Đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng khô họng và cách điều trị như thế nào?

Khô họng có phải là tình trạng đáng lo ngại? Cổ họng khô, ngứa và khó chịu là một tình trạng phổ biến – đặc biệt là trong những tháng mùa đông lạnh giá khi không khí khô và bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên đang lan rộng. Thông thường, khô họng là dấu hiệu của một vấn đề nào đó không nghiêm trọng, chẳng hạn như không khí quá khô hoặc mắc phải bệnh cảm lạnh cùng với nghẹt mũi, hắt hơi và đau đầu.

Hãy cùng tìm hiểu các triệu chứng khác mà bạn có thể gặp phải, từ đó phần nào giúp bạn tìm ra nguyên nhân gây khô họng và biết được liệu bạn có cần phải đi thăm khám không.

1. Mất nước

Cổ họng bị khô có thể đơn giản chỉ là dấu hiệu cho thấy bạn không bổ sung đủ nước cho cơ thể. Khi bạn bị mất nước, cơ thể sẽ không sản xuất lượng nước bọt đủ nhiều để làm ẩm khoang miệng và cổ họng của bạn.

Tình trạng mất nước cũng có thể gây ra:

  • khô miệng
  • khát nước nhiều
  • nước tiểu sẫm màu và ít nước tiểu hơn bình thường
  • mệt mỏi
  • chóng mặt.

Phương pháp điều trị

Uống nhiều nước trong suốt cả ngày. Có sự khác nhau trong các khuyến nghị về lượng nước mà bạn nên uống mỗi ngày, nhưng trung bình, lượng chất lỏng hợp lý mà bạn nên bổ sung cho cơ thể (tức lượng chất lỏng tổng cộng, bao gồm cả lượng nước từ đồ uống và thức ăn) là 3.7 lít đối với nam giới và 2.8 lít đối với phụ nữ.

Trong số đó, bạn nhận được khoảng 20% từ trái cây, rau củ quả và các loại thực phẩm khác.

Đảm bảo rằng bạn đang uống nước (chẳng hạn như nước lọc hoặc đồ uống thể thao) đầy đủ và đúng cách. Bạn nên tránh các loại nước ngọt và cà phê có chứa cafein vì những thức uống này có thể khiến cơ thể mất nhiều nước hơn.

2. Mở miệng khi ngủ

Nếu bạn thức dậy mỗi sáng với tình trạng khô miệng, vấn đề có thể là do bạn ngủ với miệng há ra. Không khí làm khô nước bọt trong miệng vốn có nhiệm vụ giữ cho miệng và cổ họng ẩm.

Thở bằng miệng cũng có thể gây ra:

  • hơi thở có mùi khó chịu
  • ngủ ngáy
  • mệt mỏi vào ban ngày.

Ngáy có thể là một dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (obstructive sleep apnea), một tình trạng trong đó nhịp thở bị ngưng lại và tình trạng này lặp lại trong suốt cả đêm.

Nghẹt mũi do bị cảm lạnh hoặc mắc tình trạng dị ứng mạn tính, hoặc có vấn đề với đường mũi như lệch vách ngăn, cũng có thể dẫn đến việc phải thở bằng miệng.

Phương pháp điều trị

Nếu bạn có vấn đề về xoang hoặc tắc nghẽn đường thở, hãy dán một miếng băng dính chuyên dụng lên sống mũi để giữ cho mũi thông thoáng khi ngủ.

Đối với chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, bác sĩ có thể chỉ định một thiết bị đặt trong miệng để giúp định vị lại hàm của bạn hoặc chỉ định liệu pháp thở áp lực dương liên tục (continuous positive airway pressure – CPAP) để giữ cho không khí lưu thông tốt qua đường thở trong suốt đêm.

3. Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng (hay fever) – tình trạng dị ứng theo mùa, xuất phát từ nguyên nhân hệ miễn dịch phản ứng quá mức với các chất vốn bình thường và vô hại trong môi trường xung quanh.

Các tác nhân gây dị ứng phổ biến bao gồm:

  • cỏ
  • phấn hoa
  • lông và da chết của thú nuôi
  • nấm mốc
  • mạt bụi.

Khi hệ thống miễn dịch cảm nhận được sự hiện diện của một trong những yếu tố kích hoạt, nó sẽ giải phóng các chất hóa học gọi là histamine. Sự giải phóng histamine có thể dẫn đến các triệu chứng như:

  • nghẹt mũi, chảy nước mũi
  • hắt hơi
  • ngứa mắt, miệng hoặc da
  • ho.

Nghẹt mũi có thể khiến bạn phải thở bằng miệng, từ đó khiến cổ họng bị khô. Dịch nhầy tiết ra quá nhiều trong trường hợp này cũng có thể chảy xuống phía sau cổ họng, được gọi là tình trạng chảy dịch mũi sau. Tình trạng này có thể làm cho cổ họng có cảm giác đau rát.

Phương pháp điều trị

Để ngăn ngừa các triệu chứng dị ứng, hãy cố gắng tránh các tác nhân gây dị ứng nhiều nhất có thể. Có thể thể hữu ích nếu bạn:

  • Ở trong nhà, đóng các cửa sổ và bật điều hòa nhiệt độ trong thời gian cao điểm của mùa dị ứng
  • Trải tấm phủ chống mạt bụi bên trên giường
  • Giặt chăn – ga – gối hàng tuần bằng nước nóng
  • Hút bụi thảm và lau dọn sàn nhà thường xuyên để loại bỏ mạt bụi
  • Dọn sạch nấm mốc trong nhà
  • Không cho thú nuôi vào phòng ngủ.

Bạn cũng có thể kiểm soát các triệu chứng dị ứng bằng các phương pháp điều trị sau:

  • thuốc kháng histamine
  • thuốc thông mũi
  • chích ngừa dị ứng
  • thuốc nhỏ mắt điều trị dị ứng.

4. Cảm lạnh

Cảm lạnh là một bệnh phổ biến do nhiễm nhiều loại virus khác nhau gây ra. Tình trạng này có thể khiến cho cổ họng có cảm giác khô và ngứa rát.

Bạn cũng có các triệu chứng sau:

  • nghẹt mũi, chảy nước mũi
  • hắt hơi
  • ho
  • cơ thể nhức mỏi
  • sốt nhẹ.

Phương pháp điều trị

Tình trạng cảm lạnh thường kéo dài vài ngày. Thuốc kháng sinh sẽ không điều trị được bệnh cảm lạnh vì chúng chỉ tiêu diệt được vi khuẩn và không có tác động trên virus là tác nhân gây ra cảm lạnh.

Để giúp bản thân cảm thấy dễ chịu hơn trong thời gian cơ thể đang đối phó với cảm lạnh, bạn hãy thử các biện pháp sau:

  • Uống thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm tình trạng đau họng và đau nhức cơ thể
  • Dùng viên ngậm giúp làm dịu cơn đau họng
  • Bổ sung cho cơ thể nước ấm, chẳng hạn như nước hầm (xương hoặc rau củ quả) và trà nóng
  • Súc họng bằng dung dịch pha từ nước ấm và 1/2 thìa muối
  • Dùng thuốc xịt giúp thông mũi để giảm tình trạng nghẹt mũi
  • Uống thêm nước để giữ cho miệng và cổ họng ẩm, đồng thời ngăn tình trạng mất nước
  • Tăng cường nghỉ ngơi
  • Bật máy tạo độ ẩm để làm ẩm không khí trong phòng.

5. Cảm cúm

Cảm cúm là một bệnh đường hô hấp. Giống như cảm lạnh, virus là tác nhân gây ra bệnh cảm cúm. Nhưng các triệu chứng cúm có khuynh hướng nghiêm trọng hơn so với cảm lạnh.

Cùng với họng đau và ngứa rát, bạn có thể có các triệu chứng sau:

  • sốt
  • ớn lạnh
  • ho
  • nghẹt mũi, chảy nước mũi
  • đau nhức cơ
  • đau đầu
  • mệt mỏi
  • nôn mửa và tiêu chảy.

Cảm cúm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người có bệnh lý mạn tính hoặc hệ miễn dịch suy yếu.

Các biến chứng của bệnh cúm bao gồm:

  • viêm phổi
  • viêm phế quản
  • viêm xoang
  • nhiễm trùng tai
  • cơn hen kịch phát ở những người đã mắc bệnh hen suyễn.

Phương pháp điều trị

Thuốc kháng virus có thể làm giảm các triệu chứng cúm và rút ngắn thời gian bạn bị bệnh. Nhưng bạn cần phải bắt đầu sử dụng những loại thuốc này trong vòng 48 giờ kể từ khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện để thuốc có thể phát huy tác dụng tốt nhất.

Khi bạn bị cảm cúm, hãy thử các biện pháp sau để giảm đau họng và các triệu chứng khác:

  • Nghỉ ngơi cho đến khi các triệu chứng được cải thiện
  • Dùng viên ngậm giúp làm dịu cơn đau họng
  • Súc họng bằng dung dịch pha từ nước ấm và 1/2 thìa muối
  • Uống thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm tình trạng đau họng và đau nhức cơ thể
  • Bổ sung cho cơ thể nước ấm, chẳng hạn như nước hầm (xương hoặc rau củ quả) và trà.

6. Trào ngược acid

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một tình trạng khiến acid di chuyển ngược từ dạ dày lên thực quản, thực quản là đường ống dẫn thức ăn từ miệng đến dạ dày. Sự di chuyển như thế của acid được gọi là tình trạng trào ngược acid.

Acid sẽ làm bỏng niêm mạc thực quản, từ đó gây ra các triệu chứng như:

  • cảm giác nóng rát trong ngực, được gọi là chứng ợ nóng
  • khó nuốt
  • ho khan
  • ợ chua (ợ lên một ít dịch lỏng có vị chua)
  • khàn giọng.

Nếu acid di chuyển lên đến vùng cổ họng, nó có thể gây ra tình trạng đau hoặc bỏng rát ở họng.

Phương pháp điều trị

GERD được điều trị bằng:

  • thuốc kháng acid, nhằm trung hòa acid trong dạ dày
  • thuốc ức chế H2, chẳng hạn như cimetidine và famotidine, nhằm giảm sản xuất acid dạ dày
  • thuốc ức chế bơm proton (PPI), chẳng hạn như lansoprazole và omeprazole, nhằm ngăn chặn sản xuất acid.

Hãy thử áp dụng những thay đổi lối sống sau đây để giúp giảm các triệu chứng của tình trạng trào ngược acid:

  • Duy trì cân nặng hợp lý. Cân nặng dư thừa sẽ gia tăng áp lực lên dạ dày, từ đó đẩy nhiều acid lên thực quản hơn
  • Mặc quần áo rộng rãi. Quần áo chật – đặc biệt là quần bó – gây tăng áp lực trên vùng bụng
  • Thay vì ăn theo 3 bữa lớn, hãy chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày
  • Nâng cao đầu khi ngủ. Điều này sẽ ngăn acid trào ngược lên thực quản và cổ họng
  • Không hút thuốc. Việc hút thuốc làm suy yếu van có nhiệm vụ giữ cho acid nằm tại dạ dày
  • Tránh các thức ăn và đồ uống có thể gây ra chứng ợ nóng, chẳng hạn như thức ăn cay hoặc béo, rượu, cafein, sô-cô-la, bạc hà và tỏi.

7. Viêm họng do liên cầu khuẩn

Trong bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn gây ra, thông thường cổ họng của bạn sẽ rất đau và cũng có thể cảm thấy khô.

Các triệu chứng khác của viêm họng do liên cầu khuẩn bao gồm:

  • amidan sưng đỏ
  • những mảng trắng trên amidan
  • sưng các hạch bạch huyết ở cổ
  • sốt
  • phát ban
  • cơ thể nhức mỏi
  • buồn nôn và nôn mửa.

Phương pháp điều trị

Bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh – thuốc có tác động diệt vi khuẩn. Tình trạng đau họng và các triệu chứng khác thường được cải thiện trong vòng 2 ngày sau khi bạn bắt đầu sử dụng kháng sinh.

Hãy đảm bảo rằng bạn sử dụng đủ liều thuốc kháng sinh mà bác sĩ kê đơn. Việc ngưng thuốc quá sớm có thể khiến một số vi khuẩn vẫn còn khả năng tồn tại trong cơ thể và có thể khiến bạn bị bệnh trở lại.

Để giảm các triệu chứng, hãy sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, như ibuprofen hoặc acetaminophen. Bạn cũng có thể súc họng bằng nước ấm pha muối và ngậm viên ngậm để làm dịu cơn đau họng.

8. Viêm amidan

Viêm amidan là tình trạng nhiễm trùng (nhiễm vi khuẩn hoặc virus) vùng amidan – hai khối mềm nằm ở phía sau cổ họng giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Cả virus và vi khuẩn đều có thể gây viêm amidan.

Cùng với đau họng, các triệu chứng của viêm amidan cũng có thể bao gồm:

  • amidan sưng đỏ
  • mảng trắng trên amidan
  • sốt
  • sưng các hạch bạch huyết ở cổ
  • khàn giọng
  • hơi thở có mùi khó chịu
  • đau đầu.

Phương pháp điều trị

Nếu vi khuẩn là tác nhân gây viêm amidan, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị. Tình trạng viêm amidan do virus sẽ tự cải thiện trong vòng 7 – 10 ngày.

Dưới đây là một số cách bạn có thể làm khi bị viêm amidan:

  • Bổ sung nhiều chất lỏng cho cơ thể. Đồ uống ấm như trà và nước hầm (xương hay rau củ quả) có thể làm dịu cổ họng
  • Súc họng bằng nước ấm pha với 1/2 thìa muối vài lần mỗi ngày.
  • Uống thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen
  • Bật máy phun sương tạo độ ẩm để bổ sung độ ẩm cho không khí. Không khí khô có thể khiến tình trạng đau họng trở nên nặng hơn
  • Dùng viên ngậm giúp làm dịu cơn đau họng.
  • Nghỉ ngơi cho đến khi bạn cảm thấy khỏe hơn.

9. Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn

Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn (mononucleosis; mono) là bệnh do virus gây ra. Đây là bệnh lây truyền từ người này sang người khác thông qua nước bọt. Một trong những triệu chứng nổi bật của cmono là cổ họng ngứa rát.

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • mệt mỏi
  • sốt
  • sưng các hạch bạch huyết ở cổ và nách
  • đau đầu
  • sưng amidan.

Phương pháp điều trị

Bởi vì virus là tác nhân gây ra mono, kháng sinh không thể điều trị được bệnh này. Dưới đây là một số mẹo giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn trong thời gian đối phó với bệnh:

  • Nghỉ ngơi nhiều để hệ miễn dịch có điều kiện chống lại virus
  • Bổ sung cho cơ thể nhiều chất lỏng và tránh tình trạng mất nước
  • Uống thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen để hạ sốt và giảm đau họng
  • Sử dụng viên ngậm và súc họng bằng nước muối ấm để làm dịu tình trạng đau họng.

Khi nào cần đi thăm khám

Trong một số trường hợp, bạn có thể làm giảm bớt các triệu chứng bằng việc thực hiện một số cách điều trị tại nhà hoặc thay đổi lối sống. Nhưng nếu các triệu chứng mà bạn gặp phải kéo dài quá 1 tuần hoặc trở nên trầm trọng hơn, bạn hãy đi thăm khám. Bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán và tư vấn cho bạn một kế hoạch điều trị cũng như chăm sóc phù hợp.

Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu bạn gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng, bao gồm:

  • đau họng dữ dội khiến bạn gặp phải tình trạng đau đớn khi nuốt
  • khó thở, thở khò khè
  • phát ban
  • đau ngực
  • mệt mỏi quá mức vào ban ngày
  • ngáy to vào ban đêm
  • sốt cao trên 38°C.

Tóm lại

Cổ họng khô thường là dấu hiệu của cảm lạnh, tình trạng mất nước hoặc mở miệng khi ngủ, đặc biệt là vào mùa đông. Các phương pháp điều trị hiệu quả tại nhà bao gồm uống nước ấm (chẳng hạn như nước hầm hoặc trà nóng) và ngậm viên ngậm giúp dịu cổ họng. Hãy đi khám nếu các triệu chứng kéo dài hoặc trở nên trầm trọng sau 1 tuần.

Nguồn: Health Line

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu