Xóa bỏ những lầm tưởng phổ biến về bệnh lý tuyến giáp

Tuyến giáp giữ cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra thuận lợi và đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe tổng thể của bạn. Vì vậy, nếu bạn mắc một bệnh lý tuyến giáp nào đó, bạn sẽ biết được tình trạng đó là gì, phải không nhỉ?

Bác sĩ nội tiết Mary Vouyiouklis Kellis nói rằng không hẳn là như vậy. Thực tế, có nhiều tình trạng và bệnh lý với tuyến hình bướm ở cổ, chẳng hạn:

  • Cường giáp – tuyến giáp hoạt động quá mức (Hyperthyroidism)
  • Suy giáp – tuyến giáp hoạt động kém (Hypothyroidism)
  • Bướu cổ – do tăng kích thước tuyến giáp(Goiter)
  • Nhân giáp (Thyroid nodules)
  • Ung thư tuyến giáp (Thyroid cancer).

Các vấn đề về tuyến giáp rất phổ biến. Một số chuyên gia nói rằng nếu bạn là phụ nữ trên 35 tuổi thì khả năng bạn mắc phải tình trạng rối loạn tuyến giáp là hơn 30%. Rất nhiều yếu tố có thể gây ra các vấn đề về tuyến giáp, bao gồm di truyền, rối loạn tự miễn, quá trình mang thai, căng thẳng, thiếu hụt dinh dưỡng hoặc các độc tố trong môi trường, tuy nhiên các chuyên gia không hoàn toàn chắc chắn về các tác nhân này.

Việc chẩn đoán các vấn đề về tuyến giáp thường rất khó khăn; các triệu chứng thường mơ hồ và không đặc hiệu, chẳng hạn như mệt mỏi, trầm cảm và lo âu. Có lẽ đó là lý do tại sao tuyến nội tiết hình bướm này vẫn là một trong những bộ phận của cơ thể gặp phải nhiều lầm tưởng nhất.

Dưới đây, các chuyên gia về tuyến giáp sẽ làm sáng tỏ sự thật đằng sau những lầm tưởng này.

Lầm tưởng #1: Nếu bạn gặp phải một vấn đề về tuyến giáp, chắc chắn bạn sẽ biết được, bởi vì các triệu chứng rất rõ ràng.

Thực tế:

Các triệu chứng của bệnh lý tuyến giáp có thể khó nhận biết và dễ bị bỏ qua. Tiến sĩ Kellis cho biết, vì các triệu chứng khó nhận biết hoặc trùng lặp (với các bệnh lý khác), bệnh lý tuyến giáp có thể khó chẩn đoán.

Dorothy Fink, bác sĩ nội tiết tại Trung tâm Y tế NYU Langone (New York) cho biết: “Các triệu chứng liên quan đến tuyến giáp có thể xuất hiện trong nhiều bệnh lý khác nhau”. Các triệu chứng phổ biến bao gồm cực kỳ mệt mỏi (ngay cả sau một đêm nghỉ ngơi), thiếu tỉnh táo – thiếu tập trung, lo âu, tim đập nhanh, da khô và huyết áp cao.

Tiến sĩ Fink nói rằng tình trạng rối loạn chức năng tuyến giáp thường bị chẩn đoán nhầm ở phụ nữ nói riêng vì các bệnh lý khác liên quan đến hormone nữ có thể có các triệu chứng tương tự, bao gồm rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt, tiền mãn kinh hoặc mãn kinh. Tiến sĩ Fink cũng lưu ý rằng chỉ đơn giản là thừa cân cũng có thể tạo ra các triệu chứng giống với các bệnh lý tuyến giáp.

Xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp (thyroid stimulating hormone – TSH) có thể xác định các bệnh lý tuyến giáp trước khi các triệu chứng xảy ra. Nhưng nếu bạn không báo cáo các triệu chứng, bác sĩ có thể không tầm soát xem liệu bạn có mắc bệnh lý tuyến giáp hay không.

Tham vấn ý kiến bác sĩ về việc sàng lọc nếu gia đình bạn có tiền sử bệnh lý tuyến giáp. Di truyền là một yếu tố gây ra bệnh Graves, bệnh Hashimoto (một loại suy giáp) và ung thư tuyến giáp.

Lầm tưởng #2: Nếu bạn có một khối u ở cổ, bạn chắc chắn có vấn đề về tuyến giáp.

Thực tế:

Một khối u trên cổ không nhất thiết là bướu cổ do tăng kích thước tuyến giáp. Tiến sĩ Fink nói rằng: “Mặc dù tuyến giáp là bộ phận phổ biến nhất có thể phình to ra ở vùng cổ, nhưng ngoài tuyến giáp, ở cổ vẫn còn rất nhiều bộ phận khác”.

Các nguyên nhân khác gây ra khối u ở cổ có thể là hạch bạch huyết sưng lên hoặc u nang. Dù là do nguyên nhân gì đi nữa, Tiến sĩ Fink khuyên bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám bất kỳ khối u nào ở cổ, bác sĩ sẽ đánh giá vấn đề bằng một cuộc kiểm tra nhanh và yêu cầu siêu âm hoặc chụp CT nếu cần thiết.

Lầm tưởng #3: Nếu bạn mệt mỏi và tăng cân, chắc chắn có vấn đề gì đó với tuyến giáp của bạn.

Thực tế:

Tiến sĩ Fink cho biết: “Các triệu chứng của tuyến giáp hoạt động kém thường rất không đặc hiệu, có nghĩa là chúng có thể xuất hiện trong nhiều bệnh lý khác nhau. Tôi luôn nói với bệnh nhân của mình rằng tôi sẽ xem xét tình trạng sức khỏe tổng thể chứ không chỉ với tuyến giáp của họ, mặc dù có thể họ đến gặp tôi và nói rằng họ có vấn đề về tuyến giáp”.

Đối với bệnh nhân nữ, Tiến sĩ Fink trước tiên sẽ xem xét chu kỳ kinh nguyệt vì đây là vấn đề thường gây ra các triệu chứng tương tự như ở bệnh lý tuyến giáp. Theo Tiến sĩ Fink: “Các triệu chứng như mệt mỏi và tăng cân có thể là do bệnh lý tuyến giáp hoặc do chu kỳ kinh nguyệt. Một cách hiệu quả là tìm một ứng dụng tốt để theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của bạn và điều đó đôi khi có thể giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về cơ thể của bạn cũng như sự biến động hàng ngày của hormone trong cơ thể”. Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn không phải là nguyên nhân gây ra mệt mỏi hoặc tăng cân, bác sĩ Fink cho biết xét nghiệm TSH sẽ là bước tiếp theo để chẩn đoán tình trạng bệnh lý tuyến giáp thực sự.

Lầm tưởng #4: Nếu mắc bệnh lý tuyến giáp, mắt bạn sẽ bi lồi ra.

Thực tế:

Bệnh Graves – dạng cường giáp phổ biến nhất – đôi khi gây ra tình trạng lồi mắt nhưng không phải luôn như vậy. (Lưu ý rằng hút thuốc làm tăng nguy cơ bị tình trạng này.)

Các vấn đề khác về mắt liên quan đến bệnh Graves bao gồm nhìn đôi, khô mắt và sưng mí mắt.

Tuy nhiên theo bà, chỉ 10 – 20% bệnh nhân mắc bệnh Graves gặp phải bệnh lý nghiêm trọng về mắt.

Bà cho biết: “Chúng tôi yêu cầu những người mắc bệnh Graves ngừng hút thuốc (nếu họ đang hút thuốc). Ta có thể điều trị bệnh về mắt bằng steroid và các sản phẩm bổ sung selen. Và đối với những trường hợp lồi mắt nặng, chúng tôi có thể tiến hành phẫu thuật”.

Lầm tưởng #5: Nếu có nhân giáp thì chắc chắn bạn bị ung thư.

Thực tế:

Theo Tiến sĩ Kellis: “Các nhân giáp thường lành tính và một nửa số phụ nữ trên 40 tuổi có nhân giáp”.

Vì vậy, nếu một nhân giáp xuất hiện, đừng quá hoảng sợ. Bác sĩ phát hiện ung thư trong ít hơn 5% các các trường hợp có nhân giáp.

Nếu nhân giáp ấy là một khối rắn với kích thước từ 1 cm trở lên, bác sĩ có thể sẽ lấy một mẫu tế bào (sinh thiết) để xem nó có phải là ung thư hay không.

Bà cho biết: “Nhiều bệnh nhân hỏi rằng liệu xét nghiệm máu có thể xác định được một nhân giáp có phải là ung thư hay không. Tuy nhiên, chẩn đoán ban đầu của ung thư tuyến giáp được thực hiện bằng sinh thiết tuyến giáp, không phải bằng xét nghiệm máu”.

Lầm tưởng #6: Chỉ những phụ nữ lớn tuổi mới có thể mắc các vấn đề về tuyến giáp.

Thực tế:

Theo Tiến sĩ Fink, bệnh lý tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến cả nam giới lẫn phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, phụ nữ có nguy cơ cao hơn mắc các vấn đề về tuyến giáp.

Bà cho biết: “Tôi gặp rất nhiều phụ nữ trẻ mắc các bệnh lý về tuyến giáp. Yếu tố di truyền cộng với các yếu tố môi trường thường là nguyên nhân khiến một người gặp phải bệnh lý tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc kém hoạt động liên quan đến tình trạng tự miễn. Nó có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng nó có khuynh hướng phổ biến hơn ở phụ nữ”.

Christian Nasr, bác sĩ nội tiết tại phòng khám Cleveland, cho biết phụ nữ có nhiều khả năng mắc các bệnh lý tuyến giáp vì họ có nồng độ estrogen cao hơn nam giới. Tiến sĩ Nasr nói rằng: “Estrogen làm cho các tế bào dễ bị ‘nhìn thấy’ hơn bởi hệ thống miễn dịch, vì vậy phụ nữ có xu hướng bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi tất cả các bệnh tuyến giáp – suy giáp, cường giáp, nhân tuyến giáp và ung thư tuyến giáp”.

Lầm tưởng #7: Tiêu thụ thêm i-ốt sẽ cải thiện tình trạng tuyến giáp.

Thực tế:

Bạn có thể nghe nói rằng điều quan trọng là phải bổ sung i-ốt khi bạn mắc bệnh lý tuyến giáp. Các quảng cáo đưa ra tuyên bố này vì việc thiếu hụt i-ốt là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh lý tuyến giáp trên toàn cầu.

Tuyến giáp cần i-ốt để hoạt động bình thường, nhưng theo Tiến sĩ Fink, việc sử dụng các sản phẩm bổ sung i-ốt hoặc ăn nhiều rong biển có thể gây hại cho tuyến giáp của bạn nhiều hơn là đem lại lợi ích. I-ốt dư thừa có thể gây ra rối loạn chức năng tuyến giáp. Bà cho biết: “Nếu cơ thể không có cơ chế thích hợp để hạn chế hoạt động tuyến giáp khi nó sử dụng nhiều i-ốt, nó sẽ biến thành ‘nhà máy tiêu thụ i-ốt’ và tạo ra lượng lớn hormone tuyến giáp. Điều này có thể khiến tuyến giáp hoạt động quá mức nếu bạn thực sự bổ sung quá nhiều i-ốt”.

Lầm tưởng #8: Thực hiện tư thế trồng cây chuối (headstand) sẽ làm giảm các triệu chứng của bệnh lý tuyến giáp.

Thực tế:

Có một lầm tưởng rằng thực hiện động tác trồng cây chuối hoặc các tư thế yoga lộn ngược khác sẽ làm giảm các triệu chứng của bệnh lý tuyến giáp bằng cách tăng lưu lượng máu đến tuyến này. Chắc chắn rằng yoga có thể làm cơ thể khỏe mạnh hơn cũng như có thể giúp thư giãn tâm trí, nhưng thực tế là không có động tác lộn ngược nào – chẳng hạn như động tác downward dog – có thể chữa khỏi bệnh lý tuyến giáp  hoặc ngăn ngừa nó xảy ra. Tuy nhiên, Tiến sĩ Fink và Tiến sĩ Nasr cho biết nếu các động tác hướng phần đầu xuống dưới khiến bạn cảm thấy khỏe mạnh hơn thì hãy cứ tiếp tục thực hiện. Thêm nữa, tập luyện yoga hàng ngày có thể khắc phục các triệu chứng của bệnh theo những cách khác. Tiến sĩ Fink nói: “Tôi cho rằng một người tập yoga sẽ ít bị căng thẳng hơn và việc giảm cân sẽ có lợi vì nếu bạn nhẹ cân hơn, bạn có thể cần ít hormone tuyến giáp hơn”.

Nguồn: Cleveland Clinic, Health

Giới thiệu về STELLA

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức (WHO), và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

 

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu