Chế độ ăn tốt nhất cho bệnh Gút: Thực phẩm nên ăn và nên tránh

Bệnh gút là một loại viêm khớp (arthritis) – là trình trạng khi các khớp bị viêm. Những người mắc bệnh gút bị những cơn đau, sưng và viêm khớp đột ngột và dữ dội.

May mắn là bệnh gút có thể được kiểm soát bằng thuốc, chế độ ăn phù hợp với bệnh và việc thay đổi lối sống.

Bệnh gút là gì?

Bệnh gút là một loại viêm khớp liên quan đến tình trạng đau, sưng và viêm đột ngột của các khớp.

Bệnh gút có ảnh hưởng đến ngón chân cái trong gần một nửa số trường hợp mắc bệnh, trong khi những trường hợp khác ảnh hưởng đến ngón tay, cổ tay, đầu gối và gót chân.

Các triệu chứng của bệnh gút hoặc cơn gút cấp xuất hiện khi có quá nhiều axit uric trong máu. Axit uric là một chất thải được cơ thể tạo ra khi tiêu hóa một số loại thực phẩm nhất định.

Khi nồng độ axit uric cao, các tinh thể axit uric có thể tích tụ trong các khớp. Quá trình này gây ra tình trạng sưng, viêm và đau dữ dội.

Các cơn gút thường xảy ra vào ban đêm và kéo dài từ 3 – 10 ngày.

Hầu hết những người mắc bệnh gout đều gặp phải các triệu chứng này vì cơ thể họ không thể loại bỏ axit uric dư thừa một cách hiệu quả. Điều này khiến axit uric tích tụ, kết tinh và lắng đọng trong các khớp.

Những trường hợp khác mắc bệnh gút vì cơ thể tạo ra quá nhiều axit uric do di truyền hoặc do chế độ ăn của họ.

Thức ăn ảnh hưởng đến bệnh gút như thế nào?

Nếu bạn bị bệnh gút, một số loại thực phẩm nhất định có thể gây ra cơn gút cấp bằng cách làm tăng mức axit uric.

Những loại thực phẩm này thường chứa nhiều purine, một chất được tìm thấy dưới dạng tự nhiên trong thực phẩm. Khi bạn tiêu hóa purine, cơ thể sẽ tạo ra axit uric dưới dạng chất thải.

Đây không phải là vấn đề đáng lo ngại đối với những người khỏe mạnh, vì họ có thể loại bỏ axit uric dư thừa ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, những người mắc bệnh gút lại không thể loại bỏ axit uric dư thừa một cách hiệu quả. Do đó, chế độ ăn nhiều purine có thể làm cho axit uric tích tụ và gây ra cơn gút cấp.

May mắn là nghiên cứu cho thấy việc hạn chế thực phẩm có hàm lượng purine cao cũng như dùng các thuốc phù hợp có thể ngăn ngừa các cơn gút cấp.

Thực phẩm thường gây ra cơn gút cấp bao gồm thịt nội tạng, thịt đỏ, hải sản, rượu và bia. Chúng chứa một lượng purine từ trung bình đến cao.

Tuy nhiên, có một ngoại lệ đối với quy tắc này. Nghiên cứu cho thấy rằng các loại rau giàu purine lại không gây ra các cơn gút.

Và một điều ngạc nhiên, đường fructose và những thức uống có đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút cũng như các cơn gút cấp, mặc dù chúng không giàu purine. Thay vào đó, chúng có thể làm tăng nồng độ axit uric bằng cách thúc đẩy một số quá trình tế bào. Ví dụ, một nghiên cứu trên hơn 125,000 người tham gia đã phát hiện ra rằng những người tiêu thụ nhiều đường fructose nhất có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn 62%.

Mặt khác, nghiên cứu cho thấy rằng các sản phẩm ít béo từ sữa, các sản phẩm từ đậu nành và sản phẩm bổ sung vitamin C có thể giúp ngăn ngừa các cơn gút cấp bằng cách giảm nồng độ axit uric trong máu. Các sản phẩm nguyên lượng chất béo và nhiều chất béo từ sữa dường như không ảnh hưởng đến mức axit uric.

Nên tránh những thực phẩm nào?

Nếu bạn dễ bị các cơn gút cấp tính, hãy tránh ‘thủ phạm’ chính – thực phẩm giàu purine.

Đây là những thực phẩm có chứa trên 200 mg purine trong 100 g.

Bạn cũng nên tránh các loại thực phẩm có hàm lượng cao fructose và các loại thực phẩm có hàm lượng purine tương đối cao, đồng nghĩa với việc chứa 150 – 200 mg purine trong 100 g. Những thực phẩm này có thể gây ra cơn gút cấp.

Dưới đây là một số loại thực phẩm có hàm lượng purine cao hoặc tương đối cao và thực phẩm giàu fructose cần tránh:

  • Tất cả các loại thịt nội tạng: bao gồm gan, thận, tim, óc…
  • Thịt thú săn bắt: như thịt gà lôi, thịt nai…
  • Cá: cá trích, cá thu, cá ngừ, cá mòi, cá cơm, cá tuyết và nhiều loại cá khác
  • Các loại hải sản khác: sò điệp, cua, tôm và trứng cá
  • Thức uống có đường: đặc biệt là nước ép trái cây và nước ngọt
  • Đường bổ sung: mật ong, mật hoa và siro ngô có hàm lượng fructose cao
  • Men: men dinh dưỡng, men bia và các sản phẩm bổ sung men khác.

Ngoài ra, nên tránh các loại carb tinh chế như bánh mì trắng, bánh ngọt và bánh quy. Mặc dù các thực phẩm này không chứa nhiều purine hoặc fructose, nhưng chúng lại ít chất dinh dưỡng và có thể làm tăng nồng độ axit uric của bạn.

Nên ăn những thực phẩm nào?

Mặc dù một chế độ ăn phù hợp với bệnh gút đã loại bỏ nhiều loại thực phẩm, nhưng vẫn có rất nhiều các thực phẩm có hàm lượng purine thấp mà bạn có thể ăn.

Thực phẩm được xem là chứa ít purine khi chúng có ít hơn 100 mg purine trong 100 g.

Dưới đây là một số thực phẩm có hàm lượng purin thấp, thường an toàn cho người mắc bệnh gút:

  • Trái cây: tất cả các loại trái cây nói chung đều tốt cho bệnh gút. Quả anh đào (cherry) thậm chí còn có thể giúp ngăn ngừa các cơn gút cấp bằng cách giảm nồng độ axit uric và giảm viêm
  • Rau củ: tất cả các loại rau củ đều tốt, bao gồm khoai tây, đậu Hà Lan, nấm, cà tím và các loại rau lá xanh đậm
  • Các loại đậu: tất cả các loại đậu đều tốt, bao gồm đậu lăng, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu nành và đậu phụ
  • Các loại hạt: tất cả các loại hạt và quả hạch
  • Ngũ cốc nguyên hạt: bao gồm yến mạch, gạo lứt, lúa mạch…
  • Các sản phẩm từ sữa: tất cả các sản phẩm từ sữa đều an toàn, nhưng loại ít chất béo dường như đặc biệt có lợi
  • Trứng
  • Thức uống: cà phê, trà và trà xanh
  • Thảo mộc và gia vị: tất cả các loại thảo mộc và gia vị
  • Dầu thực vật: bao gồm dầu hạt cải, dầu dừa, dầu ô liu, dầu lanh…

Thực phẩm nên ăn với lượng vừa phải:

Ngoài thịt nội tạng, thịt thú săn bắt và một số loại cá, hầu hết các loại thịt đều có thể được tiêu thụ ở mức vừa phải. Bạn nên ăn những thực phẩm này với lượng giới hạn 115–170 g một vài lần mỗi tuần.

Chúng chứa một lượng purine vừa phải (100–200 mg trong 100 g). Do đó, ăn quá nhiều những thực phẩm này vẫn có thể gây ra cơn gút cấp.

  • Các loại thịt: bao gồm thịt gà, thịt bò, thịt lợn và thịt cừu
  • Các loại cá khác: cá hồi tươi hoặc đóng hộp thường chứa hàm lượng purine thấp hơn hầu hết các loại cá khác.

Những thay đổi về lối sống khác mà bạn có thể thực hiện

Ngoài chế độ ăn uống, có một số thay đổi về lối sống có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh gút và các cơn gút cấp. Giảm cân, tập thể dục, uống đủ nước, hạn chế rượu bia và bổ sung vitamin C (có thể) cũng có thể giúp ngăn ngừa các cơn gút cấp.

  • Giảm cân

Nếu bạn mắc bệnh gút, cân nặng dư thừa có thể làm tăng nguy cơ bị các cơn gút cấp. Đó là bởi vì cân nặng dư thừa có thể khiến bạn tăng kháng insulin. Trong trường hợp này, cơ thể không thể sử dụng insulin đúng cách để loại bỏ đường khỏi máu. Tình trạng kháng insulin cũng thúc đẩy nồng độ axit uric cao.

Nghiên cứu cho thấy giảm cân có thể giúp giảm kháng insulin và giảm nồng độ axit uric.

Lời khuyên là hãy tránh ăn kiêng theo kiểu ‘nhịn đói’ (crash diet) – tức là cố gắng giảm cân thật nhanh bằng cách ăn thật ít. Nghiên cứu cho thấy giảm cân nhanh chóng có thể làm tăng nguy cơ bị cơn gút cấp.

  • Tập thể dục nhiều hơn

Tập thể dục thường xuyên là một cách khác để ngăn ngừa các cơn gút cấp.

Tập thể dục không chỉ có thể giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý mà còn có thể giữ axit uric ở mức thấp.

Một nghiên cứu trên 228 nam giới phát hiện ra rằng những người chạy hơn 8 km mỗi ngày giảm 50% nguy cơ mắc bệnh gút. Điều này cũng một phần là do giảm cân nặng.

  • Đảm bảo đủ nước cho cơ thể

Việc đảm bảo đủ nước cho cơ thể có thể giúp giảm nguy cơ bị cơn gút cấp. Đó là bởi vì uống đủ nước sẽ giúp cơ thể loại bỏ axit uric dư thừa trong máu, đào thải nó theo nước tiểu.

Nếu bạn tập thể dục nhiều thì việc cung cấp đủ nước cho cơ thể thậm chí còn quan trọng hơn vì bạn có thể mất nhiều nước qua mồ hôi.

  • Hạn chế uống rượu

Rượu là tác nhân phổ biến gây ra các cơn gút cấp. Nguyên nhân là do cơ thể có thể ưu tiên loại bỏ rượu hơn là loại bỏ axit uric, khiến axit uric tích tụ và hình thành tinh thể.

Một nghiên cứu trên 724 người đã phát hiện ra rằng uống rượu, bia làm tăng nguy cơ bị cơn gút cấp. Uống 1 – 2 ly mỗi ngày làm tăng nguy cơ lên ​​36% và 2 – 4 ly mỗi ngày làm tăng nguy cơ lên ​​51%.

  • Bổ sung vitamin C

Nghiên cứu cho thấy rằng các sản phẩm bổ sung vitamin C có thể giúp ngăn ngừa các cơn gút cấp bằng cách giảm nồng độ axit uric.

Có vẻ như vitamin C làm được điều này bằng cách giúp thận loại bỏ nhiều axit uric hơn qua nước tiểu.

Tuy nhiên, cũng có nghiên cứu cho thấy sản phẩm bổ sung vitamin C không có tác dụng đối với bệnh gút.

Nghiên cứu về các sản phẩm bổ sung vitamin C cho bệnh gút còn khá mới, vì vậy cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi có thể đưa ra kết luận chính xác.

Giới thiệu về STELLA

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức (WHO), và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu