Những quan niệm sai lầm về chứng sa sút trí tuệ

Hện nay, ước tính có khoảng 5.8 triệu người từ 65 tuổi trở lên ở Mỹ mắc chứng sa sút trí tuệ.

Do tuổi thọ trung bình của người Mỹ đã tăng lên trong những thập niên gần đây, một số chuyên gia dự đoán rằng vào năm 2050, số người lớn tuổi mắc chứng sa sút trí tuệ có thể lên tới 13.8 triệu người.

Những con số đáng kể này làm dấy lên sự lo sợ chính đáng, và đôi khi nỗi sợ hãi có xu hướng tạo ra những quan niệm sai lầm.

Dưới đây là 11 lầm tưởng về chứng sa sút trí tuệ.

1. Sa sút trí tuệ là điều không thể tránh khỏi cùng với tuổi tác

Điều này không đúng. Chứng sa sút trí tuệ không phải là một phần tất yếu của quá trình lão hóa.

Theo một báo cáo mà Hiệp hội Alzheimer công bố, bệnh Alzheimer – chứng sa sút trí tuệ phổ biến nhất, ảnh hưởng đến 3% dân số Hoa Kỳ trong độ tuổi từ 65 – 74.

Do nguy cơ gia tăng khi chúng ta già đi, 17% người trong độ tuổi từ 75 – 84 và 32% người từ 85 tuổi trở lên được chẩn đoán sa sút trí tuệ.

2. Sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer là giống nhau

Điều này không hoàn toàn chính xác. Bệnh Alzheimer là một dạng sa sút trí tuệ, chiếm 60 – 80% tổng số các trường hợp sa sút trí tuệ. Các loại sa sút trí tuệ khác bao gồm sa sút trí tuệ tiền đình thái dương (frontotemporal dementia – FTD), sa sút trí tuệ não mạch, sa sút trí tuệ hỗn hợp và sa sút trí tuệ thể Lewy.

Viện Quốc gia về Lão hóa định nghĩa chứng sa sút trí tuệ là “sự mất chức năng nhận thức, suy nghĩ, ghi nhớ, lý luận và khả năng hành vi đến một mức độ mà nó cản trở hoạt động và cuộc sống hàng ngày của một người”.

Mặc dù các chứng sa sút trí tuệ có chung những đặc điểm nhất định, mỗi loại lại có một cơ chế bệnh lý khác biệt.

Bệnh Alzheimer có liên quan đến sự tích tụ cái gọi là mảng và đám rối trong não. Những cấu trúc này can thiệp vào các tế bào não, cuối cùng giết chết chúng. Trong khi đó, sự chết tế bào não trong bệnh sa sút trí tuệ não mạch xảy ra do thiếu oxy, có thể do đột quỵ chẳng hạn. FTD thì lại xảy ra khi cấu trúc protein bất thường hình thành ở thùy trán và thùy thái dương của não, khiến các tế bào não ở những vùng này chết đi.

3. Nếu một thành viên trong gia đình bị sa sút trí tuệ, tôi sẽ mắc bệnh này

Một lầm tưởng phổ biến là sa sút trí tuệ hoàn toàn là do di truyền. Nói cách khác, nếu một người có người thân được chẩn đoán sa sút trí tuệ, người đó chắc chắn sẽ mắc chứng sa sút trí tuệ sau này. Đây không phải là sự thật.

Mặc dù có yếu tố di truyền đối với một số dạng sa sút trí tuệ, nhưng phần lớn các trường hợp không có liên kết di truyền mạnh mẽ.

Như chúng ta đã tìm hiểu ở trên, yếu tố nguy cơ đáng chú ý nhất của chứng sa sút trí tuệ là tuổi tác, thay vì yếu tố di truyền. Nhưng nếu cha mẹ hoặc ông bà mắc bệnh Alzheimer khi họ dưới 65 tuổi thì khả năng bệnh di truyền sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, bệnh Alzheimer khởi phát sớm tương đối không phổ biến. Nó xảy ra trong khoảng 5,5% tất cả các trường hợp bệnh Alzheimer.

Vì phần lớn các trường hợp sa sút trí tuệ là bệnh Alzheimer, điều này có nghĩa là hầu hết các trường hợp sa sút trí tuệ không di truyền. FTD, loại ít phổ biến hơn, có liên kết di truyền mạnh hơn, nhưng nếu cha mẹ hoặc ông bà mắc FTD, điều đó không có nghĩa là con cháu chắc chắn sẽ mắc tình trạng này.

Hiện nay, cứ 100,000 người thì FTD ảnh hưởng đến khoảng 15 – 22 người. Trong số những người này, 10 – 15% có tiền sử gia đình về bệnh lý này.

4. Sa sút trí tuệ chỉ ảnh hưởng đến người lớn tuổi

Tuổi tác là một yếu tố nguy cơ của chứng sa sút trí tuệ, nhưng trong một số trường hợp hiếm gặp, chứng sa sút trí tuệ có thể ảnh hưởng đến những người trẻ. Một số nhà khoa học ước tính rằng, ở những người trong độ tuổi từ 30 – 64, cứ 100,000 người thì có 38 – 260 người, tương đương 0,038 – 0,26%, mắc chứng sa sút trí tuệ khởi phát sớm.

Trong độ tuổi từ 55 – 64, con số này tăng lên gần 420 người trong số 100,000 người, tương ứng 0,4%.

5. Sử dụng nồi chảo bằng nhôm gây ra bệnh Alzheimer

Vào những năm 1960, các nhà khoa học đã tiêm hàm lượng nhôm cao vào thỏ. Họ phát hiện ra rằng những con vật bị các tổn thương thần kinh tương tự như tổn thương hình thành trong não của những người mắc bệnh Alzheimer.

Ngoài ra, một số nghiên cứu đã phát hiện nhôm trong các mảng có liên quan đến bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, nhôm cũng xuất hiện trong não khỏe mạnh, và các nhà nghiên cứu đã không thiết lập được mối liên hệ nhân quả giữa bệnh và nguyên tố này.

Kể từ những thí nghiệm ban đầu đó, các nhà khoa học không tìm thấy mối liên hệ rõ ràng giữa bệnh Alzheimer và việc sử dụng nồi, chảo nhôm.

Lượng nhôm vào cơ thể thông qua chế độ ăn uống không thể đóng một vai trò quan trọng. Như Hiệp hội Alzheimer giải thích: “Nhôm trong thức ăn và đồ uống ở dạng không dễ hấp thụ vào cơ thể. Do đó, lượng hấp thụ ít hơn 1% lượng có trong thức ăn và đồ uống. Phần lớn nhôm đưa vào cơ thể được thận lọc sạch ra ngoài”. Tuy nhiên, họ cũng cho biết một số nghiên cứu đã phát hiện ra “vai trò tiềm năng của nhôm liều cao có trong nước uống trong việc tiến triển bệnh Alzheimer cho những người đã mắc bệnh”.

6. Sa sút trí tuệ báo hiệu sự kết thúc của một cuộc sống ý nghĩa

Rất may, điều này không đúng. Nhiều người được chẩn đoán sa sút trí tuệ có cuộc sống năng động và có ý nghĩa. Một số người sợ rằng nếu bị chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ, họ sẽ không thể đi dạo một mình và sẽ phải dừng việc lái xe ngay lập tức.

Đúng là cần phải có những điều chỉnh này một cách kịp thời khi tình trạng bệnh tiến triển, nhưng trong những trường hợp sa sút trí tuệ nhẹ, có thể không cần thay đổi. Khi chứng sa sút trí tuệ trở nên trầm trọng hơn, có thể có những thay đổi trong cuộc sống của một người, nhưng không có nghĩa là người đó không thể có một cuộc sống viên mãn.

Jeremy Hughes, cựu Giám đốc điều hành của Hiệp hội Alzheimer, giải thích: “Có quá nhiều người bi quan về chứng sa sút trí tuệ, họ cảm thấy rằng việc chẩn đoán sa sút trí tuệ có nghĩa là một người nào đó ngay lập tức không có khả năng sống một cuộc sống bình thường, trong khi những lầm tưởng tiếp tục góp phần gây ra sự kỳ thị và cô lập mà nhiều người sẽ cảm thấy”.

7. Mất trí nhớ luôn là dấu hiệu của sa sút trí tuệ

Mặc dù mất trí nhớ có thể là một triệu chứng ban đầu của sa sút trí tuệ, nhưng nó không nhất thiết báo hiệu sự bắt đầu của tình trạng này. Trí nhớ của con người có thể không thể đoán trước, và tất cả chúng ta đôi khi quên một số thứ. Tuy nhiên, nếu tình trạng mất trí nhớ gây trở ngại cho cuộc sống hàng ngày, tốt nhất bạn nên đi thăm khám.

Mặc dù các vấn đề về trí nhớ có xu hướng là dấu hiệu ban đầu của bệnh Alzheimer, nó không đúng cho các dạng sa sút trí tuệ khác. Chẳng hạn, các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của FTD có thể bao gồm những thay đổi về tâm trạng và tính cách, khó khăn về ngôn ngữ và hành vi ám ảnh cưỡng chế.

8. Sa sút trí tuệ luôn có thể phòng ngừa được

Thật không may, điều này không đúng sự thật. Tuy nhiên, điều quan trọng là một số yếu tố có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại sa sút trí tuệ hoặc trì hoãn sự khởi phát của chúng.

Chẳng hạn, báo cáo năm 2020 của Ủy ban Lancet về phòng ngừa, can thiệp và chăm sóc sa sút trí tuệ đã liệt kê 12 yếu tố làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ:

  • trình độ học vấn thấp
  • tăng huyết áp
  • khiếm thính
  • hút thuốc
  • béo phì
  • phiền muộn – trầm cảm
  • không hoạt động thể chất
  • bệnh tiểu đường
  • mức độ tiếp xúc xã hội thấp
  • sử dụng rượu
  • chấn thương sọ não
  • ô nhiễm không khí

Một số yếu tố khó điều chỉnh hơn những yếu tố khác, nhưng cố gắng thay đổi bất kỳ yếu tố nào trong số đó có thể giúp giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ. Các tác giả của báo cáo giải thích:

“Tổng cộng 12 yếu tố rủi ro có thể điều chỉnh này giải thích cho khoảng 40% các trường hợp sa sút trí tuệ trên toàn thế giới, do đó về mặt lý thuyết các tình trạng sa sút trí tuệ này có thể được ngăn chặn hoặc trì hoãn”.

Tuy nhiên, như Tiến sĩ Nancy Sicotte, một nhà thần kinh học tại bệnh viện Cedars – Sinai ở Los Angeles, CA, giải thích, “Việc giảm nguy cơ đòi hỏi bạn phải bắt đầu những thay đổi lối sống này ngay từ đầu chứ không phải đợi đến khi bạn đã 70 tuổi”.

9. Vitamin và sản phẩm bổ sung có thể ngăn ngừa sa sút trí tuệ

Cho đến nay, không có bằng chứng chắc chắn rằng một sản phẩm bổ sung vitamin hoặc khoáng chất nào có thể làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ. Năm 2018, Thư viện Cochrane đã thực hiện một cuộc đánh giá với mục đích trả lời câu hỏi này.

Phân tích của họ bao gồm dữ liệu từ hơn 83,000 người tham gia trong tổng số 28 nghiên cứu. Các tác giả kết luận:

“Chúng tôi không tìm ra bằng chứng cho thấy bất kỳ cách bổ sung vitamin hoặc khoáng chất nào cho những người trưởng thành khỏe mạnh về mặt nhận thức trong giai đoạn giữa hoặc cuối đời mang lại tác động có ý nghĩa đối với tình trạng suy giảm nhận thức hoặc sa sút trí tuệ, mặc dù bằng chứng không cho phép kết luận chính xác”.

10. Tất cả những người bị sa sút trí tuệ đều trở nên hung hăng

Trong một số trường hợp, những người bị sa sút trí tuệ có thể ngày càng cảm thấy khó hiểu về thế giới xung quanh. Sự lẫn lộn này có thể gây khó chịu và một số cá nhân có thể đáp ứng lại cảm xúc theo cách tức giận. Tuy nhiên, điều này không đúng với tất cả mọi người.

Trong một nghiên cứu liên quan đến 215 người mắc chứng sa sút trí tuệ, 41% số người tham gia đã phát triển tính hung hăng trong suốt 2 năm nghiên cứu. Khi xem xét các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển sự hung hăng, các nhà nghiên cứu đã xác định hai trong số các yếu tố chính là đau đớn về thể chất và chất lượng thấp trong mối quan hệ giữa người đó và người chăm sóc.

11. Sa sút trí tuệ không bao giờ gây tử vong

Thật không may, sa sút trí tuệ có thể gây tử vong. Theo một nghiên cứu gần đây đăng tải trên tạp chí JAMA Neurology, sa sút trí tuệ có thể là một nguyên nhân gây tử vong phổ biến hơn các chuyên gia vẫn nghĩ. Các tác giả “phát hiện ra rằng khoảng 13,6% số ca tử vong trong giai đoạn 2000–2009 là do sa sút trí tuệ”.

Chứng sa sút trị tuệ khiến mọi người lo lắng, đặc biệt là khi họ già đi, và điều này phần nào chính đáng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải chống lại những thông tin sai lệch có thể làm tăng thêm sự lo ngại và kỳ thị.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu đang làm việc không mệt mỏi để phát triển những cách tốt hơn để điều trị và ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ. Trong tương lai, hy vọng rằng khoa học sẽ làm giảm ảnh hưởng của chứng sa sút trí tuệ và theo đó là cả nỗi sợ hãi liên quan đến tình trạng này.

Nguồn: MEDICAL NEWS TODAY

Giới thiệu về STELLA

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức (WHO), và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu