Khi nào thì tình trạng phát ban do thuốc không chỉ đơn giản là phát ban?

Khi nào thì tình trạng phát ban do thuốc không chỉ đơn giản là phát ban?

Gần đây bạn đã bắt đầu sử dụng thuốc kháng sinh vì bị nhiễm khuẩn và hiện tại sức khỏe của bạn đã ổn. Tuy nhiên, da bạn dần bắt đầu ngứa và các dấu hiệu của tình trạng phát ban đã xuất hiện – đầu tiên là ở phần thân, rồi sau đó lan đến tay và chân. Bạn cần phải làm gì? Bạn có nên lo lắng? Bạn có nên đi thăm khám?

Phát ban là một tác dụng phụ gây khó chịu và phổ biến của nhiều loại thuốc. Quả thực, việc cải thiện một căn bệnh nào đó chỉ để phát hiện ra rằng bạn lại có có một vấn đề khác cần giải quyết có thể khiến bạn rất thất vọng. Mặc dù tình trạng ban ngứa này có thể gây khó chịu cho bạn, chúng thường chỉ kéo dài trong vòng 1 hoặc 2 tuần và có thể được điều trị bằng thuốc bôi ngoài da.

Nhưng bạn cần lưu ý rằng, không phải tất cả các tình trạng phát ban do thuốc đều như nhau – và một số thậm chí còn có thể gây nguy hiểm chết người. May mắn là, những tình trạng đáng sợ như thế khá hiếm, tuy nhiên, tốt nhất là bạn vẫn nên biết cách phát hiện chúng. Vậy làm thế nào bạn có thể phân biệt được những tình trạng phát ban gây nguy hiểm và những tình trạng phát ban chỉ đơn thuần gây chút phiền toái cho bạn nhưng sẽ thuyên giảm theo thời gian cùng với việc điều trị?

Các dạng phát ban do thuốc

Có hai dạng phát ban do dị ứng chính có thể xảy ra sau khi dùng thuốc. Dạng phản ứng tức thời xảy ra trong vòng vài giờ sau khi sử dụng thuốc. Mề đay nổi lên và di chuyển (xuất hiện ở vùng khác nhau) trên da. Vì quá trình này liên quan đến sự giải phóng histamine nên việc sử dụng thuốc kháng histamine (loại thuốc được bán ở các nhà thuốc và không cần kê đơn) là phương pháp điều trị điển hình.

Cũng có một dạng phát ban do thuốc muộn hơn, chúng xuất hiện sau 4 – 14 ngày từ thời điểm bạn bắt đầu dùng thuốc. Các nốt mẩn đỏ và hồng xuất hiện trên ngực và lưng, sau đó lan ra cánh tay và chân, đồng thời tình trạng này kéo dài trong nhiều ngày. Không giống như mề đay, những nốt mẩn trong trường hợp này không di chuyển trên da và tình trạng có thể bắt đầu được cải thiện sau một vài ngày, nhưng da bạn có thể bị bong tróc giống như vết cháy nắng đang lành.

Dạng phát ban muộn này không đáp ứng tốt với thuốc kháng histamine, nhưng kem bôi da chứa cortisone không kê đơn (hoặc loại có hàm lượng cao hơn, được kê đơn) có thể giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục.

Khi nào tình trạng phát ban do thuốc là điều đáng lo ngại và bạn cần phải được cấp cứu ngay?

Khi bị nổi mề đay, điều đáng lo ngại hàng đầu là có thể bạn đang trải qua một phản ứng toàn cơ thể vượt ra ngoài phạm vi chỉ đơn thuần là da, tình trạng mà nó có thể gây khó thở hoặc gây giảm huyết áp một cách nguy hiểm. Nếu bạn gặp một trong các triệu chứng kể trên, điều tối quan trọng là bạn cần được đưa đi cấp cứu.

Những phản ứng tức thì và đe dọa tính mạng này có thể được xử trí bằng steroid, epinephrine và thuốc kháng histamine liều cao hơn loại bạn có thể tìm thấy ở các nhà thuốc. Mặc dù những loại phản ứng dị ứng như thế nghe có vẻ rất đáng sợ, chúng không khó để xác định và bác sĩ có tkhả năng phát hiện những thay đổi đáng kể trong nhịp thở hoặc huyết áp của bạn. Điều quan trọng là bạn cần phải cho bác sĩ biết bạn đã sử dụng những loại thuốc nào cũng như đã sử dụng chúng trước đó bao lâu.

Biết được các dấu hiệu của phản ứng có hại trên da nghiêm trọng

Ở dạng phát ban muộn hơn, các triệu chứng có thể khó chẩn đoán hơn. Các tác nhân phổ biến nhất gây ra những dạng phát ban này có thể bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc chống co giật, thuốc trị bệnh gút (như allopurinol) và thậm chí cả các thuốc không kê đơn như NSAID. Trên dây không phải là danh sách đầy đủ của các loại thuốc có khả năng phản ứng trên da, bạn nên cân nhắc và thận trọng với bất kỳ loại thuốc mới nào mà bạn sử dụng.

Đối với phát ban, nếu bạn chỉ bị ngứa thì dù tình trạng này gây phiền toái nhất định cho bạn, mọi thứ thường vẫn ổn. Khi da bắt đầu bị tổn thương hoặc chuyển màu sang màu tím đậm hơn, bác sĩ có thể lo lắng về điều gì đó nghiêm trọng hơn. Nếu da bạn bắt đầu phồng rộp hoặc bạn nhận thấy có mụn mủ, hoặc nếu bạn thấy vết loét ở miệng, mắt hoặc cơ quan sinh dục, đó là những dấu hiệu mang tính cảnh báo và bạn nên đến bệnh viện ngay, cũng như có thể cần có thêm hội chẩn từ bác sĩ da liễu. Các vết loét trong miệng có thể nghiêm trọng đến mức việc chảy nước dãi trở thành một triệu chứng phổ biến bởi vì bệnh nhân tránh nuốt do đau.

Nếu bạn bắt đầu cảm thấy không khỏe, giống như bị cúm hoặc nếu cơ thể bạn bị sưng lên, đặc biệt là ở mặt, đó có thể là hội chứng quá mẫn do thuốc (drug hypersensitivity syndrome) nghiêm trọng. Đôi khi, có trường hợp xuất hiện sốt, giảm huyết áp hoặc gan, thận và tim đều có thể bị ảnh hưởng bởi hội chứng quá mẫn do thuốc. Đây là những tình trạng nghiêm trọng đến mức hầu hết bệnh nhân cần phải nhập viện, và đôi khi phải được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt.

Mặc dù có nhiều tên gọi khác nhau cho các dạng khác nhau của phản ứng do thuốc nghiêm trọng – như hội chứng Stevens-Johnson (SJS); phát ban do thuốc kèm tăng bạch cầu ái toan và các triệu chứng toàn thân (DRESS); hội chứng mụn mủ ngoại ban toàn thân cấp tính (AGEP) – những tình trạng này thường được gọi chung là phản ứng có hại trên da nghiêm trọng (SCAR).

Điều gì xảy ra nếu bạn gặp phải SCAR từ việc sử dụng thuốc?

Bước đầu tiên là tình trạng của bạn cần được bác sĩ đánh giá. Bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết da của bạn và có thể bắt đầu cho bạn dùng thuốc tác động toàn thân để ức chế hệ miễn dịch. Đôi khi, bệnh nhân mắc SCAR cũng phải nằm viện.

Điều quan trọng nhất bạn có thể làm là theo dõi tình trạng da và các triệu chứng xuất hiện trên da nếu bạn đang sử dụng một loại thuốc mới hoặc thậm chí khi bạn tăng liều đối với một loại thuốc cũ bạn đã từng dùng trước đây. Nếu bạn nghi ngờ rằng mình có thể đang gặp phải một trong những trường hợp của SCAR, hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay để có thể nhận được sự chăm sóc cần thiết. Những bệnh nhân nhận được điều trị thích hợp thường có tiến triển tốt.

Sau khi tình trạng của bạn đã ổn và được kiểm soát tốt, mọi thứ có thể bắt đầu trở lại bình thường, nhưng điều quan trọng là bạn cần phải tuân thủ lịch tái khám vì có một số vấn đề lâu dài cần phải được chú ý theo dõi. Sau cùng, bác sĩ sẽ tư vấn về những gì chính xác là an toàn cho bạn trong tương lai. Hãy nhớ rằng nếu bạn lo lắng về một trong những phản ứng đề cập ở trên, điều quan trọng là phải ngừng thuốc càng sớm càng tốt, đồng thời nhận được ý kiến từ bác sĩ.

Nguồn: Harvard Health Publishing (Harvard Medical School)

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu