Thiếu hụt hormone tăng trưởng

Thế nào là sự thiếu hụt hormone tăng trưởng?

Thiếu hụt hormone tăng trưởng (growth hormone deficiency – GHD) là tình trạng hiếm gặp, trong đó cơ thể không tạo ra đủ hormone tăng trưởng (growth hormone – GH). GH được sản xuất bởi tuyến yên, đây là một cơ quan nhỏ nằm ở đáy não.

Ở trẻ em, GH cần thiết cho sự phát triển bình thường, cho sức mạnh của cơ và xương, cũng như sự phân bố mỡ trong cơ thể. Hormone này cũng giúp kiểm soát mức glucose và lipid. Nếu không có đủ GH, một đứa trẻ có thể chậm lớn và thấp hơn nhiều so với những đứa trẻ khác ở cùng độ tuổi và giới tính.

Điều quan trọng các bậc cha mẹ cần biết là có nhiều lý do khiến cơ thể trẻ chậm tăng trưởng và trẻ có chiều cao dưới mức trung bình. Đôi khi, tình trạng chậm lớn là bình thường và tạm thời, chẳng hạn như ngay trước khi bắt đầu tuổi dậy thì. Bác sĩ nhi khoa chuyên về nội tiết (chuyên gia nội tiết tố ở trẻ em) có thể giúp tìm ra lý do tại sao trẻ chậm lớn. Hầu hết trẻ mắc chứng GHD đều tăng chiều cao ít hơn 5 cm mỗi năm.

Đâu là những dấu hiệu của GHD?

  • Chậm phát triển chiều cao (ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên)
  • Mức đường huyết thấp (ở trẻ sơ sinh và trẻ trong giai đoạn tập đi và biết đi mắc GHD nghiêm trọng và thiếu hụt ACTH)
  • Dương vật rất nhỏ (ở bé trai sơ sinh mắc GHD nghiêm trọng và thiếu hụt LH/FSH).

Nguyên nhân gây ra GHD?

Một số trẻ được sinh ra đã mắc GHD. Những trẻ khác mắc tình trạng này sau khi sinh do chấn thương não, khối u hoặc xạ trị ở vùng đầu. Đối với một số trẻ, bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân.

GHD được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh cũng như biểu đồ tăng trưởng của trẻ, đồng thời tìm các dấu hiệu của GHD và các tình trạng khác ảnh hưởng đến sự tăng trưởng. Bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm để giúp tìm ra nguyên nhân khiến trẻ chậm lớn, bao gồm:

  • Chụp X-quang bàn tay để kiểm tra sự phát triển của xương (tuổi xương) và đánh giá khả năng tăng trưởng
  • Xét nghiệm máu và những xét nghiệm khác để loại trừ các tình trạng khác ảnh hưởng đến sự phát triển
  • Các xét nghiệm cụ thể cho tình trạng GHD bao gồm:
  • Xét nghiệm nồng độ các yếu tố tăng trưởng IGF-1 (insulin-like growth factor) và IGFBP-3 (insulin-like growth factor binding protein-3)
  • Thử nghiệm kích thích GH. Trẻ được cho sử dụng các loại thuốc kích thích tuyến yên tiết ra GH. Sau đó, nếu nồng độ GH trong máu không tăng đến một mức nhất định, điều đó có nghĩa là tuyến yên không tạo đủ GH.
  • Hình ảnh cộng hưởng từ (MRI). Chẩn đoán hình ảnh dựa trên chụp MRI vùng đầu để phát hiện vấn đề với tuyến yên hoặc não bộ.

Trẻ mắc GHD được điều trị như thế nào?

Trẻ mắc GHD sẽ được điều trị bằng cách tiêm hormone tăng trưởng GH, đây là chế phẩm tổng hợp bằng công nghệ sinh học, tái tổ hợp gen người (human growth hormone – hGH) và là một loại thuốc kê đơn. Hormone GH được tiêm tại nhà bằng cách tiêm dưới da. Ban đầu, việc theo dõi được thực hiện thông qua đo lường nồng độ IGF-1 trong huyết thanh. Sau 3 – 6 tháng điều trị, đáp ứng tăng trưởng với liệu pháp GH sẽ được theo dõi.

Kết quả tốt nhất sẽ có được khi GHD được chẩn đoán và điều trị sớm. Ở một số trẻ, điều trị GH có thể giúp tăng chiều cao 10 cm trong năm đầu tiên tiến hành điều trị. Những trẻ khác có thể sẽ tăng trưởng ít hơn, nhưng kết quả thường vẫn tốt hơn so với việc không điều trị. Một số trẻ cần được điều trị cho đến độ tuổi thanh thiếu niên; những trẻ khác cần điều trị đến khi trưởng thành.

Tác dụng phụ của điều trị GH là gì?

Tác dụng phụ từ nhẹ đến trung bình thường không phổ biến, bao gồm:

  • Đau đầu
  • Đau cơ hoặc khớp
  • Suy giáp nhẹ
  • Sưng bàn tay và bàn chân
  • Cong vẹo cột sống.

Các tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Đau đầu dữ dội kèm theo các vấn đề về thị lực
  • Vấn đề về hông khi phần trên cùng của xương đùi lệch khỏi vị trí
  • Viêm tuyến tụy.

Với hầu hết các trẻ, lợi ích có được từ việc điều trị GH thường lớn hơn rủi ro.

Bạn có thể làm gì khi trẻ mắc tình trạng GHD?

Bạn có thể giúp con mình có được chăm sóc tốt nhất cho tình trạng GHD nhờ thực hiện các cách sau:

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn có thắc mắc về phương pháp điều trị.
  • Tuân theo đúng hướng dẫn khi cho trẻ tiến hành điều trị GH và sử dụng các loại thuốc kê đơn khác.
  • Trong trường hợp trẻ đi thăm khám với một bác sĩ khác, hãy nói cho họ biết về việc trẻ đang điều trị GH.
  • Hãy chắc chắn rằng trẻ được kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

Hãy tư vấn cho trẻ nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu của sự thiếu tự tin hoặc buồn bã liên quan đến việc trẻ thấp bé hơn so với bạn bè cùng trang lứa.

Nguồn: Hormone Health Network

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu