Cách chăm sóc vết thương

Vết thương ngoài da không lành, chậm lành hoặc lành nhưng có xu hướng tái phát được gọi là vết thương mạn tính. Một số nguyên nhân gây ra các vết thương mạn tính (tiếp diễn) trên da có thể bao gồm chấn thương, bỏng, ung thư da, nhiễm trùng hoặc các bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường. Các vết thương mất nhiều thời gian để chữa lành cần được chăm sóc đặc biệt.

Nguyên nhân của vết thương mạn tính

Một số nguyên nhân gây ra vết thương mạn tính trên da có thể bao gồm:

  • Nằm bất động (gây ra tình trạng loét tỳ đè), áp lực cục bộ kéo dài gây hạn chế lưu lượng máu đến một vùng da cụ thể
  • Tổn thương da nghiêm trọng
  • Phẫu thuật – vết mổ có thể bị nhiễm trùng và chậm lành
  • Bỏng sâu
  • Các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn như bệnh tiểu đường hoặc một số bệnh lý mạch máu
  • Các tình trạng nhiễm trùng cụ thể như loét Bairnsdale hoặc Buruli (do nhiễm trùng Mycobacterium ulcerans)
  • Tình trạng loét tại những vùng da bị giảm cảm giác khiến các tổn thương thương hàng ngày tiến triển thành vết loét – chẳng hạn như trong bệnh thần kinh đái tháo đường và bệnh phong.

Quá trình lành thương

Quá trình chữa lành vết thương trên da diễn ra theo một mô hình có thể dự đoán được. Vết thương có thể không lành nếu một hoặc nhiều giai đoạn của quá trình lành thương bị gián đoạn. Các giai đoạn lành thương thông thường bao gồm:

  • Giai đoạn viêm. Các mạch máu tại vị trí vết thương co lại để ngăn mất máu và các tiểu cầu tập hợp lại để tạo cục máu đông. Khi cục máu đông được hình thành, các mạch máu sẽ mở rộng để cho phép lượng máu lưu thông tối đa đến vết thương. Đây là lý do tại sao lúc đầu vết thương đang lành thường ấm và có màu đỏ. Các tế bào bạch cầu đổ dồn đến khu vực vết thương để tiêu diệt vi khuẩn và các thành phần ngoại lai. Các tế bào da sinh sôi và phát triển trên khắp vết thương.
  • Giai đoạn nguyên bào sợi. Collagen – protein dạng sợi tạo nên độ chắc khỏe của da – bắt đầu phát triển bên trong vết thương. Sự phát triển của collagen thúc đẩy các mép của vết thương co lại và khép miệng vết thương. Các mao mạch hình thành tại vị trí vết thương để cung cấp máu cho phần da mới.
  • Giai đoạn trưởng thành. Cơ thể liên tục bổ sung thêm collagen và cải thiện vùng bị thương tổn. Quá trình này có thể mất vài tháng hoặc thậm chí vài năm. Đây là lý do tại sao các vết sẹo có xu hướng mờ dần theo thời gian và tại sao chúng ta phải tiếp tục chăm sóc vết thương một thời gian sau khi chúng đã lành.

Những rào cản trong việc chữa lành vết thương

Các yếu tố có thể làm chậm quá trình chữa lành vết thương bao gồm:

  • Hoại tử. Da chết và các vật liệu lạ cản trở quá trình lành thương.
  • Nhiễm trùng. Vết thương hở có thể bị nhiễm vi khuẩn. Trong trường hợp này, cơ thể ưu tiên chống lại nhiễm trùng hơn là chữa lành vết thương.
  • Xuất huyết. Tình trạng chảy máu dai dẳng khiến cho các mép vết thương bị tách ra.
  • Tổn thương cơ học. Chẳng hạn, một bệnh nhân nằm liệt giường có nguy cơ bị loét tỳ đè vì áp lực và ma sát liên tục.
  • Chế độ ăn uống. Việc lựa chọn thực phẩm không tốt có thể khiến cơ thể thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết để chữa lành vết thương, chẳng hạn như vitamin C, kẽm và protein.
  • Bệnh lý. Chẳng hạn, bệnh tiểu đường, thiếu máu và một số bệnh lý mạch máu có thể hạn chế lưu lượng máu đến khu vực vết thương, hoặc bất kỳ rối loạn nào cản trở hệ miễn dịch.
  • Tuổi tác. Các vết thương có xu hướng lâu lành hơn ở người lớn tuổi.
  • Thuốc. Một số loại thuốc hoặc phương pháp điều trị được sử dụng trong việc kiểm soát một số bệnh lý nhất định có thể cản trở quá trình lành thương của cơ thể.
  • Hút thuốc lá. Hút thuốc lá gây ra những tác động xấu đến quá trình chữa lành vết thương cũng như làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng.
  • Suy giãn tĩnh mạch. Lưu lượng máu bị hạn chế và tình trạng sưng tấy có thể dẫn đến việc da bị tổn thương và loét dai dẳng.
  • Tình trạng khô vết thương. Các vết thương (chẳng hạn như vết loét ở chân) bị khô do tiếp xúc với không khí sẽ ít có khả năng lành hơn. Các tế bào khác nhau liên quan đến quá trình lành thương – chẳng hạn như tế bào da và tế bào miễn dịch – cần một môi trường ẩm để hoạt động tốt.

Phương pháp chẩn đoán

Nguyên nhân dẫn đến vết thương mạn tính phải được xác định để có thể kiểm soát các yếu tố tiềm ẩn. Chẳng hạn, nếu một vết loét ở chân hoặc bàn chân là do bệnh tiểu đường gây ra, bác sĩ sẽ xem xét việc kiểm soát đường huyết của bệnh nhân và có thể đề nghị các giải pháp để ngăn ngừa vết loét tái phát trong tương lai. Trong trường hợp vết loét do suy giãn tĩnh mạch, phẫu thuật điều trị tình trạng tĩnh mạch có thể cần phải được tiến hành. Các phương pháp chẩn đoán vết thương mạn tính có thể bao gồm:

  • Thăm khám, bao gồm kiểm tra vết thương và đánh giá tình trạng dây thần kinh và việc cung cấp máu tại chỗ
  • Tìm hiểu tiền sử bệnh, bao gồm thông tin về các bệnh lý mạn tính, các phẫu thuật gần đây và các loại thuốc bệnh nhân thường dùng hoặc gần đây đã dùng
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu
  • Sinh thiết vết thương
  • Nuôi cấy vết thương để xác định vi sinh vật gây bệnh có thể có.

GIái pháp điều trị

Bác sĩ sẽ đề xuất các phương pháp điều trị tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe và tính chất của vết thương. Chăm sóc y tế tổng quát có thể bao gồm:

  • Làm sạch để loại bỏ bụi bẩn và các mảnh vụn từ vết thương mới. Việc này cần được thực hiện rất nhẹ nhàng và thường xuyên.
  • Tiêm phòng uốn ván có thể được khuyến cáo trong một số trường hợp chấn thương.
  • Có thể cần phải tiến hành phẫu thuật thăm dò vết thương sâu. Thuốc gây tê cục bộ sẽ được tiêm trước phẫu thuật.
  • Loại bỏ da chết (mô hoại tử) bằng phẫu thuật. Thuốc gây tê cục bộ có thể được sử dụng trong trường hợp này.
  • Đóng các vết thương lớn bằng chỉ khâu hoặc ghim.
  • Băng vết thương. Bác sĩ lựa chọn loại băng cụ thể tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của vết thương. Trong hầu hết các trường hợp vết thương mạn tính, bác sĩ sẽ đề nghị loại băng ẩm.
  • Giảm đau bằng thuốc. Tình trạng đau có thể khiến mạch máu co lại, từ đó làm chậm quá trình lành thương. Hãy cho bác sĩ biết nếu vết thương gây khó chịu cho bạn. Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc không kê đơn như paracetamol hoặc có thể kê đơn thuốc giảm đau mạnh hơn.
  • Điều trị các dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm đau, chảy mủ và sốt. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh và băng kháng sinh nếu cần thiết. Hãy tuân theo chỉ định của bác sĩ.
  • Xem lại các loại thuốc khác mà bạn đang sử dụng. Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng viêm và steroid, có thể ảnh hưởng đến quá trình lành thương. Hãy cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc bạn đang dùng (kể cả các loại có nguồn gốc tự nhiên) hoặc đã dùng gần đây. Bác sĩ có thể thay đổi liều lượng hoặc kê các loại thuốc khác cho đến khi vết thương của bạn lành hẳn.
  • Sử dụng các vật dụng hỗ trợ (như vớ hỗ trợ) nếu có chỉ định từ bác sĩ.
  • Điều trị các bệnh lý khác (chẳng hạn như thiếu máu), vì chúng có thể cản trở vết thương lành lại.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh đặc hiệu được kê đơn cho vết thương do loét Bairnsdale hoặc Buruli. Ghép da cũng có thể cần thiết trong trường hợp này.
  • Phẫu thuật hoặc xạ trị để loại bỏ ung thư tế bào đáy (một loại ung thư da không xâm lấn).
  • Cải thiện việc cung cấp máu cho vết thương bằng phẫu thuật mạch máu trong trường hợp bệnh tiểu đường hoặc các bệnh lý khác có liên quan đến việc cung cấp máu kém và ngăn cản quá trình lành vết thương.

Các giải pháp tự chăm sóc vết thương

Các giải pháp tự chăm sóc cho vết thương chậm lành bao gồm:

  • Nếu có thể, tránh dùng các loại thuốc cản trở quá trình lành thương tự nhiên của cơ thể. Chẳng hạn, thuốc kháng viêm (như aspirin) có thể cản trở hoạt động của các tế bào hệ miễn dịch. Hãy hỏi bác sĩ để biết danh sách các loại thuốc cần tránh trong thời gian trước mắt.
  • Đảm bảo ăn uống đúng cách. Cơ thể bạn cần những thực phẩm tốt để thúc đẩy quá trình lành thương.
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C trong chế độ ăn uống. Cơ thể cần vitamin C để tạo ra collagen. Ăn trái cây và rau củ tươi ăn hàng ngày để cung cấp cho cơ thể các dưỡng chất cần thiết khác để chữa lành vết thương như vitamin A, đồng và kẽm.
  • Băng vết thương. Vết thương sẽ nhanh lành hơn nếu nó được giữ ấm. Khi thay băng vết thương, hãy cố gắng thực hiện một cách nhanh chóng. Để vết thương tiếp xúc với không khí lâu có thể làm giảm nhiệt độ của vết thương và có thể làm chậm quá trình lành thương.
  • Không sử dụng kem bôi, nước rửa hoặc thuốc xịt sát khuẩn lên vết thương mạn tính. Các chế phẩm này có thể gây độc cho các tế bào có liên quan đến quá trình sửa chữa vết thương.
  • Tập thể dục thường xuyên để giúp tăng lưu lượng máu, cải thiện sức khỏe nói chung và tăng tốc độ chữa lành vết thương. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các bài tập thể dục phù hợp cho bạn.
  • Kiểm soát bất kỳ tình trạng bệnh lý mạn tính nào như bệnh tiểu đường.
  • Không hút thuốc.

Đi thăm khám

Thường xuyên kiểm tra vết thương. Đi thăm khám ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Chảy máu
  • Tình trạng đau ngày càng tăng
  • Có mủ hoặc dịch tiết từ vết thương
  • Sốt.

Hãy đi thăm khám nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào về vết thương của mình.

Nguồn: Better Health Channel

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu