Các cách giúp chống lại tình trạng viêm có hại

Mặc dù viêm đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng vệ và sửa chữa của cơ thể, tình trạng viêm mạn tính lại có thể gây hại nhiều hơn là những lợi ích nó mang đến. Và điều này có thể khiến bạn đặt câu hỏi: tôi có thể làm gì với tình trạng viêm như thế?

Trên thực tế, có rất nhiều điều bạn có thể làm. Và bạn có thể đã và đang thực hiện những điều ấy. Lý do là bởi vì một số cách quan trọng nhất để chống lại tình trạng viêm là những biện pháp bạn nên thực hiện thường xuyên.

Hãy cùng xem xét các yếu tố trọng yếu của việc chống lại chứng viêm mạn tính: phòng ngừa, phát hiện và điều trị.

6 cách để ngăn ngừa tình trạng viêm có hại

Dưới đây là 6 trong số những cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa tình trạng viêm:

  1. Chọn lựa và áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh. Các loại thực phẩm riêng lẻ có tác động khá nhỏ đến tình trạng viêm trên toàn cơ thể. Vì vậy, việc chỉ ăn nhiều cải xoăn (cải kale) sẽ không có khả năng giúp ích nhiều trong tình trạng viêm này. Thay vào đó, hãy đảm bảo rằng bạn tiêu thụ nhiều trái cây và rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh và các loại đậu – đôi khi được gọi là chế độ ăn chống viêm. Chế độ ăn như thế có thể làm giảm viêm và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính như tiểu đường và bệnh tim mạch. Bản thân chế độ ăn này không chỉ giúp giảm viêm mà việc thay thế các loại thực phẩm làm tăng tình trạng viêm (chẳng hạn như đồ uống có đường và thực phẩm chế biến sẵn) bằng các thực phẩm lành mạnh cũng mang lại những lợi ích cho cơ thể.
  2. Tập thể dục thường xuyên. Hoạt động thể chất có thể giúp chống lại một số tình trạng viêm thông qua sự điều hòa của hệ miễn dịch. Chẳng hạn, tập thể dục đem lại tác động kháng viêm trên các tế bào bạch cầu và chất trung gian hóa học truyền tín hiệu gọi là cytokine.
  3. Duy trì cân nặng hợp lý. Bởi vì lượng mỡ dư thừa trong các tế bào sẽ kích thích tình trạng viêm trên toàn cơ thể, việc tránh cân nặng dư thừa là một cách quan trọng để ngăn ngừa chứng viêm liên quan đến mỡ. Giữ cân nặng ở mức hợp lý cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, đây là bệnh lý mà bản thân nó gây ra chứng viêm mạn tính.
  4. Kiểm soát tình trạng căng thẳng. Việc hormone căng thẳng được kích hoạt lặp đi lặp lại sẽ góp phần gây ra chứng viêm mạn tính. Yoga, bài tập hít thở sâu, thiền định và các hình thức thư giãn khác có thể giúp làm dịu hệ thần kinh của bạn.
  5. Không hút thuốc. Độc tố hít vào từ khói thuốc lá sẽ gây viêm đường hô hấp, khiến mô phổi bị tổn thương, làm tăng nguy cơ ung thư phổi cũng như dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác.
  6. Cố gắng ngăn ngừa các tình trạng gây viêm, chẳng hạn như:
  • Nhiễm trùng: Hãy thực hiện các biện pháp để tránh tình trạng nhiễm trùng từ đó có thể dẫn đến viêm mạn tính. HIV, viêm gan C và COVID-19 là một số ví dụ. Quan hệ tình dục an toàn hơn, không dùng chung kim tiêm và thực hiện chủng ngừa định kỳ là một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
  • Ung thư: Thực hiện việc tầm soát ung thư theo lịch trình được khuyến nghị. Chẳng hạn, việc nội soi đại tràng có thể phát hiện và loại bỏ các polyp mà sau này có khả năng tiến triển thành ung thư.
  • Dị ứng: Bằng cách tránh các tác nhân gây ra hen suyễn, chàm hoặc các phản ứng dị ứng, bạn có thể giảm gánh nặng viêm trong cơ thể.

Bạn có cần phải thực hiện các xét nghiệm để phát hiện tình trạng viêm không?

Việc xét nghiệm để chẩn đoán tình trạng viêm sẽ không thường xuyên được khuyến khích, tuy nhiên, nó có thể hữu ích trong một số trường hợp. Chẳng hạn, các xét nghiệm phát hiện tình trạng viêm có thể giúp chẩn đoán một số tình trạng/bệnh lý nhất định (như viêm động mạch thái dương) hoặc giúp theo dõi hiệu quả của việc điều trị nhằm kiểm soát tình trạng viêm (như trong bệnh Crohn hoặc viêm khớp dạng thấp).

Tuy nhiên, không có xét nghiệm nào là hoàn hảo cho tình trạng viêm. Và cách tốt nhất để biết bản thân có đang bị viêm hay không là đảm bảo thực hiện việc thăm khám định kỳ. Được bác sĩ xem xét tiền sử bệnh và bất kỳ triệu chứng nào bạn đang có, khám sức khỏe và làm một số xét nghiệm y khoa cơ bản là những việc cần làm trước nhất. Lịch trình thăm khám định kỳ như thế thường không bao gồm các xét nghiệm về tình trạng viêm.

Tình trạng viêm được điều trị như thế nào?

Thoạt nhìn, việc điều trị tình trạng viêm mạn tính gây hại có vẻ đơn giản: bạn chỉ cần sử dụng thuốc kháng viêm, phải vậy không nhỉ? Trên thực tế, bạn còn cần phải làm nhiều điều hơn thế nữa.

Thuốc kháng viêm có thể hữu ích trong việc điều trị tình trạng viêm. Và chúng ta hiện có rất nhiều loại thuốc được FDA chấp thuận và có mặt rộng rãi trên thị trường, cũng như có nhiều loại thuốc generic với giá cả phải chăng. Ngoài ra, những loại thuốc này đã được sử dụng qua nhiều thập kỷ.

Thuốc corticosteroid, chẳng hạn như prednisone, được xem là ‘tiêu chuẩn vàng’ trong điều trị viêm. Loại thuốc kháng viêm mạnh này có thể cứu nguy trong nhiều tình trạng/bệnh lý khác nhau, từ hen suyễn đến các phản ứng dị ứng.

Các loại thuốc kháng viêm khác cũng có thể khá hiệu quả đối với tình trạng viêm. Ibuprofen, naproxen và aspirin – những loại thuốc quen thuộc và có thể đã có trong tủ thuốc gia đình bạn – nằm trong số khoảng 20 loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), với đủ các dạng bào chế như viên nén và thuốc nước dùng đường uống, các chế phẩm thuốc bôi ngoài da, thuốc tiêm và thậm chí cả thuốc đạn.

Tuy nhiên, đối với tình trạng viêm mạn tính, việc chỉ dựa vào các loại thuốc kháng viêm thường không phải là lựa chọn tốt nhất. Đó là bởi vì những loại thuốc này có thể cần phải được sử dụng trong thời gian dài và thường gây ra các tác dụng phụ nặng nề. Tốt hơn hết là tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm và trên cơ sở đó tiến hành điều trị. Cách tiếp cận này có thể giúp chữa khỏi hoặc kiểm soát nhiều tình trạng viêm mạn tính. Nó cũng có thể giúp giảm đi nhu cầu đối với các giải pháp khác trong điều trị viêm.

Chẳng hạn, tình trạng viêm gan mạn tính do nhiễm viêm gan C có thể dẫn đến hình thành mô sẹo ở gan, xơ gan và cuối cùng là suy gan. Trong trường hợp này, các loại thuốc giúp giảm viêm không thể giải quyết được vấn đề một cách triệt để, không đặc biệt hiệu quả và có thể gây ra các tác dụng phụ không thể dung nạp được. May mắn là, các phương pháp điều trị có mặt hiện nay có thể chữa khỏi hầu hết các trường hợp viêm gan C mạn tính. Sau khi hoàn tất việc điều trị với các phương pháp kể trên, không cần thiết phải điều trị kháng viêm.

Tương tự, với những người mắc viêm khớp dạng thấp, các loại thuốc kháng viêm như ibuprofen hoặc steroid có thể chỉ là giải pháp ngắn hạn giúp giảm bớt các triệu chứng, trong khi các tổn thương khớp có thể vẫn tiến triển không thuyên giảm. Kiểm soát tình trạng cơ bản gây ra viêm bằng các loại thuốc như methotrexate hoặc etanercept có thể bảo vệ các khớp và loại bỏ nhu cầu trong việc sử dụng các loại thuốc kháng viêm khác.

Tóm lại

Mặc dù chúng ta biết rằng tình trạng viêm mạn tính có liên quan chặt chẽ đến một số bệnh lý mạn tính, trong mọi trường hợp, việc chỉ tập trung vào ‘dập tắt’ tình trạng viêm không phải là điều duy nhất cần làm, cũng như không phải là cách tốt nhất.

May mắn là, bạn có thể thực hiện các biện pháp để chống lại hoặc thậm chí ngăn ngừa tình trạng viêm có hại. Việc thực hiện lối sống “nói không với tình trạng viêm” không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhưng nếu bạn có thể thực hiện được điều này thì sẽ còn có thêm một phần thưởng nữa dành cho bạn: các biện pháp được xem là kháng viêm thường tốt cho sức khỏe nói chung, với những lợi ích vượt ngoài lợi ích giảm viêm.

Nguồn: Harvard Health Publishing (Harvard Medical School)

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu