Các triệu chứng của tình trạng cholesterol cao

Thế nào là cholesterol cao?

Cholesterol là một thành phần giống chất béo, có dạng sáp được gan tạo ra. Cholesterol rất quan trọng đối với sự hình thành màng tế bào, vitamin D và một số hormone.

Cholesterol không tan trong nước, vì vậy nó không thể tự di chuyển trong cơ thể.

Các tiểu phân được gọi là lipoprotein giúp vận chuyển cholesterol trong máu. Có hai dạng lipoprotein chính.

  • Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) – còn được gọi là cholesterol ‘xấu’ – có thể tích tụ trong động mạch và dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
  • Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) – đôi khi được gọi là cholesterol ‘tốt’ – giúp đưa LDL cholesterol trở lại gan để được loại bỏ.

Việc ăn quá nhiều những thực phẩm có hàm lượng chất béo cao sẽ làm tăng lượng LDL cholesterol trong máu. Đó được xem là tình trạng cholesterol cao, còn được gọi là tăng cholesterol trong máu (hypercholesterolemia) hoặc tăng lipid máu (hyperlipidemia).

Nếu lượng LDL cholesterol quá cao hoặc lượng HDL cholesterol quá thấp, chất béo sẽ tích tụ trong mạch máu. Sự lắng đọng này sẽ khiến máu khó lưu thông qua các động mạch, từ đó có thể gây ra các vấn đề trên khắp cơ thể, đặc biệt là ở tim và não, hoặc có thể gây tử vong.

Ảnh: Everywellhealth

Các triệu chứng của tình trạng cholesterol cao là gì?

Cholesterol cao thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng này gây ra các biến cố đột ngột, nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng. Chẳng hạn, một cơn nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ có thể là kết quả của tổn thương gây ra bởi tình trạng cholesterol cao.

Những biến cố này thường không xảy ra cho đến khi lượng cholesterol cao dẫn đến sự hình thành các mảng bám trong động mạch. Mảng bám có thể làm chít hẹp động mạch nên lượng máu lưu thông qua khu vực này sẽ ít hơn. Sự hình thành các mảng bám cũng làm thay đổi lớp niêm mạc động mạch. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Xét nghiệm máu là cách duy nhất để biết liệu mức cholesterol của bạn có quá cao – cụ thể là mức cholesterol toàn phần trong máu trên 240 mg/dL – hay không. Bác sĩ có thể đề nghị bạn kiểm tra cholesterol thường xuyên hơn nếu bạn có tiền sử gia đình bị tình trạng cholesterol cao, hoặc nếu bản thân bạn có các yếu tố nguy cơ sau:

  • cao huyết áp
  • thừa cân
  • hút thuốc.

1. Bệnh động mạch vành

Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:

  • đau ngực, đau thắt ngực
  • buồn nôn
  • vô cùng mệt mỏi
  • khó thở
  • đau ở cổ, hàm, vùng bụng trên hoặc lưng
  • tê hoặc lạnh tay chân.

2. Đột quỵ

Sự tích tụ của mảng bám do tình trạng cholesterol cao có thể khiến một người nào đó gặp phải nguy cơ nghiêm trọng bị giảm hoặc mất nguồn cung cấp máu cho một phần quan trọng của não. Đây là những gì xảy ra khi gặp phải đột quỵ.

Đột quỵ là biến cố cần được cấp cứu ngay lập tức. Điều quan trọng là phải xử trí nhanh chóng và tìm kiếm ngay sự can thiệp y tế nếu bạn hoặc bất kỳ ai mà bạn biết gặp phải các triệu chứng của đột quỵ. Các triệu chứng này bao gồm:

  • đột ngột mất thăng bằng và mất sự phối hợp
  • chóng mặt đột ngột
  • bất đối xứng trên khuôn mặt (mí mắt sụp xuống và miệng lệch sang một bên)
  • không có khả năng cử động, đặc biệt chỉ ảnh hưởng đến một bên của cơ thể
  • lẫn lộn
  • nói lắp
  • tê ở mặt, cánh tay hoặc chân, đặc biệt là ở một bên của cơ thể
  • nhìn mờ, nhìn thấy tối đen hoặc nhìn đôi
  • đột ngột đau đầu dữ dội.
Ảnh: CNN

3. Nhồi máu cơ tim

Các động mạch cung cấp máu cho tim có thể dần bị chít hẹp do sự tích tụ của các mảng bám. Quá trình này được gọi là xơ vữa động mạch (atherosclerosis), diễn ra chậm theo thời gian và không có triệu chứng. Sau cùng, một mảng bám có thể bị vỡ ra và khi đó, cục máu đông sẽ hình thành xung quanh mảng bám. Cục máu đông này có thể ngăn cản máu lưu thông đến cơ tim và khiến cơ tim bị mất đi oxy và chất dinh dưỡng.

Sự thiếu hụt này được gọi là tình trạng thiếu máu cục bộ (ischemia). Khi tim bị tổn thương hoặc một phần của tim bắt đầu chết do thiếu oxy, đây được gọi là cơn nhồi máu cơ tim (heart attack; myocardial infarction).

Các dấu hiệu của nhồi máu cơ tim bao  gồm:

  • cảm giác như bị đè nặng, bó chặt, căng tức, đau hoặc nhức ở ngực hoặc cánh tay
  • khó thở
  • lo lắng hoặc có cảm giác như điều tồi tệ sắp xảy ra
  • chóng mặt
  • buồn nôn, khó tiêu hoặc ợ nóng
  • cực kỳ mệt mỏi.

Nhồi máu cơ tim là biến cố cần được cấp cứu ngay lập tức. Tổn thương tim có thể không thể hồi phục được hoặc thậm chí có thể gây tử vong nếu việc điều trị không được tiến hành trong vài giờ đầu sau cơn nhồi máu cơ tim.

Điều quan trọng là phải xử trí nhanh chóng và ngay lập tức tìm kiếm sự can thiệp y tế nếu bạn hoặc bất kỳ ai bạn biết gặp phải các triệu chứng của cơn nhồi máu cơ tim.

4. Bệnh động mạch ngoại biên

Bệnh động mạch ngoại biên (peripheral artery disease – PAD) có thể xảy ra khi mảng bám tích tụ trong thành động mạch, từ đó gây tắc nghẽn dòng máu lưu thông trong các động mạch để cung cấp cho thận, dạ dày, cánh tay, chân và bàn chân.

Các triệu chứng của PAD giai đoạn sớm có thể bao gồm:

  • chuột rút
  • đau nhức
  • mệt mỏi
  • đau ở chân khi hoạt động hoặc tập thể dục, được gọi là đau cách hồi
  • khó chịu ở chân và bàn chân.
Ảnh: Prevention

Khi PAD tiến triển, các triệu chứng xảy ra thường xuyên hơn và thậm chí xảy ra khi bạn đang nghỉ ngơi. Các triệu chứng sau đó có thể xảy ra do lưu lượng máu giảm, bao gồm:

  • da chân và bàn chân trở nên mỏng, nhợt nhạt hoặc bóng
  • tình trạng hoại tử (gangrene): mô bị chết do thiếu máu cung cấp
  • vết loét ở chân và bàn chân không lành hoặc rất chậm lành
  • tình trạng đau chân không biến mất khi nghỉ ngơi
  • cảm giác bỏng rát ở các ngón chân
  • chuột rút ở chân
  • móng chân dày
  • các ngón chân chuyển sang tím tái (có màu xanh lam)
  • giảm mọc lông ở chân
  • giảm nhiệt độ ở một cẳng chân hoặc bàn chân so với chân còn lại.

Những người bị PAD có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc cắt cụt chi.

Chẩn đoán

Tình trạng cholesterol cao rất dễ chẩn đoán bằng xét nghiệm máu để đo lượng lipid của cơ thể. Mẫu máu của bạn sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Bạn được yêu cầu không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì ít nhất 12 giờ trước khi làm xét nghiệm.

Xét nghiệm lipid đo lượng cholesterol toàn phần, HDL cholesterol, LDL cholesterol và triglyceride (chất béo trung tính). Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ, đây là những mức chúng ta mong muốn đạt được:

  • LDL cholesterol: dưới 100 mg/dL. LDL cholesterol thường được coi là ở mức “giới hạn trên” nếu nó nằm trong khoảng từ 130 dạ dày 159 mg/dL, và ở mức “cao” nếu trên 160 mg/dL.
  • HDL cholesterol: 60 mg/dL hoặc cao hơn. HDL cholesterol thường được coi là ở mức “xấu” nếu dưới 40 mg/dL.
  • Triglyceride: dưới 150 mg/dL
  • Cholesterol toàn phần thường được coi là ở mức “giới hạn trên” nếu nó nằm trong khoảng từ 200 – 239 mg/dL, và ở mức “cao” nếu trên 240 mg/dL.

Vì tình trạng cholesterol cao không gây ra các triệu chứng trong giai đoạn đầu, điều quan trọng là bạn phải lựa chọn một lối sống tốt. Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì thói quen tập thể dục và thường xuyên theo dõi mức cholesterol thông qua việc thăm khám định kỳ.

Nguồn: Healthline

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu