Tiêu chảy: Triệu chứng, Nguyên nhân và Lời khuyên cho việc điều trị

TIÊU CHẢY LÀ GÌ?

Mỗi người có thói quen đi tiêu khác nhau và tình trạng đi tiêu đó được xem là bình thường đối với họ, nhưng đó sẽ là tiêu chảy nếu một người đi ngoài với phân lỏng hơn hoặc thường xuyên hơn so với tình trạng bình thường của người đó. Tiêu chảy xảy ra khi lớp niêm mạc của ruột già bị viêm hoặc bị kích thích. Điều này ngăn cơ thể hấp thu muối và chất lỏng thiết yếu từ thức ăn trong ruột, gây ra phân lỏng.

Hầu hết chúng ta, thỉnh thoảng sẽ bị tiêu chảy và điều này thường không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, tiêu chảy có thể gây đau, khó chịu và có thể mất vài ngày hoặc thậm chí một tuần để khỏi. Tiêu chảy có thể khởi phát đột ngột và kéo dài dưới 4 tuần (cấp tính) hoặc dai dẳng (mạn tính).

CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA TIÊU CHẢY

Các triệu chứng của tiêu chảy có thể khác nhau, từ phân hơi lỏng kèm theo bụng khó chịu, đến phân cực kỳ nhiều nước và đau bụng nhiều trong thời gian dài hơn.

Các triệu chứng tiêu chảy thường gặp bao gồm:

  • Đau bụng kiểu co thắt (stomach cramps)
  • Cần phải đi tiêu gấp – ít nhất 3 lần trong vòng 24 giờ
  • Cảm thấy buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Cảm thấy nóng và thân nhiệt cao
  • Chóng mặt
  • Nhức mỏi
  • Đau đầu
  • Mất cảm giác ngon miệng
  • Chướng bụng
  • Đầy hơi.

Các triệu chứng tiêu chảy thường chấm dứt trong vòng 5 – 7 ngày.

NGUYÊN NHÂN GÂY TIÊU CHẢY

Nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra tiêu chảy, bao gồm nhiễm trùng, ngộ độc thực phẩm, thuốc và tình trạng căng thẳng:

1. Nhiễm trùng và ngộ độc thực phẩm

Tiêu chảy có thể là triệu chứng của nhiễm trùng ruột cấp tính, thường được gọi là viêm dạ dày ruột (gastroenteritis). Điều này có thể do:

  • Nhiễm virus: chẳng hạn như norovirus hoặc rotavirus
  • Nhiễm vi khuẩn: chẳng hạn như campylobacter, Clostridium difficile (C. difficile), Escherichia coli (E. coli), salmonella hoặc shigella. Tất cả những vi khuẩn này đều gây ra ngộ độc thực phẩm
  • Ký sinh trùng: chẳng hạn như ký sinh trùng giardia intestinalis gây ra bệnh nhiễm giardia (giardiasis), thường do tiêu thụ thức ăn hoặc đồ uống bị nhiễm bẩn.

Tiêu chảy do nhiễm trùng ruột thường xảy ra đột ngột và kéo dài từ 5 – 10 ngày, được mô tả là tiêu chảy cấp tính hoặc trong thời gian ngắn. Có thể kèm theo nôn mửa nhưng tình trạng này có xu hướng lắng xuống trong vài ngày đầu.

2. Những thay đổi trong chế độ ăn

Tiêu chảy cũng có thể đơn giản là do những thay đổi trong chế độ ăn, chẳng hạn:

  • Ăn thực phẩm có nhiều sorbitol (chất làm ngọt nhân tạo)
  • Đột nhiên ăn quá nhiều một số loại trái cây
  • Ăn các món chứa nhiều kem béo (món ăn chứa nhiều phô-mai, bơ…)
  • Uống quá nhiều rượu.

3. Liên quan đến căng thẳng

Căng thẳng và lo lắng có thể gây tiêu chảy ở một số người và có thể là tác nhân chính gây ra các tình trạng như hội chứng ruột kích thích (irritable bowel syndrome – IBS).

4. Bệnh mạn tính

Một số tình trạng như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, không dung nạp lactose, hội chứng ruột kích thích và bệnh celiac đều có thể gây tiêu chảy mạn tính dai dẳng hoặc ngắt quãng.

5. Thuốc

Nhiều loại thuốc, bao gồm kháng sinh, thuốc kháng axit có chứa ma-giê, orlistat (thuốc giảm hấp thu lipid) và thuốc chống trầm cảm SSRI có khả năng gây tiêu chảy. Các triệu chứng thường sẽ mất đi khi ngừng thuốc.

Thuốc trị táo bón nếu dùng quá nhiều cũng có thể gây tiêu chảy.

Một số bệnh nhiễm trùng đường ruột có thể dễ xảy ra hơn nếu một người đã điều trị bằng nhiều loại thuốc kháng sinh (khi bị bệnh) và các vi sinh vật bình thường không gây hại gì – như Clostridium Difficile – phát triển quá mức trong ruột và gây ra các triệu chứng.

LỜI KHUYÊN CHO VIỆC ĐIỀU TRỊ TIÊU CHẢY

Thường thì bạn có thể tự điều trị tiêu chảy cho mình hoặc cho con bạn tại nhà. Tiêu chảy do nhiễm trùng sẽ khỏi trong vòng vài ngày khi hệ miễn dịch chống lại nhiễm trùng, nhưng hãy đi thăm khám nếu các triệu chứng còn dai dẳng.

Điều trị tiêu chảy phụ thuộc vào nguyên nhân, nhưng có thể bao gồm:

  • Uống nhiều nước để tránh mất nước

Điều trước tiên bạn nên làm là bổ sung nhiều chất lỏng để tránh mất nước. Uống nhiều nước hơn bình thường sẽ giúp bạn bù nước. Người lớn nên cố gắng uống ít nhất 200ml nước sau mỗi đợt tiêu chảy, đồng thời quan sát được nước tiểu trong hoặc có màu vàng rơm nhạt. Nhấp từng ngụm nước một cách chậm rãi nếu bạn buồn nôn hoặc nôn mửa.

Lưu ý:  Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người dễ bị tiêu chảy có thể bị mất nước rất nhanh và cần được chăm sóc y tế kịp thời. Hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế khẩn cấp nếu bạn nghi ngờ ai đó bị mất nước và tình trạng này không cải thiện được.

  • Sử dụng các sản phẩm bù nước để bù đắp lượng muối và khoáng chất đã mất

Các sản phẩm bù nước như Dioralyte – chứa glucose, muối và nước (những thành phần có thể bị mất đi do tiêu chảy) – cần thiết cho mọi độ tuổi. Những thành phần này không ngăn chặn hoặc làm giảm tiêu chảy mà chỉ bù đắp muối và khoáng chất đã mất, đồng thời giữ cho cơ thể hoạt động bình thường.

  • Uống thuốc cầm tiêu chảy

Đối với người lớn, nếu cần chấm dứt tình trạng đi tiêu lỏng ngay lập tức (ví dụ như đang đi máy bay), bạn có thể dùng thuốc cầm tiêu chảy có chứa loperamide (như Imodium). Loperamide không được khuyến cáo cho trẻ em dưới 12 tuổi vì nó được cho là tốt hơn để nhiễm trùng tự khỏi trong trường hợp này.

Đối với bệnh tiêu chảy do vi khuẩn ở người lớn, thuốc có chứa bismuth subsalicylate (như Pepto-Bismol lỏng) cũng có thể có hiệu quả.

5 biện pháp điều trị tiêu chảy tại nhà

Hãy thực hiện các lời khuyên sau để giảm bớt tình trạng khó chịu do tiêu chảy:

  • Uống nhiều nước – nhấp từng ngụm nước bằng ống hút nếu bạn cảm thấy buồn nôn. Đối với trẻ sơ sinh, cho trẻ uống từng ngụm nước nhỏ giữa các cữ bú
  • Tăng cường nghỉ ngơi và hãy ở nhà – điều này sẽ giúp ngăn ngừa lây lan tình trạng nhiễm trùng
  • Ăn các bữa ăn nhỏ, dễ tiêu hóa – ăn ngay khi bạn cảm thấy muốn ăn. Hãy ăn bánh quy giòn, bánh mì hoặc súp. Trứng cung cấp một nguồn năng lượng dồi dào từ protein và có thể giúp liên kết các thành phần trong đường ruột
  • Tránh một số loại thực phẩm nhất định – tránh sử dụng các sản phẩm từ sữa, thực phẩm có nhiều chất béo và thực phẩm giàu chất xơ cho đến khi bạn bình phục hoàn toàn
  • Uống thuốc giảm đau – nếu bạn bị tình trạng đau co thắt ở bụng, hãy sử dụng paracetamol với liều thích hợp.

PHÒNG TRÁNH TIÊU CHẢY

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc hoặc lây lan bệnh tiêu chảy bằng cách luôn duy trì các tiêu chuẩn vệ sinh cao. Hãy áp dụng những cách sau:

  • Rửa tay bằng xà phòng và nước ấm sau khi đi vệ sinh, đồng thời làm khô đúng cách sau khi rửa tay
  • Rửa tay trước khi ăn hoặc chế biến thức ăn
  • Không chuẩn bị thức ăn cho người khác nếu bạn đang bị tiêu chảy
  • Vệ sinh toilet bằng chất khử trùng thường xuyên và sau mỗi đợt bạn bị tiêu chảy. Có khăn lau riêng cho việc vệ sinh toilet hoặc sử dụng khăn dùng một lần
  • Không dùng chung khăn tắm, khăn mặt hoặc muỗng đũa với người khác nếu bạn bị tiêu chảy
  • Lư ý vấn đề vệ sinh thực phẩm và nước uống khi đi du lịch, chẳng hạn như tránh sử dụng nguồn nước không an toàn, đá viên và thực phẩm chưa nấu chín
  • Nếu bạn bị tiêu chảy, hãy ở nhà ít nhất 48 giờ sau khi hết đợt tiêu chảy hoặc nôn mửa cuối cùng.

Nguồn: NETDOCTOR

Giới thiệu về STELLA

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức (WHO), và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu