Các tình trạng ảnh hưởng đến xương của bạn

Loãng xương (osteoporosis)

Đó là khi xương yếu đi một cách nghiêm trọng và có nhiều khả năng bị gãy, đặc biệt là ở hông, cột sống và cổ tay. Bác sĩ có thể kiểm tra mật độ xương để xem liệu bạn có mắc tình trạng loãng xương hay không. Tình trạng này có nhiều khả năng xảy ra hơn khi bạn già đi. Thay đổi chế độ ăn uống và thói quen luyện tập thể dục có thể hữu ích. Đồng thời một số loại thuốc có thể làm chậm quá trình mất xương. Bạn cũng nên luyện tập khả năng giữ thăng bằng và tăng cường thể lực để giúp ngăn ngừa té ngã có thể làm gãy xương.

Xương hóa đá (osteopetrosis)

Tình trạng này nghe có vẻ như ngược lại so với chứng loãng xương vì nó chính là tình trạng trong đó xương trở nên quá đặc. Tuy nhiên, xương lại không hề chắc khỏe hơn. Trên thực tế, xương yếu đi và có thể dễ bị gãy hơn. Tình trạng này cũng có thể ảnh hưởng đến phần tủy xương bên trong xương, từ đó khiến cơ thể khó khan hơn trong việc chống lại nhiễm trùng, vận chuyển oxy và kiểm soát chảy máu. Điều trị bao gồm thuốc, sản phẩm bổ sung, hormone và đôi khi là phẫu thuật. Vật lý trị liệu cũng có thể hữu ích.

Hoại tử vô khuẩn xương, hay còn gọi là hoại tử vô mạch (osteonecrosis; avascular necrosis)

Đây là tình trạng khi xương – thường ở đùi, cánh tay, đầu gối hoặc vai – không nhận đủ máu. Không có máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng, các mô xương sẽ bị hoại tử, từ đó có thể dẫn đến tình trạng đau đớn và khó cử động. Bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân, đó có thể là chấn thương, thuốc hoặc các bệnh lý như ung thư, lupus và HIV. Có thể bạn cần được điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác.

Tiểu đường tuýp 1

Bệnh lý này thường bắt đầu từ thời thơ ấu, khi xương vẫn đang phát triển. Với bệnh lý này, cơ thể tạo ra rất ít hoặc không tạo insulin – loại hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Nó cũng có thể làm suy yếu xương. Bác sĩ vẫn chưa rõ lý do tại sao, nhưng nếu không có đủ insulin, xương có thể không phát triển tốt hoặc không đạt được khối lượng xương tối đa. Bác sĩ có thể giúp bạn kiểm soát tình trạng bệnh bằng thuốc, chế độ ăn uống, xét nghiệm đường huyết và những lời khuyên về thay đổi lối sống.

Lupus

Với tình trạng liên quan đến hệ miễn dịch như lupus, ‘hệ thống phòng thủ’ của bạn sẽ tấn công chính cơ thể bạn. Đau cơ, sốt, mệt mỏi, phát ban, rụng tóc, cũng như các khớp sưng và đau là những triệu chứng thường gặp. Bạn cũng có nhiều khả năng bị loãng xương và gãy xương. Và thêm nữa, thuốc corticosteroid mà bạn dùng để điều trị bệnh lupus cũng có thể gây mất xương. Bác sĩ sẽ cân nhắc điều này khi lập kế hoạch điều trị cho bạn.

Viêm khớp thoái hóa khớp (osteoarthritis)

Đây là loại viêm khớp đi kèm tình trạng thoái hóa, tức mòn và tổn thương ổ khớp. Tình trạng này làm mòn và hư hại mô sụn trơn bao phủ các đầu xương, từ đó khiến các đầu xương này cọ xát vào nhau. Xương và sụn có thể bị nứt vỡ, gây đau và sưng. Theo thời gian, tình trạng này thậm chí có thể làm biến đổi hình dạng khớp. Tập thể dục và giảm cân (nếu bạn thừa cân hoặc béo phì) có thể giúp hạn chế cơn đau và tình trạng cứng khớp. Bác sĩ cũng có thể chỉ định việc dùng thuốc và các phương pháp điều trị khác như kích thích điện và đôi khi là phẫu thuật.

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis)

Giống như bệnh lupus, viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn. Hệ thống phòng thủ của cơ thể tấn công các khớp và xương của bạn, thường là ở bàn tay và bàn chân. Ngoài tình trạng đau và sưng khớp, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và sốt. Bác sĩ có thể giúp bạn kiểm soát tình trạng này bằng thuốc và trong một số trường hợp, bằng phẫu thuật. Cũng có thể hữu ích nếu bạn tiêu thụ nhiều thực phẩm kháng viêm và tập thể dục để tăng cường chức năng của tim và các cơ, cũng như để cải thiện phạm vi cử động của các khớp.

Bệnh celiac

Với bệnh celiac, cơ thể bạn không thể xử lý gluten – loại protein có trong lúa mì và các loại ngũ cốc khác. Khi bạn tiêu thụ thành phần này, hệ miễn dịch sẽ tấn công và làm tổn thương ruột non của chính bạn. Điều này sẽ khiến cơ thể khó hấp thu các chất dinh dưỡng mà xương cần, bao gồm cả canxi. Xương yếu là điều thường gặp nếu bạn mắc bệnh celiac nhưng không biết mình mắc bệnh. Nếu bác sĩ kết luận rằng bạn bị bệnh celiac, bạn sẽ cần áp dụng một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt không chứa gluten để cơ thể có thể hồi phục.

Bệnh xương thủy tinh, hay còn gọi là bệnh tạo xương bất toàn, bệnh giòn xương (osteogenesis imperfecta)

Trong bệnh xương thủy tinh, các gen di truyền từ cha mẹ có thể khiến cho xương của bạn yếu và biến dạng. Các khớp cũng có thể tách rời một cách dễ dàng và cột sống có thể bị cong. Bạn cũng có thể bị suy giảm thính lực, gặp phải các vấn đề về hô hấp và lòng trắng mắt có màu sẫm. Mặc dù không có cách nào chữa khỏi tình trạng này, bạn có thể kiểm soát một số triệu chứng dựa vào lối sống lành mạnh, thuốc và phẫu thuật trong một số trường hợp.

Cường giáp

Đó là khi tuyến giáp sản xuất ra quá nhiều hormone tuyến giáp, bình thường đây là hormone giúp cơ thể sử dụng năng lượng. Tình trạng này có thể khiến bạn mệt mỏi, mất ngủ và cơ thể bị rung. Nó cũng làm tăng tốc độ mất xương và đôi khi cơ thể không thể thay thế đủ nhanh cho lượng xương đã mất. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn có thể bị loãng xương. Bác sĩ có thể giúp đưa lượng hormone của bạn trở lại bình thường bằng thuốc, phẫu thuật hoặc cả hai.

Hút thuốc lá

Thuốc lá có thể làm rối loạn tuần hoàn máu, bao gồm cả lưu thông máu đến xương. Điều này dẫn đến yếu xương và có thể là một vấn đề cụ thể ở cột sống – nơi vốn đã không nhận được nhiều máu. Hút thuốc cũng có thể làm cho tình trạng đau khớp và đau lưng – bắt nguồn từ các bệnh lý khác – trở nên trầm trọng hơn. Đồng thời, một số phương pháp điều trị nhất định giúp giảm đau có thể không hiệu quả. Vì vậy, hãy từ bỏ hoàn toàn thói quen hút thuốc lá.

Phẫu thuật giúp giảm cân

Nếu bạn phải giảm cân nặng nhiều, có các phương pháp phẫu thuật khác nhau mà bạn và bác sĩ có thể cân nhắc để thu nhỏ dạ dày, từ đó giúp bạn ăn ít đi. Tuy nhiên, khả năng bạn bị gãy xương vào một thời điểm nào đó sau phẫu thuật có thể tăng gấp đôi. Bác sĩ vẫn chưa biết rõ nguyên do. Một phần nguyên nhân có thể là do bạn tiêu thụ ít canxi và vitamin D – những thành phần dinh dưỡng mà xương cần.

Tình trạng nhiễm trùng

Khi tình trạng đau khớp hoặc xương xảy ra nhanh chóng, đồng thời bạn cũng cảm thấy mệt mỏi và sốt, bạn có thể đã bị nhiễm khuẩn. Một bệnh lý khác hoặc tình trạng chấn thương có thể gây ra nhiễm trùng. Bác sĩ có thể gọi đó là tình trạng viêm khớp nhiễm khuẩn và có thể dùng kim để loại bỏ dịch lỏng cũng như kê đơn thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Mặc dù không xảy ra nhiều như đối với vi khuẩn, virus hoặc nấm cũng có thể xâm nhập và gây ảnh hưởng đến khớp. Trong những trường hợp đó, thuốc kháng sinh sẽ không đem lại hiệu quả.

Bệnh paget xương

Xương sẽ tăng trưởng quá lớn và trở nên yếu nếu bạn mắc phải tình trạng này. Nó thường ảnh hưởng nhiều nhất đến xương ở chân, hộp sọ, xương chậu hoặc cột sống. Ban đầu, tình trạng này có thể không gây đau trừ khi bạn bị gãy xương hoặc bị viêm khớp. Và nếu nó ảnh hưởng đến hộp sọ, bạn có thể bị suy giảm thính lực. Bác sĩ vẫn chưa rõ lý do bệnh lý này xuất hiện, nhưng gen có thể đóng một vai trò nào đó. Bạn có thể cần đến thuốc và phẫu thuật để cố định lại phần xương bị gãy hoặc biến dạng.

Loạn sản xơ xương (fibrous dysplasia) Với tình trạng này, các gen điều khiển cơ thể thay thế xương khỏe mạnh bằng các loại mô khác. Xương có thể trở nên yếu, có hình dạng bất thường và dễ gãy hơn. Nhiều trẻ em từ 6 – 10 tuổi mắc tình trạng này bị gãy xương. Nó thường ảnh hưởng đến một bên của cơ thể, thường là ở cánh tay, xương chậu, mặt, chân hoặc xương sườn. Để hạn chế các triệu chứng, bạn có thể cần sử dụng thuốc, bó bột và phẫu thuật. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về những thay đổi trong chế độ ăn và tập thể dục có thể giúp ích trong trường hợp này.

Nguồn: WEB MD

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu