7 lý do khiến bạn không đạt được mục tiêu A1C ở bệnh tiểu đường tuýp 2

A1C là một xét nghiệm máu có thể được sử dụng để giúp xác định mức độ hiệu quả của việc kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2. Chỉ số A1C cao có thể là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn cần điều chỉnh việc kiểm soát tình trạng tiểu đường của mình.

Bạn đang làm mọi điều đúng đắn để kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2. Bạn theo dõi lượng carb mình nạp vào, bạn tập thể dục thường xuyên cũng như tuân thủ phác đồ điều trị. Bạn tránh những thói quen xấu –  như hút thuốc – và thực hiện các phương pháp để duy trì sức khỏe tổng thể.

Tuy nhiên, bạn vẫn chưa đạt được mục tiêu A1C của mình. Tại sao lại như vậy?

A1C là một xét nghiệm máu để đo lượng đường trong máu trung bình của bạn trong vòng 2 – 3 tháng trước đó. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), mặc dù mục tiêu cá nhân của bạn phụ thuộc vào một số yếu tố, chỉ số A1C mục tiêu cho hầu hết người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 là dưới 7%.

M. James Lenhard – bác sĩ nội tiết, đồng thời là Giám đốc y khoa của Trung tâm Bệnh chuyển hóa và Bệnh tiểu đường thuộc Hệ thống Chăm sóc Sức khỏe Christiana (Wilmington, Delaware) cho biết: “Rất nhiều lần khi A1C tăng cao, một người có thể đã tự hỏi ‘Tôi đã làm gì sai?’. Bệnh tiểu đường có thể gây nản lòng và rất khó để kiểm soát nó. Thật không may, rất nhiều người cảm thấy như họ đã thất bại khi nhìn thấy chỉ số A1C của mình tăng lên, khi nguyên nhân thường là do sự tiến triển của bệnh tiểu đường tuýp 2 mà họ mắc phải”.

Bác sĩ Lenhard cho biết thêm, đó không hẳn là lỗi của bạn. Mặc dù điều quan trọng là bạn phải làm mọi thứ có thể để kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2, nhưng vẫn có một số yếu tố có thể làm tăng A1C và chúng nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.

Dưới đây là một số điều có khả năng làm tăng chỉ số A1C và các cách bạn có thể thực hiện để giúp đẩy lùi tác động của chúng.

1. Bệnh tiểu đường tuýp 2 của bạn đang tiến triển

Bác sĩ Lenhard nói rằng bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể tiến triển theo thời gian và phương pháp điều trị hiện tại có thể không còn hiệu quả như trước nữa. Khi bạn mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, tuyến tụy của bạn có thể tạo ra insulin – hormone cần thiết để chuyển glucose từ máu vào các tế bào là nơi nó được sử dụng để tạo năng lượng – nhưng các tế bào của bạn lại không đáp ứng với insulin như bình thường.

Để chống lại tình trạng kháng insulin này, tuyến tụy của bạn phải làm việc nhiều hơn để sản xuất nhiều insulin hơn nhằm có được sự đáp ứng của các tế bào. Sau cùng, việc phải làm việc quá nhiều có thể khiến các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy bị hư hại, làm cho tuyến tụy mất khả năng sản xuất đủ lượng insulin để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Bác sĩ Lenhard giải thích: “Tôi cố gắng nhắc nhở tất cả các bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 của mình rằng bệnh này là một chứng rối loạn di truyền có tiến triển. Theo thời gian, tuyến tụy tạo ra ít insulin hơn. Việc duy trì cân nặng hợp lý và tăng cường vận động sẽ làm chậm quá trình này nhưng không thể hoàn toàn chặn đứng nó”. Đó là lý do tại sao việc bạn cần phải đi thăm khám định kỳ để được bác sĩ theo dõi lượng huyết và mức A1C thường xuyên – và nếu cần, điều chỉnh phương pháp điều trị – đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

2. Bạn bị căng thẳng

Theo Alyssa Gallagher – chuyên gia chăm sóc và giáo dục về bệnh tiểu đường tại Trung tâm Bệnh tiểu đường St. Luke’s Humphreys (Boise, Idaho), tình trạng căng thẳng có thể khiến việc kiểm soát A1C trở nên khó khăn. Bà cho biết: “Tình trạng căng thẳng có thể đóng vai trò trong sự tiến triển của bệnh tiểu đường. Nó ảnh hưởng đến khả năng cơ thể sử dụng insulin đúng cách và góp phần vào việc kháng insulin”. Bác sĩ Lenhard giải thích rằng sự căng thẳng cũng có thể làm tăng mức epinephrine (hoặc adrenaline) và cortisol, từ đó làm gia tăng A1C. Ông cho biết thêm, khi bị căng thẳng, nhiều người sẽ ăn nhiều hơn và tiêu thụ ít thực phẩm lành mạnh hơn.

Lenhard nói rằng mặc dù không thể kiểm tra được mức độ căng thẳng, hãy chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo – ngủ kém, nhịp tim tăng, huyết áp tăng – đặc biệt nếu bạn vừa bắt đầu một công việc mới, chuyển nhà, kết hôn hoặc ly hôn, hoặc trải qua một sự kiện lớn khác trong cuộc đời. Theo ADA, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các cách để kiểm soát căng thẳng, chẳng hạn như tập thể dục, yoga, thiền hoặc liệu pháp hành vi nhận thức.

3. Bạn đang ăn những thực phẩm lành mạnh nhưng lại ăn quá nhiều

Gallagher nói rằng việc kiểm soát khẩu phần ăn là rất quan trọng để quản lý chỉ số A1C. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC), việc theo dõi lượng thức ăn bạn tiêu thụ giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý, đồng thời cũng giúp bạn quản lý lượng carbohydrate nạp vào (thành phần có ảnh hưởng lớn nhất đến lượng đường trong máu) và duy trì đường huyết ổn định. CDC cung cấp hướng dẫn để ước tính kích thước khẩu phần ăn. Họ cũng khuyên bạn nên thực hiện các phương pháp để kiểm soát lượng thức ăn tiêu thụ, chẳng hạn như đo khẩu phần đồ ăn nhẹ thay vì ăn trực tiếp từ bao gói, hoặc khi bạn ăn ngoài, hãy yêu cầu người phục vụ gói lại một nửa khẩu phần ăn để bạn có thể ăn sau đó. Một chuyên gia dinh dưỡng hoặc chuyên gia giáo dục và chăm sóc bệnh tiểu đường được chứng nhận có thể giúp bạn xây dựng chế độ ăn uống để giúp kiểm soát đường huyết.

4. Việc tập thể dục của bạn không bao gồm tập luyện thể lực

Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 11/2016 trên tạp chí Diabetes Care, luyện tập thể lực (strength training; resistance training) – bao gồm các bài tập với tạ tự do, máy tập tạ, rèn luyện cơ bắp bằng chính trọng lượng cơ thể (body weight) hoặc bài tập với dây đàn hồi kháng lực – giúp cơ thể đáp ứng với insulin tốt hơn và tăng khả năng dự trữ glucose của cơ, từ đó có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Việc tập luyện này cũng có thể giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý, giảm mỡ, kiểm soát huyết áp và cải thiện thể lực. ADA khuyến nghị người trưởng thành mắc tiểu đường tuýp 2 nên tham gia 2 hoặc 3 buổi tập luyện thể lực mỗi tuần, vào những ngày không liên tục.

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 3/2020 trên tạp chí Medicine and Science in Sports and Exercise cho thấy những người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường tiến hành tập aerobic và tập luyện thể lực đã giảm được 0.15% A1C cho mỗi 20% thời gian tập luyện thêm trong suốt một tháng. ADA khuyến cáo trước khi bổ sung bài tập thể lực vào chế độ luyện tập hoặc thay đổi chế độ tập luyện bạn đang thực hiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về những bài tập nào là an toàn cho bạn.

5. Bạn có vấn đề về sức khỏe liên quan đến bệnh tiểu đường

Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể gây hại cho tim, mạch máu, dây thần kinh, mắt và thận. Theo CDC, bệnh tiểu đường cũng có thể liên quan đến các biến chứng – chẳng hạn như suy thận, bệnh gan và thiếu máu – từ đó có thể ảnh hưởng đến chỉ số A1C. Bác sĩ Lenhard giải thích: “Glucose là có tính kết dính và một trong những thứ mà nó dính vào là các tế bào hồng cầu, vì vậy các rối loạn ảnh hưởng đến số lượng hoặc vòng đời của các tế bào hồng cầu – như thiếu máu hoặc bệnh thận – có thể ảnh hưởng đến mức A1C”. Ông nói rằng trên thực tế, chỉ số A1C tăng có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn đã mắc một trong những biến chứng này. Hãy nói chuyện với bác sĩ để xem liệu bạn có nguy cơ mắc bất kỳ biến chứng nào liên quan đến bệnh tiểu đường hay không. Bác sĩ cũng có thể đề xuất các phương án để giảm thiểu nguy cơ cho bạn.

6. Bạn đang sử dụng thuốc để điều trị một bệnh lý khác

CDC cho biết một số loại thuốc kê đơn – chẳng hạn như thuốc giảm đau opioid và liệu pháp điều trị HIV – có thể làm tăng mức A1C. Nếu bạn đang sử dụng các thuốc kê đơn cho các tình trạng sức khỏe khác mà chúng lại ảnh hưởng việc kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc thay đổi phương pháp điều trị.

CDC khuyến cáo không ngưng dùng bất kỳ loại thuốc kê đơn nào – cả với bệnh tiểu đường tuýp 2 hoặc bất kỳ tình trạng sức khỏe nào khác – mà không được sự cho phép của bác sĩ.

7. Phương pháp điều trị của bạn có thể không còn hiệu quả

Theo Bác sĩ Lenhard, vì tiểu đường tuýp 2 là một bệnh mạn tính, có khả năng phương pháp điều trị cho bạn sẽ cần phải thay đổi theo thời gian để kiểm soát bệnh một cách hiệu quả. Chỉ số A1C cao hơn mục tiêu có thể là dấu hiệu cho thấy phương pháp điều trị hiện tại không còn đem lại hiệu quả cho bạn.

Ông lưu ý rằng nếu bác sĩ hiện đang quản lý chỉ số A1C của bạn bằng chế độ ăn uống và tập luyện, có thể đã đến lúc cân nhắc việc sử dụng một loại thuốc kê đơn được điều chế để giảm A1C hoặc cải thiện cách cơ thể bạn xử lý insulin. Nếu bạn đang sử dụng thuốc uống và nó không hiệu quả như trước đây, bạn có thể cần thử một loại thuốc khác hoặc thay đổi liều lượng của thuốc đang dùng. Bác sĩ cũng có thể kê đơn insulin hoặc thuốc tiêm không phải insulin để giúp kiểm soát đường huyết. Bác sĩ Lenhard cho biết thêm, khi bạn thực hiện theo phương pháp điều trị mới, hãy đảm bảo tuân thủ phác đồ điều trị, vì đó là cách duy nhất mà thuốc hoạt động để kiểm soát A1C của bạn.

Bác sĩ Lenhard giải thích: “Với bất kỳ ai, chỉ số A1C cao đều không có lợi cho sức khỏe, nhưng nó đặc biệt nguy hiểm đối với người già và những người mắc các bệnh đi kèm như bệnh tim chẳng hạn. Tôi muốn đặt chỉ số mục tiêu A1C thấp một cách quyết liệt cho những người trẻ tuổi, khỏe mạnh và một mục tiêu không quá khắt khe khi mọi người già đi. Ví dụ, tôi hài lòng với A1C từ 7 – 8% đối với hầu hết những người ở độ tuổi 80, tuy nhiên mục tiêu sẽ được cá thể hóa”.

Nguồn: Everyday Health

Giới thiệu về STELLA

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức (WHO), và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu