Nguyên nhân nào gây ra hiện tượng không có kinh nguyệt?

Hiện tượng không có kinh nguyệt còn được gọi là vô kinh (amenorrhea). Thuật ngữ “vô kinh” cũng áp dụng cho những người chưa xuất hiện kinh nguyệt cho đến tuổi 16, đây được gọi là vô kinh nguyên phát (primary amenorrhea). Vô kinh thứ phát (secondary amenorrhea) xảy ra ở những người gặp phải tình trạng mất kinh kéo dài liên tục 3 tháng.

Hãy cùng tìm hiểu về những lý do có thể có gây ra hiện tượng vô kinh, đồng thời biết được khi nào bạn cần đi thăm khám cũng như các giải pháp điều trị cho tình trạng này nhé.

Thế nào là vô kinh?

Kinh nguyệt, hay máu kinh, là hiện tượng niêm mạc tử cung bị bong ra và đi ra khỏi cơ thể. Vô kinh là tình trạng không có máu kinh.

Trong chu kỳ kinh nguyệt, các hormone sẽ kích thích buồng trứng sản xuất và phóng thích trứng. Buồng trứng cũng tiết ra các hormone estrogen và progesterone.

Estrogen chủ yếu làm cho niêm mạc tử cung dày lên, trong khi progesterone giúp tử cung chuẩn bị cho việc trứng làm tổ.

Nếu không có tinh trùng nào thụ tinh với trứng thì quá trình mang thai sẽ không xảy ra và trứng sẽ tự tiêu. Nồng độ estrogen và progesterone giảm đi, niêm mạc tử cung bong ra. Niêm mạc bị bong ra này sẽ ra khỏi cơ thể qua đường âm đạo, gây ra kinh nguyệt.

Một thiếu nữ khi đến 16 tuổi mà không xuất hiện kinh nguyệt thì trường hợp này được gọi là vô kinh nguyên phát.

Đôi khi một người phụ nữ sẽ không có kinh nguyệt trong 3 chu kỳ hoặc nhiều hơn, mặc dù đã có kinh nguyệt đều đặn cho đến thời điểm đó. Nếu không có nguyên nhân tự nhiên nào cho hiện tượng này – chẳng hạn như mang thai, họ được chẩn đoán là bị vô kinh thứ phát. Vô kinh thứ phát xảy ra ở khoảng 3 – 5% phụ nữ trưởng thành.

Nguyên nhân

Các nguyên nhân tự nhiên của tình trạng vô kinh bao gồm mang thai, cho con bú và mãn kinh. Trong những trường hợp này, bạn không cần phải đi thăm khám.

Khi một người có kinh nguyệt đều, điều này có nghĩa là buồng trứng, tử cung, vùng dưới đồi và tuyến yên của họ đang hoạt động tốt.

Hiện tượng không có kinh nguyệt có thể cho thấy rằng có vấn đề nào đó với một trong những bộ phận cơ thể kể trên, hoặc đó có thể là tình trạng bất thường của đường sinh dục. Các yếu tố thuộc về lối sống, tình trạng sức khỏe hoặc bệnh lý nền và một số loại thuốc cũng có thể dẫn đến vô kinh.

Các nguyên nhân có thể có gây ra hiện tượng vô kinh bao gồm:

1. Các biện pháp tránh thai

Một số loại thuốc tránh thai có thể gây trễ kinh hoặc hoàn toàn không có kinh.

Điều này có thể xảy ra trong vài tháng đầu sử dụng một loại viên thuốc tránh thai mới hoặc nếu một người không dùng bất kỳ viên giả dược nào hoặc không áp dụng một-tuần-không-thuốc mỗi tháng.

Một số biện pháp ngừa thai khác, chẳng hạn như dụng cụ tử cung nội tiết tố (IUD), thiết bị cấy ghép và việc tiêm thuốc cũng có thể dẫn đến vô kinh.

2. Thiếu hụt dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến chức năng của vùng dưới đồi và tuyến yên, từ đó có thể dẫn đến vô kinh.

3. Trọng lượng cơ thể thấp

Trọng lượng cơ thể thấp cũng có thể ngăn cản vùng dưới đồi và tuyến yên hoạt động bình thường. Điều này có thể dẫn đến một loại vô kinh được gọi là vô kinh chức năng do vùng dưới đồi.

4. Căng thẳng

Tình trạng căng thẳng có thể ảnh hưởng đến nồng độ hormone trong cơ thể, đồng thời đây cũng là một nguyên nhân khác gây ra tình trạng vô kinh chức năng do vùng dưới đồi. Những người bị vô kinh loại này cũng có tỷ lệ trầm cảm và lo âu cao hơn.

5. Tập thể dục quá mức

Tập thể dục quá mức là nguyên nhân thứ ba gây ra tình trạng vô kinh chức năng do vùng dưới đồi. Một số nghiên cứu ước tính rằng một nửa số phụ nữ tập thể dục thường xuyên bị rối loạn kinh nguyệt nhẹ.

6. Rối loạn ăn uống

Việc mắc chứng rối loạn ăn uống – chẳng hạn như chứng chán ăn hoặc ăn vô độ – có thể khiến một người bị vô kinh. Hiện tượng không có kinh nguyệt thường là do thiếu hụt dinh dưỡng hoặc do trọng lượng cơ thể quá thấp.

7. Tăng cân quá mức

Tăng cân nhanh chóng có thể làm mất cân bằng nội tiết tố, từ đó dẫn đến tình trạng vô kinh tạm thời.

8. Các thuốc điều trị bệnh lý tâm thần

Một số thuốc chống trầm cảm và thuốc giúp ổn định tâm trạng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của vùng dưới đồi và tuyến yên. Nếu các cơ quan này không sản xuất lượng nội tiết tố đúng mức, hiện tượng vô kinh có thể xảy ra.

9. Hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một rối loạn nội tiết tố ảnh hưởng đến 6 – 8 % phụ nữ trên toàn thế giới.

PCOS gây ra một loạt các triệu chứng bao gồm:

  • kinh nguyệt không đều
  • mọc nhiều lông
  • khó mang thai
  • tăng cân
  • mụn trứng cá.

PCOS cũng có thể dẫn đến chứng cường androgen (hyperandrogenemia), đây là tình trạng trong đó phụ nữ có mức hormone nam giới (androgen) cao. Một nghiên cứu năm 2017 trên 266 phụ nữ mắc PCOS cho thấy hơn 78% những người trong số họ gặp phải chứng cường androgen.

Cường androgen có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và dẫn đến vô kinh.

10. Suy buồng trứng sớm

Suy buồng trứng sớm là tình trạng trong đó buồng trứng không còn hoạt động bình thường trước tuổi 40.

Tình trạng này có thể dẫn đến trễ kinh. Tuy nhiên, nó không giống như tình trạng mãn kinh sớm – khi kinh nguyệt ngừng hoàn toàn.

11. Hội chứng Turner

Hội chứng Turner là một rối loạn di truyền. Những người mắc phải tình trạng này có thể có buồng trứng kém phát triển và không có kinh nguyệt.

12. Khiếm khuyết đường sinh dục

Khiếm khuyết đường sinh dục là những vấn đề thuộc về cấu trúc và có thể gây ra hiện tượng không có kinh hoặc máu kinh khó ra khỏi âm đạo.

Khiếm khuyết đường sinh dục nữ thường gặp nhất là màng trinh không thủng, đây là tình trạng màng trinh không có lỗ mở, đóng kín âm đạo và không cho máu kinh chảy ra ngoài.

13. Các vấn đề về tuyến yên

Tuyến yên tiết ra các hormone kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt. Các vấn đề với tuyến yên – như liệt kê dưới đây – có thể dẫn đến vô kinh:

  • u tuyến yên
  • hoại tử hậu sản ở tuyến yên (postpartum necrosis), là tình trạng chết sớm của các tế bào tuyến yên sau quá trình mang thai
  • bệnh u hạt (sarcoidosis), là một tình trạng viêm.

Việc xạ trị cũng có thể ảnh hưởng đến các tế bào tuyến yên và gây vô kinh.

Khi nào cần đi thăm khám

Những người bị mất 3 chu kỳ kinh liên tiếp nhưng đang không có thai hoặc không có khả năng đang bước vào thời kỳ mãn kinh nên đi thăm khám. Điều này đặc biệt quan trọng nếu họ cũng đang gặp phải các triệu chứng khác.

Những người chưa bắt đầu hành kinh ở tuổi 16 cũng nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn thêm.

Điều trị

Sau khi chẩn đoán được nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng vô kinh, bác sĩ sẽ khuyến nghị liệu trình điều trị phù hợp nhất cho bạn.

Vô kinh nguyên phát thường do dậy thì muộn và vì thế, tình trạng này thường sẽ được giải quyết qua thời gian. Tuy nhiên, bác sĩ có thể giúp xác định xem có nguyên nhân cơ bản nào khác khiến kinh nguyệt không xuất hiện hay không. Nếu tình trạng mất cân bằng nội tiết là nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp hormone.

Nguyên nhân của vô kinh chức năng do vùng dưới đồi có thể yêu cầu thực hiện những thay đổi lối sống:

  • Trọng lượng cơ thể thấp: điều chỉnh chế độ ăn uống để đạt được cân nặng hợp lý.
  • Tình trạng căng thẳng: tìm cách để kiểm soát căng thẳng, chẳng hạn như yoga, thiền hoặc gặp chuyên gia trị liệu tâm lý.
  • Tập thể dục quá mức: thực hiện một chế độ tập luyện với cường độ vừa phải.

Nếu một người bị vô kinh do tăng cân nhanh chóng, bác sĩ có thể sẽ đề nghị một chế độ ăn uống kiểm soát calo và tập luyện thể dục.

Trong trường hợp vô kinh gặp phải do một vấn đề thuộc về cấu trúc, phẫu thuật và một kế hoạch điều trị được cá nhân hóa có thể cần thiết phải được tiến hành.

Hầu hết các nguyên nhân gây ra hiện tượng vô kinh đều có thể điều trị được. Việc thực hiện theo kế hoạch điều trị mà bác sĩ chỉ định có thể giúp nhiều người mắc phải tình trạng vô kinh có lại được chu kỳ kinh nguyệt đều đặn.

Nguồn: MEDICAL NEWS TODAY

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu