đề thu hút sự quan tâm của giới khoa học, nhưng những phát hiện vẫn còn gây tranh cãi và chưa nhất quán.

Bằng chứng cho thấy axit béo omega-3 có đặc tính kháng viêm và có thể làm giảm cholesterol, huyết áp, giảm các cơn trầm cảm, ngăn ngừa tình trạng giảm cân trong quá trình điều trị ung thư và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ omega-3 không làm giảm nguy cơ gặp phải các kết cục bất lợi và nghiêm trọng liên quan đến bệnh tim mạch, bao gồm đột tử và đột quỵ. Ngoài ra, nó không thể ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh tiểu đường, cũng như không thể ngăn ngừa cục máu đông.

Đây là những bằng chứng mới và các kết quả tiếp theo trong thời gian tới sẽ tiếp tục cung cấp thêm các khuyến nghị về sức khỏe.

Nguồn: MEDICAL NEWS TODAY

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu