10 lời khuyên ăn uống lành mạnh cho bệnh nhân tiểu đường

Có nhiều loại bệnh tiểu đường khác nhau và không có hai người với hai tình trạng bệnh tiểu đường nào giống hệt nhau. Chính vì thế, không có một ‘chế độ ăn dành cho bệnh tiểu đường’ nào có thể áp dụng cho tất cả những ai mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, có những lời khuyên mà bạn có thể áp dụng để giúp lựa chọn được những thực phẩm lành mạnh hơn.

Đây là những lời khuyên tổng quát, có thể giúp bạn kiểm soát đường huyết, huyết áp và mức cholesterol. Chúng cũng có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ các biến chứng tiểu đường, chẳng hạn như các vấn đề về tim, đột quỵ và các tình trạng sức khỏe khác bao gồm một số loại ung thư.

Ông Douglas Twenefour – Chuyên gia dinh dưỡng, Phó khoa Chăm sóc sức khỏe Tại Diabetes UK – cho biết: “Việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn là điều quan trọng để kiểm soát bệnh tiểu đường và giảm nguy cơ của các biến chứng tiểu đường. Chúng tôi biết rằng không phải tất cả mọi người đều có cùng quan điểm về chế độ ăn tốt nhất. Đây là lý do tại sao chúng tôi đã xem xét tất cả những bằng chứng để tổng hợp thành các lời khuyên này. Chúng tôi đã tập trung vào các loại thực phẩm cụ thể, để giúp bạn áp dụng những lời khuyên này dễ dàng hơn và bổ sung vào bất kỳ chế độ ăn nào mà bạn quyết định tuân theo”.

Ăn uống đúng cách có ý nghĩa như thế nào đối với bạn?

Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, việc tính lượng carbohydrate (carb counting) thực sự quan trọng để giữ mức đường huyết ổn định. Với việc tính toán này, bạn ước tính có bao nhiêu carbohydrate trong bữa ăn của mình và từ đó suy ra lượng insulin tương ứng bạn cần dùng.

Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và thừa cân, việc tìm cách giảm cân là rất quan trọng vì nó thực sự giúp cải thiện việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Lý do là vì việc giảm cân có thể giúp hạ đường huyết và giảm nguy cơ mắc các biến chứng khác. Có nhiều cách khác nhau để thực hiện điều này như chế độ ăn kiêng rất ít bột – đường (low–carb), chế độ ăn Địa Trung Hải (Mediterranean) hoặc chế độ ăn rất ít calo (low–calorie). Giảm cân có thể giúp bạn giảm lượng đường trong máu, và hiện nay chúng ta biết rằng giảm cân đáng kể thậm chí có thể khiến bệnh tiểu đường tuýp 2 thuyên giảm ở một số người.

Cho dù bạn mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 hay tuýp 2, và bạn cần giảm, tăng hoặc duy trì cân nặng hiện tại của mình, điều quan trọng là bạn phải lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn trong trong quá trình kiểm soát bệnh

Kích thước khẩu phần ăn cần được tính toán phù hợp với loại tiểu đường bạn đang mắc phải. Khẩu phần giúp tính toán thông tin dinh dưỡng, từ đó giúp bạn tính lượng carbohydrate hoặc quản lý cân nặng của mình dễ dàng hơn rất nhiều. Hãy nhớ rằng kích thước khẩu phần là khác nhau đối với mỗi người, vì vậy những gì phù hợp với người khác có thể không phù hợp với bạn.

10 cách ăn uống hữu ích cho bệnh tiểu đường

1.Chọn lựa carbohydrate lành mạnh hơn

Tất cả các loại carbohydrate đều ảnh hưởng đến đường huyết, vì vậy điều quan trọng là phải biết loại thực phẩm nào chứa carbohydrate. Lựa chọn các loại thực phẩm chứa carbohydrate lành mạnh hơn và lưu ý về kích thước khẩu phần của bạn.

Đây là một số nguồn cung cấp carbohydrate lành mạnh:

  • ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, kiều mạch và yến mạch nguyên hạt
  • trái cây
  • rau củ
  • các loại đậu hạt
  • sữa và sữa chua không đường.

Đồng thời, điều quan trọng là phải cắt giảm các loại thực phẩm ít chất xơ như bánh mì trắng, gạo trắng và ngũ cốc đã qua chế biến kỹ. Nếu chưa chắc chắn, bạn có thể kiểm tra nhãn thực phẩm khi tìm thực phẩm giàu chất xơ.

2. Ăn ít muối

Ăn nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ. Và khi bạn mắc bệnh tiểu đường, bạn vốn dĩ đã có nhiều nguy cơ mắc tất cả các tình trạng này.

Cố gắng hạn chế ăn muối, tối đa chỉ 6g (một thìa cà phê) muối mỗi ngày. Rất nhiều thực phẩm đóng gói sẵn đã chứa nhiều muối, vì vậy hãy nhớ kiểm tra nhãn thực phẩm và chọn loại có ít muối hơn. Tự nấu ăn từ những nguyên liệu ban đầu (không phải được chế biến sẵn) sẽ giúp bạn theo dõi lượng muối bạn đang ăn. Bạn cũng có thể sáng tạo và thay muối bằng các loại thảo mộc và các gia vị khác nhau để tăng thêm hương vị cho món ăn.

3.Ăn ít thịt đỏ và thịt đã qua chế biến

Nếu bạn đang cắt giảm lượng carb, bạn có thể bắt đầu ăn những khẩu phần thịt lớn hơn để khiến bạn no lâu hơn. Nhưng bạn không nên ăn nhiều thịt đỏ và thịt đã qua chế biến, như giăm-bông, thịt xông khói, xúc xích, thịt bò và thịt cừu. Tất cả những loại thịt này đều có mối liên hệ với các vấn đề về tim và ung thư.

Hãy thử thay thịt đỏ và thịt đã qua chế biến bằng những thực phẩm sau:

  • các loại đậu hạt
  • trứng
  • thịt gia cầm (gà, gà tây)
  • các loại quả hạch không tẩm muối.

Các loại đậu hạt cũng rất giàu chất xơ và không ảnh hưởng quá nhiều đến lượng đường huyết của bạn, Chính vì vậy, chúng trở thành sự thay thế tuyệt vời cho thịt đỏ và thịt đã qua chế biến, đồng thời giúp bạn cảm thấy no lâu. Hầu hết chúng ta đều biết rằng cá rất tốt cho cơ thể, nhưng cá béo như cá hồi và cá thu thậm chí còn tốt hơn. Chúng rất giàu omega–3, thành phần giúp bảo vệ trái tim của bạn. Hãy đặt mục tiêu ăn hai khẩu phần cá nhiều béo một tuần nhé!

4.Ăn nhiều trái cây và rau củ

Ăn nhiều trái cây và rau củ tốt cho sức khỏe của bạn. Ăn nhiều hơn trái cây và rau củ vào bữa chính cũng như lựa chọn chúng như những món ăn nhẹ khi cảm thấy đói là điều luôn được khuyến khích. Trái cây và rau củ có thể giúp bạn có thêm vitamin, khoáng chất và chất xơ mà cơ thể cần mỗi ngày để khỏe mạnh.

Bạn có thể có những thắc mắc về trái cây và liệu bạn có nên tránh trái cây vì chúng có đường không? Câu trả lời là không. Trái cây nguyên chất tốt cho tất cả mọi người và nếu bạn bị tiểu đường, không có gì khác biệt. Trái cây có chứa đường, nhưng đó là đường tự nhiên, khác với đường bổ sung (còn được gọi là đường tự do) có trong những thực phẩm như sô-cô-la, bánh quy và bánh ngọt.

Các sản phẩm như nước ép trái cây cũng được tính là đường bổ sung, vì vậy hãy ăn trái cây nguyên chất. Đó có thể là dạng tươi, đông lạnh, sấy khô hoặc đóng hộp (trong nước trái cây, không phải trong siro). Và tốt nhất là bạn nên ăn trái cây nhiều lần trong ngày thay vì cả khẩu phần lớn trong một lần.

5.Chọn chất béo lành mạnh hơn

Tất cả chúng ta đều cần chất béo trong chế độ ăn của mình vì nó cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nhưng các loại chất béo khác nhau ảnh hưởng đến sức khỏe theo những cách khác nhau.

Chất béo lành mạnh hơn có trong các loại thực phẩm như quả hạch không tẩm muối, các loại hạt, quả bơ, cá béo, dầu ô liu, dầu hạt cải và dầu hướng dương. Một số chất béo bão hòa có thể làm tăng lượng cholesterol trong máu, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Các chất béo bão hòa chủ yếu được tìm thấy trong các sản phẩm từ động vật và thức ăn chế biến sẵn như:

  • thịt đỏ và thịt đã qua chế biến
  • bơ sữa, bơ ghee
  • mỡ lợn
  • bánh quy, bánh ngọt.

Nhìn chung, bạn vẫn nên cắt giảm việc sử dụng các loại dầu, vì vậy hãy thử chế biến thực phẩm với cách nướng hoặc hấp thay vì chiên, xào nhé

6.Cắt giảm lượng đường bổ sung

Chúng ta biết rằng việc cắt giảm đường có thể thực sự khó khăn lúc đầu. Vì vậy, khi bạn đang cố gắng cắt giảm lượng đường dư thừa, hãy bắt đầu bằng việc thay đổi với lượng nhỏ. Thay đồ uống có đường, nước tăng lực và nước ép trái cây bằng nước lọc, sữa nguyên chất hoặc trà và cà phê không đường có thể là một khởi đầu tốt.

Bạn có thể thử các chất làm ngọt ít calo hoặc không chứa calo (còn được gọi là chất làm ngọt nhân tạo) để giúp bạn cắt giảm lượng đường. Cắt bỏ những loại đường bổ sung có thể giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu và giúp giảm cân. Nếu việc điều trị bệnh tiểu đường của bạn khiến bạn bị hạ đường huyết và bạn phải sử dụng đồ uống có đường để điều trị tình trạng hạ đường huyết này, thì bạn vẫn nên tiếp tục kiểm soát bệnh theo cách như thế, không nên cắt bỏ đường. Tuy nhiên, nếu thường xuyên bị hạ đường huyết, bạn cần tham vấn ý kiến của bác sĩ.

7.Hãy sáng suốt lựa chọn đồ ăn nhẹ

Nếu bạn muốn ăn nhẹ (bữa ăn nhẹ, phụ, giữa các bữa ăn chính), hãy chọn sữa chua, các loại quả hạch không tẩm muối, các loại hạt, trái cây và rau củ thay vì khoai tây lát chiên giòn, khoai tây chiên, bánh quy và sô-cô-la. Tuy nhiên bạn vẫn cần lưu ý khẩu phần ăn để kiểm soát cân nặng của mình nhé.

8.Hạn chế rượu bia

Rượu bia chứa nhiều calo, vì vậy nếu bạn đang cố gắng giảm cân, hãy nghĩ đến việc giảm bớt lượng rượu bia bạn uống vào. Cố gắng chỉ uống tối đa 14 đơn vị một tuần, nhưng không uống cùng một lúc, và thực hiện việc không uống rượu bia vài ngày trong tuần.

Nếu bạn dùng insulin hoặc các loại thuốc điều trị tiểu đường khác, bạn cũng không nên uống rượu bia lúc bụng đói. Lý do là vì rượu bia có thể làm tăng khả năng hạ đường huyết.

9.Đừng bận tâm đến cái gọi là ‘thực phẩm dành cho người tiểu đường’

Hiện nay, nói một số thực phẩm là ‘thực phẩm dành cho người tiểu đường’ là không hợp lý. Điều này là do không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy những thực phẩm như thế mang lại lợi ích đặc biệt cho người mắc bệnh tiểu đường so với việc ăn uống lành mạnh. Chúng có thể chứa lượng chất béo và calo như các sản phẩm tương tự, và vẫn có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết của bạn. Những thực phẩm này đôi khi cũng có thể có tác dụng nhuận tràng.

10.Bổ sung khoáng chất và vitamin từ thực phẩm

Không có bằng chứng nào cho thấy các sản phẩm bổ sung khoáng chất và vitamin giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường. Vì vậy, trừ khi bạn được bác sĩ yêu cầu sử dụng sản phẩm nào đó chẳng hạn như axit folic cho thai kỳ, bạn không cần phải sử dụng thêm các sản phẩm bổ sung.

Tốt hơn là bạn nên ăn kết hợp đa dạng các loại thực phẩm khác nhau để có được các chất dinh dưỡng thiết yếu. Một số sản phẩm bổ sung có thể ảnh hưởng đến các thuốc mà bạn đang sử dụng hoặc làm cho một số biến chứng tiểu đường, chẳng hạn như bệnh thận, trở nên xấu hơn.

Đừng quên vận động

Cùng với việc ăn uống lành mạnh hơn, hãy hoạt động thể chất nhiều hơn. Điều này có thể giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường và cũng giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch. Lý do là vì hoạt động thể chất làm tăng lượng glucose được sử dụng bởi cơ bắp và giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn.

Cố gắng dành ít nhất 150 phút mỗi tuần cho các hoạt động cường độ vừa phải. Đó là bất kỳ hoạt động nào làm tăng nhịp tim, khiến bạn thở nhanh hơn và cảm thấy ấm lên. Bạn không cần phải vận động cả 150 phút trong một lần. Chia nhỏ thời gian thành những khoảng 10 phút và tập trong suốt tuần hoặc 30 phút mỗi lần và tập 5 lần một tuần.

Nguồn: DIABETES UK

Giới thiệu về STELLA

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức (WHO), và cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:
Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương
T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E: info@stellapharm.com | W: www.stellapharm.com

You May like

21 11/2022

Việc tập thể dục vào cuối ngày có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát đường huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ béo phì toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1975. Mối liên hệ giữa béo phì và kháng insulin mang tính chất hai chiều. Tình trạng kháng insulin thường phát triển do nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì và điều này có

14 11/2022

Làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu một cách tự nhiên?

Tiểu cầu là các tế bào máu đóng vai trò quan trọng vai trò trong quá trình đông máu – giúp máu đông cũng như cần thiết để duy trì tình trạng đông máu này. Tuy nhiên, một số người gặp phải tình trạng giảm tiểu cầu (thrombocytopenia) – tức là có lượng tiểu cầu