Bệnh tự miễn – Nguyên nhân. Các bệnh lý phổ biến. Điều trị

Nhiều người mắc các bệnh lý gây ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm vào chính cơ thể họ. Đây được gọi là bệnh tự miễn, và có rất nhiều bệnh tự miễn dịch khác nhau mà một người có thể mắc phải.

Vậy thế nào là bệnh tự miễn? Bệnh tự miễn là một bệnh lý đặc trưng bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể có sự nhầm lẫn và tự tấn công chính nó. Một số bệnh chỉ ảnh hưởng đến một cơ quan, và những bệnh khác có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Điều này xảy ra khi hệ miễn dịch nghĩ rằng các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể là ngoại lai và có hại. Vì vậy, nó bắt đầu tấn công các tế bào khỏe mạnh đó.

Bệnh tự miễn là gì?

Bình thường hệ miễn dịch biết cách phân biệt tế bào khỏe mạnh và tế bào lạ. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch trở nên hoạt động quá mức và bất thường, nó có thể bắt đầu tấn công chính các mô và tế bào của cơ thể.

Trong trường hợp này, hệ miễn dịch bắt đầu sản xuất các tự kháng thể (autoantibody) và chúng bắt đầu nhắm vào các tế bào khỏe mạnh thay vì chống lại nhiễm trùng. Do đó, các tế bào khỏe mạnh bị tổn thương, gây ra sự khởi phát bệnh.

Nguyên nhân của các bệnh tự miễn

Nguyên nhân nào khiến hệ miễn dịch tự tấn công chính cơ thể mình vẫn chưa được biết đến đầy đủ. Tuy nhiên, có những nhóm người nhất định có khuynh hướng mắc các bệnh tự miễn nhiều hơn. Chẳng hạn, phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh tự miễn hơn so với nam giới. Một số dân tộc nhất định có thể có nhiều khả năng mắc một bệnh tự miễn cụ thể hơn các dân tộc khác.

Số lượng người mắc các bệnh lý tự miễn đang ngày một gia tăng. Vì vậy nhiều nhà nghiên cứu đang tìm hiểu xem đâu có thể là những yếu tố nguyên nhân có khả năng gây ra tình trạng này.

Chế độ ăn có thể là một yếu tố. Chẳng hạn, ăn thực phẩm đã qua chế biến, chứa nhiều đường và carbohydrate không lành mạnh có thể gây tình trạng viêm trong cơ thể chúng ta. Tình trạng viêm này có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công chính cơ thể.

Một yếu tố khác có thể là môi trường. Phơi nhiễm với một số bệnh nhiễm trùng hoặc hóa chất có thể là nguyên nhân khiến bệnh khởi phát. Việc bị căng thẳng quá mức là một vấn đề môi trường xã hội có thể khiến hormone của chúng ta không còn hoạt động bình thường, từ đó ảnh hưởng đến chức năng của hệ miễn dịch.

Hiện vẫn chưa biết rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh tự miễn, nhưng hy vọng điều đó sẽ thay đổi trong tương lai không xa.

Các bệnh tự miễn phổ biến

Có khoảng 80 bệnh tự miễn khác nhau. Đây là danh sách những bệnh phổ biến:

  • Bệnh tiểu đường tuýp 1 (Type 1 diabetes)

Bệnh tiểu đường tuýp 1 là một bệnh tự miễn ảnh hưởng trực tiếp đến tụy. Hệ miễn dịch bắt đầu tiêu diệt các tế bào sản xuất insulin trong tụy, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến các biến chứng khác, chẳng hạn như các vấn đề về thận, thay đổi thị lực, vết thương chậm lành và các vấn đề về dây thần kinh.

  • Bệnh nhược cơ (Myasthenia gravis)

Bệnh nhược cơ là một bệnh lý thần kinh cơ, trong đó người bệnh bị yếu cơ nghiêm trọng. Điều này xảy ra do các kháng thể liên kết với các dây thần kinh và người đó không thể kích thích cơ bắp của họ một cách phù hợp.

  • Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid arthritis – RA)

Khi hệ miễn dịch bắt đầu tấn công các khớp và gây ra cứng khớp, đỏ và đau nhức, nó sẽ dẫn đến bệnh RA. RA có thể bắt đầu ảnh hưởng đến những người ở độ tuổi khá trẻ.

  • Bệnh vẩy nến (Psoriasis)

Bệnh vẩy nến xuất hiện khi hệ miễn dịch làm cho da tăng sinh quá nhanh, tạo ra sự tích tụ quá nhiều tế bào tăng thêm. Điều này tạo ra các vùng da bị viêm đỏ, loang lổ. Viêm khớp vảy nến có thể bắt đầu hình thành, một số bệnh nhân bị cứng và sưng khớp.

  • Lupus

Lupus xảy ra khi các kháng thể gắn vào các mô trên khắp cơ thể. Do đó, nhiều cơ quan khác nhau chịu ảnh hưởng bởi căn bệnh tự miễn này. Viêm và đau là những đặc điểm chính của bệnh lý này.

  • Bệnh viêm ruột (Inflammatory bowel disease)

Bệnh viêm ruột xuất hiện khi hệ miễn dịch bắt đầu tấn công lớp niêm mạc của ruột. Điều này có thể dẫn đến tiêu chảy, đau bụng, sốt, giảm cân và chảy máu trực tràng. Bệnh Crohn và viêm loét đại tràng là hai ví dụ của bệnh viêm ruột.

  • Bệnh đa xơ cứng (Multiple Sclerosis – MS)

Bệnh đa xơ cứng là do hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào thần kinh, gây ra tổn thương cho lớp che phủ bảo vệ xung quanh tế bào, được gọi là vỏ myelin. Điều này làm giảm tốc độ truyền tín hiệu thông tin giữa não và phần còn lại của cơ thể. Thiếu phối hợp, yếu, đau và co thắt cơ thường là các dấu hiệu liên quan đến bệnh lý này.

  • Bệnh Addison

Khi tuyến thượng thận không sản xuất đủ cortisol và aldosterone, đó có thể là do bệnh Addison gây ra. Quá ít những hormone này có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể bạn sử dụng và tích trữ carbohydrate. Nó cũng có thể dẫn đến mất natri và quá nhiều kali trong máu.

  • Bệnh Graves

Các kháng thể có thể kích hoạt tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp (tình trạng cường giáp). Tình trạng này được gọi là bệnh Graves và có thể gây ra mắt lồi, giảm cân, nhịp tim nhanh, khó chịu và các triệu chứng khác.

  • Hội chứng Guillain-Barre

Hội chứng Guillain-Barre được đặc trưng bởi hệ thống miễn dịch tấn công các dây thần kinh chịu trách nhiệm giúp kiểm soát các cơ của chân và đôi khi cả cánh tay.

  • Viêm tuyến giáp Hashimoto (Hashimoto’s Thyroiditis)

Bệnh lý này xuất hiện do suy chức năng tuyến giáp. Nó có thể gây tăng cân, mệt mỏi, sợ lạnh và rụng tóc.

  • Bệnh celiac

Bệnh nhân mắc bệnh celiac không thể ăn gluten. Khi gluten được tiêu thụ, hệ miễn dịch sẽ tấn công đường tiêu hóa và gây tình trạng viêm.

  • Viêm mạch tự miễn (Autoimmune vasculitis)

Bệnh tự miễn này xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các mạch máu, từ đó gây sưng tấy. Tình trạng viêm dẫn đến việc thu hẹp các động mạch và tĩnh mạch, hạn chế lưu lượng máu.

  • Thiếu máu ác tính (Pernicious anemia)

Có một loại protein xác định được gọi là yếu tố nội tại được tạo ra bởi các tế bào niêm mạc dạ dày và cần thiết để hấp thụ vitamin B12 từ thức ăn. Thiếu máu ác tính là khi có sự thiếu hụt protein này.

Các triệu chứng

Nhiều bệnh tự miễn có các triệu chứng tương tự nhau. Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng cần chú ý trong các bệnh tự miễn.

  • Yếu
  • Mệt mỏi
  • Thay đổi cân nặng
  • Các vấn đề về da
  • Các vấn đề về thị lực có thể xảy ra
  • Rụng tóc
  • Cảm giác tê hoặc ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân
  • Khó tập trung
  • Đau nhức cơ bắp hoặc chuột rút
  • Sưng tấy
  • Đau hoặc yếu khớp.

Mỗi bệnh lý tự miễn sẽ có những dấu hiệu và triệu chứng cụ thể riêng. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ về bất kỳ triệu chứng nào mà bạn có.

Những lựa chọn điều trị

Phương pháp điều trị chính xác bạn cần sẽ phụ thuộc vào tình trạng tự miễn mà bạn mắc phải. Tuy nhiên, nhiều lựa chọn điều trị tập trung vào việc giảm viêm và kiểm soát phản ứng của hệ miễn dịch.

Các bệnh tự miễn không thể chữa khỏi, nhưng bệnh nhân có thể sống cuộc sống bình thường với phương pháp điều trị thích hợp để kiểm soát tình trạng của họ. Chẳng hạn, những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 sẽ cần điều trị bằng insulin. Insulin sẽ không chữa khỏi tình trạng của họ, nhưng nó cung cấp cho họ khả năng giữ lượng đường trong máu ổn định để họ có thể sống một cuộc sống bình thường và khỏe mạnh.

Bác sĩ sẽ xác định phương pháp điều trị tốt nhất sau khi đánh giá tình trạng của bạn.

Nguồn: PRESCRIPTION HOPE

Giới thiệu về STELLA

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức (WHO), và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu