Flavonoid có thể bảo vệ cơ thể trước chứng hay quên?

Flavonoid có thể bảo vệ cơ thể trước chứng hay quên?

Nền tảng của một chế độ ăn uống lành mạnh là sự kết hợp các loại trái cây và rau củ quả có màu sắc rực rỡ, chẳng hạn như dâu tây đỏ, rau bina có lá xanh đậm hoặc ớt vàng tươi. Màu sắc của những thực phẩm như thế thường đến từ flavonoid – chất hóa học nguồn gốc thực vật có tác động mạnh mẽ, còn gọi là phytochemical – thành phần dường như có đóng góp vào nhiều khía cạnh sức khỏe. Và một nghiên cứu lớn của Harvard được đăng trực tuyến trên Tạp chí Neurology vào tháng 7/2021 cho thấy rằng flavonoid cũng có thể có vai trò trong việc bảo vệ khả năng nhận thức.

Nghiên cứu

Các nhà khoa học đã đánh giá dữ liệu sức khỏe và thông tin về chế độ ăn tự báo cáo – được thu thập trong hơn 20 năm – từ hơn 77,000 người trung niên, cả nam giới và phụ nữ.

Thông tin bao gồm tần suất mà người tham gia tiêu thụ nhiều loại thực phẩm giàu flavonoid và việc những người tham gia này có báo cáo những thay đổi về nhận thức ở độ tuổi 70 hay không – chẳng hạn như khó khăn trong việc:

  • nhớ các sự kiện gần đây hoặc một danh sách ngắn các dữ liệu nào đó
  • ghi nhớ mọi thứ một cách nhanh chóng
  • hiểu các hướng dẫn
  • nắm bắt một cuộc trò chuyện nhóm hoặc cốt truyện của một bộ phim truyền hình
  • biết đường đi trên những con phố quen thuộc.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã tính toán lượng của 6 nhóm flavonoid mà những người tham gia tiêu thụ:

  • flavonol (chẳng hạn như quercetin trong hành tây và cải kale)
  • flavone (chẳng hạn như luteolin trong ớt xanh và cần tây)
  • flavanone (chẳng hạn như naringenin trong bưởi và cam)
  • flavan-3-ol monomer (chẳng hạn như catechin trong rượu vang đỏ và dâu tây)
  • anthocyanin (chẳng hạn như cyanidin trong quả mâm xôi đen và bắp cải đỏ)
  • polymer (chẳng hạn như theaflavin trong trà đen).

Phát hiện của nghiên cứu

Sau khi tính toán đến các yếu tố có thể ảnh hưởng đến nhận thức (chẳng hạn như tuổi tác, cân nặng, hoạt động thể chất, lượng tiêu thụ rượu, chứng trầm cảm và lượng tiêu thụ chất dinh dưỡng không phải flavonoid), các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người có lượng flavonoid tiêu thụ hàng ngày cao nhất báo cáo gặp phải các vấn đề về trí nhớ và tư duy thấp hơn 19% khi so sánh với những người có lượng flavonoid tiêu thụ hàng ngày thấp nhất.

Bác sĩ Walter Willett – một trong số những tác giả của nghiên cứu, đồng thời là giáo sư về dịch tễ học và dinh dưỡng tại trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan – cho biết: “Những kết quả mà chúng tôi thu được rất thú vị vì chúng cho thấy rằng việc tiêu thụ thực phẩm giàu flavonoid có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự suy giảm trí nhớ và các quá trình nhận thức khác trong giai đoạn tuổi già”.

Bác sĩ Tian-Shin Yeh – tác giả chính của nghiên cứu, đồng thời là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ trong Chương trình Harvard-Oxford về Dịch tễ học và khoa dinh dưỡng tại trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan – cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng việc tiêu thụ sớm hơn những thực phẩm giàu flavonoid dường như cải thiện tác dụng bảo vệ não. Nhưng ngay cả những người tham gia nghiên cứu bắt đầu tiêu thụ nhiều flavonoid muộn hơn vẫn ghi nhận được những lợi ích”.

Nghiên cứu này chỉ mang tính chất quan sát, dựa trên những gì mà những người tham gia nhớ về chế độ ăn uống của mình và chú ý về vấn đề nhận thức. Nghiên cứu không chứng minh một cách chắc chắn rằng lượng flavonoid tiêu thụ giúp mọi người minh mẩn hơn ở tuổi già. Tuy nhiên, các nghiên cứu nhỏ hơn hoặc ngắn hạn cũng đã tìm thấy mối liên hệ giữa flavonoid và những lợi ích về sức khỏe nhận thức.

Những ‘ngôi sao’ flavonoid

Một số flavonoid, đặc biệt, dường như có tác dụng bảo vệ não bộ:

  • Flavone có liên quan đến việc giảm 38% nguy cơ suy giảm nhận thức tự báo cáo.
  • Flavanone làm giảm nguy cơ suy giảm nhận thức tự báo cáo 36%.
  • Anthocyanins làm giảm nguy cơ suy giảm nhận thức tự báo cáo 24%.

Các loại trái cây và rau củ quả trong nghiên cứu có liên quan nhiều nhất đến các tác động có lợi về nhận thức, được liệt kê từ mạnh nhất đến yếu nhất:

  • bắp cải Brussel
  • dâu tây
  • bông cải trắng
  • rau chân vịt sống
  • khoai lang
  • việt quất
  • bí đó
  • rau chân vịt nấu chín
  • cà rốt nấu chín
  • đào/ mơ/ mận
  • dưa lưới
  • nước ép cà chua
  • nước sốt táo
  • ớt xanh/ đỏ/ vàng
  • bông cải xanh
  • bắp cải
  • nước sốt cà chua
  • xà lách romaine
  • cà chua
  • bưởi
  • cần tây
  • củ dền
  • xà lách iceberg
  • khoai tây nướng/ luộc/ nghiền
  • nước cam
  • ca rốt sống
  • táo/ lê
  • nước ép bưởi
  • chuối
  • cam
  • hành
  • nước ép táo, nước táo lên men (cider)
  • trà
  • rượu vang trắng
  • nho/ nho khô
  • rượu vang đỏ.

Điều kỳ diệu có trong flavonoid?

Chúng ta không biết chắc chắn tại sao flavonoid có thể có vai trò trong việc bảo vệ nhận thức. Nhưng chúng ta biết rằng flavonoid là chất chống oxy hóa mạnh, từ đó có thể chống lại tình trạng viêm não và sự tích tụ amyloid – một dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer.

Chất chống oxy hóa cũng có thể đóng vai trò trong việc:

  • giữ cho các mạch máu khỏe (từ đó duy trì lưu thông máu đến não)
  • tăng sản xuất các yếu tố dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não, các chất hóa học giúp sửa chữa các tế bào não bộ, tăng cường kết nối giữa các tế bào này, thúc đẩy sự phát triển tế bào não mới và tăng kích thước của vùng hồi hải mã (phần của não có liên quan đến việc lưu trữ và truy xuất trí nhớ).

Thêm vào đó, chúng ta biết rằng flavonoid có liên quan đến việc chống lại chứng viêm và sự phát triển của khối u, cũng như làm giảm huyết áp.

Đặt những mục tiêu đơn giản với flavonoid

Với rất nhiều lợi ích tiềm năng của flavonoid, bạn có thể tự hỏi mình nên nhắm đến mức nào của thành phần này trong chế độ ăn uống của bản thân. Trong nghiên cứu, lượng flavonoid tiêu thụ dao động từ thấp – khoảng 150 mg/ngày đến cao – khoảng 620 mg/ngày.

Nhưng theo dõi lượng flavonoid tiêu thụ là việc phức tạp. Thành phần dinh dưỡng này thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào loại thực phẩm. Chẳng hạn, nửa cốc (cup) quả việt quất chứa khoảng 165 mg anthocyanin; nửa cốc ớt chứa khoảng 5 mg flavon. Đồng thời, nhiều loại trái cây và rau củ quả có chứa một số loại flavonoid, cùng với nhiều phytochemical khác.

Vì vậy, đừng căng thẳng về điều này. Chỉ cần áp dụng một chế độ ăn với đa dạng các loại trái cây và rau củ quả, đồng thời hãy nhớ bắt đầu càng sớm càng tốt. Cố gắng đạt được mục tiêu ‘5 phần (serving) trái cây và rau củ quả mỗi ngày’ (bằng chứng gần đây cho thấy sự kết hợp hiệu quả nhất là 2 phần trái cây và 3 phần rau củ quả mỗi ngày).

Tiếp đó, khi thưởng thức các loại thực phẩm như dâu tây, việt quất, ớt, cần tây, táo, chuối, cam và bưởi, bạn hãy nhớ rằng chúng không chỉ ngon và tốt cho sức khỏe nói chung mà còn có khả năng đem lại những lợi ích cho bộ não của bạn.

Bác sĩ Deborah Blacker – đồng tác giả của nghiên cứu, đồng thời là giáo sư và phó chủ nhiệm khoa dịch tễ học tại trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan – cho biết: “Đó được gọi là ‘chế độ ăn cầu vồng’ và có thể tạo ra một chế độ ăn uống lành mạnh và ngon miệng hơn; và đó chính là một lý do khác lý giải tại sao mọi người nên được đảm bảo trong việc có thể tiếp cận với trái cây và rau củ quả tươi”.

Nguồn: HARVARD HEALTH PUBLISHING (Harvard Medical School)

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu