Dinh dưỡng và miễn dịch

Trong mùa cúm hoặc trong thời gian bị ốm, mọi người thường tìm kiếm những loại thực phẩm đặc biệt hoặc các chế phẩm bổ sung vitamin được cho là giúp tăng cường miễn dịch. Vitamin C và các loại thực phẩm như trái cây họ cam quýt, súp gà và trà mật ong là những ví dụ phổ biến. Tuy nhiên, thiết kế của hệ thống miễn dịch của cơ thể chúng ta rất phức tạp và bị ảnh hưởng bởi sự cân bằng lý tưởng của nhiều yếu tố, không chỉ là chế độ ăn uống, và đặc biệt là không chỉ bởi bất kỳ loại thực phẩm hoặc chất dinh dưỡng cụ thể nào. Tuy nhiên, một chế độ ăn uống cân bằng với đa dạng các loại vitamin và khoáng chất, kết hợp cùng các yếu tố của một lối sống lành mạnh – như ngủ đủ giấc, tập thể dục và ít căng thẳng – sẽ giúp hỗ trợ cơ thể chống lại nhiễm trùng và bệnh tật một cách hiệu quả nhất.

HỆ THỐNG MIỄN DỊCH CỦA CƠ THỂ LÀ GÌ?

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường xuyên phải tiếp xúc với các loại mầm bệnh gây hại. Hệ miễn dịch của chúng ta – một mạng lưới các giai đoạn và thông qua các con đường chi tiết, phức tạp trong cơ thể – giúp bảo vệ chúng ta chống lại các vi sinh vật có hại cũng như một số bệnh lý nhất định. Hệ miễn dịch phát hiện ra những kẻ ngoại lai xâm lược như vi khuẩn, virus và ký sinh trùng, từ đó hành động ngay lập tức. Con người chúng ta sở hữu hai loại miễn dịch: bẩm sinh và thích ứng.

1. Các loại miễn dịch

– Miễn dịch bẩm sinh

Miễn dịch bẩm sinh là khả năng phòng thủ tuyến đầu, giúp bảo vệ chúng ta khỏi các mầm bệnh cố gắng xâm nhập vào cơ thể và khả năng miễn dịch này có được thông qua các hàng rào bảo vệ. Những hàng rào đó bao gồm:

  • Da, giúp ngăn chặn phần lớn các mầm bệnh
  • Chất nhầy, giúp bắt giữ mầm bệnh
  • Axit dạ dày, giúp tiêu diệt mầm bệnh
  • Các enzym trong mồ hôi và nước mắt, giúp tạo ra các hợp chất kháng khuẩn
  • Các tế bào của hệ miễn dịch, giúp tấn công tất cả các tác nhân ngoại lai xâm nhập vào cơ thể.

– Miễn dịch thích ứng (hay miễn dịch thu được)

Khả năng miễn dịch thích ứng (hay thu được) là một hệ thống học cách nhận biết mầm bệnh. Nó được điều phối bởi các tế bào và cơ quan trong cơ thể (như lách, tuyến ức, tủy xương và các hạch bạch huyết). Khi một tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể, các tế bào và cơ quan đề cập ở trên sẽ tạo ra kháng thể và dẫn đến sự nhân lên của các tế bào miễn dịch (bao gồm các loại bạch cầu khác nhau) đặc hiệu đối với tác nhân đó, từ đó tấn công và tiêu diệt nó. Sau đó, hệ miễn dịch của chúng ta sẽ thích ứng bằng cách ghi nhớ tác nhân đã gặp để trong trường hợp tác nhân này xâm nhập trở lại vào cơ thể, các kháng thể và tế bào miễn dịch thậm chí còn hoạt động hiệu quả hơn và nhanh chóng tiêu diệt nó.

2. Các điều kiện khác ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch

– Kháng nguyên

Kháng nguyên là những thành phần mà cơ thể cho là xa lạ với nó và có hại cho cơ thể, kháng nguyên có thể kích hoạt hoạt động của tế bào miễn dịch. Chất gây dị ứng (hay dị nguyên) là một loại kháng nguyên, chẳng hạn như phấn hoa, bụi, một số thành phần trong thức ăn hoặc lông vật nuôi. Các kháng nguyên có thể gây ra phản ứng đáp ứng mãnh liệt với các kích thích, trong đó quá nhiều tế bào bạch cầu được giải phóng. Mức độ nhạy cảm của mỗi người đối với kháng nguyên rất khác nhau. Chẳng hạn, dị ứng với nấm mốc gây ra các triệu chứng thở khò khè và ho ở người nhạy cảm nhưng có thể không gây phản ứng đối với những người khác.

– Viêm

Viêm là một bước bình thường, đóng vai trò quan trọng trong phản ứng miễn dịch bẩm sinh của cơ thể. Khi mầm bệnh tấn công các tế bào và mô khỏe mạnh, một loại tế bào miễn dịch có tên là tế bào mast sẽ phản công và giải phóng các protein gọi là histamine, thành phần này sẽ gây ra tình trạng viêm. Viêm có thể gây đau, sưng và tiết ra các dịch lỏng nhằm giúp loại bỏ các mầm bệnh. Histamine cũng gửi tín hiệu giúp giải phóng nhiều tế bào bạch cầu hơn để chống lại các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, tình trạng viêm kéo dài có thể dẫn đến tổn thương mô và lấn át hệ miễn dịch.

– Rối loạn tự miễn

Các rối loạn tự miễn – như lupus, viêm khớp dạng thấp hoặc tiểu đường tuýp 1 – một phần do di truyền, đồng thời gây ra tình trạng quá mẫn, trong đó các tế bào miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào khỏe mạnh của cơ thể.

– Rối loạn suy giảm miễn dịch

Rối loạn suy giảm miễn dịch có thể làm suy giảm hoặc vô hiệu hóa hoàn toàn hệ miễn dịch và có thể do di truyền hoặc do mắc phải. Các dạng suy giảm miễn dich mắc phải thường phổ biến hơn, chẳng hạn như AIDS và các bệnh ung thư (như bệnh bạch cầu và bệnh đa u tủy xương). Trong những trường hợp này, khả năng phòng vệ của cơ thể giảm xuống và một người sẽ cực kỳ dễ mắc bệnh khi các mầm bệnh hoặc kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể.

3. Những yếu tố nào có thể làm suy giảm hệ miễn dịch của chúng ta?

– Tuổi già

Khi chúng ta già đi, hoạt động của các cơ quan nội tạng trở nên kém hiệu quả hơn; các cơ quan liên quan đến miễn dịch (như tuyến ức hoặc tủy xương) tạo ra ít hơn các tế bào miễn dịch cần thiết để chống lại nhiễm trùng. Lão hóa đôi khi liên quan đến sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, từ đó có thể làm trầm trọng thêm chức năng miễn dịch vốn đã suy giảm.

– Chất độc từ môi trường bên ngoài (khói và các tiểu phân khác góp phần gây ô nhiễm không khí; rượu với lượng quá nhiều)

Những tác nhân này có thể làm suy giảm hoặc ức chế hoạt động bình thường của các tế bào miễn dịch.

– Thừa cân

Tình trạng béo phì có liên quan đến chứng viêm mạn tính cấp độ thấp (low-grade chronic inflammation). Mô mỡ sản xuất adipocytokine, từ đó có thể thúc đẩy quá trình viêm. Nghiên cứu vẫn còn ở giai đoạn đầu, nhưng béo phì đã được xác định là một yếu tố nguy cơ độc lập đối với virus cúm, có thể do suy giảm chức năng của tế bào bạch cầu T.

– Chế độ ăn uống kém

Suy dinh dưỡng hoặc chế độ ăn uống thiếu hụt một hoặc nhiều dưỡng chất có thể làm suy giảm sự sản xuất cũng hoạt động của các tế bào miễn dịch và kháng thể.

– Bệnh lý mạn tính

Các rối loạn tự miễn và suy giảm miễn dịch có khả năng tấn công và vô hiệu hóa các tế bào miễn dịch.

– Căng thẳng tinh thần kéo dài

Tình trạng căng thẳng giải phóng các hormone (như cortisol) ngăn chặn tình trạng viêm (viêm là quá trình cần thiết ban đầu để kích hoạt các tế bào miễn dịch) và hoạt động của các tế bào bạch cầu.

Thiếu ngủ và nghỉ ngơi không đủ

Ngủ là thời gian phục hồi của cơ thể. Trong khi ngủ, một loại cytokine được giải phóng để chống lại nhiễm trùng. Ngủ quá ít sẽ làm giảm số lượng cytokine này và cả các tế bào miễn dịch khác.

CÓ TỒN TẠI MỘT CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG GIÚP TĂNG CƯỜNG MIỄN DỊCH KHÔNG?

Tiêu thụ đủ các chất dinh dưỡng như một phần của chế độ ăn đa dạng là vô cùng cần thiết cho sức khỏe cũng như chức năng của tất cả các tế bào, bao gồm cả các tế bào miễn dịch. Một số chế độ ăn uống nhất định có thể giúp cơ thể có bước chuẩn bị tốt hơn trước sự tấn công của vi sinh vật và tình trạng viêm quá mức, tuy nhiên, không chắc rằng các loại thực phẩm riêng lẻ sẽ mang lại tác dụng bảo vệ đặc biệt. Mỗi giai đoạn trong đáp ứng miễn dịch của cơ thể phụ thuộc vào sự hiện diện của nhiều vi chất dinh dưỡng. Ví dụ về các chất dinh dưỡng đã được xác định là quan trọng đối với sự phát triển và chức năng của các tế bào miễn dịch bao gồm vitamin C, vitamin D, kẽm, selen, sắt và protein (bao gồm cả axit amin glutamine). Những dưỡng chất này được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật.

Chế độ ăn không đa dạng và chứa ít dưỡng chất, chẳng hạn như chế độ ăn chủ yếu bao gồm thực phẩm chế biến sẵn và thiếu thực phẩm tự nhiên ít qua chế biến, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe hệ miễn dịch. Người ta cũng cho rằng chế độ ăn phương Tây (Western diet) với nhiều đường tinh luyện và thịt đỏ, ít trái cây và rau củ quả, có thể thúc đẩy sự rối loạn các vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh, dẫn đến tình trạng viêm đường ruột mạn tính cũng như có liên quan đến sự ức chế khả năng miễn dịch.

Hệ vi sinh vật bên trong cơ thể bao gồm hàng nghìn tỷ vi sinh vật sống trong cơ thể chúng ta, chủ yếu tập trung tại ruột. Đây là một đề tài thu hút rất nhiều công trình nghiên cứu khi mà các nhà khoa học phát hiện ra rằng hệ vi sinh vật đóng vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch. Ruột là vị trí chính của hoạt động miễn dịch và của sự sản xuất các protein kháng khuẩn. Chế độ ăn uống đóng vai trò to lớn trong việc quyết định loại vi sinh vật nào sống trong ruột của chúng ta. Một chế độ ăn giàu chất xơ thực vật với nhiều trái cây, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu dường như hỗ trợ cho sự sinh sôi và duy trì sự tồn tại các vi khuẩn có lợi. Một số lợi khuẩn nhất định phân hủy chất xơ thành các axit béo chuỗi ngắn, thành phần này được chứng minh là có khả năng kích thích hoạt động của tế bào miễn dịch. Những chất xơ để cập ở trên đôi khi được gọi là prebiotic bởi vì chúng là nguồn thức ăn giúp nuôi dưỡng vi sinh vật. Do đó, một chế độ ăn bao gồm các thực phẩm chứa probiotic và prebiotic có thể mang đến lợi ích nhất định cho cơ thể. Thực phẩm probiotic chứa các lợi khuẩn sống, trong khi thực phẩm prebiotic chứa chất xơ và oligosaccharide giúp nuôi dưỡng và duy trì hệ lợi khuẩn đó.

  • Các loại thực phẩm chứa probiotic bao gồm sữa chua kefir, sữa chua có chứa vi khuẩn sống, rau củ lên men, dưa cải bắp sauerkraut, đậu nành lên men tempeh, trà kombucha, kim chi và miso.
  • Các thực phẩm chứa prebiotic bao gồm tỏi, hành tây, tỏi tây, măng tây, atisô Jerusalem, rau bồ công anh, chuối và rong biển. Tuy nhiên, một nguyên tắc phổ biến hơn là ăn nhiều loại trái cây, rau củ quả, đậu và ngũ cốc để bổ sung prebiotic thông chế độ ăn uống.

SẢN PHẨM BỔ SUNG CHỨA VITAMIN HOẶC THẢO DƯỢC CÓ MANG LẠI LỢI ÍCH KHÔNG?

Sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng có thể làm thay đổi đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Các nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra rằng sự thiếu hụt kẽm, selen, sắt, đồng, axit folic và vitamin A, B6, C, D và E có thể làm thay đổi phản ứng miễn dịch. Những dưỡng chất này giúp ích cho hệ miễn dịch theo một số cách:

  • hoạt động như chất chống oxy hóa để bảo vệ các tế bào khỏe mạnh
  • hỗ trợ sự phát triển và hoạt động của các tế bào miễn dịch
  • sản xuất kháng thể.

Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy rằng những người có chế độ dinh dưỡng kém có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh do nhiễm vi khuẩn, virus và các mầm bệnh khác.

Healthy Eating Plate chỉ ra rằng, việc có một chế độ ăn uống chất lượng có thể ngăn ngừa sự thiếu hụt đối với các dưỡng chất kể trên. Tuy nhiên, có một số nhóm dân số và những tình huống nhất định trong đó người ta không thể luôn luôn ăn được nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng, hoặc có những người mà nhu cầu dinh dưỡng của họ tăng lên. Trong những trường hợp này, một sản phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất có thể giúp lấp khoảng trống dinh dưỡng thiếu hụt. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung vitamin có thể cải thiện các phản ứng miễn dịch trong những nhóm người này. Các hộ gia đình có thu nhập thấp, phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ sơ sinh và trẻ trong giai đoạn tập đi, cũng như những người bị bệnh nặng là những ví dụ về các nhóm có nguy cơ thiếu hụt dưỡng chất.

Người cao tuổi là nhóm người có nguy cơ đặc biệt cao. Phản ứng miễn dịch nhìn chung suy giảm theo tuổi tác khi mà số lượng và chất lượng của các tế bào miễn dịch giảm đi. Điều này gây ra nguy cơ cao sẽ có sức khỏe miễn dịch kém nếu người cao tuổi mắc các bệnh lý cấp tính hoặc mạn tính. Ngoài ra, khoảng 1/3 người cao tuổi ở các nước công nghiệp phát triển bị thiếu hụt chất dinh dưỡng. Một số lý do bao gồm cảm giác thèm ăn và ngon miệng kém đi do mắc các bệnh mạn tính, do trầm cảm hoặc do cảm thấy cô đơn; nhiều loại thuốc có thể cản trở sự hấp thu chất dinh dưỡng và cảm giác thèm ăn; hấp thu kém do các vấn đề đường ruột; và nhu cầu chất dinh dưỡng tăng lên do tình trạng tăng chuyển hóa xuất phát từ các bệnh lý cấp tính hoặc mạn tính. Sự đa dạng trong chế độ ăn uống cũng có thể bị hạn chế do lý do tài chính hoặc mức độ yêu thích nấu ăn không nhiều; tình trạng răng kém; suy giảm tâm thần; hoặc thiếu phương tiện vận chuyển và các nguồn lực xã hội khác để có được thực phẩm lành mạnh.

Một sản phẩm bổ sung khoáng chất/vimanin tổng hợp cung cấp nhu cầu dinh dưỡng theo khuyến nghị (recommended dietary allowances – RDA) có thể được sử dụng trong những trường hợp này trừ khi có hướng dẫn khác của bác sĩ. Sản phẩm bổ sung liều cao (gấp nhiều lần RDA) có thể không phù hợp và đôi khi có thể gây hại hoặc thậm chí ức chế hệ thống miễn dịch (chẳng hạn như với kẽm). Hãy nhớ rằng các sản phẩm bổ sung vitamin không nên được xem như là lựa chọn thay thế cho một chế độ ăn uống tốt bởi vì không có một sản phẩm bổ sung nào bao gồm được tất cả những lợi ích mà những thực phẩm lành mạnh mang lại.

Một số sản phẩm bổ sung thảo dược đã được đề nghị nhằm giúp tăng cường chức năng miễn dịch. Nghiên cứu nói lên điều gì?

– Hoa cúc tím Echinacea

Các nghiên cứu trên tế bào đã chỉ ra rằng echinacea có thể tiêu diệt virus cúm, nhưng nghiên cứu hạn chế trên người đã không đưa ra kết luận trong việc xác định các thành phần hoạt tính của echinacea. Sử dụng echinacea sau khi bị cảm lạnh không được chứng minh là có thể rút ngắn thời gian mắc bệnh, nhưng sử dụng khi đang khỏe mạnh có thể mang lại một cơ hội nhỏ trong việc bảo vệ cơ thể khỏi bị cảm lạnh.

– Tỏi

Thành phần hoạt tính trong tỏi – allicin sativum – được cho là có tác dụng kháng virus và vi khuẩn trong trường hợp cảm lạnh thông thường, nhưng vẫn còn thiếu các thử nghiệm lâm sàng chất lượng cao so sánh việc bổ sung tỏi so với giả dược. Một đánh giá của Cochrane cho thấy chỉ có một thử nghiệm chất lượng trên 146 người tham gia. Những người sử dụng sản phẩm bổ sung chứa tỏi trong 3 tháng ít bị cảm lạnh thông thường hơn những người dùng giả dược, nhưng sau khi nhiễm virus cảm lạnh, cả hai nhóm đều có thời gian bị bệnh tương tự nhau. Lưu ý rằng những phát hiện này chỉ đến từ một thử nghiệm đơn lẻ, vì thế nghiên cứu cần được nhân rộng.

– Catechin trong trà

Các nghiên cứu trên tế bào đã chỉ ra rằng catechin trong trà (như loại có trong trà xanh) có thể ngăn ngừa bệnh cúm và ngăn không cho một số virus cảm lạnh nhân lên, cũng như có thể tăng cường hoạt động miễn dịch. Thử nghiệm trên người vẫn còn hạn chế. Hai thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy rằng viên nang trà xanh khiến các triệu chứng cảm lạnh/cúm ít hơn hoặc tỷ lệ mắc bệnh cúm thấp hơn so với giả dược; tuy nhiên, cả hai nghiên cứu đều được tài trợ hoặc có mối liên hệ giữa tác giả với ngành chè.

8 CÁCH GIÚP HỖ TRỢ HỆ MIỄN DỊCH KHỎE MẠNH

  • Áp dụng một chế độ ăn uống cân bằng với trái cây, rau củ quả, protein nạc, ngũ cốc nguyên hạt và uống nhiều nước. Chế độ ăn Địa Trung Hải (Mediterranean diet) là một trong những lựa chọn tốt có bao gồm những loại thực phẩm này.
  • Nếu không thể có được một chế độ ăn uống cân bằng, có thể sử dụng một loại vitamin tổng hợp đáp ứng RDA để bổ sung một số thành phần dinh dưỡng cho cơ thể.
  • Không hút thuốc (hoặc ngừng hút thuốc nếu bạn là người hút thuốc).
  • Uống rượu bia điều độ.
  • Tập thể dục thường xuyên và điều độ.
  • Đặt mục tiêu ngủ 7 – 9 giờ mỗi đêm. Cố gắng tuân theo một lịch trình ngủ cố định, thức dậy và đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Đồng hồ sinh học (hay nhịp sinh học) của cơ thể chúng ta điều chỉnh cảm giác buồn ngủ và tỉnh táo, vì vậy, có một lịch trình ngủ nhất quán sẽ duy trì nhịp sinh học cân bằng để chúng ta có thể đi vào giấc ngủ sâu và thư thái hơn.
  • Hướng đến việc kiểm soát căng thẳng. Đây là điều nói dễ hơn làm, nhưng hãy cố gắng tìm ra một số phương pháp lành mạnh và phù hợp với bạn cũng như lối sống của bạn – cho dù đó là tập thể dục, thiền, một sở thích cụ thể hay nói chuyện với một người bạn đáng tin cậy. Một cách khác là luyện tập việc hít thở đều đặn, có ý thức, điều này có thể thực hiện trong ngày cũng như khi cảm giác căng thẳng xuất hiện. Việc tập luyện như thế không cần phải kéo dài – thậm chí chỉ một vài hơi thở cũng có thể hữu ích, giúp bạn bớt căng thẳng.
  • Rửa tay thường xuyên: khi từ bên ngoài về nhà, trước và sau khi nấu ăn và ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho hoặc xì mũi.

Nguồn: Harvard T.H. Chan

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu