9 nguyên nhân gây hắng giọng và cách để chấm dứt tình trạng này

Thỉnh thoảng mỗi người trong chúng ta đều hắng giọng (tằng hắng; đằng hắng). Cho dù điều này là để thu hút sự chú ý của ai đó, hay là như một thói quen khi lo lắng, hoặc vì bạn cảm thấy như có thứ gì đó mắc kẹt trong cổ họng, có một số lý do khiến chúng ta hắng giọng.

Tuy nhiên, khi việc hắng giọng trở nên dai dẳng, điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân. Tình trạng hắng giọng kéo dài có thể làm tổn hại đến dây thanh quản theo thời gian và thường sẽ là nguyên nhân của một tình trạng tiềm ẩn nào đó. Việc xác định nguyên nhân là chìa khóa để chấm dứt tình trạng hắng giọng.

Hãy cùng tìm hiểu thêm về chứng hắng giọng, tại sao chúng ta lại làm như vậy và khi nào thì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn.

9 nguyên nhân gây hắng giọng

Tình trạng hắng họng kéo dài không phải là một chẩn đoán riêng biệt mà là triệu chứng của một tình trạng tiềm ẩn khác. Một số nguyên nhân phổ biến của chứng hắng giọng kéo dài bao gồm:

1. Trào ngược

Hầu hết những người phàn nàn về chứng hắng giọng kéo dài đều mắc một tình trạng rối loạn gọi là trào ngược họng thanh quản (laryngopharyngeal reflux – LPR). Tình trạng này xảy ra khi những chất từ ​​dạ dày – cả axit và không axit – di chuyển lên vùng cổ họng, gây ra cảm giác khó chịu khiến bạn phải hắng giọng. Hầu hết những người bị LPR không gặp phải các triệu chứng khác thường đi kèm với tình trạng trào ngược (chẳng hạn như chứng ợ nóng và khó tiêu).

Điều trị LPR có thể bao gồm thuốc và trong một số trường hợp nghiêm trọng, là phẫu thuật. Việc hay đổi lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà cũng có thể hiệu quả trong nhiều trường hợp. Sau đây là một số cách bạn có thể thử tại nhà:

  • Nâng đầu giường cao 30 độ hoặc hơn
  • Tránh nằm xuống trong vòng 3 giờ sau khi ăn hoặc uống
  • Tránh cafein và rượu
  • Tránh thức ăn cay, béo và có tính axit
  • Áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải (Mediterranean diet), chế độ ăn như thế có thể đem lai hiệu quả tương đương thuốc trong việc giải quyết các triệu chứng LPR
  • Giảm cân
  • Giảm căng thẳng.

2. Chảy dịch mũi sau

Một nguyên nhân phổ biến khác của chứng hắng giọng là chảy dịch mũi sau. Chảy dịch mũi sau xảy ra khi cơ thể bắt đầu sản xuất thêm chất nhầy. Bạn có thể cảm thấy dịch chảy xuống cổ họng từ phía sau mũi. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • ho và tình trạng ho này nặng hơn vào ban đêm
  • buồn nôn, có thể do lượng chất nhầy dư thừa di chuyển vào dạ dày
  • cổ họng đau rát
  • hơi thở có mùi hôi.

Dị ứng là nguyên nhân phổ biến của tình trạng chảy dịch mũi sau. Các nguyên nhân khác bao gồm:

  • lệch vách ngăn ở mũi
  • nhiệt độ lạnh
  • nhiễm virus, có thể dẫn đến cảm lạnh hoặc cúm
  • viêm xoang
  • mang thai
  • thay đổi thời tiết
  • không khí khô
  • ăn thức ăn cay
  • một số loại thuốc nhất định.

Việc điều trị tình trạng chảy dịch mũi sau sẽ thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân. Chẳng hạn, nếu chảy dịch mũi sau có liên quan đến dị ứng, việc tránh chất gây dị ứng hoặc việc sử dụng thuốc có thể khiến dịch ngừng chảy. Các phương pháp điều trị khác cho tình trạng này có thể bao gồm:

  • thuốc thông mũi không kê đơn, chẳng hạn như pseudoephedrine
  • thuốc kháng histamine, chẳng hạn như loratadine
  • nước muối xịt mũi
  • nâng cao đầu khi ngủ
  • giữ cho cơ thể đủ nước
  • uống nước ấm.

3. Túi thừa Zenker

Mặc dù hiếm gặp, đôi khi thực quản có một túi bất thường ngăn cản thức ăn di chuyển đến dạ dày. Đây được gọi là túi thừa Zenker. Tình trạng này đôi khi khiến các chất trong túi và chất nhầy bị mắc kẹt trong cổ họng.

Phương pháp điều trị túi thừa Zenker thường là phẫu thuật.

4. Rối loạn tic vận động mạn tính

Tic là một dạng rối loạn vận động hay một phát âm không chủ đích, bao gồm các cử động ngắn, giống như co thắt, không kiểm soát được cử động phát ra âm thanh. Tình trạng này thường xuất hiện trước tuổi 18 và kéo dài từ 4 – 6 năm.

Các triệu chứng khác của rối loạn tic vận động mạn tính có thể bao gồm:

  • nhăn mặt
  • nháy mắt, co giật, giật mình hoặc rùng mình
  • cử động đột ngột không kiểm soát được của chân, tay hoặc cơ thể
  • tiếng lầm bầm và rên rỉ.

Phương pháp điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng nhưng thường bao gồm liệu pháp hành vi và sử dụng thuốc.

5. Hội chứng Tourette

Hội chứng Tourette là một tình trạng rối loạn thần kinh gây ra những cử động co gật và phát ra những âm thanh. Các triệu chứng khác của hội chứng Tourette có thể bao gồm:

  • chớp mắt và liếc mắt nhanh
  • khịt mũi
  • các cử động ở miệng
  • co giật đầu
  • lầm bầm
  • ho
  • lặp lại các từ hoặc cụm từ của mình hoặc của người khác.

Điều trị hội chứng Tourette có thể bao gồm điều trị thần kinh, thuốc và trị liệu khác.

6. Rối loạn thần kinh tự miễn ở trẻ em liên quan đến liên cầu khuẩn

Rối loạn thần kinh tự miễn ở trẻ em liên quan đến liên cầu khuẩn (pediatric autoimmune neuropsychiatric disorder with streptococcus – PANDAS) thường xuất hiện đột ngột sau tình trạng viêm họng do liên cầu khuẩn hoặc sốt ban đỏ (sốt Scarlet, tinh hồng nhiệt) ở trẻ em. Ngoài việc hắng giọng và phát ra các âm thanh khác, các triệu chứng của PANDAS có thể bao gồm:

  • cử động ngắn tự phát
  • rối loạn ám ảnh và cưỡng chế
  • ủ rũ hoặc cáu kỉnh
  • các cơn hoảng loạn.

Phương pháp điều trị PANDAS có thể bao gồm trị liệu, tư vấn và sử dụng thuốc.

7. Dị ứng thực phẩm

Trong một số trường hợp, dị ứng hoặc nhạy cảm với thực phẩm có thể gây ra cảm giác khó chịu trong cổ họng khiến bạn phải hắng giọng. Các sản phẩm từ sữa là thủ phạm phố biến, bên cạnh đó, các loại thực phẩm như trứng, gạo và đậu nành cũng có thể gây ra cảm giác này. Việc điều trị trong những trường hợp như vậy chính là tránh ăn các thực phẩm gây ra các triệu chứng.

8. Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc huyết áp có thể gây ra cảm giác khó chịu trong cổ họng, góp phần dẫn đến chứng hắng giọng mạn tính. Nếu bạn đang dùng thuốc huyết áp và thường xuyên hắng giọng, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về một loại thuốc thay thế khả thi.

9. Thói quen

Trong một số trường hợp, có thể không có tình trạng sức khỏe hoặc nguyên nhân tiềm ẩn nào gây ra chứng hắng giọng. Thay vào đó, hắng giọng có thể là một thói quen hoặc điều gì đó bạn làm một cách vô thức khi bạn lo lắng hoặc căng thẳng.

Các kỹ thuật sau đây có thể giúp bạn ngừng thói quen này:

  • Uống nhiều nước hơn
  • Theo dõi tình trạng hắng giọng của bạn hoặc nhờ người khác giúp bạn theo dõi nó
  • Tìm một hoạt động thay thế khiến bạn dần quên đi thói quen hắng giọng, chẳng hạn như nuốt nước bọt hoặc gõ ngón các tay.

Khi nào bạn cần đi thăm khám

Nếu chứng hắng giọng kéo dài hoặc gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của bạn, hãy tìm cách điều trị tình trạng này. Bác sĩ sẽ kiểm tra và có thể đề nghị tiến hành nội soi để có cái nhìn rõ hơn về những gì đang diễn ra trong cổ họng của bạn. Xét nghiệm dị ứng cũng có thể được chỉ định.

Điều trị chứng hắng giọng

Điều trị lâu dài cho chứng hắng giọng mạn tính phụ thuộc vào việc xác định tình trạng cơ bản gây ra nó. Việc điều trị có thể bao gồm thay đổi lối sống, sử dụng thuốc hoặc trong một số trường hợp là phẫu thuật.

Các biện pháp khắc phục tại nhà

Nếu nhận thấy mình hắng giọng thường xuyên hơn, bạn có thể thử một số biện pháp khắc phục đơn giản tại nhà. Khi bạn có cảm giác muốn hắng giọng, hãy thử một trong các kỹ thuật sau:

  • nhấp từng ngụm nước
  • ngậm kẹo không đường
  • nuốt nước bọt hai lần
  • ngáp
  • ho.

Tóm lại

Mọi người thỉnh thoảng đều hắng giọng. Nhưng khi việc hắng giọng trở nên dai dẳng, nó có thể là dấu hiệu của một tình trạng tiềm ẩn nào đó. Chứng hắng giọng mạn tính cũng có thể làm tổn thương dây thanh quản theo thời gian.

Nếu các biện pháp khắc phục đơn giản tại nhà không giúp chấm dứt tình trạng hắng giọng, hãy nghĩ đến việc điều trị càng sớm càng tốt để xác định nguyên nhân và bắt đầu điều trị.

Nguồn: Health Line

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu