Chất điện giải: định nghĩa, chức năng, tình trạng mất cân bằng và nguồn cung cấp

Chất điện giải tham gia vào nhiều quá trình thiết yếu trong cơ thể. Chúng đóng vai trò trong việc dẫn truyền các xung thần kinh, co cơ, giữ cho cơ thể đủ nước và điều chỉnh độ pH của cơ thể. Chính vì thế, bạn cần bổ sung đủ các chất điện giải từ chế độ ăn để giúp cho cơ thể có khả năng vận hành một cách bình thường.

Hãy cùng tìm hiểu về các chất điện giải cùng chức năng của chúng, cũng như nguy cơ mất cân bằng điện giải và các nguồn có thể cung cấp chất điện giải nhé.

Chất điện giải là gì?

Chất điện giải” (electrolyte, hay còn gọi là chất điện ly) là thuật ngữ chung để chỉ các tiểu phân mang điện tích dương hoặc âm.

Về khía cạnh dinh dưỡng, thuật ngữ này đề cập đến các khoáng chất thiết yếu được tìm thấy trong máu, mồ hôi và nước tiểu của chúng ta. Khi các khoáng chất này hòa tan trong chất lỏng, chúng tạo thành chất điện giải, tức là các ion dương hoặc ion âm được sử dụng trong quá trình trao đổi chất.

Các chất điện giải được tìm thấy trong cơ thể bao gồm:

  • Natri
  • Kali
  • Clorua
  • Canxi
  • Ma-giê
  • Phốt-phát
  • Bicacbonat.

Những chất điện giải này cần thiết cho các quá trình khác nhau của cơ thể, bao gồm chức năng thần kinh và chức năng cơ, duy trì sự cân bằng axit–bazơ và giữ cho cơ thể đủ nước.

Chất điện giải cần thiết để duy trì các chức năng quan trọng của cơ thể

Các chất điện giải là vô cùng quan trọng để giữ cho hệ thống thần kinh và cơ bắp hoạt động cũng như đảm bảo môi trường bên trong cơ thể được cân bằng.

  • Chức năng hệ thần kinh

Thông qua các tế bào thần kinh, bộ não gửi đi các tín hiệu điện để liên lạc với các tế bào trên khắp cơ thể.

Những tín hiệu này được gọi là xung thần kinh và chúng được tạo ra bởi những thay đổi điện tích của màng tế bào thần kinh. Những thay đổi này diễn ra do sự di chuyển của chất điện giải natri qua màng tế bào thần kinh. Khi điều đó xảy ra, nó tạo ra một phản ứng dây chuyền, di chuyển nhiều ion natri hơn (và kéo theo sự thay đổi điện tích) dọc theo chiều dài của sợi trục tế bào thần kinh.

  • Chức năng cơ bắp

Chất điện giải canxi cần thiết cho sự co cơ.

Nó cho phép các sợi cơ trượt lên nhau và di chuyển qua nhau khi cơ rút ngắn và co lại.

Ma-giê cũng cần thiết trong quá trình này để giúp các sợi cơ có thể trượt ra phía ngoài và cơ có thể giãn ra sau khi co rút lại.

  • Giữ lượng nước phù hợp

Trong cơ thể, nước cần được giữ với lượng phù hợp cả bên trong và bên ngoài mỗi tế bào.

Các chất điện giải – đặc biệt là natri – giúp duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể thông qua cơ chế thẩm thấu.

Thẩm thấu là một quá trình trong đó nước di chuyển qua màng tế bào từ nơi có dung dịch loãng (nhiều nước hơn và ít chất điện ly hơn) sang nơi có dung dịch đậm đặc hơn (ít nước hơn và nhiều chất điện ly hơn).

Điều này ngăn không cho các tế bào hoặc vỡ ra do có quá nhiều dịch lỏng trong tế bào hoặc co rút lại do tế bào bị mất nước.

  • Độ pH của cơ thể

Để có sức khỏe tốt, cơ thể cần điều chỉnh độ pH bên trong nó.

Độ pH là thước đo mức độ axit hoặc bazơ của một dung dịch. Trong cơ thể, pH được điều chỉnh bởi các hệ đệm hóa học hoặc axit và bazơ yếu, từ đó giúp giảm thiểu những thay đổi của môi trường bên trong cơ thể.

Chẳng hạn, máu được điều hòa để duy trì độ pH trong khoảng 7.35 – 7.45. Nếu pH lệch khỏi khoảng này, cơ thể sẽ không thể hoạt động bình thường và sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng.

Có được sự cân bằng điện giải thích hợp là điều kiện cơ bản để duy trì độ pH trong máu.

Mất cân bằng điện giải có hại cho sức khỏe

Trong một số trường hợp, lượng điện giải trong máu có thể trở nên quá cao hoặc thấp, từ đó gây ra sự mất cân bằng điện giải.

Rối loạn các chất điện giải có thể gây hại đến sức khỏe và thậm chí có thể gây tử vong trong một số trường hợp hiếm gặp.

Mất cân bằng điện giải thường xảy ra do tình trạng mất nước gây ra bởi nhiệt độ quá cao, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Đây là lý do tại sao bạn nên lưu ý đến việc bù lại lượng chất lỏng đã mất khi thời tiết quá nóng hoặc khi bạn bị ốm.

Một số bệnh lý hoặc tình trạng sức khỏe – chẳng hạn bệnh thận, rối loạn ăn uống và chấn thương (như bỏng nặng) – cũng có thể gây mất cân bằng điện giải.

Nếu bạn bị rối loạn điện giải nhẹ, có thể bạn sẽ không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào.

Tuy nhiên, mất cân bằng điện giải nghiêm trọng có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Mệt mỏi
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều
  • Cảm giác tê và ngứa ran
  • Lú lẩn
  • Yếu cơ và chuột rút
  • Đau đầu
  • Co giật.

Nếu bạn nghi ngờ mình bị mất cân bằng điện giải, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về những triệu chứng mà bạn gặp phải.

Bạn có cần bổ sung thêm chất điện giải nếu đổ mồ hôi nhiều không?

Khi đổ mồ hôi, bạn sẽ mất cả nước và chất điện giải, đặc biệt là natri và clorua.

Kết quả là, tập thể dục hoặc hoạt động trong thời gian dài, đặc biệt là trong thời tiết nóng, có thể làm mất đi đáng kể các chất điện giải.

Người ta ước tính rằng mỗi lít mồ hôi chứa trung bình khoảng 40 – 60 mmol natri.

Nhưng lượng chất điện giải thực tế bị mất qua mồ hôi có thể khác nhau ở mỗi người.

Lượng natri tối đa được khuyến nghị là 2,300 mg/ngày – tương đương với 6g hoặc 1 thìa cà phê muối ăn. Vì người trưởng thành thường tiêu thụ nhiều hơn mức này nên hầu hết không cần phải bù lượng natri bị mất thông qua ​​mồ hôi.

Tuy nhiên, một số đối tượng nhất định – chẳng hạn như những vận động viên luyện tập sức bền với lịch trình tập luyện trong hơn 2 giờ hoặc những người tập thể dục trong môi trường quá nóng – có thể cân nhắc bổ sung đồ uống thể thao giàu chất điện giải để bù cho lượng đã mất.

Đối với những người khác, việc đảm bảo cơ thể nhận được lượng natri bình thường từ thực phẩm và giữ cho cơ thể đủ nước thông qua lượng nước uống vào theo tiêu chuẩn là đã đủ.

Nguồn thực phẩm cung cấp chất điện giải

Cách tốt nhất để đạt được cũng như duy trì sự cân bằng điện giải là thông qua một chế độ ăn uống lành mạnh.

Các nguồn thực phẩm chính cung cấp các chất điện giải là trái cây và rau củ.

Dưới đây là một số thực phẩm cung cấp các chất điện giải:

  • Natri: Thực phẩm ngâm muối, phô-mai và muối ăn.
  • Clorua: Muối ăn.
  • Kali: Trái cây và rau củ như chuối, bơ và khoai lang.
  • Ma-giê: Các loại hạt và quả hạch.
  • Cani: Sữa và các sản phẩm từ sữa, đặc biệt là những loại được tăng cường thêm canxi, cũng như các loại rau lá xanh.

Bicacbonate là chất điện giải được sản xuất tự nhiên trong cơ thể, vì vậy bạn không cần phải lo lắng về việc đưa nó vào chế độ ăn uống của mình.

Ngoài chế độ ăn uống thông thường, bạn có nên bổ sung thêm chất điện giải không?

Một số người uống các loại nước tăng cường điện giải hoặc các sản phẩm bổ sung điện giải (như natri và canxi) để đảm bảo họ cung cấp đủ điện giải cho cơ thể.

Tuy nhiên, một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm đầy đủ các nguồn thực phẩm cung cấp chất điện giải sẽ là đủ cho hầu hết mọi người.

Cơ thể thường có thể điều hòa các chất điện giải một cách hiệu quả và giữ chúng ở mức thích hợp.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi mất quá nhiều chất điện giải – chẳng hạn như nôn mửa và tiêu chảy – việc bổ sung dung dịch bù nước có chứa chất điện giải có thể cần thiết và hữu ích.

Lượng điện giải bạn cần bù đắp sẽ phụ thuộc vào lượng mất đi. Hãy luôn đọc kỹ hướng dẫn của các dung dịch bù điện giải (với những loại không cần kê đơn) trước khi sử dụng.

Cũng cần lưu ý rằng trừ khi bạn có lượng điện giải thấp do bị mất quá nhiều, việc bổ sung có thể gây ra mức điện giải bất thường và vì thế có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

Tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi bổ sung chất điện giải.

Tóm lại

Chất điện giải là các khoáng chất mang điện tích khi hòa tan trong nước.

Chúng rất quan trọng đối với hệ thần kinh, cơ bắp cũng như duy trì một môi trường tối ưu bên trong cơ thể.

Hầu hết mọi người đáp ứng được nhu cầu điện giải của họ thông qua một chế độ ăn uống cân bằng, mặc dù sự mất cân bằng có thể xảy ra nếu bạn bị mất nước do bệnh tật hoặc nhiệt độ quá cao.

Nếu bạn nghi ngờ mình bị mất cân bằng điện giải, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám.

Nguồn: Health Line

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu