Những lầm tưởng về bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu, cùng với đó là những lầm tưởng và quan niệm không đúng xung quanh bệnh lý này.

Mặc dù ‘bệnh tiểu đường’ là một khái niệm quen thuộc, các triệu chứng của bệnh lý này đa dạng và các cơ chế sinh học liên quan đến nó cũng rất phức tạp. Bởi vì bệnh lý này vừa phổ biến vừa phức tạp, có rất nhiều những quan niệm chỉ đúng một phần.

Thật không may, một số lầm tưởng (được đề cập ở phần sau) đã làm tăng sự nhìn nhận không đúng về bệnh tiểu đường. Chỉ riêng với lý do này, thay đổi các quan niệm ấy thực sự là điều cần thiết.

Trước tiên, hãy tìm hiểu ngắn gọn về bệnh tiểu đường và sự khác biệt giữa ba dạng phổ biến nhất của bệnh tiểu đường: tuýp 1, tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ.

  • Bệnh tiểu đường tuýp 1 là một bệnh tự miễn, trong đó hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào tuyến tụy là những tế bào tạo ra insulin. Nó có xu hướng xảy ra sớm hơn so với bệnh tiểu đường tuýp 2. Trong bệnh tiểu đường tuýp 2, cơ thể không tạo đủ insulin, hoặc không đáp ứng tốt với insulin hoặc cả hai.
  • Tiểu đường thai kỳ (Gestational diabetes), như đúng tên gọi của nó, xảy ra trong giai đoạn mang thai. Khi mang thai, cơ thể cần nhiều insulin hơn. Tiểu đường thai kỳ xảy ra khi cơ thể không thể đáp ứng những đòi hỏi mới này. Mặc dù tiểu đường thai kỳ thường hết sau khi sinh, nhưng vẫn có nguy cơ mắc lại trong những lần mang thai sau này và tiến triển thành bệnh tiểu đường tuýp 2 sau này.

Chúng ta cùng thảo luận về 11 lầm tưởng thường gặp liên quan đến bệnh tiểu đường nhé!

1. Ăn đường gây ra bệnh tiểu đường

Ăn đường không trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, tiêu thụ một chế độ ăn có nhiều đường có thể dẫn đến tình trạng thừa cân và béo phì – là những yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường tuýp 2.

Có lẽ dễ hiểu khi đây là một lầm tưởng phổ biến – vì lượng đường huyết đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, bản thân đường không phải là một yếu tố nguyên nhân.

Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu tại sao một số người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, và những người khác thì không. Tuy nhiên, dinh dưỡng không phải là một yếu tố nguy cơ.

2. Bệnh tiểu đường không nghiêm trọng

Có lẽ vì bệnh tiểu đường quá phổ biến nên một số người cho rằng nó không phải là một căn bệnh nghiêm trọng. Điều này không chính xác. Không có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường, nó là nguyên nhân cơ bản của nhiều trường hợp tử vong, đồng thời có một loạt các biến chứng có thể xảy ra nếu một người không quản lý tốt tình trạng bệnh của mình.

Các biến chứng bao gồm bệnh tim mạch, tổn thương dây thần kinh, tổn thương thận, mù lòa, vấn đề về da và suy giảm thính lực.­­

3. Bệnh tiểu đường chỉ ảnh hưởng đến những người bị béo phì

Thừa cân và béo phì là các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ, nhưng bệnh lý này có thể xảy ra ở đối tượng có trọng lượng bất kỳ. Theo dữ liệu từ Báo cáo thống kê bệnh tiểu đường quốc gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), năm 2020, 11% người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 ở Hoa Kỳ không thừa cân và không béo phì.

Bệnh tiểu đường loại 1 không có mối liên hệ với trọng lượng cơ thể.

4. Tình trạng béo phì luôn dẫn đến bệnh tiểu đường

Mặc dù béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, nhưng nó không tất yếu dẫn đến bệnh lý này. Theo CDC, ước tính có khoảng 39.8% người trưởng thành ở Hoa Kỳ bị béo phì, nhưng chỉ 13% mắc bệnh tiểu đường.

5. Người bị tiểu đường không được ăn đường

Những người bị bệnh tiểu đường chắc chắn cần phải quản lý chế độ ăn uống của họ một cách cẩn thận: việc theo dõi lượng carbohydrate ăn vào là quan trọng. Tuy nhiên, họ vẫn có thể kết hợp các món ngọt trong những dịp đặc biệt.

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) giải thích: “Điểm mấu chốt liên quan đến đồ ngọt là ăn một khẩu phần rất nhỏ và để dành cho những dịp đặc biệt, vì vậy bạn hãy tập trung bữa ăn của mình vào những thực phẩm lành mạnh hơn”.

Những người mắc bệnh tiểu đường cần phải lên kế hoạch cẩn thận về những gì cũng như thời điểm họ sẽ ăn để đảm bảo rằng lượng đường huyết của họ duy trì ở mức cân bằng.

Một quan niệm phổ biến liên quan đến thực phẩm là những người bị bệnh tiểu đường cần phải ăn những thực phẩm đặc biệt “dành riêng cho bệnh tiểu đường”. Những sản phẩm này thường có giá đắt hơn và một số vẫn có thể làm tăng mức đường huyết.

6. Bệnh tiểu đường luôn dẫn đến mù lòa và đoạn chi (cắt cụt chi)

Thật may, đây là một lầm tưởng. Mặc dù đúng là bệnh tiểu đường có thể dẫn đến mù lòa và đoạn chi trong một số trường hợp, nhưng điều này không phải là không thể tránh khỏi. Và đối với những người kiểm soát tình trạng bệnh của họ một cách cẩn thận, những hệ luỵ này rất hiếm.

CDC ước tính rằng 11.7% người lớn mắc bệnh tiểu đường bị suy giảm thị lực ở một mức độ nào đó. Đoạn chi dưới xảy ra ở khoảng 0.56% số người mắc bệnh tiểu đường ở Hoa Kỳ.

Các chuyên gia đã xác định một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng gặp các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường. Chúng bao gồm béo phì và thừa cân, hút thuốc, không vận động, huyết áp cao và cholesterol cao.

7. Người bị tiểu đường không nên lái xe

Việc được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường không đồng nghĩa với việc một người cần phải ngừng việc lái xe. Trong một tuyên bố quan điểm về bệnh tiểu đường và lái xe, ADA giải thích: “Hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường đều vận hành các phương tiện cơ giới một cách an toàn mà không tạo ra bất kỳ nguy cơ thương tích đáng kể nào cho bản thân hoặc người khác”.

Tuy nhiên, họ cũng giải thích rằng, nếu lo ngại xuất hiện, một người nên tiến hành đánh giá trên cơ sở cá nhân. Theo Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ: “Những người mắc bệnh tiểu đường có thể lái xe trừ khi họ bị hạn chế bởi một số biến chứng nhất định của bệnh tiểu đường. Chúng bao gồm mức đường huyết thấp nghiêm trọng hoặc các vấn đề về thị lực. Nếu bạn đang gặp các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường, bạn nên hợp tác chặt chẽ với đội ngũ y tế để tìm hiểu xem bệnh tiểu đường có ảnh hưởng đến khả năng lái xe của bạn hay không”.

8. Tiền tiểu đường luôn tiến triển thành bệnh tiểu đường

Tiền tiểu đường là tình trạng lượng đường huyết cao hơn bình thường nhưng không đủ cao để được phân loại là bệnh tiểu đường. Nếu không được kiểm soát, tiền tiểu đường có thể tiến triển thành bệnh tiểu đường tuýp 2.

Tuy nhiên, điều này không phải đã được ấn định trước. Thay đổi lối sống có thể đẩy lùi tình trạng này. Hoạt động thể chất thường xuyên và một chế độ ăn uống lành mạnh hơn có thể ngăn chặn bệnh tiểu đường phát triển.

9. Người bị tiểu đường không thể vận động

Một lần nữa, điều này là không đúng. Trên thực tế, tập thể dục là một yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Trong số những các yếu tố để kiểm soát bệnh, tập thể dục giúp giảm cân và giảm huyết áp, cả hai đều là những yếu tố nguy cơ gây ra các biến chứng. Tập thể dục cũng có thể giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn.

Tuy nhiên, tập thể dục có thể ảnh hưởng đến lượng đường huyết theo nhiều cách khác nhau, đôi khi làm tăng và đôi khi lại làm giảm mức đường huyết.

Diabetes U.K. đưa ra các lời khuyên để kiểm soát lượng đường huyết trong quá trình hoạt động:

  • Kiểm tra lượng đường huyết của bạn trong khi tập thể dục và ghi lại cách nó thay đổi để báo cho bác sĩ. Điều này có thể giúp hướng dẫn thay đổi cần thiết trong sử dụng insulin
  • Đối với những người có nguy cơ bị hạ đường huyết, hãy luôn mang theo các loại carbohydrate có tác dụng nhanh
  • Mang giấy tờ về bệnh tiểu đường bên mình để mọi người có thể biết và giúp đỡ bạn trong trường hợp cần thiết.

10. Bạn có thể bị lây nhiễm bệnh tiểu đường

Đây là một lầm tưởng. Bệnh tiểu đường không do các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn hay vi-rút gây ra, vì vậy một người không thể truyền bệnh này cho người khác. Tiểu đường được phân loại là một bệnh không lây nhiễm.

11. Một số sản phẩm tự nhiên chữa khỏi bệnh tiểu đường

Hiện nay, không có cách để chữa khỏi bệnh tiểu đường. Bất kỳ tuyên bố nào về một sản phẩm có thể chữa bệnh tiểu đường là không đúng. Nhiều sản phẩm thảo dược hoặc tự nhiên sẽ có ít hoặc không có tác dụng gì và trong một số trường hợp, chúng còn có thể gây hại; diab.co.uk giải thích:

“Bởi vì một số loại thảo dược, vitamin và sản phẩm bổ sung có thể tương tác với thuốc điều trị tiểu đường (bao gồm cả insulin) và làm tăng tác dụng hạ đường huyết của chúng, người ta thường lập luận rằng việc sử dụng các liệu pháp tự nhiên có thể làm giảm lượng đường huyết xuống mức thấp gây nguy hiểm và làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng tiểu đường khác”.

Tóm lại

Bệnh tiểu đường là một căn bệnh phức tạp nhưng phổ biến. Khi mức độ phổ biến của nó tăng lên, điều cần thiết là phải thay đổi quan điểm về bệnh lý này một khi chúng ta đã hiểu về nó.

Nguồn: Medical New Todays

Giới thiệu về STELLA

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức (WHO), và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu