Những điều cần biết về tình trạng sốt ở trẻ nhỏ

Sốt ở trẻ nhỏ là mối quan tâm chung của các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, bản thân sốt không nguy hiểm.

Sốt thường đồng nghĩa với việc cơ thể trẻ đang chống lại nhiễm trùng. Cha mẹ và người chăm sóc có thể lo lắng khi nhận thấy trẻ bị sốt, mặc dù đây là dấu hiệu của hệ miễn dịch khỏe mạnh. Tuy nhiên, cơ thể trẻ sơ sinh dễ bị tổn thương nên cơn sốt có thể báo hiệu một tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng.

Chúng ta hãy cùng xem xét các nguyên nhân gây sốt ở trẻ nhỏ, ý nghĩa của tình trạng sốt, thời điểm cha mẹ hoặc người chăm sóc nên đưa trẻ đến bác sĩ, cũng như cách chăm sóc trẻ bị sốt nhé.

NHẬN BIẾT TÌNH TRẠNG SỐT Ở TRẺ NHỎ

Khi đo nhiệt độ của trẻ, nhiệt kế đo trực tràng thường cho kết quả chính xác nhất.

Thế nào là sốt ở trẻ nhỏ?

Nhiệt độ bình thường ở trẻ < 12 tháng tuổi là 37°C (nhiệt độ trung bình) khi sử dụng nhiệt kế đo trực tràng. Vào buổi sáng, nhiệt độ này có thể thấp hơn, là 36°C và lên đến 37.9°C vào cuối ngày. Đây là khoảng thân nhiệt bình thường đối với trẻ ở độ tuổi này.

Sốt ở trẻ phụ thuộc vào phương pháp đo nhiệt độ:

  • > 38°C khi sử dụng nhiệt kế đo trực tràng
  • > 37.8°C khi sử dụng nhiệt kế đo ở miệng, tuy nhiên, phương pháp này không chính xác ở trẻ sơ sinh
  • > 37.2°C khi sử dụng nhiệt kế đo nách.

Sốt nghĩa là gì?

Bản thân cơn sốt không nhất thiết báo hiệu một tinh trạng nghiêm trọng. Thông thường, trẻ có thể vượt qua cơn sốt. Tuy nhiên, nếu trẻ < 3 tháng tuổi có nhiệt độ khi đo trực tràng từ 38°C trở lên, cha mẹ hoặc người chăm sóc đưa trẻ đi thăm khám.

Ngoài ra, mức độ của cơn sốt không phải lúc nào cũng nói lên mức độ của tình trạng sức khỏe không tốt của trẻ tại một thời điểm. Thân nhiệt của trẻ nhỏ có thể tăng lên vì nhiều lý do khác ngoài bệnh tật, chẳng hạn như khóc kéo dài, ở ngoài trời nắng nóng hoặc sau khi chơi đùa. Nhiệt độ của trẻ cũng có thể tăng lên một chút khi chúng đang mọc răng. Không có thứ nào trong số những điều này gây sốt.

Cơ thể trẻ nhỏ cũng ít có khả năng điều hòa thân nhiệt hơn cơ thể người lớn, có nghĩa là trẻ có thể sẽ khó hạ nhiệt hơn khi bị sốt. Về mặt tự nhiên, cơ thể trẻ nhỏ ấm hơn cơ thể của người lớn vì chúng hoạt động trao đổi chất nhiều hơn, từ đó sinh ra nhiệt.

NHỮNG NGUYÊN NHÂN PHỔ BIẾN GÂY SỐT Ở TRẺ SƠ SINH

Sốt là triệu chứng của một bệnh lý nào đó, bản thân sốt không phải là bệnh. Sốt xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng, có thể là vi khuẩn hoặc virus, trong đó nhiễm virus phổ biến hơn nhiều.

Các nguyên nhân phổ biến gây sốt ở trẻ nhỏ bao gồm:

  • nhiễm virus, bao gồm cảm lạnh thông thường, cúm, sốt phát ban (ban đào) hoặc nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) hoặc nhiễm virus gây viêm thanh khí phế quản
  • nhiễm trùng tai
  • viêm phổi, có thể do virus hoặc vi khuẩn
  • viêm màng não, có thể do virus hoặc vi khuẩn, đây là bệnh nhiễm trùng ở não và tủy sống rất nghiêm trọng
  • sốt từ 38°C trở lên ở trẻ < 3 tháng tuổi: ở độ tuổi này, bất kỳ tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn nào cũng có thể tiến triển nhanh chóng và dẫn đến nhiễm trùng huyết, vì vậy trẻ sơ sinh cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
  • sốt sau khi tiêm vaccine có thể xảy ra trong vòng 12 giờ sau tiêm và kéo dài trong 2 – 3 ngày
  • các bệnh do nhiệt có thể gây ra thân nhiệt cao ở trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ kiểm soát nhiệt độ cơ thể kém hiệu quả hơn so với người lớn, khiến trẻ dễ bị tăng thân nhiệt hơn khi thời tiết quá nóng. Cho trẻ mặc quần áo phù hợp với thời tiết, tránh nắng nóng và giữ trẻ ở trong nhà khi thời tiết quá nóng sẽ giúp điều hòa thân nhiệt của trẻ.
  • nhiễm trùng đường tiết niệu, đây là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn và đôi khi có thể gây sốt ở trẻ nhỏ.

Trái ngược với quan niệm thông thường, mọc răng không gây sốt.

SỐT CÓ NGUY HIỂM CHO TRẺ NHỎ KHÔNG?

Sốt là một dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch của trẻ đang chống lại nhiễm trùng, vì vậy bản thân sốt không nguy hiểm. Điều có thể gây hại cho trẻ là tình nhiễm trùng gây ra cơn sốt, nếu tình trạng nhiễm trùng này nghiêm trọng.

Cha mẹ có nên lo lắng không?

Một số cha mẹ và người chăm sóc có thể lo rằng sốt gây nguy hiểm cho trẻ. Tuy nhiên, ngoại trừ một số rất ít trường hợp, bản thân những cơn sốt này hiếm khi nghiêm trọng.

Sốt lên đến 40.5°C thường gặp ở trẻ nhỏ và ở trẻ lớn hơn có thân nhiệt thường cao hơn nhiều so với thân nhiệt của người lớn. Khi bị nhiễm virus (siêu vi) gây ra sốt, trẻ có thể tự hết sốt. Một số tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn có thể cần điều trị bằng thuốc kháng sinh, nhưng lưu ý là bản thân sốt chỉ là một triệu chứng.

Ngoài ra, điều trị sốt sẽ không làm cho tình trạng nhiễm trùng biến mất. Thay vào đó, cha mẹ và người chăm sóc chỉ nên theo dõi trẻ một cách cẩn thận để nhận biết các dấu hiệu biến chứng.

Tuy nhiên, vì một số tình trạng nhiễm trùng cụ thể thường phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh và có thể nguy hiểm cho trẻ, bác sĩ cần tiến hành thăm khám trẻ < 3 tháng tuổi để xem có bất kỳ dấu hiệu nào khác không. Việc này là để kiểm tra và xác định các tình trạng có thể có gây ra sốt.

Biến chứng của sốt

Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có thể đã nghe nói về việc sốt gây tổn thương não. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra nếu nhiệt độ tăng trên 41.6°C và nó không thường xuyên xảy ra. Khi nhiệt độ của trẻ thấp hơn mức này, không cần phải thực hiện các biện pháp quyết liệt – chẳng hạn như tắm nước đá – để hạ sốt cho trẻ.

Với 2 – 5% trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, sốt có thể gây co giật, điều này có thể đáng lo ngại nhưng thường không nguy hại. Các bác sĩ gọi nó là những cơn co giật do sốt.

Co giật do sốt không gây tổn thương não hoặc làm tăng nguy cơ bị động kinh. Tuy nhiên, các cơn động kinh kéo dài có thể đồng nghĩa với việc trẻ có nhiều khả năng mắc bệnh động kinh.

Nguy cơ lớn nhất của co giật do sốt là trẻ có thể bị ngã, đập đầu hoặc bị chấn thương tương tự. Do đó, cha mẹ và người chăm sóc trẻ nên theo dõi trẻ trong cơn co giật để ngăn ngừa chấn thương và gọi cấp cứu trong trường hợp cơn co giật ở trẻ kéo dài hơn 5 phút.

CÁCH CHĂM SÓC TRẺ BỊ SỐT

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo rằng cha mẹ và người chăm sóc nên giúp trẻ cảm thấy thoải mái nhất có thể nếu trẻ bị sốt, thay vì chỉ tập trung vào việc hạ nhiệt độ cho trẻ.

Để chăm sóc trẻ bị sốt, cha mẹ và người chăm sóc trẻ có thể:

  • Theo dõi mức độ hoạt động và mức độ thoải mái nói chung của trẻ: những trẻ có vẻ vui vẻ, lanh lợi và vẫn thoải mái thì có thể không cần điều trị.
  • Đảm bảo cơ thể trẻ vẫn đủ nước: sốt làm tăng nguy cơ mất nước, vì vậy cha mẹ, người chăm sóc trẻ và y tá nên cho trẻ uống sữa hoặc sữa công thức theo yêu cầu. Trẻ lớn hơn cũng nên được cho uống nhiều nước. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyến cáo việc dùng thức uống điện giải để giúp giảm tình trạng mất nước.
  • Theo dõi trẻ để kịp thời phát hiện các các dấu hiệu mất nước: dấu hiệu này có thể bao gồm không đi tiểu thường xuyên như bình thường, mắt trũng sâu, môi nứt nẻ, da rất khô hoặc trông nhợt nhạt.
  • Tránh đánh thức trẻ đang ngủ để cho trẻ uống thuốc hạ sốt: trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ: có thể cho trẻ sơ sinh sử dụng thuốc hạ sốt nếu trẻ bị đau hoặc khó chịu vì sốt. Cân nặng của trẻ sẽ quyết định liều lượng, vì vậy hãy tuân theo đúng chỉ định.
  • Giúp hạn chế sự lây lan của tình trạng nhiễm trùng: không gửi trẻ bị bệnh đến nhà trẻ hoặc đưa chúng đến những nơi có trẻ nhỏ hoặc người có sức đề kháng yếu và dễ bị bệnh, lý do là vì điều này có thể làm lây lan tình trạng nhiễm trùng.

KHI NÀO CẦN ĐƯA TRẺ ĐI THĂM KHÁM

Hãy gọi cho bác sĩ hoặc đưa trẻ đi thăm khám nếu trẻ bị sốt kèm theo một trong những trường hợp sau:

  • Trẻ quấy khóc, khó chịu, lờ đờ hoặc trông rất mệt
  • Sốt kéo dài hơn 24 giờ ở trẻ < 2 tuổi mà không kèm theo các triệu chứng khác.
  • Sốt cao trên 40°C.
  • Tình trạng của trẻ không cải thiện dù đã dùng thuốc.
  • Trẻ đang được cho uống thuốc kháng sinh nhưng tình trạng có vẻ không thuyên giảm trong vòng 1 – 2 ngày.
  • Trẻ có dấu hiệu mất nước, bao gồm khô môi hoặc có vết lõm mềm trên đỉnh đầu.
  • Trẻ có hệ miễn dịch kém vì một lý do khác.
  • Trẻ < 3 tháng tuổi.

Đưa trẻ đến phòng cấp cứu khi trẻ bị sốt, nếu trẻ:

  • mới sinh
  • bị co giật lần đầu tiên
  • bị co giật kéo dài hơn 5 phút
  • bị sốt cao đến 41.6 ° C hoặc hơn.

SỐT Ở TRẺ SƠ SINH

Sốt ở trẻ sơ sinh có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Trẻ sơ sinh dễ bị nhiễm trùng hơn, vì vậy điều quan trọng là phải đặc biệt chú ý và phát hiện bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào. Hãy gọi cho bác sĩ hoặc đưa trẻ đi thăm khám nếu trẻ sơ sinh bị sốt hoặc có các dấu hiệu của bệnh khác.

Một vấn đề đáng quan tâm với trẻ sơ sinh là bệnh đường hô hấp. Trẻ sơ sinh thở bằng mũi nhiều hơn trẻ lớn hơn, vì vậy sự tắc nghẽn có thể làm cho việc thở trở nên khó khăn. Chúng cũng có đường thở nhỏ hơn.

Việc thiếu oxy có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh. Nếu trẻ khó thở, ngay cả khi trẻ đã hạ sốt, hãy gọi cho bác sĩ.

Các dấu hiệu cho thấy trẻ sơ sinh bị khó thở bao gồm:

  • thở khò khè
  • cánh mũi phập phồng khi thở
  • da trắng hoặc xanh, đặc biệt là móng tay hoặc môi, lưỡi nhợt nhạt. Điều này có thể khó phát hiện hơn ở trẻ sơ sinh có làn da sẫm màu.
  • kéo các cơ xung quanh xương sườn khi thở.

Nếu trẻ sơ sinh có các vấn đề về hô hấp và sốt, cha mẹ hoặc người chăm sóc nên đưa trẻ đến phòng cấp cứu ngay lập tức.

KẾT LUẬN

Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh đôi khi bị sốt, nhưng đây thường không phải là điều đáng lo ngại trong trường hợp trẻ vẫn bú, ngủ và chơi, không quấy khóc.

Cha mẹ và người chăm sóc có thể quan sát biểu hiện của trẻ và xem đây như một tín hiệu. Nếu trẻ sốt nhưng trông có vẻ ổn, đây có thể chỉ là tình trạng nhẹ và sẽ sớm khỏi. Tuy nhiên, cần chú ý những biểu hiện ở trẻ như trẻ lờ đờ, quấy khóc nhiều cũng như các dấu hiệu của các tình trạng bệnh nghiêm trọng khác, ngay cả khi trẻ sốt khá thấp.

Sốt có nghĩa là hệ miễn dịch đang tích cực làm việc để chống lại nhiễm trùng. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ không nhất thiết phải cho trẻ uống thuốc hạ sốt, thay vào đó, có thể làm những điều khiến trẻ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn. Nếu bạn không chắc liệu các triệu chứng của trẻ có nghiêm trọng hay không, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nhé.

Nguồn: Medical News Today

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu