8 quan niệm sai lầm về Vitamin và Sản phẩm bổ sung

Ngày nay, vitamin và Sản phẩm bổ sung (SPBS) phổ biến hơn bao giờ hết. Nói một cách dễ hiểu, con người luôn muốn khỏe mạnh và không bệnh tật. Nếu uống một viên SPBS tương đối rẻ mỗi ngày có thể làm tăng cơ hội sống lâu, khỏe mạnh, thì không có gì ngạc nhiên khi SPBS ngày càng trở nên phổ biến. Điều quan trọng cần lưu ý là SPBS rất quan trọng đối với một số đối tượng, và nếu bác sĩ yêu cầu bạn dùng bất kỳ loại SPBS nào, điều cần thiết là bạn phải sử dụng theo lời khuyên của họ. Chẳng hạn, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyên phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên bổ sung axit folic. Tương tự, đối với những người sống ở vùng có khí hậu lạnh, vitamin D là một chất bổ sung quan trọng, đặc biệt là trong những tháng thời thiết âm u hơn.

Nhưng có phải những sản phẩm này luôn tốt như những gì người ta nói? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những quan niệm sai lầm liên quan đến vitamin và SPBS nhé!

Nhìn chung, đối với người lớn khoẻ mạnh và có một chế độ ăn cân bằng, phần lớn các SPBS là không cần thiết. Khi những sản phẩm này nằm ở giao điểm của khía cạnh khoa học và khía cạnh truyền thông – quảng cáo, không có gì ngạc nhiên khi có một số quan niệm sai lầm về lợi ích của chúng. Và sau đây là 8 quan niệm sai lầm phổ biến:

1. Bổ sung càng nhiều càng tốt

Khi nói đến vitamin, bổ sung nhiều không phải lúc nào cũng tốt hơn, đôi khi có thể gây nguy hiểm trên thực tế. Vì các SPBS chứa vitamin và khoáng chất thường là các sản phẩm không cần phải kê đơn, mọi người thường có quan niệm rằng chúng an toàn ở bất kỳ liều lượng nào.

Tuy nhiên, liều lượng lớn một số vitamin có thể cản trở hệ thống tự điều chỉnh của cơ thể. Chẳng hạn, theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ: “Quá nhiều vitamin C có thể cản trở khả năng hấp thu đồng – một kim loại cần thiết cho cơ thể. Hay quá nhiều phốt-pho có thể ức chế sự hấp thu canxi. Cơ thể không thể loại bỏ lượng lớn vitamin A, D và K đưa vào, và những vitamin này có thể đạt đến mức độc hại khi sử dụng quá nhiều”.

Ngoài ra, quá nhiều vitamin C hoặc canxi có thể gây tiêu chảy và đau dạ dày. Uống quá nhiều vitamin D trong thời gian dài có thể khiến canxi tích tụ trong cơ thể, gọi là tình trạng tăng canxi huyết. Tình trạng này có thể làm suy yếu xương và gây hại cho tim và thận.

2. Nếu trên nhãn có dòng chữ “tự nhiên” (“natural”) thì SPBS đó an toàn

Trên thực tế, thuật ngữ “tự nhiên” không hề liên quan đến sự an toàn hoặc hiệu quả của một SPBS. Có nhiều thành phần có nguồn gốc tự nhiên nhưng lại rất độc hại, ví dụ như hợp chất tự nhiên xyanua.

Cũng có câu hỏi được đặt ra liên quan đến hàm lượng: Hợp chất thực vật có trong sản phẩm cuối cùng với lượng bao nhiêu? Nó có thể là một lượng rất nhỏ, hoặc dịch chiết với hàm lượng cao. Và điều này ảnh hưởng đến hiệu quả mà SPBS đó mang lại.

3. Có thể sử dụng SPBS cùng với các thuốc thông thường

Như đã đề cập ở trên, bởi vì các SPBS là những sản phẩm không cần kê đơn và nhiều sản phẩm trong số đó được xem là “tự nhiên”, có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng chúng không thể tương tác với thuốc kê đơn.

Trên thực tế, nhiều SPBS có chứa các thành phần hoạt tính có thể ảnh hưởng đến các loại thuốc khác. Do đó, một SPBS có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của dược phẩm.

Trong một đánh giá năm 2012, các nhà nghiên cứu đã điều tra “tương tác thuốc và chống chỉ định liên quan đến các loại thảo mộc và thực phẩm chức năng (TPCN)”. Họ đã tìm thấy hơn 1.491 tương tác khác nhau giữa thảo dược và TPCN với thuốc.

Vấn đề nằm ở chỗ phần lớn những người dùng thảo dược hoặc TPCN không tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các sản phẩm này, từ đó có thể đem đến những nguy cơ tiềm ẩn.

4. SPBS có chứa vitamin và khoáng chất giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch

Một đánh giá lớn và phân tích tổng hợp được công bố vào năm 2018 không thể tìm thấy lợi ích đáng kể nào giữa việc cung cấp vitamin, khoáng chất và sự bảo vệ sức khỏe tim mạch. Các tác giả kết luận: “Nhìn chung, dữ liệu về các SPBS phổ biến (vitamin tổng hợp, vitamin D, canxi và vitamin C) không cho thấy lợi ích nhất quán đối với việc phòng ngừa bệnh lý tim mạch, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ”. Mặc dù họ đã phát hiện ra rằng “axit folic, vitamin B kết hợp axit folic, vitamin B6 và vitamin B12 làm giảm đột quỵ”, nhưng nhìn chung, những tác động này là nhỏ.

5. Vitamin C ngăn ngừa cảm lạnh

Mặc dù có một phần đúng đối với quan niệm phổ biến này, nhưng bằng chứng cho thấy vitamin C có thể ngăn ngừa cảm lạnh là rất ít.

Một đánh giá của Cochrane năm 2013 đi sâu vào các bằng chứng hiện có. Mục tiêu của các tác giả là “tìm hiểu liệu vitamin C có làm giảm tỷ lệ mắc, thời gian hoặc mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh thông thường khi được sử dụng như một SPBS thường xuyên, liên tục mỗi ngày hoặc như một liệu pháp khi xuất hiện các triệu chứng cảm lạnh hay không”.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng việc bổ sung vitamin C không ngăn ngừa được cảm lạnh. Tuy nhiên, họ kết luận rằng nó làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và thời gian kéo dài cảm lạnh.

6. Vitamin D ngăn ngừa ung thư

Các nhà khoa học đã thực hiện một lượng lớn các nghiên cứu để điều tra xem liệu vitamin D có thể giúp giảm hoặc điều trị ung thư hay không. Một bài báo giải thích, mặc dù có rất nhiều nghiên cứu, vẫn chưa có “sự đồng thuận về việc liệu vitamin D có hiệu quả trong việc chống ung thư hay không”.

Vào năm 2018, một nghiên cứu ngẫu nhiên, có đối chứng với giả dược bao gồm 25,871 người tham gia đã điều tra về SPBS chứa vitamin D và nguy cơ ung thư. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng “việc bổ sung vitamin D không khiến cho tỷ lệ mắc các biến cố tim mạch hoặc ung thư xâm lấn thấp hơn so với giả dược”.

7. Tác dụng ưu việt của probiotics và prebiotics

Những năm trở lại đây, một loạt các sản phẩm được cho là cải thiện sức khỏe đường ruột và vô số các vấn đề sức khoẻ khác đã xuất hiện. Đặc biệt, chúng ta đều chứng kiến ​​sự lên ngôi của probiotics và prebiotics. Probiotics là thực phẩm hoặc SPBS có chứa vi sinh vật, trong khi prebiotics là thực phẩm hoặc SPBS có chứa các hợp chất được thiết kế để thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn đường ruột.

Không còn nghi ngờ về tầm quan trọng của vi khuẩn đường ruột đối với sức khỏe. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng probiotics có thể hỗ trợ trong một số vấn đề sức khỏe, bao gồm giảm tiêu chảy liên quan đến việc dùng một số loại thuốc kháng sinh và giảm bớt một số triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS). Tuy nhiên, ngoài những trường cụ thể ra, có rất ít bằng chứng cho thấy probiotics hoặc prebiotics có thể có lợi cho sức khỏe. Tất nhiên, điều này có thể thay đổi khi các nhà khoa học tiến hành nhiều nghiên cứu hơn. Tuy nhiên, hiện tại, hoạt động tiếp thị đang thúc đẩy việc bán probiotics và prebiotics, sử dụng các thuật ngữ mơ hồ như “sức khỏe đường ruột” và “sức khỏe tiêu hóa”. Theo Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe bổ sung và tích hợp (NCCIH): “Trong hầu hết các trường hợp, chúng tôi vẫn không biết loại probiotics nào hữu ích và loại nào không. Chúng tôi cũng không biết mọi người sẽ phải dùng bao nhiêu probiotics hoặc ai có nhiều khả năng được hưởng lợi nhất từ probiotics. Ngay cả đối với những tình trạng đã được nghiên cứu nhiều nhất, các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục công việc để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này”.

8. Chất chống oxy hóa kéo dài tuổi thọ

Oxy hóa là một phản ứng hóa học xảy ra như một phần của nhiều quá trình trong cơ thể con người. Quá trình oxy hóa tạo ra các gốc tự do, có phản ứng hóa học cao và có thể làm hư hại các tế bào và thành phần của chúng.

Chất chống oxy hóa là các hợp chất ngăn chặn quá trình oxy hóa, bao gồm vitamin C, vitamin E, selen và các carotenoid (như beta-carotene).

Nói chung, trái cây và rau củ rất giàu chất chống oxy hóa. Vì những thực phẩm này rất quan trọng đối với sức khỏe, chúng ta thường cho rằng các chất chống oxy hóa chính là một trong những lý do khiến những thực phẩm này rất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, cách hiểu này không phải luôn đúng, như NCCIH giải thích: “Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ăn nhiều rau củ và trái cây có nguy cơ mắc một số bệnh thấp hơn; tuy nhiên, không rõ liệu những kết quả này có liên quan đến lượng chất chống oxy hóa trong rau củ và trái cây, đến các thành phần khác trong những thực phẩm này, đến các yếu tố khác trong chế độ ăn hay với đến các lựa chọn lối sống khác”.

NCCIH cũng lưu ý rằng các nghiên cứu lớn đã xem xét việc liệu các SPBS chứa chất chống oxy hóa có thể giúp ngăn ngừa các bệnh mãn tính, bao gồm ung thư, bệnh lý tim mạch và đục thủy tinh thể hay không, nhưng “trong hầu hết các trường hợp, chất chống oxy hóa không làm giảm nguy cơ phát triển các bệnh này”.

Kết luận

Vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa rất cần thiết để có một sức khỏe tốt. Mặc dù vậy, nhìn chung, một chế độ ăn đa dạng, lành mạnh sẽ cung cấp cho con người đủ lượng chất này. Ngoài vitamin D và axit folic, như đã đề cập ở trên, lợi ích của các SPBS đối với người lớn khoẻ mạnh dường như là tối thiểu. Mặc dù ngành công nghiệp SPBS đang phát triển mạnh, việc nhìn nhận, phân tích và cân nhắc những quan điểm truyền thông – quảng cáo sẽ giúp chúng ta có cái nhìn thấu đáo hơn.

Bất kỳ ai với tình trạng bệnh lý sẵn có đang có ý định dùng SPBS, trước tiên hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nguồn: MEDICAL NEWS TODAY

Giới thiệu về STELLA

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức (WHO), và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu