7 cách để tiêu đờm

Đờm là gì?

Đờm là dạng chất nhầy, đặc dính, bám ở phía sâu trong cổ họng khi bạn bị ốm – ít nhất đó là khi hầu hết mọi người đều chú ý đến sự hiện diện của đờm. Nhưng bạn có biết rằng mình luôn có chất nhầy này không?

Màng nhầy niêm mạc hô hấp tạo ra đờm để bảo vệ và hỗ trợ hệ hô hấp. Đây là những lớp màng bao phủ mặt trong của các cơ quan/bộ phận sau:

  • miệng
  • mũi
  • họng
  • xoang
  • phổi.

Chất nhầy này có tính dính nên có thể bắt giữ bụi bẩn, dị nguyên (chất gây dị ứng) và virus. Khi bạn khỏe mạnh, chất nhầy này thường loãng và ít thấy hơn. Khi bạn bị ốm hoặc tiếp xúc với quá nhiều thành phần ngoại lai, để bắt giữ các thành phần này, đờm có thể trở nên đặc lại, đồng thời cũng dễ nhận thấy hơn.

Đờm và sự hình thành đờm là một phần lành mạnh của hệ hô hấp, nhưng nếu nó làm bạn khó chịu, bạn có thể tìm cách làm loãng đờm hoặc ‘tống khứ’ nó ra khỏi cơ thể.

Hãy cùng tìm hiểu về một số biện pháp tự nhiên cũng như thuốc không kê đơn giúp làm loãng hoặc loại bỏ đờm, đồng thời biết được thời điểm bạn có thể cần đi thăm khám nhé.

1. Làm ẩm không khí

Giữ ẩm cho không khí xung quanh có thể giúp làm loãng chất nhầy. Có thể bạn đã từng nghe nói rằng hơi nước nóng có khả năng làm sạch đờm và giảm tình trạng tắc nghẽn trong đường hô hấp. Trên thực tế, không có nhiều bằng chứng ủng hộ quan điểm này và thậm chí cách này có thể gây bỏng. Thay vì dùng hơi nước nóng, bạn có thể sử dụng máy tạo ẩm cho không khí bằng cách phun sương mát. Hoàn toàn an toàn cho bạn khi sử dụng máy làm ẩm không khí trong suốt cả ngày, chỉ cần đảm bảo rằng bạn thay nước mỗi ngày và vệ sinh máy theo hướng dẫn trên bao bì.

2. Giữ cho cơ thể đủ nước

Việc uống đủ nước, đặc biệt là nước ấm, có thể giúp chất nhầy di chuyển và tránh bị ứ đọng, từ đó có thể làm giảm sự tắc nghẽn.

Hãy thử nhấp từng ngụm bất cứ loại nước nào từ nước trái cây cho đến nước canh hay súp gà. Các loại nước khác mà bạn cũng có thể lựa chọn bao gồm trà đã loại bỏ cafein và nước chanh ấm.

3. Tiêu thụ các thức ăn/đồ uống giúp hỗ trợ đường hô hấp

Hãy thử tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có chứa chanh, gừng và tỏi. Theo kinh nghiệm sử dụng, chúng cho thấy khả năng trong việc giúp điều trị cảm lạnh, ho và tình trạng chất nhầy tích tụ nhiều. Những loại thực phẩm cay có chứa capsaicin, chẳng hạn như ớt đỏ hoặc ớt cayenne, cũng có thể giúp làm thông xoang tạm thời và khiến chất nhầy di chuyển.

Có một số bằng chứng khoa học cho thấy các loại thực phẩm và sản phẩm bổ sung sau đây có thể ngăn ngừa hoặc điều trị các bệnh hô hấp do virus:

  • rễ cam thảo
  • nhân sâm
  • các loại quả mọng
  • bông cúc
  • quả lựu
  • trà ổi
  • kẽm.

Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa, nhưng đối với hầu hết mọi người, việc bổ sung những thành phần này vào chế độ ăn uống là an toàn và vì thế, bạn có thể thử. Nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc kê đơn nào, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung bất kỳ thành phần mới nào vào chế độ ăn uống của mình vì một số thành phần có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc.

4. Súc họng bằng nước muối

Súc học bằng nước muối ấm có thể giúp làm sạch đờm bám ở sâu trong cổ họng. Nước muối súc họng thậm chí còn có thể tiêu diệt vi trùng và làm dịu tình trạng đau họng.

Pha 1/2 đến 3/4 thìa cà phê muối trong một cốc nước. Nước ấm sẽ hiệu quả nhất vì nó làm tan muối nhanh hơn. Bạn nên sử dụng nước lọc hoặc nước đóng chai không chứa clo gây kích ứng. Nhấp một ngụm và hơi ngửa đầu ra sau. Để nước muối chảy vào vùng cổ họng và tiếp xúc với niêm mạc họng nhưng tránh nuốt xuống. Nhẹ nhàng thổi không khí từ phổi của bạn lên để súc họng, duy trì khò họng trong 30 – 60 giây, sau đó nhổ bỏ phần nước này. Nếu cần thiết có thể lặp lại việc súc họng nhiều lần.

5. Sử dụng tinh dầu khuynh diệp

Tinh dầu khuynh diệp có thể tống đẩy chất nhầy ra khỏi vùng ngực. Tinh dầu này đem lại hiệu quả nhờ giúp làm lỏng chất nhầy để bạn có thể ho/khạc ra dễ dàng hơn. Đồng thời, nếu bạn bị ho dai dẳng, tinh dầu khuynh diệp cũng có thể làm dịu cơn ho. Bạn có thể hít tinh dầu bằng cách sử dụng máy khuếch tán tinh dầu hoặc sử dụng các chế phẩm dầu bôi có chứa thành phần này.

Hãy nhớ hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng tinh dầu cho trẻ em.

6. Sử dụng các loại thuốc không kê đơn

Có một số loại thuốc không kê đơn (OTC) mà bạn có thể sử dụng. Chẳng hạn, thuốc làm thông mũi có thể làm giảm chất nhầy chảy ra từ mũi. Chất nhầy này không được xem là đờm, nhưng nó có thể gây tắc nghẽn vùng ngực. Thuốc thông mũi hoạt động theo cơ chế giảm sưng trong mũi (giảm tình trạng sung huyết mũi) và mở rộng đường thở.

Bạn có thể tìm thấy các thuốc thông mũi ở dạng:

  • viên nén hoặc viên nang
  • thuốc nước hoặc siro
  • bột có mùi hương
  • thuốc xịt thông mũi.

Bạn cũng có thể sử dụng thuốc long đờm, chẳng hạn như guaifenesin, để làm loãng chất nhầy và ngăn không cho nó tích tụ trong cổ họng hoặc ngực, từ đó dễ dàng tống đẩy đờm ra ngoài.

Ngoài ra, cũng có các chế phẩm dùng để xoa ngực có chứa dầu khuynh diệp để làm dịu cơn ho và có khả năng loại bỏ chất nhầy. Bạn có thể xoa các chế phẩm này lên vùng ngực và cổ.

7. Thuốc kê đơn

Nếu bạn mắc một số bệnh lý hoặc tình trạng nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc để điều trị nguyên nhân gốc rễ gây ra các triệu chứng mà bạn gặp phải. Có những loại thuốc cụ thể có thể làm loãng chất nhầy nếu bạn mắc bệnh lý phổi mạn tính như xơ nang (cystic fibrosis).

Nước muối ưu trương là một phương pháp điều trị bạn có thể sử dụng. Nước muối này sẽ được hít vào nhờ máy phun sương giúp khuếch tán các giọt khí dung. Nó giúp tăng lượng muối trong đường hô hấp, từ đó có tác dụng sát khuẩn và làm loãng đờm. Nước muối ưu trương có các nồng độ khác nhau và có thể được sử dụng cho người lớn và trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Phương pháp điều trị này chỉ giúp mang lại tác động tạm thời và có thể gây ra một số tác dụng phụ như ho, rát họng hoặc tức ngực.

Khi nào bạn nên đi thăm khám

Không cần phải lo lắng nếu thỉnh thoảng bạn có nhiều đờm hoặc đờm đặc. Bạn có thể nhận thấy đờm vào buổi sáng vì nó được tích tụ và khô qua đêm. Đờm sẽ loãng hơn và giảm ứ đọng vào buổi chiều. Bạn cũng có thể nhận thấy mình có đờm nhiều hơn khi bị ốm, bị dị ứng theo mùa hoặc khi bạn bị mất nước.

Nếu đờm tích tụ gây khó chịu xuất hiện thường xuyên, bạn nên đi thăm khám. Có một số tình trạng sức khỏe có thể gây ra sự tích tụ đờm, bao gồm:

  • trào ngược axit
  • dị ứng
  • hen suyễn
  • xơ nang
  • viêm phế quản mạn tính
  • các bệnh lý khác ở phổi.

Bạn cũng nên đi thăm khám nếu tình trạng khó chịu do đờm kéo dài cả tháng hoặc lâu hơn. Hãy nói cho bác sĩ biết về những triệu chứng khác mà bạn gặp phải (nếu có). chẳng hạn:

  • ho ra máu
  • đau ngực
  • khó thở
  • thở khò khè.

Tóm lại

Điều quan trọng cần nhớ là cơ thể luôn sản xuất chất nhầy. Nếu bạn nhận thấy mình có đờm, đó là điều hoàn toàn bình thường. Việc có nhiều chất nhầy tích tụ trong đường hô hấp thường là đáp ứng của cơ thể trong trường hợp bạn bị ốm. Sau khi bạn bình phục, mọi thứ sẽ trở lại bình thường.

Hãy liên hệ và hỏi ý kiến bác sĩ nếu:

  • bạn quan tâm đến lượng đờm mà mình có và không biết lượng đờm này có phải là dấu hiệu bất thường không
  • lượng đờm tăng lên đáng kể
  • có các triệu chứng khác khiến bạn lo lắng.

Nguồn: Healthline

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu