Hội chứng bão cytokine là gì?

Hội chứng bão cytokine (cytokine storm syndrome) đề cập đến một nhóm các tình trạng y tế có liên quan, trong đó hệ miễn dịch tạo ra quá nhiều tín hiệu viêm, đôi khi dẫn đến suy tạng và tử vong.

Bản thân bão cytokine không được xem là một bệnh lý mà là một vấn đề y tế nghiêm trọng xảy ra do nhiều tình trạng/bệnh lý nền khác nhau. Đôi khi hội chứng này còn được gọi là hội chứng giải phóng cytokine (cytokine release syndrome – CRS) hoặc chỉ đơn giản là bão cytokine.

Từ đại dịch COVID-19, khái niệm “bão cytokine” được chú ý nhiều hơn. Chúng ta đang ngày một hiểu biết thêm về nó, nhưng có vẻ như bão cytokine ít nhất cũng là một phần nguyên nhân khiến một số người gặp phải các triệu chứng đe dọa tính mạng gây ra bởi COVID-19 – tình trạng bệnh lý do nhiễm virus SARS-CoV-2.

THẾ NÀO LÀ BÃO CYTOKINE?

Nhìn chung, cơn bão cytokine là một chuỗi liên tiếp các phản ứng miễn dịch phóng đại (quá mức), từ đó có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Hệ miễn dịch chứa nhiều thành tố khác nhau giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Chúng bao gồm nhiều loại tế bào khác nhau, tương tác và phối hợp với nhau thông qua các phân tử truyền tín hiệu được gọi là cytokine.

Có nhiều loại cytokine khác nhau thực hiện nhiều chức năng khác nhau. Một số giúp huy động các tế bào miễn dịch, trong khi số khác giúp sản xuất kháng thể hoặc truyền tín hiệu đau. Một số loại cytokine lại khiến máu dễ đông hơn. Một số loại khác thúc đẩy tình trạng viêm, từ đó có thể làm cho mạch máu bị rò rỉ nhiều hơn bình thường (tức tăng tính thấm của mạch máu).

Một nhóm cytokine khác giúp làm giảm đáp ứng viêm của cơ thể. Đây chính là sự cân bằng quan trọng vì tình trạng viêm quá mức sẽ kéo theo những hệ lụy của nó. Trong trường hợp bình thường, những cytokine này giúp điều phối đáp ứng của hệ miễn dịch để đối phó với các tác nhân lây nhiễm, như vi khuẩn hoặc virus. Vấn đề là đôi khi đáp ứng viêm của cơ thể có thể mất kiểm soát và từ đó gây hại nhiều hơn lợi ích mang lại.

Đôi khi cơ thể sản xuất quá nhiều cytokine gây viêm và không đủ cytokine điều hòa tình trạng viêm. Các cytokine gây viêm bắt đầu ‘cơn bão tấn công’ vượt ngoài tầm kiểm soát của cơ thể khi không có đủ đáp ứng từ các cytokine chống viêm.

Ở những người trải qua hội chứng bão cytokine, có một số cytokine nhất định hiện diện trong máu với lượng cao hơn bình thường. Trong bệnh COVID-19, sự gia tăng của một số cytokine gây viêm dường như có liên quan đến việc mắc phải hội chứng suy hô hấp cấp (respiratory distress syndrome – ARDS) – nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người đang phải chống chọi với COVID-19. Những người đang điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) – do mắc COVID-19 – dường như có sự gia tăng nhiều cytokine gây viêm nhất định hơn so với những người bị nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ hơn.

CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA HỘI CHỨNG BÃO CYTOKINE

Bão cytokine có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Đôi khi chúng chỉ là những triệu chứng nhẹ giống như cảm cúm. Những trường hợp khác, các triệu chứng có thể nghiêm trọng và đe dọa tính mạng. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Sốt và ớn lạnh
  • Mệt mỏi
  • Sưng phù bàn tay và bàn chân
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Đau nhức khớp và cơ
  • Đau đầu
  • Phát ban
  • Ho
  • Khó thở
  • Thở gấp
  • Co giật
  • Run
  • Khó phối hợp các cử động
  • Lú lẫn và ảo giác
  • Giảm ý thức, giảm tỉnh táo và đáp ứng kém.

Huyết áp rất thấp và tăng hiện tượng đông máu cũng có thể là đặc điểm điển hình của hội chứng bão cytokine nghiêm trọng. Hoạt không bơm máu của tim không được như bình thường. Do đó, bão cytokine có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và có khả năng dẫn đến suy tạng, thậm chí tử vong.

Trong hội chứng bão cytokine, các triệu chứng hô hấp có thể xấu đi và trở thành hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS), từ đó bệnh nhân có thể phải thở máy để giúp cơ thể nhận đủ oxy.

NGUYÊN NHÂN

Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để tìm hiểu sự đan xen phức tạp của các nguyên nhân có thể khiến cơn bão cytokine xuất hiện. Bão cytokine có thể gây ra bởi một số các vấn đề sức khỏe hoặc bệnh lý nền khác nhau.

Hội chứng di truyền

Những người mắc một số hội chứng di truyền nhất định có khuynh hướng gặp phải bão cytokine. Chẳng hạn, điều này đúng với những người mắc một tình trạng gọi là hội chứng thực bào máu (hemophagocytic lymphohistiocytosis – HLH) có tính chất gia đình. Những khiếm khuyết di truyền này gây ra các vấn đề cụ thể đối với một số tế bào của hệ thống miễn dịch.

Những người mắc tình trạng di truyền này dễ gặp phải bão cytokine trong quá trình đáp ứng với nhiễm trùng, thường là trong những tháng đầu đời.

Tình trạng nhiễm trùng

Một số tình trạng nhiễm trùng nhất định cũng có thể gây ra bão cytokine ở một số người, bao gồm nhiễm trùng do virus, vi khuẩn và các tác nhân khác. Một trong những tình trạng thường được nghiên cứu là bão cytokine do virus cúm A (virus gây ra bệnh cúm thông thường). Các trường hợp nhiễm cúm nặng có khả năng cao hơn gây ra cơn bão cytokine. Chẳng hạn, người ta cho rằng hội chứng bão cytokine có thể là lý do gây ra tỷ lệ tử vong cao ở thanh niên trong đại dịch cúm năm 1918. Virus Epstein-Barr và virus cytomegalo là những nguyên nhân phổ biến khác gây ra tình trạng nhiễm trùng.

Mặc dù hầu hết những người mắc tình trạng nhiễm trùng sẽ không trải qua bão cytokine, một số loại nhiễm trùng có nhiều khả năng gây ra bão cytokine hơn những loại khác.

Với những lý do vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng, virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 dường như dễ dẫn đến bão cytokine hơn so với những bệnh do các virus khác gây ra. Đó là lý do quan trọng giải thích tại sao tình trạng nhiễm virus lại đặt ra vấn đề toàn cầu.

Bệnh tự miễn

Những người mắc một số hội chứng tự miễn có nguy cơ gặp phải hội chứng bão cytokine cao hơn. Chẳng hạn, điều này có thể xảy ra trong bệnh Still, bệnh viêm khớp vô căn ở thiếu niên (juvenile idiopathic arthritis – JIA) và bệnh lupus. Trong những trường hợp như thế, bão cytokine thường được gọi bằng cái tên “hội chứng hoạt hóa đại thực bào” (hay hội chứng thực bào máu).

Cơn bão cytokine có thể xảy ra khi bệnh lý nền của một người đang trong giai đoạn bùng phát hoặc khi người này cũng đang trải qua một tình trạng nhiễm trùng nào đó.

Các nguyên nhân khác

Đôi khi, bão cytokine cũng có thể là tác dụng phụ của các liệu pháp y tế cụ thể. Chẳng hạn, bão cytokine đôi khi xảy ra sau một liệu pháp điều trị bệnh bạch cầu được gọi là liệu pháp CAR-T (chimeric antigen receptor T cells). Các loại liệu pháp miễn dịch khác đôi khi cũng gây ra tác dụng phụ là bão cytokine.

Ngoài ra, bão cytokine có thể xảy ra trong các trường hợp khác, như sau khi ghép nội tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc. Một số tình trạng ung thư cũng có thể gây ra hội chứng bão cytokine, cũng như các tình trạng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, như AIDS chẳng hạn.

Nhiễm trùng huyết – đáp ứng miễn dịch đối với nhiễm trùng và là tình trạng gây đe dọa đến tính mạng – đôi khi cũng được xem là một dạng của hội chứng bão cytokine.

Bệnh COVID-19

Hầu hết những người mắc COVID-19 không gặp phải cơn bão cytokine cùng các triệu chứng của nó. Tuy nhiên, một số bệnh nhân COVID-19 có thể dễ mắc phải bão cytokine nếu họ có các gen cụ thể khiến hệ miễn dịch phản ứng theo những cách nhất định.

Với trường hợp này, nguyên nhân đề cập ở trên vẫn chưa có được hiểu biết chắc chắn. Các yếu tố khác – chẳng hạn như sự hiện diện của các tình trạng sức khỏe tiềm ẩm, các bệnh lý nền – có thể là những yếu tố quyết định nhiều hơn đến mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19.

CHẨN ĐOÁN HỘI CHỨNG BÃO CYTOKINE

Bão cytokine được chẩn đoán trong trường hợp có các tình trạng y tế hoặc bệnh lý nền. Các vấn đề sức khỏe này có thể đã được biết trước hoặc có thể yêu cầu chẩn đoán riêng.

Một người có thể cần được chẩn đoán mắc chứng rối loạn di truyền, tình trạng tự miễn hoặc bệnh lý nhiễm trùng, như COVID-19. Tùy thuộc vào từng tình huống, có thể yêu cầu các xét nghiệm khác nhau, chẳng hạn như xét nghiệm máu cụ thể.

Tiền sử bệnh và việc thăm khám cung cấp cơ sở ban đầu cho việc chẩn đoán. Bác sĩ sẽ cần biết về các vấn đề sức khỏe mà bạn từng gặp trước đây cũng như và các triệu chứng gần đây của bạn.

Bác sĩ cũng sẽ tiến hành thăm khám kỹ lưỡng để tìm các dấu hiệu có thể có của bão cytokine. Điều này rất quan trọng vì bão cytokine có thể ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan/hệ thống khác nhau của cơ thể. Tình trạng huyết áp thấp bất thường, sốt và oxy trong máu thấp có thể được phát hiện.

Vì đây là một tình trạng nguy hiểm, điều quan trọng là bác sĩ cần ý thức rằng bão cytokine có khả năng xảy ra.

Những bất thường trong kết quả xét nghiệm, chẳng hạn như trong các xét nghiệm máu cơ bản, có thể cung cấp manh mối cho chẩn đoán. Những người bị tình trạng bão cytokine có thể có những biểu hiện bất thường như sau:

  • Giảm số lượng tế bào miễn dịch
  • Tăng các chỉ dấu của tình trạng tổn thương thận hoặc gan
  • Tăng các chỉ dấu viêm như protein phản ứng C (C-reactive protein – CRP)
  • Bất thường về các chỉ dấu đông máu
  • Tăng ferritin (liên quan đến đáp ứng nhiễm trùng).

Chẩn đoán hình ảnh cũng có thể cung cấp manh mối. Chẳng hạn, hình ảnh chụp X-quang phổi có thể hiển thị những vấn đề trên phổi xuất phát từ cơn bão cytokine liên quan đến bệnh COVID-19.

Điều quan trọng là cần biết rằng thuật ngữ ‘bão cytokine’ có thể không xuất hiện trong chẩn đoán, ngay cả khi đó là một phần của vấn đề. Nó không phải lúc nào cũng được chẩn đoán hoặc đề cập một cách cụ thể.

Bạn có thể chỉ biết rằng ai đó đang có các triệu chứng nghiêm trọng do cúm, COVID-19 hoặc một tình trạng khác. Các xét nghiệm để khẳng định rằng cytokine tăng cao có thể không hữu ích hoặc không cần thiết.

Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tìm hiểu cơn bão cytokine trong bệnh COVID-19 có nghĩa là gì. Một số chuyên gia lâm sàng đã đề nghị tầm soát các bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 để tìm các dấu hiệu viêm trong các kết quả xét nghiệm có thể chỉ ra một cơn bão cytokine, như mức ferritin tăng cao chẳng hạn.

Người ta cho rằng những người này có thể được hưởng lợi từ các liệu pháp nhắm mục tiêu vào việc giải quyết bão cytokine và kiểm soát hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa rõ ràng.

ĐIỀU TRỊ

Chăm sóc hỗ trợ là một phần quan trọng của điều trị cơn bão cytokine. Nếu một người đang trải qua các triệu chứng nghiêm trọng (như khó thở), người này có thể cần được theo dõi trong phòng chăm sóc đặc biệt. Sự chăm sóc như thế có thể bao gồm các hỗ trợ như sau:

  • Theo dõi đặc biệt các dấu hiệu sinh tồn
  • Hỗ trợ hô hấp
  • Truyền dịch tĩnh mạch
  • Kiểm soát chất điện giải
  • Chạy thận nhân tạo.

Trong một số tình huống, có thể điều trị nguồn gốc gây ra cơn bão cytokine. Chẳng hạn, nếu bão cytokine là do nhiễm vi khuẩn, thuốc kháng sinh có thể giúp ích.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, không có phương pháp điều trị trực tiếp cho tình trạng bệnh lý nền, và khi đó bác sĩ phải thử các cách tiếp cận khác để cố gắng làm giảm bớt đáp ứng miễn dịch. Nhưng điều này rất phức tạp, một phần là do hệ thống miễn dịch có rất nhiều các thành tố khác nhau.

Để chống lại tình trạng nhiễm trùng, có thể lý tưởng nhất là ức chế một phần của đáp ứng miễn dịch trong khi để phần khác hoạt động bình thường hoặc thậm chí tăng cường phần này.

Nhiều liệu pháp khác nhau đã được thử nghiệm, nhưng các nhà khoa học hiện vẫn chưa thống nhất về giải pháp tốt nhất để điều trị bão cytokine trong mọi tình huống. Các liệu pháp điều trị tốt nhất có thể phụ thuộc phần nào vào nguyên nhân cơ bản cụ thể gây ra bão cytokine.

Chẳng hạn, corticosteroid dường như rất hữu ích cho những người mắc phải bão cytokine do bệnh tự miễn gây ra. Tuy nhiên, không rõ đây có phải là lựa chọn tốt nhất cho những người gặp phải bão cytokine do nguyên nhân nhiễm trùng, như trong bệnh COVID-19, hay không.

Điều trị đúng thời điểm cũng có thể rất quan trọng, làm nên tính hiệu quả của liệu pháp điều trị, bởi vì một phương pháp điều trị có thể hữu ích khi được tiến hành sớm nhưng có thể sẽ không hiệu quả ở thời điểm muộn hơn, và ngược lại. Cũng có thể có những kết quả khác nhau trong cách mọi người đáp ứng với các liệu pháp điều trị này.

Trước đây, một số phương pháp đã được thử nghiệm để điều trị cơn bão cytokine và ghi nhận nhiều kết quả điều trị trái ngược trong nhiều tình huống khác nhau, bao gồm:

  • Aspirin
  • Corticosteroid
  • Thuốc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, như cyclosporine
  • Các liệu pháp sinh học nhằm chặn các cytokine cụ thể
  • Liệu pháp phân tách huyết tương hay lọc huyết tương (plasmapheresis)
  • Nhóm thuốc statin.

Điều trị bão cytokine do bệnh COVID-19

Các nhà nghiên cứu đang tích cực trong việc tìm kiếm nhiều liệu pháp khác nhau để điều trị hội chứng bão cytokine do COVID-19. Nhiều nhà nghiên cứu đang xem xét tác động của các liệu pháp hiện có đến hệ miễn dịch để xem liệu rằng liệu pháp nào có thể đem lại hiệu quả cho những người mắc bão cytokine do COVID-19.

Chẳng hạn, Kineret (anakinra) là một liệu pháp sinh học đôi khi được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cũng như các bệnh lý khác có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Liệu pháp này chặn hoạt động của một cytokine cụ thể là interleukin 1 (IL-1). Nó đôi khi hữu ích cho những người bị bão cytokine do các tình trạng tự miễn.

Các nhà nghiên cứu hiện đang tìm hiểu xem liệu pháp này có thể hiệu quả trên những người bị bệnh nặng mắc hội chứng bão cytokine do COVID-19 gây ra hay không.

Một ví dụ khác là Actemra (tocilizumab), một loại thuốc sinh học có thể được sử dụng cho bệnh viêm khớp dạng thấp và các bệnh lý khác. Thuốc này chặn hoạt động của một cytokine khác là interleukin 6 (IL-6). Actemra trước đây đôi khi được sử dụng để điều trị cơn bão cytokine do tác dụng phụ của một liệu pháp nào đó (như liệu pháp điều trị bệnh bạch cầu chẳng hạn).

Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu các liệu pháp này, cũng như nhiều liệu pháp can thiệp tiềm năng khác. Lý tưởng nhất là nhiều liệu pháp sẽ được tìm thấy để giúp hạn chế tác động của cơn bão cytokine, từ đó dẫn đến giảm tử vong do COVID-19.

TÓM LẠI

Hội chứng bão cytokine là một vấn đề thuộc về rối loạn điều hòa hệ thống miễn dịch, từ đó có thể gây ra các triệu chứng đe dọa tính mạng. Sẽ là một cảm giác lo lắng và sợ hãi khi biết rằng một người mà bạn quan tâm đang phải ‘chiến đấu’ với một tình trạng như vậy. Tuy nhiên, hãy biết rằng bạn không đơn độc. Các chuyên gia y tế sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo người thân của bạn luôn nhận được sự chăm sóc tốt nhất có thể.

Nguồn: Very Well Health

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu