Kháng thể từ vaccine so với kháng thể từ việc nhiễm bệnh tự nhiên: Những điểm giống và khác biệt có thể có

Kháng thể (antibody) là những protein được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch để đáp ứng với tình trạng nhiễm các tác nhân gây bệnh (như virus, vi khuẩn hoặc các tác nhân khác) hoặc với việc chủng ngừa. Kháng thể hiện diện trên bề mặt của các tế bào quan trọng của hệ thống miễn dịch, gọi là tế bào B. Các tế bào miễn dịch khác – tế bào T – giúp loại bỏ tác nhân gây bệnh.

Các xét nghiệm kháng thể (antibody test) có thể cho biết mức độ kháng thể của cơ thể chống lại một loại virus nhất định. Khi xét nghiệm phát hiện ra một người có kháng thể, điều đó có nghĩa là người này trước đó đã từng bị nhiễm bệnh hoặc từng được chủng ngừa cho một bệnh cụ thể, như COVID-19 chẳng hạn. Do đó, các kháng thể là một tín hiệu cho thấy một người nào đó có khả năng được bảo vệ khỏi nhiễm bệnh – tình trạng gây ra bởi các mầm bệnh cụ thể – trong tương lai.

Nội dung dưới đây sẽ giải thích rõ hơn kháng thể là gì, cách thức mà chúng hoạt động, cũng như sự khác biệt của kháng thể hình thành do nhiễm tác nhân gây bệnh hoặc do chủng ngừa.

CÁCH KHÁNG THỂ CHỐNG LẠI VIỆC NHIỄM BỆNH

Các kháng thể đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại tình trạng nhiễm một số các tác nhân gây bệnh nhất định. Kháng thể phối hợp với các phần khác của hệ thống miễn dịch để loại bỏ các mầm bệnh (vi khuẩn hoặc virus gây bệnh), bao gồm cả SARS-CoV-2 – virus gây ra bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, cần có một thời gian để vai trò bảo vệ thông qua kháng thể phát huy tác dụng. Nếu hệ thống miễn dịch của bạn chưa từng đối phó với một loại virus cụ thể trước đây, cơ thể bạn sẽ không có kháng thể để sẵn sàng hoạt động chống lại virus đó.

Kháng thể trung hòa

Các kháng thể gắn vô cùng chính xác vào vị trí đặc hiệu trên một loại virus nhất định. Vì vậy, hệ thống miễn dịch sẽ cần một thời gian để xác định kháng thể chính xác nào sẽ hoạt động để vô hiệu hóa (chống lại; trung hòa) virus.

Đó là một trong những lý do khiến cơ thể cần một thời gian để bình phục sau khi bị nhiễm một loại virus mới. Tùy thuộc vào loại kháng thể cụ thể, có thể mất khoảng vài tuần để tạo ra các kháng thể phù hợp với số lượng đủ lớn.

Mặc dù các kháng thể rất quan trọng để chống lại cũng như ngăn ngừa nhiều bệnh lý do nhiễm các mầm bệnh, không phải tất cả các kháng thể mà cơ thể tạo ra để chống lại virus đều mang lại hiệu quả.

Chẳng hạn, các tế bào B khác nhau trong cơ thể sẽ tạo ra nhiều kháng thể khác nhau và các kháng thể này bám vào các vị trí khác nhau trên virus. Nhưng chỉ có một số vị trí nhất định, khi có kháng thể gắn vào, mới có thể thực sự bất hoạt virus. Vì vậy, để một vaccine đem lại hiệu quả, nó phải tạo ra đúng loại kháng thể trung hòa này.

Các loại kháng thể

Cơ thể trước tiên thường tạo ra một loại kháng thể đặc hiệu gọi là IgM. Đôi khi, bác sĩ sẽ xét nghiệm kháng thể IgM để xem liệu gần đây bạn có bị nhiễm một loại virus nào đó hay không. Ví dụ, bác sĩ thường sử dụng loại xét nghiệm này để kiểm tra tình trạng nhiễm virus gây viêm gan B gần đây.

Một thời gian ngắn sau, cơ thể sản sinh ra các loại kháng thể khác. Một loại kháng thể quan trọng là IgG. Các kháng thể này có khuynh hướng tồn tại lâu hơn so với các kháng thể IgM. Kháng thể IgG rất quan trọng trong việc kiểm soát bệnh mới mắc lần đầu cũng như ngăn ngừa tái nhiễm nếu bạn bị phơi nhiễm trở lại với tác nhân gây bệnh trong tương lai.

CÁCH KHÁNG THỂ NGĂN NGỪA VIỆC NHIỄM BỆNH

Sau khi cơ thể bị nhiễm bệnh, một số tế bào T và tế bào B nhất định có thể nhận biết được loại virus cụ thể gây bệnh trong một khoảng thời gian dài sau đó. Vì vậy, nếu sau này cơ thể tiếp xúc lại với virus đó, các tế bào ghi nhớ đặc biệt này sẽ nhanh chóng nhận ra và phản ứng.

Khi điều này xảy ra, bạn sẽ không bị nhiễm bệnh. Hoặc, nếu có, bạn cũng thường chỉ bị bệnh rất nhẹ. Đây được gọi là khả năng miễn dịch bảo vệ đối với một bệnh cụ thể. Tùy thuộc vào trường hợp, khả năng miễn dịch này có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm.

Bạn cũng có thể được miễn nhiễm một phần. Điều này giống như việc tạo cho hệ thống miễn dịch một sự khởi đầu thuận lợi để cung cấp cho bạn một mức độ bảo vệ nào đó, nhưng không phải là sự bảo vệ toàn diện.

KHÁNG THỂ COVID-19

Các kháng thể đóng vai trò then chốt trong việc điều trị cũng như ngăn ngừa bệnh do nhiễm các tác nhân như vi khuẩn, virus. Đó là lý do tại sao các nhà khoa học rất quan tâm đến việc hiểu biết về vai trò của kháng thể trong bệnh COVID-19.

Huyết tương

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ đã cấp phép ‘sử dụng khẩn cấp’ (Emergency Use Authorization – EUA) cho một số phương pháp điều trị COVID-19. Một số phương pháp điều trị bao gồm sử dụng huyết tương (phần dịch lỏng và trong của máu) được hiến tặng từ những người đã khỏi bệnh.

Quan điểm cho việc điều trị này là sử dụng huyết tương chứa các kháng thể chống lại virus, từ có thể giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn sau khi bị nhiễm bệnh.

Kháng thể tổng hợp

Các nhà nghiên cứu cũng đang nỗ lực phát triển các liệu pháp kháng thể tổng hợp (hóa học) hiện đại, có thể trở thành một phần quan trọng trong việc điều trị. Các sản phẩm chứa kháng thể tổng hợp đã được FDA cho phép sử dụng khẩn cấp. Một số kháng thể như vậy được sử dụng để phòng ngừa sau khi phơi nhiễm với mầm bệnh cũng như điều trị sớm ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng.

Vaccine

Việc nghiên cứu cách thức hoạt động của các kháng thể trong bệnh COVID-19 đặc biệt cần thiết để phát triển thành công vaccine. Kiến thức này cũng rất quan trọng để đánh giá cách mà khả năng miễn dịch đối với COVID-19 – cả do nhiễm bệnh hoặc do vaccine – có thể giảm đi theo thời gian. Điều này sẽ giúp các nhà khoa học xác định thời điểm mọi người có thể cần tiêm thêm mũi vaccine tăng cường để nâng cao trở lại khả năng miễn dịch của họ.

KHÁNG THỂ HÌNH THÀNH TỪ VIỆC NHIỄM BỆNH TỰ NHIÊN

Khi bạn nhiễm các mầm bệnh, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng để bảo vệ cơ thể thông qua việc phát triển các kháng thể. Trước tiên, hệ miễn dịch trải qua quá trình xác định virus (hoặc mầm bệnh khác) và sau cùng tạo ra các kháng thể hiệu quả.

Tế bào B tạo ra kháng thể tương ứng với các phần khác nhau của virus. Một số kháng thể mà cơ thể tạo ra có hiệu quả và một số thì không. Kháng thể giúp cơ thể loại bỏ virus và phục hồi sau khi nhiễm bệnh.

Một số trong những kháng thể này được kỳ vọng có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng tái nhiễm trong tương lai. Chẳng hạn, việc nhiễm COVID-19 dường như giúp bảo vệ bạn khỏi bị tái nhiễm, ít nhất là trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết sự bảo vệ đó sẽ kéo dài bao lâu.

Hơn nữa, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có các triệu chứng của COVID-19 dường như tạo ra các kháng thể trung hòa hiệu quả. Dựa trên kinh nghiệm với các loại virus khác, các nhà khoa học nghĩ rằng việc mắc phải COVID-19 có thể dẫn đến ít nhất một mức độ bảo vệ nào đó chống lại sự nhiễm bệnh trong tương lai.

Ngoài ra, các nghiên cứu trên động vật cho thấy có ít nhất một mức độ nào đó của khả năng miễn dịch bảo vệ, với ít nhất một phần nào đó trong khả năng này đến từ sự bảo vệ của kháng thể.

Khả năng miễn dịch tự nhiên có thể kéo dài bao lâu?

Khả năng miễn dịch bảo vệ kéo dài bao lâu sau khi bị nhiễm bệnh sẽ khác nhau đối với các loại virus khác nhau.

Một số virus đột biến (thay đổi) khá nhanh. Điều đó có nghĩa là khi bạn tiếp xúc với một chủng virus mới, các kháng thể trước đó mà cơ thể tạo ra có thể sẽ không mang lại hiệu quả. Đây là lý do tại sao vaccine cúm mới sẽ được tạo ra mỗi năm.

Khả năng miễn dịch đối với một số loại virus corona có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Chẳng hạn, mọi người có thể bị các triệu chứng giống như cảm lạnh do các virus corona nhất định gây ra mùa này qua mùa khác.

Tuy nhiên, các virus corona không biến đổi nhanh chóng như các loại virus khác (như virus cúm chẳng hạn). Điều này có thể có nghĩa là khả năng miễn dịch bảo vệ có thể kéo dài lâu hơn trong bệnh COVID-19 so với một số bệnh khác (như cúm).

Các kháng thể chống lại COVID-19 dường như giảm đi trong vòng vài tháng sau khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên, điều này xảy ra đối với tất cả các bệnh lý mắc phải do nhiễm các tác nhân gây bệnh. Vì vậy, điều đó không nhất thiết là sự bảo vệ của hệ thống miễn dịch của một người đang suy giảm.

Tế bào B có thể giảm sản xuất kháng thể vài tháng sau khi nhiễm bệnh. Nhưng các tế bào B ghi nhớ có thể tiếp tục lưu thông trong máu trong nhiều năm sau đó. Có khả năng, các tế bào B này có thể bắt đầu giải phóng kháng thể trung hòa nếu chúng tiếp xúc lại với virus.

Sau khi nghiên cứu một loại virus trong một thời gian dài, các nhà khoa học có thể xác định xem một người có được khả năng miễn dịch hay không dựa trên xét nghiệm máu. Chẳng hạn, họ có thể kết luận dựa vào nồng độ nhất định của một kháng thể cụ thể.

Bởi vì COVID-19 còn rất mới, các nhà khoa học sẽ phải xem xét khả năng miễn dịch theo thời gian. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy kháng thể trong phần lớn những người tham gia thử nghiệm sau 3 tháng từ khi trải qua các triệu chứng của COVID-19.

Sự tồn tại khả năng miễn dịch trong thời gian bao lâu cũng có thể bị ảnh hưởng bởi việc người đó nhiễm bệnh và không có triệu chứng, hoặc nhiễm bệnh nhẹ hay trầm trọng.

Vì hệ thống miễn dịch của con người đáp ứng rất khác với tình trạng nhiễm bệnh tự nhiên, các nhà khoa học rất khó xác định khả năng miễn dịch tự nhiên đối với COVID-19 có thể kéo dài bao lâu.

Hệ miễn dịch của chúng ta đáp ứng ổn định hơn với việc chủng ngừa, đó là lý do tại sao các nhà khoa học khuyến cáo việc tiêm vaccine COVID-19 ngay cả đối với những người đã khỏi bệnh.

KHÁNG THỂ HÌNH THÀNH TỪ VIỆC CHỦNG NGỪA

Chủng ngừa là cách để cơ thể xây dựng khả năng miễn dịch bảo vệ mà không cần phải từ việc mắc bệnh trước đó. Các loại vaccine khác nhau mang lại điều này theo những cách khác nhau.

Bất kể vaccine làm cho cơ thể nhận biết virus bằng cách nào, tất cả các vaccine về cơ bản đều hoạt động giống nhau:

  • Chúng khiến hệ thống miễn dịch tiếp xúc với một hoặc nhiều protein từ virus (hoặc một mầm bệnh khác).
  • Sự tiếp xúc đó sẽ ‘hướng dẫn’ hệ thống miễn dịch tạo ra các tế bào B.
  • Sau đó, các tế bào B này sẽ tạo ra các kháng thể đặc hiệu, có thể chống lại một loại virus cụ thể.

Việc chủng ngừa thúc đẩy cơ thể tạo ra các tế bào B ghi nhớ, cũng giống như trong quá trình nhiễm bệnh tự nhiên. Nếu bạn phơi nhiễm với virus một lần nữa, các tế bào B này sẽ hoạt động ngay lập tức và giải phóng các kháng thể có thể nhắm mục tiêu vào virus đó.

Các kháng thể này ngăn chặn virus và giúp bạn tránh bị nhiễm bệnh. Hoặc, trong một số trường hợp, bạn có thể bị bệnh nhưng với mức độ nhẹ hơn nhiều. Đó là bởi vì hệ thống miễn dịch của bạn đã có được sự khởi đầu thuận lợi trong việc chống lại mầm bệnh, điều này sẽ không có nếu bạn chưa được chủng ngừa.

Miễn dịch nhờ vaccine so với miễn dịch tự nhiên

Có rất nhiều điểm tương đồng nhưng đôi khi cũng có một số khác biệt giữa miễn dịch nhờ vaccine và miễn dịch tự nhiên. Chẳng hạn, để đáp ứng với tình trạng nhiễm bệnh hoặc việc tiêm chủng ngừa với virus sống, kháng thể IgM thường được tạo ra đầu tiên, tiếp theo là IgG và một số loại kháng thể khác.

Và cũng giống như trong tình trạng nhiễm bệnh tự nhiên, khả năng miễn dịch bảo vệ không bắt đầu ngay thời điểm bạn tiêm được chủng ngừa. Phải mất khoảng vài tuần để hệ thống miễn dịch hình thành các kháng thể và các nhóm tế bào B cần thiết. Đó là lý do tại sao cơ thể không nhận bảo vệ toàn đện ngay lập tức sau khi chủng ngừa.

Phần lớn, các kháng thể mà cơ thể hình thành từ việc chủng ngừa là cùng loại với các kháng thể được hình thành do nhiễm bệnh tự nhiên. Một điểm khác biệt là một số loại vaccine chỉ cho hệ thống miễn dịch nhận biết một phần của virus có liên quan. Do đó, hệ thống miễn dịch không hình thành nhiều loại kháng thể khác nhau như trong quá trình nhiễm trùng tự nhiên.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các kháng thể được hình thành trong trường hợp chủng ngừa vaccine sẽ kém hiệu quả hơn các kháng thể trong trường hợp nhiễm bệnh tự nhiên. Chỉ là một người đã bị nhiễm bệnh tự nhiên có thể có các kháng thể bổ sung (nhiều kháng thể trong số đó có thể không hiệu quả).

Miễn dịch nhờ vaccineMiễn dịch tự nhiên (do nhiễm bệnh)
Khả năng miễn dịch bảo vệ hình thành theo thời gianCơ thể có thể được ‘hướng dẫn’ cách hình thành một loại kháng thể đặc hiệu đã được chứng minh hiệu quả trong việc chống lại virusKháng thể đặc hiệu thu được thông qua việc chủng ngừa có hiệu quả trong việc chống lại virusVaccine cung cấp khả năng miễn dịch mà không gây ra nguy cơ biến chứng do tiếp xúc với virus Khả năng miễn dịch bảo vệ hình thành theo thời gianCơ thể có thể hình thành nhiều kháng thể khác nhau trong quá trình đáp ứng với việc nhiễm bệnhKháng thể đặc hiệu thu được khi bị nhiễm bệnh có hiệu quả trong việc chống lại virusMiễn dịch tự nhiên đi kèm với nguy cơ biến chứng do tiếp xúc với virus

Để tạo ra một vaccine, các nhà nghiên cứu lựa chọn cẩn thận phần cụ thể của virus được sử dụng trong nghiên cứu và sản xuất vaccine, nhằm kích hoạt đáp ứng kháng thể để vô hiệu hóa virus một cách hiệu quả.

Hầu hết các loại vaccine COVID-19 chỉ cho hệ thống miễn dịch thấy một phần của virus. Phần này là một loại protein được chọn để kích hoạt đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ (đây là cơ chế của vaccine mRNA của Pfizer và Moderna). Vì vậy, một người đã bị nhiễm virus một cách tự nhiên có thể có một số loại kháng thể bổ sung không được tìm thấy ở người đã được chủng ngừa thành công.

Sự khác biệt giữa miễn dịch có được nhờ vaccine và miễn dịch tự nhiên là một chủ đề rất phức tạp. Chúng ta không thể chỉ so sánh việc nhiễm bệnh tự nhiên với việc chủng ngừa vì không phải mọi loại vaccine đều có các đặc tính như nhau. Ngoài ra, không phải loại vaccine đều kích hoạt các đáp ứng miễn dịch giống nhau.

Trong một số trường hợp, một vaccine cụ thể có thể không cung cấp đáp ứng kháng thể hiệu quả như khi bị nhiễm bệnh tự nhiên. Nhưng với những trường hợp khác, điều ngược lại có thể xảy ra. Điều này đặc biệt đúng nếu vaccine được thiết kế để gây ra đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ.

RỦI RO CÓ THỂ CÓ CỦA KHÁNG THỂ

Kháng thể cung cấp nhiều lợi ích. Chúng giúp loại bỏ các mầm bệnh và cung cấp khả năng miễn dịch bảo vệ, giúp ngăn ngừa việc nhiễm bệnh trong tương lai.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm, các kháng thể thực sự có thể làm trầm trọng thêm bệnh nhiễm phải. Chẳng hạn, các kháng thể có thể liên kết với virus theo cách làm cho virus xâm nhập vào tế bào dễ dàng hơn.

Điều này có nghĩa là nếu một người bị tái nhiễm sau lần nhiễm bệnh nhẹ ban đầu, tình trạng bệnh của họ có thể nặng hơn ở lần thứ hai. Hoặc, về mặt lý thuyết, nó có thể đồng nghĩa với việc một người có thể có đáp ứng tệ hơn khi nhiễm bệnh nếu trước đó họ đã được tiêm vaccine phòng bệnh.

Tình huống này được gọi là “tăng nặng bệnh phụ thuộc kháng thể” (antibody-dependent enhancement). Đây là trường hợp đã được phát hiện trong việc nhiễm một số loại virus như virus gây bệnh sốt xuất huyết. Trong trường hợp đó, việc tạo ra vaccine thành công trở nên phức tạp hơn.

Bởi vì các nhà nghiên cứu đã biết về khả năng mang tính lý thuyết này, họ đã xem xét rất cẩn thận để biết liệu điều này có thể xảy ra trong trường hợp COVID-19 hay không. Tuy nhiên, không có dấu hiệu tăng nặng bệnh phụ thuộc kháng thể nào được tìm thấy trong COVID-19

TÓM LẠI

Các kháng thể giúp cơ thể chống lại một số bệnh lý nhất định do nhiễm các mầm bệnh như virus, vi khuẩn. Kháng thể hoạt động khi cơ thể bạn đang bị bệnh. Đồng thời, chúng cũng luôn ở trong trạng thái phòng vệ để giúp bạn không bị tái nhiễm đối với mầm bệnh đã từng gặp phải.

Vaccine là một cách khác để cơ thể bạn có thể có được các kháng thể. Vaccine đưa vào cơ thể bạn một hoặc nhiều protein từ virus. Điều này thúc đẩy cơ thể tạo ra các tế bào B, các tế bào này sẽ tạo ra các kháng thể chống lại một loại virus cụ thể.

Vaccine là cách an toàn và hiệu quả để bảo vệ bạn khỏi các bệnh truyền nhiễm. Vaccine COVID-19 là cách an toàn nhất để bảo vệ bạn khỏi bệnh COVID-19 và được cung cấp rộng rãi cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Dữ liệu về vaccine tính đến tháng 08/2021 cho thấy tỷ lệ tái nhiễm với COVID-19 ở những người chưa được tiêm ngừa cao hơn 2.34 lần so với những người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Nguồn: Very Well Health

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu