Thế nào là bệnh tiểu đường tự miễn tiềm ẩn ở người lớn?

Bệnh tiểu đường tự miễn tiềm ẩn ở người lớn (Latent autoimmune diabetes of adults – LADA), còn được gọi là bệnh tiểu đường tuýp 1.5, là một dạng ít phổ biến hơn của bệnh tiểu đường và ảnh hưởng đến đối tượng là người trưởng thành.

Những người mắc LADA có thể có các dấu hiệu và triệu chứng của cả tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2, điều này khiến cho việc chẩn đoán LADA trở nên khó khăn hơn.

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu LADA là gì và nó khác với các loại tiểu đường khác như thế nào nhé.

Thế nào là LADA?

LADA là một loại bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến người lớn, thường là sau tuổi 35. Những người mắc LADA có thể có các dấu hiệu của cả tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2.

Với LADA, người bệnh phát triển các kháng thể ảnh hưởng đến khả năng của tuyến tụy trong việc kiểm soát đường huyết.

Những người mắc LADA, ban đầu, có thể không phụ thuộc vào insulin, điều này có nghĩa là tuyến tụy của họ vẫn có thể sản xuất insulin.

Bác sĩ có thể chẩn đoán những người này mắc tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên, những người mắc tiểu đường tuýp 2 lại không phát triển các kháng thể gây ra LADA.

Không giống như tiểu đường tuýp 1, LADA tiến triển chậm, điều này giải thích tại sao nó thường được chẩn đoán muộn hơn ở tuổi trưởng thành.

LADA có thể chiếm 2 – 12% tổng số trường hợp mắc bệnh tiểu đường ở người trưởng thành.

LADA so với các loại tiểu đường khác

LADA khác với tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2.

Bác sĩ thường chẩn đoán tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thường biểu hiện rõ nhất trong khoảng độ tuổi từ 5 – 7 và xung quanh tuổi dậy thì.

Ở tiểu đường tuýp 1, các kháng thể tấn công các tế bào của tuyến tụy. Vì tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin, những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 phải sử dụng insulin dạng tiêm để kiểm soát đường huyết.

Tiểu đường tuýp 2 là một bệnh chuyển hóa và là kết quả của sự khiếm khuyết trong hoạt động của insulin.

Tiểu đường tuýp 2 ảnh hưởng đến người trung niên và người lớn tuổi, với lượng đường trong máu cao xuất phát từ lối sống và thói quen ăn uống trước đây.

LADA giống với bệnh tiểu đường tuýp 1 nhiều hơn là tuýp 2. Sự giống nhau này có thể là lý do tại sao bác sĩ đôi khi gọi LADA là bệnh tiểu đường tuýp 1.5.

Cũng như tiểu đường tuýp 1, những người mắc LADA thường có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hơn những người mắc tiểu đường tuýp 2.

LADA cũng thể hiện một số đặc điểm của tiểu đường tuýp 2, chẳng hạn như được chẩn đoán ở độ tuổi cao hơn, cũng như sự thiếu hụt insulin hoặc giảm chức năng của insulin.

Triệu chứng

LADA có thể biểu hiện với các triệu chứng rất đa dạng, chẳng hạn như nhiễm toan ceton, từ đó có thể gây ra mùi trái cây đặc biệt trong hơi thở, cũng như lượng đường trong máu cao.

Một số người mắc LADA có các triệu chứng của cả tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2.

Những triệu chứng này có thể bao gồm:

  • khát nước nhiều
  • đi tiểu thường xuyên
  • đói quá mức
  • rất mệt mỏi
  • mờ mắt
  • vết cắt và vết bầm chậm lành
  • sụt cân mặc dù ăn nhiều hơn (tuýp 1)
  • ngứa ran, đau hoặc tê ở bàn tay hoặc bàn chân (tuýp 2).

Nguyên nhân

Nguyên nhân của LADA là do sự phát triển của các tự kháng thể chống lại các tế bào tuyến tụy, insulin, hoặc các enzym liên quan đến các chức năng của tuyến tụy.

Các kháng thể ảnh hưởng đến tuyến tụy và chức năng của nó, từ đó có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể đáp ứng với lượng đường trong máu.

Các chuyên gia cho rằng LADA có thể có chung các đặc điểm di truyền của bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2. Điều này có thể giải thích tại sao LADA có chung một số đặc điểm lâm sàng của cả hai loại tiểu đường.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không biết liệu có bất kỳ yếu tố di truyền cụ thể nào đối với LADA hay không.

Điều trị

Hiện vẫn chưa có các hướng dẫn chính thức để điều trị LADA.

Mục tiêu của việc điều trị là bảo tồn chức năng tế bào tuyến tụy. Để đạt được điều này, bệnh nhân đôi khi có thể sử dụng insulin tiêm.

Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị tiểu đường có thể giúp làm chậm quá trình phá hủy tế bào tuyến tụy, bao gồm thuốc ức chế DPP-4 và chất chủ vận thụ thể glucagon-like peptide-1.

Tuy nhiên, bác sĩ có thể đề xuất một chiến lược điều trị được cá nhân hóa, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể cũng như các triệu chứng mà một người đang biểu hiện.

Biến chứng

Tương tự như tiểu đường tuýp 2, những người mắc LADA có thể có nguy cơ bị các biến chứng mạch máu nhỏ, bao gồm:

  • tổn thương thận
  • tổn thương dây thần kinh gây đau, ngứa ran và mất cảm giác ở bàn tay và bàn chân
  • rối loạn mắt và thị lực.

Một số chuyên gia cho rằng những người mắc LADA có thể có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn những người mắc tiểu đường tuýp 2. Những người mắc LADA cũng có thể có mức cholesterol trong máu cao hơn những người mắc tiểu đường tuýp 2.

Nhiễm toan ceton do đái tháo đường (Diabetic ketoacidosis – DKA) là một biến chứng khác có thể có của LADA.

DKA có thể xảy ra khi các tế bào không thể nhận được lượng glucose mà chúng cần, và thay vào đó, cơ thể sẽ đốt cháy mỡ để tạo năng lượng. Quá trình này có thể tạo ra ceton, là nguyên nhân tạo ra mùi trái cây trong hơi thở.

DKA là một tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến hôn mê do đái tháo đường. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • dấu hiệu của đường huyết cao
  • giảm cân không chủ ý
  • nôn mửa
  • yếu sức
  • thay đổi trạng thái tinh thần.

Yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố nguy cơ của LADA bao gồm:

Các nhà nghiên cứu cho rằng những người có nhiều yếu tố nguy cơ cùng lúc có khả năng mắc LADA cao hơn. Chẳng hạn, sự kết hợp giữa cân nặng khi sinh thấp và thừa cân ở tuổi trưởng thành có thể làm tăng nguy cơ mắc LADA.

Căng thẳng tâm lý xã hội cũng có thể là một yếu tố nguy cơ của LADA.

Chẩn đoán

Bác sĩ có thể khó phân biệt giữa LADA và tiểu đường tuýp 2.

Một số đặc điểm của LADA có thể yêu cầu bác sĩ tiến hành sàng lọc thêm để giúp phân biệt giữa các loại tiểu đường.

Bác sĩ thường chẩn đoán LADA ở những người trên 35 tuổi, điều này cũng giống với chẩn đoán tiểu đường tuýp 2.

Những người mắc LADA ban đầu có thể đáp ứng tốt với các thay đổi về dinh dưỡng và lối sống, cũng như việc sử dụng thuốc, nhưng sau đó, đáp ứng của họ thường giảm đi.

Những người mắc LADA sẽ cho kết quả dương tính với ít nhất một loại kháng thể chống lại tế bào tuyến tụy, insulin hoặc các enzym liên quan đến chức năng tuyến tụy.

C-peptide là một yếu tố khác giúp bác sĩ phân biệt giữa các loại tiểu đường. Những người mắc LADA có thể có nồng độ C-peptide trong máu từ thấp đến bình thường, trong khi nồng độ này thấp hơn ở tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2.

Khi cần di thăm khám

Một người nên đi thăm khám nếu họ cảm thấy khát hoặc đói quá mức, hoặc đi tiểu thường xuyên nhưng không rõ nguyên nhân.

Để chẩn đoán tiểu đường, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra một số chỉ dấu về đường huyết.

DKA có thể xảy ra ở những người trì hoãn việc đi thăm khám mặc dù đã có những triệu chứng của bệnh tiểu đường. DKA có thể báo hiệu rằng tình trạng bệnh tiểu đường đang trở nên xấu đi.

Nếu có các triệu chứng của DKA, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ ngay lập tức vì tình trạng này có thể đe dọa tính mạng.

Tóm lại

LADA là loại tiểu đường được chẩn đoán ở tuổi trưởng thành.

Những người mắc LADA có thể xuất hiện các triệu chứng điển hình của tiểu đường tuýp 2, nhưng cơ thể họ lại sản xuất ra các kháng thể ảnh hưởng đến cách cơ thể kiểm soát lượng đường trong máu.

Những người mắc LADA có thể sử dụng insulin tiêm hoặc các loại thuốc khác để kiểm soát đường huyết và làm chậm quá trình phá hủy tuyến tụy.

Nguồn: Medical News Today

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu