Những điều cần biết về việc dễ bị bầm tím

Vết bầm tím xuất hiện khi máu bị ứ đọng dưới da, thường là do một tác động làm tổn thương mạch máu nhỏ. Một cú ngã, một sự va đập hoặc bất cứ điều nào khác tạo áp lực cao đột ngột lên da có thể gây ra vết bầm. Những cú va đập quá mạnh có thể làm tổn thương xương, gây xuất huyết sâu và các vết bầm mất vài tuần để khỏi. Những vết bầm nhỏ thường hết trong vài ngày.

Một số người nhận thấy họ rất dễ bị bầm tím mà không nhớ nguyên nhân ban đầu là gì. Những người khác bị những vết bầm lớn sau khi bị thương nhẹ hoặc thấy rằng vết bầm tím của mình mất nhiều tuần để khỏi.

Việc dễ bị bầm tím không nhất thiết đồng nghĩa với việc một người có tình trạng bệnh lý. Tuy nhiên nếu nhận thấy có sự khác thường về số lượng vết bầm tím, việc đến gặp bác sĩ để được thăm khám là điều cần thiết.

Bất kỳ tình trạng bệnh lý hoặc thuốc nào làm tăng xuất huyết cũng có thể khiến một người dễ bị bầm tím hơn.

NGUYÊN NHÂN

Mọi người có xu hướng dễ bị bầm tím hơn khi già đi do các mạch máu trở nên yếu hơn và da mỏng hơn.

Dễ bị bầm tím cũng có thể là tình trạng xảy ra trong một gia đình, vì vậy những người có người thân dễ bị bầm tím có thể nhận thấy mình cũng gặp phải tình trạng này.

Có thể sẽ khó để một người tự đánh giá xem liệu họ có nhiều vết bầm tím hơn bình thường hoặc dễ bị bầm tím hơn hầu hết những người khác hay không.

Một số dấu hiệu cho thấy một người dễ bị bầm tím hơn bình thường bao gồm:

  • dù chỉ bị thương nhẹ, vết bầm tím rất lớn và gây đau
  • có nhiều vết bầm tím mà không nhớ nguyên nhân gây ra chúng
  • thường có các vết bầm tím mất nhiều tuần để khỏi
  • chảy máu lâu hơn 10 phút sau khi bị thương.

Nhiều bệnh lý và các vấn đề về lối sống có thể khiến một người dễ bị bầm tím hơn. Phổ biến nhất bao gồm:

1. Thuốc

Các thuốc làm loãng máu có thể khiến một người bị chảy máu và bầm tím nhiều hơn. Một số thuốc làm loãng máu phổ biến bao gồm:

  • warfarin
  • heparin
  • rivaroxaban
  • dabigatran
  • apixaban
  • aspirin

Một số loại thuốc khác có thể làm suy yếu hoặc thay đổi hoạt động của các mạch máu, làm trầm trọng thêm tình trạng viêm hoặc làm tăng nguy cơ xuất huyết. Chúng có thể bao gồm:

  • một số thảo dược như ginkgo biloba, nhân sâm, cỏ thơm, tỏi (với lượng lớn), gừng, cây cọ lùn và vỏ cây liễu
  • corticosteroid và glucocorticoid, ví dụ, prednisone (Rayos)
  • một số thuốc chống trầm cảm như citalopram (Celexa) và fluoxetine (Prozac)

Khi đang dùng thuốc, nếu nhận thấy sự xuất huyết bất thường hoặc bầm tím, bạn nên hỏi bác sĩ xem liệu thuốc đang dùng có thể gây xuất huyết hay không. Nếu đúng là như thế, bạn có thể thảo luận với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích của việc tiếp tục điều trị.

2. Uống rượu quá mức và bệnh gan

Uống rượu quá mức là yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh về gan, chẳng hạn như xơ gan. Xơ gan và các bệnh lý khác về gan dần làm suy giảm chức năng gan.

Khi bệnh gan tiến triển, gan có thể ngừng sản xuất các protein giúp đông máu. Kết quả là một người có thể bị chảy máu quá nhiều và dễ bị bầm tím. Họ cũng có thể cảm thấy ngứa, rất mệt mỏi hoặc suy nhược, bị sưng chân, nước tiểu sẫm màu và mắt hoặc da vàng.

Bệnh gan có thể chữa trị được, đặc biệt là khi được chẩn đoán sớm. Một người nên ngừng uống rượu ngay lập tức khi xuất hiện các triệu chứng của các vấn đề về gan. Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên về sự kết hợp phù hợp giữa việc điều trị và thay đổi lối sống.

3. Rối loạn chảy máu

Nhiều tình trạng di truyền có thể khiến máu của một người đông chậm hoặc hoàn toàn không đông. Bệnh von Willebrand – rối loạn chảy máu phổ biến nhất – ảnh hưởng khoảng 1% dân số. Một người mắc tình trạng này sẽ không có hoặc khiếm khuyết protein von Willebrand – là protein quan trọng đối với quá trình đông máu.

Điều trị bằng hormone tổng hợp có thể cải thiện quá trình đông máu ở những người mắc bệnh von Willebrand. Bệnh máu khó đông (Hemophilia), một chứng rối loạn chảy máu khác, gây ra sự thiếu hoặc khiếm khuyết yếu tố VIII (Hemophilia A) hoặc yếu tố IX (Hemophilia B). Cả hai loại protein này đều quan trọng đối với quá trình đông máu. Các dạng tổng hợp của các yếu tố đông máu này có thể giúp điều trị bệnh máu khó đông và giảm nguy cơ xuất huyết nghiêm trọng, bao gồm cả các vết bầm tím nghiêm trọng.

Khi rối loạn chảy máu di truyền gây ra tình trạng dễ bị bầm tím, người bệnh có thể bị xuất huyết quá mức hoặc thậm chí bị xuất huyết đe dọa tính mạng. Các triệu chứng không xuất hiện đột ngột. Thay vào đó, chúng xuất hiện ngay từ khi sinh ra, vì vậy rối loạn chảy máu di truyền thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

4. Thiếu hụt vitamin

Một số loại vitamin nhất định giúp cơ thể lành vết thương và đông máu. Thiếu vitamin C có thể gây ra một tình trạng gọi là bệnh Scurvy (còn gọi là bệnh Scorbut). Scrury gây chảy máu nướu răng, vết thương không lành và dễ bầm tím.

Vitamin K giúp cơ thể hình thành cục máu đông để cầm máu. Trẻ sơ sinh thường có lượng vitamin K rất thấp, vì thế không đủ để cầm máu. Nếu không được tiêm vitamin K khi sinh, trẻ sơ sinh có thể dễ bị bầm tím hoặc chảy máu quá mức. Người lớn thiếu vitamin K cũng có thể nhận thấy tình trạng tăng đột ngột các vết bầm tím.

Sự thiếu hụt vitamin thường dễ được điều chỉnh một cách hợp lý. Tuy nhiên, điều quan trọng là tình trạng thiếu hụt này phải được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu, từ đó bác sĩ có thể đề nghị bổ sung vitamin thích hợp.

Nếu các sản phẩm bổ sung vitamin không khắc phục được vấn đề, có thể người đó có vấn đề khác, chẳng hạn như rối loạn chuyển hóa hoặc rối loạn tiêu hóa, khiến cơ thể khó hấp thu chất dinh dưỡng.

5. Viêm mạch máu

Viêm mạch máu là một nhóm các tình trạng khiến các mạch máu bị viêm. Ngoài việc xuất huyết bất thường và bầm tím, một người còn có thể cảm thấy khó thở, tê ở tay chân và xuất hiện các vết loét, u da hoặc đốm tím trên da.

Phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm mạch máu và vùng cơ thể chịu ảnh hưởng. Một số loại thuốc, bao gồm steroid, có thể hữu ích.

6. Ban xuất huyết ở người cao tuổi (Senile purpura)

Tinh trạng ban xuất huyết này thường ảnh hưởng đến những người lớn tuổi, bao gồm khoảng 10% những người trên 50 tuổi. Nó gây ra các tổn thương giống như vết bầm đỏ tía trên da và có thể ảnh hưởng nhiều nhất đến cánh tay và bàn tay.

Trong nhiều trường hợp, tình trạng tổn thương này xuất hiện sau khi có các vết thương trên da. Tuy nhiên, chúng tồn tại lâu hơn nhiều và thường lớn hơn nhiều so với vết bầm. Đôi khi, ngay cả sau khi vết thương đã lành, da vẫn có màu nâu.

Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Những người bị ban xuất huyết do tuổi già phải lưu ý đến việc họ dễ bị bầm tím và cần cố gắng bảo vệ da khỏi bị thương. Không có cách chữa trị cho tình trạng này, nhưng bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp thay đổi lối sống để giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các tổn thương.

7. Ung thư

Chảy máu bất thường, bao gồm bầm tím, có thể là dấu hiệu của ung thư, nhưng hiếm gặp. Các bệnh ung thư ảnh hưởng đến máu và tủy xương, chẳng hạn như bệnh bạch cầu, có thể gây bầm tím. Một người cũng có thể nhận thấy nướu răng bị chảy máu.

Nhiều bệnh ung thư có khả năng được chữa khỏi cao, đặc biệt là khi được chẩn đoán sớm. Người mắc ung thư nên đi điều trị sớm, đừng bao giờ để nỗi sợ trì hoãn việc điều trị. Hóa trị, thuốc và phẫu thuật có thể cứu sống bệnh nhân.

KHI NÀO NÊN ĐI THĂM KHÁM

Một người nên tham vấn ý kiến ​​bác sĩ nếu họ bắt đầu gặp tình trạng dễ bị bầm tím hơn trước.

Nếu có một vết bầm tím rất lớn và xuất hiện tình trạng xuất huyết liên tục dưới da thì đây được xem là tình trạng khẩn cấp.

Chấn thương các cơ quan của cơ thể cũng là một trường hợp khẩn cấp, vì vậy một người nên đến phòng cấp cứu nếu bị một cú đánh mạnh vào lưng, ngực hoặc bụng, nếu vết bầm tím rất đau hoặc có màu đen hoặc sưng bất thường.

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, có thể yên tâm chờ xem vết bầm có tự khỏi hay không.

Mọi người nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ về tình trạng dễ bị bầm tím nếu:

  • đột nhiên bắt đầu dễ bị bầm tím hơn trước
  • có các triệu chứng khác, chẳng hạn như vàng da, sốt, uể oải hoặc những thay đổi trên da
  • đang dùng một số thuốc và bắt đầu nhận thấy tình trạng dễ bị bầm tím hơn
  • có nhiều vết bầm tím gây đau đớn và rất lâu khỏi.

TÓM LẠI

Trong hầu hết các trường hợp, việc dễ bị bầm tím là một bất tiện nhỏ do yếu tố di truyền hoặc tình trạng bệnh lý nhẹ.

Tuy nhiên, vết bầm tím cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo sớm rằng các cơ quan hoặc mạch máu gặp phải vấn đề nào đó. Chính vì thế, tốt nhất là bạn không nên bỏ qua sự thay đổi nào liên quan đến các vết bầm tím và đi thăm khám sớm.

Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân cơ bản của vết bầm là lành tính hoặc có khả năng cao được chữa trị.

Nguồn: MEDICAL NEWS TODAY

Giới thiệu về STELLA

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức (WHO), và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu