Các yếu tố nguy cơ nào gây giảm tiểu cầu?

Tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) là một rối loạn chảy máu. Những người mắc tình trạng này thường có ít tiểu cầu trong máu hơn so với bình thường.

Tiểu cầu là một loại tế bào máu mà tủy xương sản xuất ra. Chúng giúp cầm máu bằng cách giúp hình thành cục máu đông tại vết thương.

Khi một người có số lượng tiểu cầu thấp, máu của người đó có thể gặp vấn đề với quá trình đông máu, từ đó có thể gây xuất huyết nội tự phát, phát ban và bầm tím.

Hãy cùng tìm hiểu các nguyên nhân phổ biến của tình trạng giảm tiểu cầu, các yếu tố nguy cơ thuộc về lối sống, các triệu chứng, các phương pháp điều trị cho tình trạng này, cũng như tìm hiểu xem liệu tình trạng này có thể ngăn ngừa được hay không.

Các nguyên nhân phổ biến của tình trạng giảm tiểu cầu

Có ba yếu tố có thể dẫn đến số lượng tiểu cầu thấp. Do đó, mỗi nguyên nhân có thể gặp phải gây ra tình trạng giảm tiểu cầu thường sẽ thuộc một trong ba yếu tố này.

1. Cơ thể không sản xuất đủ tiểu cầu

Cơ thể một người có thể không tạo ra đủ tiểu cầu nếu tế bào gốc trong tủy xương – những tế bào phát triển thành tiểu cầu – bị hư hại.

Các tác nhân sau có thể khiến tế bào gốc bị hư hại và quá trình sản xuất tiểu cầu chậm lại:

  • virus, chẳng hạn như virus quai bị, rubella và HIV
  • một số tình trạng/bệnh lý di truyền, chẳng hạn như hội chứng Wiskott-Aldrich
  • uống rượu quá mức
  • một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu
  • thiếu máu bất sản (aplastic anemia), là tình trạng dẫn đến giảm sản xuất tế bào máu
  • ung thư, chẳng hạn như bệnh bạch cầu (leukemia) và ung thư hạch (lymphoma)
  • một số phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như xạ trị và hóa trị.

2. Cơ thể phá hủy tiểu cầu

Ngay cả khi tủy xương sản xuất đủ tiểu cầu, một số tác nhân có thể khiến cơ thể phá hủy tiểu cầu, dẫn đến giảm loại tế bào máu này. Những nguyên nhân có thể có trong nhóm này bao gồm:

  • các bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn (mononucleosis) và nhiễm virus cytomegalo
  • các bệnh lý tự miễn, chẳng hạn như lupus, viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) và giảm tiểu cầu miễn dịch (immune thrombocytopenia)
  • một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), heparin và quinine
  • phẫu thuật trong đó máu di chuyển qua máy, ống hoặc van nhân tạo
  • giai đoạn thai kỳ
  • một số tình trạng hiếm gặp gây ra cục máu đông, chẳng hạn như ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (thrombotic thrombocytopenic purpura).

3. Tăng bắt giữ tiểu cầu ở lách

Lách thường giữ khoảng 1/3 lượng tiểu cầu của cơ thể. Tuy nhiên, cơ quan này đôi khi có thể giữ lại nhiều tiểu cầu hơn, điều này làm giảm lượng tiểu cầu lưu thông trong máu.

Lách có thể bắt giữ quá nhiều tiểu cầu nếu lách trở nên lớn hơn. Các nguyên nhân có thể bao gồm:

  • xơ gan (cirrhosis) – mô sẹo ở gan
  • xơ tủy nguyên phát (myelofibrosis) – sẹo trong tủy xương
  • bệnh Gaucher
  • ung thư.

Các yếu tố nguy cơ thuộc về lối sống

Một số yếu tố thuộc về lối sống có thể làm tăng nguy cơ giảm tiểu cầu, bao gồm:

  • Uống rượu: Những người uống rượu quá mức sẽ có nguy cơ cao bị giảm tiểu cầu.
  • Một số loại thuốc không kê đơn (OTC): Những loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến tiểu cầu, chẳng hạn như ibuprofen và aspirin.
  • Chế độ ăn uống: Một số chế độ ăn có thể giúp cải thiện số lượng tiểu cầu. Những chế độ ăn như thế thường chứa nhiều thực phẩm giàu folate, B12 và sắt.

Có thể ngăn chặn tình trạng giảm tiểu cầu?

Thông thường, chúng ta không thể ngăn chặn tình trạng giảm tiểu cầu. Tuy nhiên, việc này cũng phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn.

Chúng ta có thể thực hiện các biện pháp giúp ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe có liên quan đến tình trạng giảm tiểu cầu. Các phương pháp này bao gồm:

  • tránh các hóa chất độc hại – chẳng hạn như thuốc trừ sâu, benzen, asen – có thể làm chậm quá trình sản xuất tiểu cầu
  • tránh các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến số lượng tiểu cầu hoặc làm loãng máu
  • tham khảo ý kiến bác sĩ về việc chủng ngừa các loại bệnh do virus có thể gây ảnh hưởng đến tiểu cầu, chẳng hạn như vaccine cho bệnh quai bị, bệnh sởi và bệnh rubella
  • áp dụng một chế độ ăn uống đầy đủ, bao gồm việc bổ sung B12, axit folic và sắt nếu đang theo chế độ ăn chay hoặc thuần chay.

Triệu chứng

Các triệu chứng của tình trạng giảm tiểu cầu có thể bao gồm:

  • chảy máu cam kéo dài và khó cầm
  • dễ bị bầm tím tự phát
  • chảy máu nướu răng
  • phát ban xuất hiện dưới dạng các chấm nhỏ màu đỏ hoặc tím
  • mụn máu (dạng bóng nước) phía bên trong má
  • kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài
  • chảy máu ở não (hiếm), gọi là xuất huyết nội sọ
  • các dấu hiệu xuất huyết nội (hiếm) như xuất hiện máu trong phân, trong chất nôn hoặc nước tiểu.

Phương pháp điều trị

Bác sĩ sẽ điều trị tình trạng giảm tiểu cầu tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng rối loạn. Phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Thuốc: thuốc được sử dụng có thể là corticosteroid, chẳng hạn như prednisone, methylprednisolone, dexamethasone, hoặc chất chủ vận thụ thể thrombopoietin (TPO-RA), bao gồm:
  • romiplostim (Nplate)
  • eltrombopag (Promacta)
  • avatrombopag (Doptelet).
  • Truyền globulin miễn dịch: Globulin miễn dịch giúp làm chậm tốc độ cơ thể phá hủy tiểu cầu.
  • Truyền tiểu cầu: Trong trường hợp khẩn cấp, bác sĩ có thể truyền tiểu cầu vào máu của người bệnh. Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch có khả năng sẽ phá hủy các tiểu cầu mới, vì vậy phương pháp điều trị này sẽ không hoàn toàn chữa khỏi bệnh.
  • Phẫu thuật: Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ lách.

Tóm lại

Nguyên nhân phổ biến của tình trạng giảm tiểu cầu bao gồm các bệnh tự miễn, một số loại thuốc và các bệnh truyền nhiễm (do vi khuẩn, virus).

Các yếu tố nguy cơ thuộc về lối sống có thể bao gồm uống rượu quá mức và sử dụng các thuốc không kê đơn ảnh hưởng đến số lượng tiểu cầu hoặc làm loãng máu.

Thông thường, mọi người không thể ngăn chặn tình trạng rối loạn này. Tuy nhiên, họ có thể giảm thiểu nguy cơ gặp phải một số triệu chứng bằng cách tránh các loại thuốc ảnh hưởng đến tiểu cầu cũng như chủng ngừa đối với các virus có thể gây ra tình trạng giảm tiểu cầu.

Các triệu chứng của giảm tiểu cầu bao gồm chảy máu cam, chảy máu nướu răng, mệt mỏi và dễ bị bầm tím. Bác sĩ có thể điều trị chứng rối loạn này bằng cách sử dụng corticosteroid hoặc thuốc TPO-RA, truyền tiểu cầu hoặc phẫu thuật cắt bỏ lách.

Nguồn: Medical News Today

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), và các tổ chức, cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu