12 triệu chứng có thể cho thấy tình trạng rối loạn lo âu

Các triệu chứng của tình trạng lo âu có thể khó nhận thấy. Bài viết dưới đây sẽ gợi ý những điều bạn cần chú ý và cách để biết được liệu mình có thể mắc chứng rối loạn lo âu hay không.

Rối loạn lo âu nghĩa là gì?

Rất bình thường, thỉnh thoảng mọi người đều có thể gặp phải tình trạng lo âu – có thể bạn lo lắng, căng thẳng trước một cuộc phỏng vấn hoặc buổi hẹn hò đầu tiên…, nhưng đôi khi, nếu sự lo lắng này không giảm đi, đó có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn lo âu (anxiety disorder).

Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (NIMH/ Hoa Kỳ), có một số loại rối loạn lo âu khác nhau, bao gồm rối loạn lo âu lan tỏa, còn gọi là rối loạn lo âu tổng quát (generalized anxiety disorder – GAD), rối loạn hoảng sợ (panic disorder) và các chứng rối loạn lo âu liên quan đến ám ảnh sợ hãi (phobia–related anxiety disorder), nhưng tất cả đều xoay quanh điểm chung đáng chú ý: cảm xúc lo lắng hoặc sợ hãi lấn át quá quá mức và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của một người.

Các nhà nghiên cứu tin rằng các chứng rối loạn lo âu có thể bắt nguồn từ các yếu tố cả về di truyền và môi trường sống, và theo NIMH, tình trạng này thường được điều trị bằng nhiều biện pháp can thiệp, bao gồm liệu pháp tâm lý, thuốc hoặc kết hợp cả hai.

Các chứng rối loạn lo âu thường khó xác định và thường có được chẩn đoán chính xác từ chuyên gia về sức khỏe tâm thần, tuy nhiên có một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến ở những người mắc các chứng loại rối loạn lo âu. Dưới đây là những điều bạn cần biết về các dấu hiệu và triệu chứng này, đồng thời cả thời điểm bạn cần tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia y tế.

1. Lo lắng quá mức

Một lần nữa cần nhắc lại, việc thỉnh thoảng bạn gặp phải tình trạng lo lắng là điều bình thường – nhưng đối với những người mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa (generalized anxiety disorder – GAD), những lo lắng đó sẽ không biến mất.

Theo NIMH, những người mắc GAD cũng lo lắng về những điều điển hình như sức khỏe, tiền bạc hoặc các vấn đề của gia đình nhưng ở mức độ lớn hơn so với bình thường. Họ tiếp tục lo lắng về những điều đó ngay cả khi không có lý do rõ ràng để lo lắng. Sự lo âu này thường khó kiểm soát và khiến người mắc phải tình trạng này khó có thể tập trung vào công việc hàng ngày.

2. Các vấn đề về giấc ngủ

Người trưởng thành thường cần ngủ 7 – 9 tiếng mỗi đêm, và khi thời gian ngủ của bạn bắt đầu bị ảnh hưởng, chính là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó bất ổn.

Theo Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm Hoa Kỳ (ADAA), tình trạng căng thẳng và lo âu có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ hoặc làm cho các vấn đề khác, chẳng hạn như cảm giác buồn ngủ để bắt đầu đi ngủ, trở nên tồi tệ hơn. Vì rối loạn giấc ngủ có thể dẫn đến lo âu – hoặc ngược lại, lo âu có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ – tốt nhất bạn nên đi thăm khám để xác định nguyên nhân căn bản và biết được điều bạn có thể làm để khắc phục chúng.

3. Nỗi sợ hãi phi lý

Có tình trạng lo âu không mang tính tổng quát, ngược lại, nó gắn liền với một tình huống hoặc một sự vật cụ thể, chẳng hạn như đi máy bay, một số con vật hoặc đám đông. Nếu nỗi sợ hãi trở nên lấn át, gây xáo trộn và không tương xứng với nguy cơ thực sự của nguồn gốc nỗi sợ hãi ấy, đó là dấu hiệu cho thấy chứng ám ảnh sợ hãi (phobia) – một dạng rối loạn lo âu.

Mặc dù các chứng ám ảnh sợ hãi có thể gây ra những tổn hại nghiêm trọng, những tình trạng này không phải lúc nào cũng rõ ràng. Trên thực tế, chúng có thể không xuất hiện cho đến khi bạn đối mặt với một tình huống cụ thể và phát hiện ra bạn không có khả năng vượt qua nỗi sợ hãi. Chẳng hạn, một người sợ rắn có thể trải qua nhiều năm mà không gặp vấn đề gì, nhưng rồi đột nhiên con họ muốn đi cắm trại, và họ nhận ra rằng tình trạng sợ hãi của mình cần được điều trị.

4. Căng cơ

Hiện tượng căng cơ gần như liên tục – cho dù là siết chặt hàm, nắm chặt tay thành nắm đấm hoặc căng các cơ khắp cơ thể – thường đi kèm với chứng rối loạn lo âu. Triệu chứng này có thể dai dẳng và phổ biến đến mức những người đã sống chung với nó trong một thời gian dài có thể không nhận ra nó sau một thời gian.

Tập thể dục thường xuyên có thể giúp kiểm soát tình trạng căng cơ, nhưng sự căng cơ có thể bùng phát nếu có chấn thương hoặc sự việc không lường trước khác làm gián đoạn thói quen tập luyện của một người.

5. Tình trạng rối loạn tiêu dai dẳng

Đôi khi, sự lo âu có thể gây ra nhiều vấn đề hơn chỉ là cảm giác nôn nao trong dạ dày. Trên thực tế, theo ADAA, các vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy, khó tiêu là một số trong những phàn nàn chính liên quan đến chứng rối loạn lo âu.

Mặc dù có những cách bạn có thể thực hiện để giảm cảm giác đau của đường tiêu hóa liên quan đến lo âu, chẳng hạn như hít thở sâu, tập thể dục thường xuyên và thậm chí hàng ngày thực hiện theo các bài thiền có hướng dẫn, cách tốt nhất là tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia trị liệu chuyên về lo âu với một kế hoạch điều trị.

6. Chứng sợ đứng trước đám đông

Sợ đứng trước đám đông là một triệu chứng khác của tình trạng lo âu. Hầu hết mọi người đều cảm thấy bồn chồn, lo lắng khi phải nói chuyện trước đám đông hoặc khi ở trong hoàn cảnh thu hút sự chú ý về mình. Nhưng nếu nỗi sợ hãi này quá mạnh đến mức không có sự huấn luyện hoặc rèn luyện nào có thể làm giúp làm giảm bớt nó, hoặc nếu bạn dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ và lo lắng về nó, bạn có thể mắc một dạng rối loạn lo âu xã hội (social anxiety disorder), còn được gọi là ám ảnh sợ xã hội (social phobia).

Những người mắc chứng lo âu xã hội có xu hướng lo lắng trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần trước một sự kiện hoặc tình huống cụ thể. Và khi cố gắng để vượt qua nó, họ có xu hướng vô cùng khó chịu và có thể sẽ suy nghĩ về nó trong một thời gian dài sau đó, lo lắng về việc mình sẽ bị người khác đánh giá như thế nào.

7. Cảm thấy lúng túng, không thoải mái

Rối loạn lo âu xã hội (ám ảnh xã hội) không phải lúc nào cũng liên quan đến việc nói trước đám đông hoặc trở thành trung tâm của sự chú ý. Trong hầu hết các trường hợp, sự lo âu bị kích thích bởi các tình huống hàng ngày, chẳng hạn như trò chuyện riêng tư trong một bữa tiệc, hoặc ăn uống trước mặt một số ít người.

Trong những tình huống này, những người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội có xu hướng cảm thấy không thoải mái, lúng túng, như thể mọi ánh nhìn đều đổ dồn vào họ và họ thường bị đỏ mặt, run rẩy, buồn nôn, đổ nhiều mồ hôi hoặc nói chuyện khó khăn. Những triệu chứng này có thể gây xáo trộn đến mức chúng khiến bạn khó gặp gỡ những người mới, duy trì các mối quan hệ và phát triển trong công việc hoặc việc học hành.

8. Hoảng loạn

Các cơn hoảng loạn có thể khủng khiếp: cảm giác sợ hãi và bất lực đột ngột xuất hiện, kéo dài trong vài phút, kèm theo các triệu chứng thực thể đáng sợ như khó thở, tim đập thình thịch hoặc nhanh, cảm giác ngứa ran hoặc tê cứng tay, đổ mồ hôi, suy nhược/ chóng mặt, đau ngực, đau dạ dày và cảm thấy nóng hoặc lạnh.

Theo James Killian, một cố vấn chuyên nghiệp và là chủ sở hữu của Arcadian Counseling ở Woodbridge (Connecticut), những dấu hiệu thể chất vô cùng phổ biến này chủ yếu là do phản ứng ‘chiến đấu hoặc bỏ chạy’ (fight or flight) của cơ thể. Ông nói rằng: “Khi bạn ở trong trạng thái kích thích tột độ liên tục, não sẽ truyền lượng cortisol và adrenaline tăng lên đi khắp cơ thể, điều này tạo ra các triệu chứng thực thể này”.

Không phải ai bị cơn hoảng loạn cũng mắc chứng rối loạn lo âu, nhưng những người trải qua các cơn hoảng loạn nhiều lần có thể được chẩn đoán là mắc chứng rối loạn hoảng sợ (panic disorder). Những người bị rối loạn hoảng sợ sống trong nỗi sợ hãi về thời gian, địa điểm và lý do của cơn hoảng loạn tiếp theo có thể xảy ra, vì thế họ có xu hướng tránh những nơi đã từng xảy ra các cơn hoảng loạn trước đây.

9. Tái hiện những ký ức tồi tệ – Flashback (*)

(*) Chú thích: flashback là hiện tượng khi những kí ức, hình ảnh liên quan tới sự kiện gây sang chấn tâm lý (trong quá khứ) đột ngột ập đến, khiến một người tái trải nghiệm các phản ứng căng thẳng và sợ hãi.

Hồi tưởng lại một sự việc gây lo lắng, buồn phiền hoặc đau thương – chẳng hạn như một tình huống bạo lực, hay sự ra đi đột ngột của người thân – là một triệu chứng đặc trưng của chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (post-traumatic stress disorder – PTSD), có chung một số đặc điểm với chứng rối loạn lo âu. (Trên thực tế, cho đến rất gần đây, PTSD vẫn được xem là một dạng rối loạn lo âu hơn là một tình trạng độc lập.)

Nhưng sự tái hiện những ký ức tồi tệ cũng có thể xảy ra với các loại lo âu khác. Một số nghiên cứu, bao gồm nghiên cứu trên Tạp chí Rối loạn Lo âu, cho thấy rằng một số người mắc chứng lo âu xã hội có những hồi tưởng giống như PTSD về những trải nghiệm có vẻ không rõ ràng là đau thương, chẳng hạn như bị chế giễu công khai. Những người này thậm chí tránh những điều gợi nhắc về các trải nghiệm đó, đây cũng một triệu chứng khác của PTSD.

10. Cầu toàn

Tư duy ám ảnh – được gọi là cầu toàn – đi đôi với chứng rối loạn lo âu. Nếu bạn thường xuyên phán xét bản thân hoặc bạn có quá nhiều lo lắng về việc mắc sai lầm hoặc không đạt được tiêu chuẩn mình đề ra từ trước, thì có thể bạn đã mắc chứng rối loạn lo âu.

Cầu toàn đặc biệt phổ biến trong chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive-compulsive disorder – OCD), tình trạng giống như PTSD, từ lâu đã được xem như một chứng rối loạn lo âu. OCD có thể xảy ra một cách khó hiểu, chẳng hạn như trường hợp một người nào đó không thể ra khỏi nhà trong ba giờ đồng hồ vì lớp trang điểm của họ cần phải hoàn hảo đến từng chi tiết và vì thế người đó liên tục phải bắt đầu lại.

11. Hành vi bắt buộc (cưỡng chế)

Để được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, sự ám ảnh và suy nghĩ xâm chiếm đầu óc của một người phải đi kèm với hành vi cưỡng chế (compulsive behavior), cho dù đó là hành vi thuộc về tinh thần (liên tục tự nhủ rằng mọi chuyện sẽ ổn) hay thuộc về thể chất (rửa tay, nắn đồ vật).

Suy nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế trở thành một chứng rối loạn nặng khi nhu cầu thực thành các hành vi – còn được gọi là ‘nghi thức’ – bắt đầu chi phối cuộc sống của một người. Chẳng hạn, nếu bạn muốn radio của mình ở mức âm lượng 3, nhưng nó bị hỏng và bị kẹt ở mức 4, bạn sẽ hoàn toàn hoảng loạn cho đến khi sửa được.

12. Nghi ngờ bản thân

Thường xuyên nghi ngờ bản thân và suy đoán là đặc điểm phổ biến của chứng rối loạn lo âu, bao gồm GAD và OCD. Trong một số trường hợp, sự nghi ngờ có thể xoay quanh một câu hỏi xoay quanh đặc điểm hoặc các mối quan hệ của một người, chẳng hạn như “Tôi có yêu chồng nhiều như anh ấy yêu tôi không?”

Với OCD, những sự nghi ngờ này thường đặc biệt phổ biến với việc một câu hỏi không thể trả lời được. Do đó, những người mắc chứng OCD không chắc chắn về câu trả lời và biến câu hỏi thành một nỗi ám ảnh.

Nguồn: Health

Giới thiệu về STELLA

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức (WHO), và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu