Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (chronic obstructive pulmonary disease – COPD) là thuật ngữ dùng để mô tả một nhóm các bệnh phổi tiến triển gây ra tình trạng khó thở.

Một số người có thể mắc một trong hai loại COPD – viêm phế quản mạn tính (chronic bronchitis) hoặc khí phế thũng (emphysema). Những người khác có thể có sự kết hợp của cả hai tình trạng này.

COPD thường ổn định trong một thời gian và sau đó bùng phát đột ngột.

Nếu bạn hút thuốc, việc bỏ thuốc ngay từ bây giờ có thể giúp ngăn chặn không để tình trạng COPD trở nên tồi tệ hơn. Nếu mắc COPD, cùng với thuốc điều trị, tập thể dục và các giải pháp khắc phục khác, bạn vẫn có thể sống tốt qua nhiều thập kỷ.

COPD LÀ GÌ?

COPD là viết tắt của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, là một bệnh lý ở phổi gây ra tình trạng khó thở. COPD bao gồm viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng, đây là hai bệnh lý ở phổi thường do cùng một nguyên nhân gây ra – hút thuốc lá.

Thông thường, khi bạn hít vào, không khí từ mũi và miệng đi qua khí quản và vào phế quản. Phế quản là các đường dẫn khí phân nhánh từ khí quản để đi vào mỗi phổi. Các phế quản tiếp tục phân nhánh thành hàng ngàn ống nhỏ và mỏng hơn được gọi là các tiểu phế quản. Những ống này kết thúc bằng những cụm túi khí tròn nhỏ – có hình dạng giống như chùm nho – được gọi là phế nang.

Các mạch máu nhỏ, gọi là mao mạch, hấp thu oxy từ không khí qua các thành phế nang và đưa lượng oxy này đến các tế bào khắp cơ thể. Khí cacbonic di chuyển theo hướng ngược lại – khí này thoát ra khỏi máu, trở lại phế nang và sau đó được đào thải khỏi cơ thể khi bạn thở ra.

CÁCH MÀ COPD ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHỔI

Trong COPD, luồng không khí lưu thông – đi vào và ra khỏi cơ thể theo đường dẫn khí – ít hơn, vì một số lý do:

  • Các đường dẫn khí và túi khí không thể giãn nở và co lại như bình thường.
  • Các thành giữa các túi khí bị vỡ. Điều này đồng nghĩa với việc có ít diện tích bề mặt hơn để oxy di chuyển vào các mao mạch và tiếp đó là phần còn lại của cơ thể.
  • Các thành của đường dẫn khí trở nên dày và viêm.
  • Đường dẫn khí sản xuất ra nhiều chất nhờn hơn, vì thế cản trở sự lưu thông của không khí.

Trường hợp: Viêm phế quản mạn tính

Tình trạng viêm phế quản mạn tính hình thành khi các phế quản bị kích ứng ngày này qua ngày khác. Điều này có thể kích hoạt sự sản xuất quá mức chất nhầy cùng với tình trạng viêm và sưng đường hô hấp.

Tình trạng viêm làm thu hẹp đường thở. Chất nhầy tạo ra lại càng khiến đường dẫn khí thêm hẹp. Tương tự như việc xe cộ lưu thông trên một con đường bị tắc nghẽn, trong trường hợp này, không khí di chuyển vào và ra khỏi phổi với tốc độ rất chậm. Bạn có thể thở khò khè do phải gắng sức khi thở, đồng thời có thể ho như một phản xạ để làm sạch chất nhầy trong đường thở.

Những người bị viêm phế quản mạn tính cảm thấy ngày càng khó thực hiện việc tập thể dục và các hoạt động vận động khác.

Các triệu chứng của viêm phế quản mạn tính bao gồm:

  • ho liên tục kèm theo chất nhầy
  • thở khò khè
  • khó thở.

Trường hợp: Khí phế thũng

Tình trạng khí phế thũng ảnh hưởng đến chính mô phổi. Điều này khác với viêm phế quản mạn tính – tình trạng ảnh hưởng đến các đường dẫn khí đến phổi và đi từ phổi.

Khí phế thũng phá hủy các thành giữa những túi khí nhỏ (phế nang) trong phổi. Điều này khiến phổi giảm đáng kể khả năng cung cấp khí oxy cho máu và lấy đi khí cacbonic từ máu.

Mô phổi cũng mất khả năng đàn hồi, từ đó không thể căng giãn và co lại đúng cách. Khi thiếu khả năng đàn hồi, phối không thể đẩy hết không khí ra ngoài. Thay vào đó, một lượng khí nhất định vẫn bị mắc kẹt trong các túi khí.

Các triệu chứng của khí phế thũng bao gồm:

  • khó thở
  • giảm cân
  • mất cơ bắp
  • lồng ngực hình thùng, do phổi bị căng phồng quá mức.

Triệu chứng chính của khí phế thũng là khó thở. Lúc đầu, bạn gặp khó khăn với việc hít thở trong quá trình hoạt động. Theo thời gian, bạn có thể cảm thấy khó thở sau khi đi lại, thậm chí cả khi ngồi hoặc nằm.

COPD ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN NHƯ THẾ NÀO?

Những gì bạn trải qua cũng như những gì bạn cảm thấy có thể gợi ý cho bác sĩ tiến hành kiểm tra xem bạn có mắc COPD hay không.

Bệnh sử và khám sức khỏe

Bác sĩ có thể hỏi về việc bạn có hút thuốc hay không. Họ cũng có thể hỏi xem liệu bạn có hít phải hóa chất độc hại tại nơi làm việc hay không. Bác sĩ sẽ cần biết tình trạng hụt hơi của bạn có đặc điểm ra sao và xảy ra khi nào. Ngoài ra, còn có các thông tin khác bạn cần nói với bác sĩ như: Bạn có gặp khó khăn khi leo cầu thang? Bạn có thể đi bộ bao lâu trước khi phải dừng lại và nghỉ ngơi?…

Tiếp theo, bác sĩ sẽ dùng ống nghe nghe phổi của bạn để biết các dấu hiệu của COPD.

Xét nghiệm máu

Các xét nghiệm có thể cho biết mức độ ảnh hưởng hiện tại của COPD đến khả năng của phổi trong việc hấp thu oxy và loại bỏ cacbonic.

  • Đo oxy xung. Bác sĩ đặt một đầu dò vào ngón tay của bạn để đo và xác định nồng độ oxy hiện tại trong máu là bình thường hay ở mức thấp.
  • Xét nghiệm khí huyết động mạch. Xét nghiệm máu này đo lượng oxy và cacbonic trong máu.

Kiểm tra chức năng phổi

Kiểm tra này cho biết khả năng hoạt động của phổi đang ở mức nào. Bạn hít vào và thở ra thông qua thiết bị đo phế dung, là một ống được kết nối với nhiều máy khác nhau.

Kiểm tra chức năng phổi đo lường hai thông số:

  • Dung tích sống gắng sức (Forced vital capacity – FVC) cho biết lượng không khí tối đa bạn có thể thở ra trong một lần thở.
  • Thể tích thở ra gắng sức trong một giây (Forced expiratory volume in one second – FEV1) là lượng không khí tối đa bạn có thể thở ra trong một giây. Nếu chỉ số này thấp (dưới 80%), bạn có thể cần sự hỗ trợ của thuốc điều trị COPD. Nếu chỉ số này rất thấp (dưới 50%), bạn có thể cần đến sự thăm khám chuyên sâu và chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa phổi.

Các xét nghiệm chức năng phổi thường đơn giản và không gây đau đớn.

Chụp X – quang

Nếu bị khí phế thũng, phổi của bạn có thể to hơn bình thường trên phim chụp X-quang phổi và chứa một lượng lớn không khí so với bình thường.

Cơ hoành (cơ đóng vai trò chính trong hô hấp) có thể bị phẳng (bẹt).

Trường hợp bạn bị viêm phế quản mạn tính, phim chụp X-quang phổi có thể trông bình thường.

NGUYÊN NHÂN

Hút thuốc lá là nguyên nhân chính của COPD. Hầu hết những người mắc COPD đều hút thuốc.

Hút thuốc

  • Ở hầu hết những người bị COPD, việc hút thuốc kéo dài nhiều năm gây kích ứng đường hô hấp. Hệ miễn dịch của cơ thể cử các tế bào gây viêm đến khu vực này để tấn công các tác nhân kích ứng. Điều này dẫn đến một loạt các tình trạng gây tổn thương đường dẫn khí và mô phổi.
  • Hít phải khói thuốc một cách thụ động trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ mắc phải COPD.

Các nguyên nhân khác

  • Một số vấn đề liên quan đến di truyền có thể gây ra COPD.
  • Việc tiếp xúc lâu dài với khói độc, khói công nghiệp và bụi cũng có thể là nguyên nhân.

KIỂM SOÁT COPD

Nếu bạn hút thuốc, bỏ thuốc là điều quan trọng nhất bạn có thể làm để ngăn tình trạng COPD diễn tiến xấu hơn.

Hút thuốc dẫn đến tình trạng nghiện, cả về thể chất lẫn hành vi. Vì vậy, nó là một thói quen khó bỏ.

Thuốc và một số liệu pháp có thể giúp bạn vượt qua chứng nghiện nicotine.

Thuốc cai thuốc lá

Thuốc thay thế nicotine sẽ đưa một lượng nicotine thấp vào máu để giảm bớt hoặc loại bỏ các triệu chứng trong quá trình cai nghiện (những triệu chứng khó chịu do thiếu nicotine từ thuốc lá). Dần dần bạn sẽ cai được thuốc lá và cả liệu pháp thay thế nicotine.

Các sản phẩm thay thế nicotine tồn tại dưới một số dạng:

  • miếng dán
  • kẹo cao su
  • chế phẩm xịt mũi
  • chế phẩm dạng hít
  • kẹo ngậm.

Hai loại thuốc cai thuốc lá khác là những loại thuốc kê đơn không chứa nicotine. Chúng tác động trên não để làm giảm cảm giác thèm nicontine, hoặc làm giảm các triệu chứng vật vã do thiếu nicotine trong quá trình cai nghiện hoặc mang lại cả hai tác động này.

Liệu pháp hành vi

Liệu pháp hành vi dành cho những người muốn bỏ thuốc lá hoặc đang trong quá trình cai nghiện – trực tiếp một-đối-một với chuyên gia tư vấn hoặc tư vấn nhóm – có thể giúp bạn từ bỏ thói quen lâu dài này.

ĐIỀU TRỊ COPD

Thuốc và các phương pháp điều trị khác sẽ không thể chữa khỏi hoàn toàn COPD. Tuy nhiên, chúng có thể giúp bạn hô hấp tốt hơn và duy trì tính tích cực trong việc vận động cũng như tham gia, thực hiện các hoạt động thường ngày.

Thuốc giãn phế quản

Thuốc giãn phế quản giúp mở rộng đường thở. Những thuốc này đóng vai trò nền tảng trong điều trị COPD. Sau khi bắt đầu sử dụng thuốc giãn phế quản, tình trạng khó thở của bạn sẽ giảm bớt và khả năng vận động, tập thể dục của bạn sẽ được cải thiện tốt hơn.

Thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài được sử dụng hàng ngày để giữ cho đường thở luôn thông thoáng và thư giãn. Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn được sử dụng chủ yếu để giúp mở đường thở nhanh trong cơn bùng phát (cơn cấp tính).

Thuốc giãn phế quản thường được sử dụng dưới dạng hít.

Corticosteroid

Corticosteroid là loại thuốc có tác động mạnh, giúp hạn chế tình trạng viêm và giúp mở đường thở. Thuốc này có ở dạng thuốc hít và viên uống.

Corticosteroid dạng hít hiệu quả nhưng có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi. Thuốc này chủ yếu dành cho những người mắc COPD nghiêm trọng hoặc những người bị nhiễm trùng phổi thường xuyên.

Corticosteroid dạng viên có thể còn gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn, tuy nhiên, chúng có thể kiểm soát các cơn bùng phát một cách hiệu quả.

Kháng sinh

Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng phổi do vi khuẩn. Những người mắc COPD thường cần phải sử dụng kháng sinh cho các tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp. Việc điều trị sớm là rất quan trọng.

Liệu pháp oxy

Khi COPD diễn tiến nghiêm trọng hơn, nồng độ oxy trong máu có thể giảm xuống thấp đến mức nguy hiểm. Nếu điều này xảy ra với bạn, việc hô hấp bằng oxy bổ sung có thể giúp bạn tiếp tục sự sống. Và liệu pháp oxy bổ sung này có thể giúp bạn tránh các vấn đề có thể xảy ra khi cơ thể không tự nhận đủ oxy.

Một số hệ thống cung cấp oxy nhỏ gọn và nhẹ, vì thế có thể được sử dụng trong khi thực hiện các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như khi đi mua sắm hoặc làm một số việc vặt.

Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể hữu ích trong trường hợp khí phế thũng. Phẫu thuật thu nhỏ thể tích phổi liên quan đến việc loại bỏ một số mô phổi bị hư hại. Điều này giúp cho các mô phổi khỏe mạnh có nhiều không gian hơn để giãn nở cũng như co lại. Nó cũng giúp phổi hoạt động hiệu quả hơn.

Ghép phổi có thể là lựa chọn dành cho những người bị khí phế thũng nặng, đây là đối tượng mà các loại phẫu thuật phổi khác không thể mang lại kết quả nào.

Phục hồi chức năng phổi

Phục hồi chức năng phổi có thể giúp những người mắc COPD kiểm soát các triệu chứng mình gặp phải.

Phục hồi chức năng có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp bệnh nhân thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách dễ dàng và độc lập hơn. Phục hồi chức năng bao gồm:

  • Liệu pháp tập luyện – Tập thể dục, đặc biệt là aerobic, giúp tăng sức bền và tăng cường cơ bắp.
  • Đào tạo lại cách thở tối ưu – Phục hồi chức năng hướng dẫn bạn điều chỉnh nhịp thở để không bị hụt hơi khi đang hoạt động. Điều này sẽ cải thiện sức chịu đựng (khi thiếu oxy) và giảm tình trạng khó thở.
  • Giáo dục – Nhân viên y tế có thể hướng dẫn việc sử dụng ống hít thuốc đúng cách. Hoặc bạn có thể nhận được một số lời khuyên về cách sử dụng liệu pháp oxy hiệu quả nhất.
  • Hỗ trợ tâm lý – Tình trạng khó thở liên tục có thể dẫn đến trầm cảm và lo âu. Liệu pháp hỗ trợ tâm lý có thể giúp bạn quản lý cảm xúc của bản thân và hướng dẫn bạn các kỹ thuật để giảm căng thẳng, từ đó bạn có thể đối phó với tình trạng mình gặp phải.

Chủng ngừa

COPD làm tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi.

Những tình trạng nhiễm trùng này có thể làm cho các triệu chứng COPD trở nên tồi tệ hơn. Những đợt bùng phát như vậy được gọi là những đợt cấp.

Nếu bạn mắc COPD, hãy tiêm phòng cúm hàng năm. Hãy yêu cầu tiêm vaccine cúm có chứa virus đã bị tiêu diệt, thay vì vaccine dạng xịt qua mũi được sản xuất bằng virus cúm sống được làm cho suy yếu.

Bạn cũng nên chủng ngừa phế cầu khuẩn để bảo vệ bản thân chống lại loại viêm phổi phổ biến nhất.

CÓ KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ VỚI COPD

Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ và cùng họ thảo luận để đưa ra một kế hoạch hành động cụ thể trong trường hợp bạn gặp phải đợt bùng phát. Nếu bạn có triệu chứng ho nhiều hơn cùng với chất nhầy đặc, đổi màu, đặc biệt là nếu gặp tình trạng khó thở, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. Bác sĩ sẽ xác định xem bạn có cần dùng thuốc kháng sinh và /hoặc corticosteroid đường uống để kiểm soát các triệu chứng hay không.

Nguồn: MEDICINE

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu