Thiếu máu do thiếu sắt

Tổng quan

Thiếu máu do thiếu sắt (iron deficiency anemia) là một dạng thiếu máu phổ biến – trong đó máu thiếu các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Các tế bào hồng cầu có vai trò vận chuyển oxy đến các mô của cơ thể.

Như tên gọi của nó, tình trạng thiếu máu do thiếu sắt là do lượng sắt trong máu không đủ. Khi không có đủ sắt, cơ thể không thể sản xuất đủ một thành phần trong tế bào hồng cầu giúp chúng vận chuyển oxy – chính là hemoglobin. Kết quả là, tình trạng thiếu máu do thiếu sắt có thể khiến một người cảm thấy mệt mỏi và khó thở.

Bạn thường có thể khắc phục tình trạng thiếu máu do thiếu sắt bằng cách bổ sung sắt. Đôi khi, các xét nghiệm hoặc phương pháp điều trị bổ sung cho tình trạng thiếu máu do thiếu sắt là cần thiết phải tiến hành, đặc biệt nếu bác sĩ nghi ngờ rằng bạn đang bị chảy máu bên trong.

Triệu chứng

Ban đầu, tình trạng thiếu máu do thiếu sắt có thể nhẹ và thường không được chú ý đến. Tuy nhiên, khi cơ thể ngày càng thiếu sắt và tình trạng thiếu máu trầm trọng hơn, các dấu hiệu và triệu chứng ngày càng gia tăng.

Các dấu hiệu và triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt có thể bao gồm:

  • Cực kỳ mệt mỏi
  • Suy nhược
  • Da nhợt nhạt
  • Đau ngực, tim đập nhanh hoặc khó thở
  • Nhức đầu, chóng mặt hoặc choáng váng
  • Tay chân lạnh
  • Viêm hoặc đau lưỡi
  • Móng tay dễ gãy
  • Cảm giác thèm ăn bất thường đối với các chất không có dinh dưỡng, chẳng hạn như nước đá, bụi đất hoặc tinh bột
  • Chán ăn, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị thiếu máu do thiếu sắt.

Hãy đi thăm khám nếu bạn hoặc con bạn xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng cho thấy tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Thiếu máu do thiếu sắt không phải là tình trạng có thể tự chẩn đoán hoặc điều trị. Vì vậy, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán thay vì tự ý bổ sung sắt. Bổ sung quá nhiều sắt cho cơ thể có thể gây nguy hiểm vì sự tích tụ sắt dư thừa có thể làm hư hại gan và gây ra các biến chứng khác.

Nguyên nhân

Thiếu máu do thiếu sắt xảy ra khi cơ thể không có đủ sắt để sản xuất hemoglobin. Hemoglobin là phần của các tế bào hồng cầu khiến máu có màu đỏ và cho phép các tế bào hồng cầu mang máu có oxy đi khắp cơ thể.

Khi không tiêu thụ đủ sắt hoặc khi cơ thể mất quá nhiều sắt, cơ thể sẽ không thể sản xuất đủ hemoglobin và tình trạng thiếu máu do thiếu sắt cuối cùng sẽ xuất hiện.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu máu do thiếu sắt bao gồm:

  • Mất máu

Máu có chứa sắt trong các tế bào hồng cầu. Vì vậy, nếu một người bị mất máu, người này sẽ mất đi một lượng sắt. Phụ nữ mất máu nhiều trong chu kỳ kinh nguyệt ra có nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt. Tình trạng mất máu chậm, mạn tính trong cơ thể – chẳng hạn như do loét đường tiêu hóa, thoát vị khe hoành, polyp đại tràng hoặc ung thư đại trực tràng – có thể gây ra thiếu máu do thiếu sắt. Xuất huyết tiêu hóa có thể do sử dụng thường xuyên một số loại thuốc giảm đau không kê đơn, đặc biệt là aspirin.

  • Thiếu sắt trong chế độ ăn uống

Cơ thể thường nhận được sắt từ thực phẩm ăn vào. Nếu bạn tiêu thụ quá ít sắt, theo thời gian, cơ thể bạn có thể bị thiếu sắt. Một số thực phẩm giàu sắt có thể kể đến bao gồm thịt, trứng, rau lá xanh và thực phẩm được tăng cường sắt. Để tăng trưởng và phát triển đúng cách, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng cần sắt thông qua chế độ ăn của chúng.

  • Không có khả năng hấp thu sắt

Sắt từ thức ăn được hấp thu từ ruột non và đi vào máu. Tình trạng rối loạn đường ruột – chẳng hạn như bệnh celiac – làm ảnh hưởng đến khả năng của ruột non trong việc hấp thu dưỡng chất từ thức ăn đã được tiêu hóa, có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Việc một phần ruột non đã được phẫu thuật cắt bỏ có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng hấp thu sắt và các chất dinh dưỡng khác của cơ thể.

  • Mang thai

Khi không được bổ sung sắt, tình trạng thiếu máu do thiếu sắt sẽ xảy ra ở nhiều thai phụ vì lượng sắt dự trữ của cơ thể cần để đáp ứng đủ cho lượng máu tăng lên của chính cơ thể họ cũng như là nguồn cung cấp hemoglobin cho thai nhi đang phát triển.

Các yếu tố nguy cơ

Những nhóm người sau có thể tăng nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt:

  • Phụ nữ. Vì phụ nữ bị mất máu thông qua chu kỳ kinh nguyệt nên nhìn chung, họ có nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt cao hơn.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ sơ sinh, đặc biệt là những trẻ nhẹ cân khi sinh hoặc sinh non, không được cung cấp đủ sắt từ sữa mẹ hoặc sữa công thức có thể có nguy cơ thiếu sắt. Trẻ em cần được tăng cường sắt trong thời kỳ tăng trưởng. Nếu trẻ không có một chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng, chúng có thể có nguy cơ bị thiếu máu.
  • Người ăn chay. Những người không ăn thịt có thể có nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt cao hơn trong trường hợp họ không ăn các thực phẩm giàu chất sắt khác.
  • Người hiến máu thường xuyên. Những người thường xuyên hiến máu có thể tăng nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt vì hiến máu có thể làm cạn kiệt nguồn dự trữ sắt. Mức hemoglobin thấp liên quan đến hiến máu có thể là một vấn đề tạm thời và được khắc phục bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu sắt hơn. Nếu bạn được thông báo rằng bạn không thể hiến máu vì lượng hemoglobin thấp, hãy hỏi bác sĩ xem liệu vấn đề này có đáng lo ngại không.

Biến chứng

Tình trạng thiếu máu do thiếu sắt nhẹ thường không gây ra biến chứng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, tình trạng này có thể trở nên trầm trọng và dẫn đến các vấn đề sức khỏe, bao gồm:

  • Các vấn đề về tim. Thiếu máu do thiếu sắt có thể dẫn đến nhịp tim nhanh hoặc không đều. Tim phải bơm nhiều máu hơn để bù đắp lượng oxy thiếu hụt trong máu khi bạn bị thiếu máu. Điều này có thể dẫn đến tim to hoặc suy tim.
  • Các vấn đề trong thai kỳ. Ở phụ nữ mang thai, tình trạng thiếu máu do thiếu sắt nghiêm trọng có liên quan đến sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân. Tuy nhiên, có thể ngăn ngừa được tình trạng này ở những phụ nữ mang thai được bổ sung sắt như một phần của quá trình chăm sóc trong thai kỳ.
  • Các vấn đề về tăng trưởng. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thiếu sắt nghiêm trọng có thể dẫn đến thiếu máu cũng như chậm tăng trưởng và phát triển. Ngoài ra, tình trạng thiếu máu do thiếu sắt cũng có liên quan đến việc tăng khả năng mắc phải các tình trạng nhiễm khuẩn.

Phòng ngừa

Bạn có thể giảm thiểu nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt bằng việc đơn giản lựa chọn thực phẩm giàu sắt cũng như chọn lựa những thực phẩm có chứa vitamin C vì những thực phẩm này giúp tăng cường hấp thu sắt.

  • Chọn thực phẩm giàu sắt

Thực phẩm giàu sắt bao gồm:

  • Thịt đỏ, thịt lợn và thịt gia cầm
  • Hải sản
  • Các loại đậu hạt
  • Các loại rau có lá xanh đậm, chẳng hạn như rau chân vịt (bina)
  • Trái cây khô, chẳng hạn như nho khô và mơ khô
  • Ngũ cốc, bánh mì và các loại mì được tăng cường sắt
  • Đậu Hà Lan.

Cơ thể hấp thu nhiều sắt từ thịt hơn so với các nguồn thực phẩm khác. Nếu bạn chọn không ăn thịt, bạn cần phải tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu sắt khác có nguồn gốc thực vật để có thể hấp thu được lượng sắt tương đương với những người ăn thịt.

  • Chọn thực phẩm chứa vitamin C để tăng cường hấp thu sắt

Bạn có thể tăng cường khả năng hấp thu sắt của cơ thể bằng cách uống nước trái cây họ cam quýt hoặc ăn các thực phẩm giàu vitamin C khác cùng thời điểm với việc tiêu thụ các thực phẩm giàu sắt. Vitamin C trong nước trái cây họ cam quýt giúp cơ thể hấp thu tốt hơn lượng sắt từ thực phẩm.

Vitamin C được tìm thấy trong:

  • Bông cải xanh
  • Bưởi
  • Quả kiwi
  • Rau lá xanh
  • Dưa gang
  • Cam
  • Ớt
  • Dâu tây
  • Quýt
  • Cà chua.
  • Phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ sơ sinh

Để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ sơ sinh, hãy cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức được tăng cường sắt trong năm đầu tiên. Sữa bò không phải là nguồn cung cấp sắt tốt cho trẻ nhỏ và không được khuyến khích cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi. Sau 6 tháng tuổi, hãy bắt đầu cho trẻ ăn ngũ cốc được tăng cường sắt hoặc thịt xay nhuyễn ít nhất 2 lần/ngày để bổ sung lượng sắt. Sau 1 tuổi, hãy đảm bảo trẻ không uống quá 591 ml (20 ounce) sữa mỗi ngày. Quá nhiều sữa thường sẽ thay thế và làm giảm lượng tiêu thụ các thực phẩm khác, bao gồm cả những thực phẩm giàu sắt.

Nguồn: MAYO CLINIC

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

23 11/2020

10 dấu hiệu và triệu chứng của thiếu hụt sắt

Tình trạng thiếu hụt sắt xảy ra khi cơ thể không có đủ lượng khoáng chất sắt. Cơ thể cần sắt để tạo ra hemoglobin – một loại protein trong tế bào hồng cầu, giúp hồng cầu vận chuyển oxy khắp cơ thể. Nếu cơ thể không có đủ hemoglobin, các mô và cơ sẽ

26 12/2020

Lợi ích miễn dịch của kẽm khi chúng ta già đi

Lượng kẽm thấp có thể ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch của bạn. Khi chúng ta già đi, hệ miễn dịch dễ bị suy yếu, từ đó có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Để hạn chế sự suy yếu này, cần thiết phải duy

28 12/2020

Tổng quan về tình trạng thiếu hụt kẽm

Kẽm là một khoáng chất thiết yếu, có trong nhiều loại thực phẩm. Sự thiếu hụt khoáng chất này có thể gây ra một số ảnh hưởng đến sức khỏe, chẳng hạn như giảm chức năng miễn dịch, tiêu chảy và các ảnh hưởng khác. Các triệu chứng của tình trạng thiếu kẽm không xuất

12 09/2021

Ngộ độc kim loại nặng

Ngộ độc kim loại nặng là gì? Ngộ độc kim loại nặng có thể xảy ra khi bạn phơi nhiễm (tiếp xúc) với nhiều loại kim loại nhất định. Nó khiến bạn mệt mỏi và ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của cơ thể. Bình thường, các kim loại nặng – như asen, chì,

04 05/2021

Cách tăng cường hệ miễn dịch của bạn

Những cách hữu ích để tăng cường hệ miễn dịch của bạn và chống lại bệnh tật Làm thế nào bạn có thể cải thiện hệ miễn dịch của mình? Nhìn chung, hệ miễn dịch thực hiện một chức năng rất quan trọng, đó là bảo vệ cơ thể chống lại các vi sinh vật